
Vào ngày 16/4 vừa qua, một tin tức khiến cộng đồng rúng động khi một em nữ sinh 17 tuổi, học trường chuyên Đại học Vinh (Nghệ An), đã thắt cổ tự tử tại phòng riêng. Trước khi chết, em lựa thời điểm lúc ba mẹ em vắng nhà để tìm mua một sợi dây thừng, ôm hôn hai đứa em nhỏ và bỏ lên phòng riêng, khóa trái cửa rồi tự vẫn. Gia đình và người thân của em khi biết chuyện đã hết sức bàng hoàng, không ai ngờ rằng một cô bé xinh xắn, học giỏi nhất nhì lớp với tương lai xán lạn, mới vừa đón sinh nhật trong tháng 3 vừa rồi lại có thể nghĩ quẩn như vậy.
Nguyên nhân dẫn tới cái chết của em đến từ việc em bị bạo lực học đường suốt một thời gian dài, trong lớp em bị bạn bè cô lập và từng bị đánh, bị ngược đãi và gây áp lực tâm lý. Ở quãng thời gian trước khi lựa chọn cái chết, bản thân em đã từng nhiều lần nhắn tin tâm sự với mẹ chuyện em muốn nghỉ học: “Học răng nổi. Con rành buồn ạ”, kèm theo bức ảnh em tự chụp mình đang khóc gửi mẹ. Bản thân mẹ em không hề thờ ơ mà đã lắng nghe con, từng phản ánh với giáo viên chủ nhiệm và hai lần đề đạt lên hiệu trưởng nguyện vọng cho em chuyển lớp, nhưng kết cục vẫn không thay đổi được gì, em vẫn rơi vào bế tắc đến cùng cực.
Điều khiến mình bất ngờ ở câu chuyện thương tâm này nằm ở hai yếu tố: Một là nó xảy ra ở môi trường cấp ba – nơi theo cá nhân mình thấy là tình trạng bạo lực học đường ít diễn ra hơn môi trường cấp hai, vì áp lực học hành lúc này rất nặng nề và học sinh phải lo học chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Bên cạnh đó, lứa tuổi cấp ba cũng là lúc các em học sinh có sự trưởng thành nhất định về mặt nhận thức và cách hành xử, khác với lứa tuổi bồng bột trẻ trâu hồi cấp hai khi mới dậy thì. Và hai là nó xảy ra ở trường chuyên – một môi trường thường lành hơn so với các trường công bình thường, vì đầu vào tuyển chọn rất gay gắt và sự cạnh tranh giữa các em học sinh với nhau có chăng là về chuyện học hành và điểm số chứ không phải theo kiểu bắt nạt chèn ép nhau làm vui.
Bởi vì là một trường hợp khá lạ như vậy nên mình đặc biệt quan tâm tới trường hợp của em nữ sinh này hơn. Và càng tìm hiểu về câu chuyện của em, mình lại càng thấy nhiều vấn đề đang tồn tại trong xã hội của chúng ta ngày nay.

Sự bất lực của người lớn
Ở thời điểm gần đây, em Ng. bị một nhóm học sinh trong lớp hăm dọa sẽ chặn đường để đánh em. Quá hoảng sợ, em gọi điện nhờ mẹ đến tận trường đón nên mới thoát được một trận đòn. Sau vụ việc này, mẹ em mới gọi điện phản ánh trực tiếp lên giáo viên chủ nhiệm. Ban đầu, cô chủ nhiệm tách em Ng. ra ngồi ở chỗ khác trong lớp, nhưng đến tiết của mình thì cô lại bắt em quay trở lại ngồi chung với nhóm cô lập em. Có lẽ cô nghĩ rằng dưới tầm mắt kiểm soát của cô, bọn trẻ sẽ chẳng dám làm gì quá trớn và cô xem cách thức như vậy là một sự hòa giải để hai bên trở nên gần gũi với nhau hơn.
Mẹ em cũng từng hai lần lên gặp hiệu trưởng để xin chuyển lớp cho em nhưng một lần không gặp được, mẹ em nhờ giáo viên quốc phòng chuyển lời, một lần khác gặp được thì hiệu trưởng bảo rằng do em là học sinh hệ chất lượng cao nên trường không thể cho em chuyển lớp được. Trước đó, bản thân em Ng. cũng từng một mình lên gặp hiệu trưởng xin chuyển lớp nhưng em không nói rõ lý do nên cũng không được nhà trường hỗ trợ. Hiệu trưởng cho biết do nhà trường đang thực hiện chương trình THPT mới nhất với nhiều phân nhánh khác nhau, trong chương trình mới thì môn học của mỗi lớp cũng khác nhau. Chưa kể hệ chất lượng cao có sự phân hóa giữa các lớp, em Ng. đang học lớp N3 nếu muốn chuyển lên N1 hay N2 thì phải chứng minh bằng kết quả học tập của mình.
Công bằng mà nói trong câu chuyện này, mình thấy rằng ở cả ba phía – mẹ em, giáo viên chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng – đều có những nỗ lực nhất định để giúp em giải quyết vấn đề khó khăn của mình, nhưng nỗ lực đó không tạo ra một kết thúc có hậu vì họ còn xem nhẹ vấn đề. Giá như mẹ em có thể quyết liệt hơn trong việc bảo vệ con gái mình khỏi những đứa bạn bạo lực bằng việc cho em chuyển hẳn sang trường khác – nếu như nhà trường không chấp thuận cho em chuyển lớp. Giá như cô giáo chủ nhiệm của em cương quyết tách em ra khỏi nhóm bạn bắt nạt kia và có biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn, có lẽ em sẽ bớt áp lực phần nào – dù cho cách làm này có khi chỉ khiến nhóm bạn ấy căm ghét và muốn trả thù em nhiều hơn. Giá như thầy hiệu trưởng linh động hơn trong việc xét duyệt cho em chuyển lớp và đủ nhạy cảm để nhận ra vấn đề tâm lý ở em thì mọi chuyện có thể đã khác.
Nhiều người trách cứ giáo viên chủ nhiệm hay hiệu trưởng không làm tròn trách nhiệm, không sâu sát vấn đề của học sinh. Nhưng nhìn sâu nhìn xa hơn vào khía cạnh xã hội, sự cồng kềnh rối rắm của hệ thống giáo dục hiện tại tạo ra một cơ chế ở trên quy định ra sao thì ở dưới phải làm theo như vậy, không có chỗ cho sự linh hoạt và hướng tới tinh thần giáo dục nhân văn hay khai phóng. Tất cả đều xoay quanh vấn đề điểm số và thành tích. Hiệu trưởng và giáo viên gồng gánh không biết bao nhiêu trách nhiệm trên vai và mải chạy theo thành tích nên không có thời gian để rảnh rỗi quan tâm tới những khía cạnh khác trong đời sống học sinh. Và bản thân những phụ huynh cũng có tâm lý rất tự hào khi con mình học trường chuyên lớp chọn, chẳng ai lại muốn chuyển con mình từ trường chuyên xuống học một trường công bình thường cả. Khi người ta sống mà cứ mải chạy theo cơ chế hay ánh nhìn của xã hội, người ta không thể nào sống chậm lại để cận nhân tâm được.

Thái độ xem nhẹ bệnh tâm lý
Gần đây mình có đọc được một nhận định của một influencer cũng khá nổi tiếng về mảng điện ảnh nói rằng những người ở thế hệ 8x trở về sau, họ không trải qua chiến tranh và đói khổ như thế hệ ông bà cha mẹ của họ, vậy mắc gì rảnh quá hóa trầm cảm? Với mình, nhận định của bạn này hết sức chủ quan và phiến diện khi cho rằng thời đại chúng ta đang sống sướng hơn thời đại của ông bà cha mẹ ta nhiều nên các thể loại bệnh tâm lý như trầm cảm là một sự kiểu cách bày vẽ của khoa học hiện đại.
Trong quá khứ, hẳn là bạn đã từng nghe chuyện một người thân hay một người quen biết nào đó trong xóm cũng từng thắt cổ, nhảy cầu hay uống thuốc trừ sâu tự tử. Từ trước đến nay, vốn dĩ chẳng thiếu gì người mắc bệnh tâm lý hay chất chứa những nỗi đau trong lòng, chỉ là trước đây lĩnh vực tâm lý học chưa phát triển và truyền thông đại chúng chưa phổ quát khắp mọi nhà như thời cách mạng Internet, thành ra người ta mới không định danh được cho những triệu chứng hay căn bệnh họ gặp phải mà thôi. Dù ở bất cứ thời nào, con người ta cũng đều trải qua những điều khó khăn khổ sở trong đời sống, và ở mỗi thời đại người ta phải đối mặt với những vấn đề khó khăn khác nhau – không phải cứ hòa bình hay thừa ăn dư mặc thì đã sung sướng hơn.
Ở Việt Nam hiện nay, bệnh tâm lý vẫn là một vấn đề bị coi nhẹ, dù cho Việt Nam là xứ sở “thiên đường” của những căn bệnh tâm lý – nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều khía cạnh độc hại của gia đình và xã hội. Nhưng ít khi chúng ta dám thẳng thắn đối diện và thừa nhận rằng mình có bệnh tâm lý. Chúng ta có thể sẵn sàng bỏ ra hàng chục tới hàng trăm triệu đi chữa bệnh ung thư hay một căn bệnh nan y nào đó, nhưng không ai dám bỏ tiền chi trả cho một lộ trình điều trị tâm lý với nhà tâm lý trị liệu. Trong khi mô hình này rất phát triển ở phương Tây, ta lại rất hiếm khi thấy các phòng tham vấn tâm lý ở trường học, công sở hay các dịch vụ tư nhân như là các phòng khám tư.
Và chính vì thái độ xem nhẹ bệnh tâm lý nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng, chúng ta chưa trang bị cho mình đủ kiến thức để phòng bệnh và chữa bệnh, cũng như để nhận ra bản thân mình hay con em mình đang không khỏe về mặt tâm lý mà có biện pháp đồng hành và giúp đỡ họ. Cái chết của em Ng. cũng chỉ là hệ quả đến từ thái độ chung của cả xã hội. Nếu như có ai đó quan tâm tới em, lắng nghe em tâm sự và giãi bày nhiều hơn, cũng như tìm hiểu nguyện vọng và mong muốn của em là gì, có thể họ sẽ kéo em ra khỏi vũng lầy mà em đang một mình vùng vẫy để đưa em đến một nơi khô ráo, sạch sẽ và tươi sáng hơn.

Tầm quan trọng của nội lực
Bản thân mình là người từng trải qua chuyện bạo lực học đường suốt 4 năm cấp hai với nhiều hình thức bắt nạt về lời nói, chọc ghẹo, bị đánh và bị bắt ép phải làm những điều mình không muốn làm. Mỗi khi nhìn lại quãng thời gian đó, việc đi học với mình như là địa ngục trần gian, và mỗi ngày đi học mình đều cầu nguyện ông Trời hãy giúp mình thoát ra khỏi cảnh khổ ải đày đọa đó. Mức độ bạo lực học đường mà những nạn nhân trải qua mỗi người sẽ mỗi khác, có người nhẹ cũng có người nặng, nhưng dư chấn mà nó để lại có thể ám ảnh họ cho tới tận lúc trưởng thành.
Muốn biết bạo lực học đường có thể biến người ta trở thành con người như thể nào, bạn có thể tìm xem bộ phim Glory (Vinh quang trong thù hận) do nữ diễn viên Song Hye Kyo thủ vai. Có những người như nữ chính Moon Dong Eun dành cả đời để đi trả thù những kẻ đã làm tổn thương mình. Nhưng đối với những kẻ bắt nạt, điều ghê sợ nhất là họ không thấy hối hận gì về hành vi của họ hay không xem những chuyện họ làm là quá đáng. Như trên TikTok gần đây cũng có một số nguồn tin không chính thống chụp lại màn hình story của một bạn trong lớp của Ng. và được cho là kẻ cầm đầu nhóm bắt nạt em Ng. Đọc những gì em ấy viết mà mình thấy dửng dưng tới ớn lạnh:
“Có những người tự cho mình là người lớn lại đi so đo với trẻ con. Chẳng lẽ trước đây lúc bằng tuổi này không mắc lỗi ư?”
“Nó tự thắt cổ chứ tao có thắt cổ nó deo đâu mà lỗi do t. Dở à =))”
Có những thời khắc trong đời, bản thân mình cũng từng ao ước rằng nếu ngày ấy mình có được nội lực mạnh mẽ như hiện tại – được trui rèn và tích lũy qua cả một quá trình mài giũa va vấp trong đời – có lẽ mình sẽ biết cách tự vùng dậy để bảo vệ bản thân, để nói không và đáp trả lại với những kẻ bắt nạt mình, hay làm lớn mọi chuyện lên để dạy cho chúng một bài học nhớ đời. Nếu ngày ấy mình đủ mạnh mẽ như bây giờ thì có lẽ mình đã không phải chịu những tổn thương trong suốt một thời gian dài và dư âm cho tới hiện tại. Và mình tin rằng nếu như những bậc cha mẹ biết đầu tư vào việc giáo dục cho con em mình về kỹ năng sống cũng như tạo môi trường giúp con kiến tạo nội lực từ sớm thì các em sẽ có một tấm khiên mạnh mẽ để tự bảo vệ mình trước cả thế giới.

Gốc rễ của bạo lực học đường
Trong sự việc thương tâm của em Ng., có những người nhận định rằng bạo lực học đường chỉ là bề nổi của vấn đề, còn bản chất sự việc ở bề sâu là bệnh tâm lý và thái độ xem nhẹ bệnh tâm lý nên mới dẫn tới cái chết của em. Cá nhân mình không đồng tình với quan điểm này, nói như vậy là chúng ta đang bất nhẫn với nạn nhân và gia đình của nạn nhân, theo kiểu: Ừ thì mày có bệnh tâm lý mà không biết cách chữa bệnh và phòng bệnh, ừ thì gia đình mày xem nhẹ vấn đề của mày nên mày mới chết. Vậy hóa ra nạn nhân và gia đình mới là người có lỗi nặng, còn những kẻ bắt nạt em ấy thì lỗi nhẹ hơn?
Từng là nạn nhân của bạo lực học đường, bản thân mình có thời gian rất ác cảm với những kẻ bắt nạt người khác và có thái độ lên án gay gắt đối với họ. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực tâm lý, mình dần có sự chuyển hóa và chuyển sang thương họ hơn là ghét. Vì sao lại như vậy? Trong phân tâm học, có một cơ chế phòng vệ gọi là chuyển di (displacement), khi một người chuyển những xung năng khó chịu/gây hấn của mình sang cho người khác. Nói cho dễ hiểu là “giận cá chém thớt”. Ví dụ, một người bị sếp mắng té tát khi đi làm nhưng ngoài mặt vẫn phải tỏ ra thân thiện thảo mai với sếp. Đến khi về nhà, anh ta đem những bực bội khó chịu mà mình nhận lãnh từ sếp đem trút lên vợ con. Đứa con hồn nhiên ngây thơ đôi khi chỉ hỏi ba nó một chuyện đơn giản nhưng anh ta lại cáu lên và quát con: “Sao mày ngu quá vậy? Có nhiêu đó mà cũng đi hỏi, bộ mày không biết tự tìm hiểu à?”.
Dù cho ở tầng lớp trí thức hay lao động bình dân, có rất nhiều bậc cha mẹ không tỉnh thức và không am hiểu tâm lý nên thường dạy dỗ con bằng đòn roi và lời chửi mắng. Không giống như các nước ở phương Tây, Việt Nam không có những lớp học đại trà để dạy cho phụ huynh cách làm cha mẹ nên bản thân họ cũng không biết dạy con sao cho đúng. Mỗi phụ huynh lại mang trong mình những xung năng khó chịu/gây hấn từ gia đình lớn hơn của họ (ông bà hay người thân họ hàng) và từ môi trường làm việc, để rồi họ trút hết tất cả lên đứa con hồn nhiên vô tội. Đâu có đứa trẻ nào muốn trở thành một đứa trẻ hư để cha mẹ ghét bỏ và mắng mỏ, đánh đập mình; đứa trẻ nào cũng muốn được yêu thương và nhận được sự quan tâm của cha mẹ. Khi một đứa trẻ liên tục nhận những xung năng tiêu cực từ cha mẹ mình, nó sẽ có nhu cầu giải tỏa những xung năng ấy lên người khác – và lúc này bạn bè (hay thú cưng trong nhà), nhất là những đứa yếu thế hơn trong lớp, sẽ trở thành đối tượng để chúng trút giận.

Nói cách khác, bạo lực học đường chỉ là bề nổi của hành vi, còn bản chất bề sâu là những kẻ bắt nạt cũng có những vấn đề tâm lý đang gióng lên những hồi chuông thống thiết không kém những đứa trẻ bị bắt nạt. Ở lứa tuổi dậy thì, cùng với sự thay đổi hormone trong cơ thể dẫn tới tâm tính cũng sáng nắng chiều mưa, những xung năng ấy lại càng có dịp được bộc phát mãnh liệt hơn. Suy cho cùng, tất cả những hành vi bắt nạt, chê bai, mỉa mai hay đánh đập người yếu thế của kẻ bắt nạt cũng chỉ là một phương cách chúng vô thức lựa chọn hành xử để giải tỏa những ẩn ức về mặt tâm lý.
Sau cùng, khi chúng ta đã biết hết tất cả những nguyên nhân bề nổi và bề chìm dẫn tới tình trạng bạo lực học đường và những cái chết đau lòng ở độ tuổi thanh xuân, rồi giờ thì sao? Gốc rễ của bạo lực học đường nằm trong chính mỗi gia đình – hạt nhân của xã hội – và chuyện giáo dục nhận thức cho phụ huynh là vấn đề ở tầm vĩ mô cấp xã hội và cấp quốc gia, chứ không phải chuyện một cá nhân nhỏ bé có thể làm được. Bạn hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh tươi sáng hơn, nếu em Ng. được học trong một lớp học nơi bạn bè đều yêu quý lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt của nhau, các em đối xử với nhau bằng tinh thần nhân văn và sự tử tế, thì có khe hở nào cho mầm mống của bạo lực học đường nảy sinh không?
Viễn cảnh ấy ở xã hội của chúng ta sẽ còn xa lắm và khó mà lạc quan cho được. Rõ ràng là chúng ta không thể nào thay đổi được cả thế giới, chúng ta chỉ có thể thay đổi chính mình. Mong rằng những bạn nào hữu duyên đọc được bài này, bạn hãy là một bậc cha mẹ tỉnh thức và tâm lý với con cái mình hơn, cũng như giúp con kiến tạo được một nội lực mạnh mẽ để con tự bảo vệ mình trước những bão giông trong cuộc đời.