Ảnh: kasperskydaily

Có một “truyền thuyết” được giang hồ đồn trên mạng từ cách đây rất lâu, cũng phải hơn chục năm trước, rằng bạn nên sử dụng một miếng giấy hay băng dính để che camera laptop hay máy tính để bàn (PC) thường trực nếu không có nhu cầu sử dụng. Tin đồn này liệu có đúng và có nhất thiết phải làm theo hay không?

Lần đầu tiên mình được nghe chuyện này là thời kỳ còn xài nền tảng blog Opera, khi đó Opera có một cộng đồng blogger khá mạnh kể từ khi Yahoo Blog và Yahoo 360 thoái trào. Trên cộng đồng Opera có khá nhiều blogger là người Việt sinh sống ở Mỹ, có cơ hội được tiếp cận về công nghệ thông tin và vấn nạn tin tặc sớm hơn người trong nước rất nhiều. Có một chú trên đó từng cảnh báo với mình về chuyện này với lời dặn dò hết sức nghiêm trọng, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, đến nay hầu như ai sử dụng máy tính cũng từng nghe qua “truyền thuyết” này. Nhưng thực tế, không phải ai cũng tin và làm theo.

Nguy cơ bị hack webcam

Một khi máy tính bạn bị hack do tải file hay phần mềm có chứa virus/mã độc, hacker có thể âm thầm cài phần mềm độc lại trên máy tính của bạn và chiếm quyền kiểm soát từ xa, trong đó có webcam. Trong hệ thống máy tính, webcam cũng là một trong những vị trí tấn công ưa thích của hacker. Hành vi kiểm soát webcam của nạn nhân được gọi là camfecting.

Thông qua camfecting, hacker có thể dễ dàng điều khiển webcam của bạn để chụp ảnh hay quay video từ xa bất cứ khi nào bạn sử dụng máy tính (hoặc trong một số trường hợp nguy hiểm hơn là cả khi bạn để máy tính ở chế độ Sleep hay tắt máy tính). Từ đó, hình ảnh cá nhân và đời sống riêng tư của bạn có thể bị xâm phạm trầm trọng, chẳng hạn như bạn sử dụng máy tính trong tình trạng khỏa thân, thay đồ trong phòng hay have s*x ở gần nơi để máy tính,…

Với những dữ liệu riêng tư này, hacker có thể sử dụng để tống tiền bạn bằng cách đe dọa sẽ gửi những hình ảnh, video riêng tư của bạn tới danh sách bạn bè, người quen của bạn qua email hay Facebook mà hacker đã đánh cắp trước đó khi hack máy tính của bạn.

Nhận diện webcam bị hack

Nếu bạn nghi ngờ máy tính của mình bị hack và hacker đang xâm nhập vào webcam của bạn từ xa, sau đây là vài thủ thuật để kiểm tra nhanh:

1. Đèn led webcam có nhấp nháy?

Thông thường khi bạn mở webcam, đèn led webcam sẽ sáng lên và luôn ở trong tình trạng đó. Nếu bạn không mở ứng dụng webcam (hoặc đang không tham gia cuộc họp nào qua Google Meets hay Zoom cần bật webcam) nhưng đèn led nhấp nháy hoặc sáng bất thường thì đó là dấu hiệu cho thấy webcam của bạn đã bị hack.

Ảnh: webcamtestonline

2. Thông báo lỗi khi mở webcam

Nếu bạn mở webcam và hệ thống thông báo webcam của bạn đang trong tình trạng bật dù bạn đang không mở bất cứ phần mềm nào sử dụng đến webcam, thì đó có thể là dấu hiệu webcam của bạn đã bị hack.

Để kiểm tra, bạn có thể mở trình quản lý tác vụ Task Manager (trên Windows) hoặc System Monitor (trên Linux/macOS) để xem ứng dụng nào đang chạy trên hệ thống. Hãy thử tắt thủ công từng ứng dụng để xem đâu là thủ phạm. Nếu phát hiện ứng dụng gây ra tình trạng webcam chạy ngầm, chọn Force quit/End task để tắt ứng dụng đó và gỡ cài đặt.

3. Webcam đang chạy ngầm

Trong một số trường hợp hack webcam tinh vi, dù đèn led webcam không sáng nhưng hacker vẫn có thể theo dõi bạn từ xa. Bạn có thể kiểm tra webcam có đang chạy hay không bằng cách mở trình quản lý tác vụ Task Manager (trên Windows) hoặc System Monitor (trên Linux/macOS) => vào tab Processes => tìm ứng dụng webcam => chọn Force quit/End task.

4. Để ý hoạt động của webcam

Trong trường hợp bạn sử dụng máy tính để bàn (PC), webcam thường là thiết bị được gắn rời chứ không tích hợp trên màn hình máy tính như laptop. Hãy để ý xem webcam có tự động phóng to, thu nhỏ hay chuyển động theo nhiều hướng khác nhau không. Nếu webcam của bạn đang thực hiện những chuyển động này dù bạn không bật, có thể hacker đang theo dõi bạn từ xa.

Làm gì để bảo mật webcam?

Đến lúc này, “truyền thuyết” giang hồ đồn kể trên không phải là không có cơ sở. Chỉ với một thao tác đơn giản là che webcam của bạn bằng miếng giấy hay băng dính, hacker dù có cao thủ tới mức hack được máy tính của bạn thì cũng không thể thò tay ra khỏi màn hình mà gỡ miếng dán đó xuống. Và dữ liệu hình ảnh cá nhân hay đời sống riêng tư của bạn sẽ được bảo mật 100%.

Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, cũng từng để lộ hình ảnh chiếc laptop với webcam và micro được dán kỹ càng của mình. Cựu giám đốc FBI James Comey luôn dán một miếng băng dính trên webcam ở máy tính cá nhân của ông, đặc biệt là khi ở nhà. Ông cho biết đó là cách đơn giản nhất để chống lại những hacker giỏi hơn mình.

Ngoài miếng dán thông thường, bạn cũng có thể mua phụ kiện che webcam bằng cách search từ khóa “webcam cover slide” trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada với mức phí rất rẻ. Bạn có thể dùng cho cả laptop, máy tính bảng lẫn điện thoại của mình.

Ảnh: Shopee

Chỉ với một thủ thuật cực kỳ đơn giản và không tốn kém, các thiết bị điện tử của bạn sẽ được tăng cường thêm một lớp bảo mật để bạn luôn an toàn trên mạng.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx