“Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart…”
H Mart là chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm châu Á, nơi tác giả Michelle Zauner – một người Mỹ lai Hàn, có ba là người Mỹ còn mẹ là người Hàn – thường ghé đến mỗi khi cô nhớ đến người mẹ đã mất của mình. Nhìn những gian hàng với các món thực phẩm quen thuộc của Hàn Quốc, cô không khỏi kiềm lòng mà bật khóc khi nhớ về những món ăn ngày xưa mẹ nấu và hồi tưởng về quãng thời gian sống cùng mẹ.
Mình biết tới cuốn sách Bật khóc ở H Mart qua người dịch là em Phương Hạ, khi thấy em chia sẻ thông tin về cuốn sách trên Facebook cá nhân. Ngay khi đọc cái tựa và giới thiệu, mình đã liên tưởng ngay tới cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung Sook, một cuốn tiểu thuyết rất cảm động mình từng đọc thời sinh viên. Bằng một cách nào đấy, những cuốn sách nói về mẹ và những món ăn mẹ nấu luôn là đề tài dễ chạm tới tận tâm cam người đọc, nhất là những đứa con sống xa nhà hay lưu lạc nơi xứ người. Mãi đến khi bước vào cuốn sách, mình mới biết hóa ra Bật khóc ở H Mart là một cuốn hồi ký về cuộc đời của chính tác giả, ca sĩ của ban nhạc indie pop Japanese Breakfast, chứ không phải một cuốn tiểu thuyết hư cấu.
Sinh ra tại Seoul và lớn lên ở Mỹ, từ nhỏ tác giả Michelle Zauner đã được mẹ mình nuôi dạy theo đúng phong cách của một bà mẹ Hàn Quốc điển hình, luôn muốn con cái mình phải trở thành phiên bản hoàn hảo nhất. Là một phụ nữ luôn quan tâm đến việc chăm sóc và bảo dưỡng nhan sắc, mẹ của tác giả suốt ngày nhắc nhở cô về việc không được nhíu mày để tránh để lại nếp nhăn, đi đứng phải thẳng thớm chứ không được gù lưng, rồi trước khi ra ngoài là phải trau chuốt bản thân cho gọn gàng sạch sẽ, không được để một sợi len rối sổ ra trên áo hay quần áo phải luôn thẳng thớm không được nhăn nheo, v.v.
Suốt thời thơ ấu, cô bé Michelle luôn phải sống trong khuôn phép do mẹ mình quy định, bởi chỉ có mẹ mới biết điều gì là tốt nhất cho cô. Nhưng đến thiếu niên và bắt đầu dậy thì, cô bé Michelle suốt ngày lẽo đẽo theo sau lưng mẹ và nghe lời mẹ răm rắp ngày nào đột nhiên trở nên nổi loạn và chống đối. Tất cả những gì mẹ cô từng cấm đoán thì cô đều lần lượt thử qua, cả chuyện xăm mình vốn là một điều cấm kị với các bà mẹ châu Á thì bây giờ cả người cô đầy những hình xăm. Những tưởng được nuôi dạy bởi một bà mẹ Hàn Quốc, cô sẽ được định hướng đi theo những công việc học thuật hay theo đuổi một sự nghiệp học hành vẻ vang. Nhưng không, ở cái tuổi nổi loạn, Michelle thường xuyên cúp học và quyết định không học lên đại học. Cô đam mê âm nhạc, xin tiền mẹ đi học guitar hay nài nỉ mẹ sắm cho cô cây đàn, rồi thành lập ban nhạc và theo đuổi một cuộc sống rày đây mai đó.
Có thể nói, tất cả những gì Michelle làm ở tuổi trưởng thành đều như một sự phản kháng và công kích lại những gì mẹ cô đã từng dạy cô thuở nhỏ. Cô đã từng so sánh mẹ mình với mẹ của người bạn thân, khi hai mẹ con họ có thể tâm sự với nhau thân thiết như hai người bạn và cùng đi du lịch với nhau, hay những gì mà ở mẹ người bạn ấy có nhưng mẹ cô không có được. Sau những mâu thuẫn cao trào đỉnh điểm, Michelle lựa chọn lập nghiệp ở một thành phố bên Bờ Đông nước Mỹ, cách rất xa nhà ba mẹ mình, chủ yếu để đi cho khuất mắt mẹ mình và để hai mẹ con đỡ phải gặp nhau. Nhưng dù mâu thuẫn hay khoảng cách giữa hai mẹ con có xa đến mấy, đều đặn mỗi tháng mẹ cô vẫn gửi những thùng đồ ăn to tướng đến nhà Michelle – nào là món sườn bò được ướp sẵn, kim chi, rồi cả những món ăn kèm.
Cuộc đời của Michelle đã hoàn toàn thay đổi và rẽ hướng vào cái ngày cô nghe tin mẹ mình bị ung thư dạ dày giai đoạn bốn. Mọi dự định và kế hoạch lưu diễn của ban nhạc phải gác lại, cô trở về phụ cha chăm sóc mẹ và ngưng hết mọi công việc cá nhân. Sau hai đợt hóa trị, sức khỏe của mẹ cô ngày càng tuột dốc không phanh, những mảng tóc trên đầu bắt đầu rụng xuống, người mẹ gầy gò chỉ còn da bọc xương, làn da tái xanh và phần lưỡi bị lở loét, cả ngày mẹ cô chỉ nằm một chỗ và không thiết tha ăn uống gì. Trong thời gian mẹ của Michelle nằm liệt giường, những người quen của bà lần lượt xuất hiện và phụ hai cha con cô trong việc chăm sóc bà.
Quãng thời gian Michelle đồng hành cùng mẹ trong những ngày tháng cuối đời của bà cũng là lúc cô kết nối lại với mẹ qua những hồi ức tuổi thơ, qua những món ăn ngày xưa mẹ nấu mà giờ đây cô phải loay hoay học cách nấu lại cho mẹ ăn. Ở tuổi nổi loạn, Michelle đã từng chỉ trích mẹ mình rằng tại sao bà không như những người mẹ khác của bạn bè mình, tại sao bà không tìm kiếm một việc gì đó để làm hay theo đuổi một khóa học gì đó, tại sao bà chỉ cứ quanh quẩn ở nhà và lo những công việc nội trợ. Đáp lại lời chỉ trích đó, mẹ cô nói: “Mẹ làm rất nhiều, hiểu chưa! Con không hiểu vì luôn có người làm sẵn hết cho con. Đợi đến chừng dọn ra ngoài con sẽ biết tất cả những gì mẹ làm cho con”.
Năm Michelle 25 tuổi, mẹ cô mất ở tuổi 56. Có rất nhiều thứ trước đây Michelle không đồng tình và phản đối mẹ, nhưng mãi sau này khi mẹ mất rồi, có mới đau đớn nhận ra những lời mẹ nói đều có cái lý của mẹ và tất cả đều là vì mẹ muốn tốt cho cô. Như chuyện mẹ từng bắt Michelle tham gia những lớp học tiếng Hàn từ nhỏ nhưng cô học hành rất hờ hững, chữ được chữ mất nên tới khi trưởng thành thì trình độ tiếng Hàn của cô chỉ như một đứa trẻ 3 tuổi. Hậu quả là, mỗi khi về quê nhà ở Seoul hay khi cần tâm sự với các dì, rào cản ngôn ngữ khiến cô không thể bày tỏ được nỗi lòng của mình mà chỉ có thể nhờ Google dịch ra lõm bõm.
Để vượt qua nỗi đau mất mẹ, những tháng ngày sau đó Michelle vùi mình vào học những công thức nấu ăn của Hàn Quốc theo chỉ dẫn của một vloger trên YouTube. Cô bắt đầu mua sắm dụng cụ làm bếp rồi cả vại muối kim chi, thử nghiệm tất cả các loại kim chi và nấu nhiều món khác nhau gửi tặng bạn bè hay người quen như một cách để khỏa lấp nỗi buồn từ sâu thẳm bên trong. Những món ăn Hàn Quốc là mối kết nối duy nhất của cô với mẹ mình, để nhắc nhớ cô về dòng máu Hàn đang chảy trong huyết quản. Lạ lùng thay, đến khi trưởng thành và chín muồi, cô lại để tâm hơn tới những lời mẹ dạy trước đây và biết chăm chút cho bản thân nhiều hơn – điều mà trước đây cô đã từng phản đối kịch liệt và sống một cách buông tuồng.
Tôi từng nghĩ lên men là một cách ngăn chặn cái chết. Nếu bạn để không, bắp cải sẽ dần mốc lên và phân hủy. Nó từ từ thối rữa và không còn ăn được. Nhưng khi bạn ngâm chúng trong nước muối và bảo quản đúng cách, quá trình phân rã của chúng sẽ biến đổi. Đường được phá hủy để sản sinh axit lactic, bảo vệ rau tránh khỏi hư hỏng. Carbon dioxide được giải phóng và nước muối gây axit hóa. Lá rau già đi. Màu sắc và kết cấu thay đổi. Mùi vị càng lúc càng hăng nồng. Rau củ tiếp tục tồn tại và chuyển hóa dần từ ngày này sang tháng nọ. Do đó, thật ra lên men không phải để ngăn rau củ chết đi mà là giúp chúng được tận hưởng một cuộc đời hoàn toàn mới.
Đọc Bật khóc ở H Mart, mình không khỏi xốn xang và xúc động vì những câu chữ chạm đến những tầng cảm xúc sâu xa nhất bên trong mình đến từ những cảm xúc hết sức chân thật của tác giả. Có lẽ phải đến khi mất mát, con người ta mới sớm trưởng thành và hối hận vì những lời nói hay hành động mình từng làm tổn thương tới người thân. Qua bản dịch của Phương Hạ, ngôn ngữ của cuốn sách trở nên mượt mà và mềm dịu hơn bao giờ hết, dẫn dắt người đọc đi vào dòng chảy của mạch câu chuyện và tạm quên đi những ồn ã của thế giới bên ngoài – điều mà không phải cuốn sách dịch nào bây giờ cũng làm được.
Trong sách còn có một chương đoạn thú vị kể về giai đoạn hai cha con tác giả tới du lịch Việt Nam ở Hội An, Sa Pa và Huế, trải nghiệm ẩm thực Việt và có một đoạn ký ức vừa đáng quên vừa đáng nhớ ở nơi đây, khiến cho những độc giả bản địa như mình cũng lấy làm thích thú. Một cuốn sách rất đáng đọc cho những ai còn mẹ hay cho những người đã mất đi người thân và phải sống chung với nỗi đau đó trong phần còn lại của cuộc đời.