
Một người chị họ của mình đi khám sức khỏe tổng quát vào tháng 8 năm ngoái, kết quả sức khỏe của chị vẫn bình thường. Đến tháng 11 chị cảm thấy cơ thể có gì đó không ổn nên đi khám lại thì phát hiện có u ở buồng trứng, tạm thời khối u còn nhỏ nên bác sĩ 3 tháng sau tái khám. Đến tháng 3 năm nay chị đi khám lại thì khối u to quá nên bác sĩ chỉ định mổ.
Trước khi bước lên bàn mổ, chị nhắn vui với nhóm chat mấy anh chị em trong nhà, bảo rằng chị đau đẻ hai lần, xong mổ bướu cổ, giờ thì tới mổ bụng, bệnh quá là khổ! Mới mấy tháng trước cơ thể còn bình thường, có ai ngờ được mấy tháng sau lại đổ bệnh. Hôm nay chị mổ, không được ăn uống gì mà chỉ được húp cháo loãng, nhìn cái gì cũng thấy thèm ăn. Đến khi mổ xong, mình hỏi chị hết thuốc tê thì thấy sao, chị bảo “Rất đau!”.
Không nói chi xa xôi, mới tuần trước mình cũng mới đi khám sức khỏe tổng quát theo chính sách của công ty. Hai đợt khám tổng quát trước đó của mình thì sức khỏe đều tốt, không có vấn đề gì ở tất cả các bộ phận. Đến đợt này đi khám thì lại lòi ra vụ sỏi thận (nhỏ) và cao huyết áp, trong khi chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình vẫn điều độ, vẫn tập thể dục đều đặn hằng tuần. Một chị đồng nghiệp nghe thế mới đùa, bảo mình ăn lành sống mạnh nhất phòng mà bị bệnh cũng lạ, trong khi các bạn trong phòng thì uống trà sữa mỗi ngày mà vẫn bình thường.
Nhiều người nghe mình bị sỏi thận thì lại hỏi, có phải do mình uống ít nước không rồi nhắc mình uống nước nhiều hơn, cả bác sĩ cũng dặn như thế. Vấn đề là mọi người không biết bình thường vốn dĩ mình thuộc tuýp uống nhiều nước, phải cỡ 2,5-3 lít mỗi ngày. Bình nước 25 lít ở nhà có ba người ở thì mình là người uống hết 2/3 bình rồi. Lẽ vậy nên chuyện bị sỏi thận đến từ một nguyên nhân nào đó khác chứ không phải do chuyện uống ít nước.
Khi so sánh cùng một tình huống – cả mình và chị họ đi khám sức khỏe tổng quát đều phát hiện ra bệnh mà trước đó bản thân không có, với mình thì mình xem những căn bệnh đó là bình thường vì thực tế môi trường mình sống cũng chẳng mấy an lành gì: đô thị ồn ào xe cộ đông đúc, môi trường ô nhiễm không khí, môi trường văn phòng bí bách dễ gây stress, bản chất những nguồn thực phẩm mình ăn vốn dĩ không thực sự sạch và lành.
Nhưng trường hợp của chị họ mình thì ngược lại, chị vốn sống ở một vùng quê ngoại ô cách xa thành phố ở quê mình. Môi trường xung quanh chị vẫn còn nhiều ruộng đồng cây cối, chị trồng rau ở mảnh vườn bên nhà, ăn rau tự trồng và những nông sản địa phương. Còn chuyện chị có áp lực cá nhân gì hay không thì mình không rõ, vì mình không phải là chị, nhưng chị làm chủ một cửa hàng nhỏ ở quê nên công việc cũng tương đối thoải mái.
Lẽ ra với môi trường sống sạch và lành như thế, chị sẽ ít có khả năng bị bệnh (hơn mình). Lẽ ra với nếp sống và sinh hoạt điều độ như mình, mình sẽ ít có khả năng bị bệnh (hơn các bạn đồng nghiệp). Nhưng thực tế thì bệnh tình nó vẫn xảy đến với mình và chị một cách tự nhiên, như một điều mà không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi.
Có lẽ vì phải trải qua rất nhiều cơn đau nên chị mình rất sợ bị bệnh và sợ cảnh lên bàn mổ. Bệnh với chị là khổ, là nghiệp lực phải trả. Riêng mình thì quan điểm có phần thoáng đạt hơn, bệnh tật với mình là một loại phúc lành và mình cầu mong cho bệnh tật có đến thì đến càng sớm càng tốt, nhất là khi mình còn trẻ. Vì sao lại như thế? Khi mình còn trẻ, sức đề kháng của cơ thể còn tốt hơn, ý chí vẫn còn rất mãnh liệt trong chuyện chịu đau và vượt khó khi đối phó với bệnh tật, nên bệnh có xảy đến vào thời điểm này thì thường cũng chỉ là những căn bệnh nhẹ, đau đó rồi cũng sẽ qua, bệnh rồi cũng sẽ hết.

Sự tích tụ của một căn bệnh thường không phải tự dưng mà bộc phát, mà nó là cái quả của một chuỗi nhân dài kỳ, có khi là do lối sống sai lầm của bạn, có khi là do tâm lý bạn có vấn đề (stress, suy nghĩ nhiều, đau buồn, trầm cảm,…), có khi là do môi trường khách quan (ô nhiễm, thực phẩm bẩn,…), có khi là do di truyền, cũng có khi là do nợ nần tiền kiếp. Không ai đoán định chính xác được nguồn cơn bệnh tình của một người, kể cả người đó là bác sĩ. Bác sĩ chỉ thấy được cái quả của bệnh nhân và tìm cách xử lý cái quả đó, chứ nhiều khi họ cũng chẳng hiểu được cái nhân nào lại tích tụ nên quả đó mà chỉ đưa ra dự đoán dựa trên kiến thức y học và kinh nghiệm làm nghề của họ.
Chẳng hạn trước đây mình từng có tiền sử đau dạ dày trường kỳ, đi bệnh viện siêu âm nội soi các kiểu ở một bệnh viện tư nhân lớn, bác sĩ khi xem kết quả nội soi thì hỏi mình một số câu theo barem có sẵn trong đầu (mà lần nào mình đi khám cũng đúng bộ câu hỏi đó): Em có hút thuốc không? Em có hay uống rượu bia không? Nếu không thì là do tâm lý căng thẳng. Nghe vậy mình cũng chỉ biết cười trừ, và dần dần mình học cách lắng nghe cơ thể để tự điều chỉnh lại sự cân bằng bên trong cơ thể mình.
Thử tưởng tượng cảnh nếu bây giờ bạn còn trẻ khỏe và không có bệnh tật gì cả, đó là một điều may mắn, nhưng cũng có khi những cái nhân bệnh trong người bạn chưa tới ngày trổ quả, mà cái quả đó sẽ trổ lúc bạn ở tuổi trung niên hay về già. Khi đó cơ thể bạn không còn đủ sinh lực để mà chống chọi với cơn bệnh, cơn đau bạn trải qua ở tuổi đó sẽ đau đớn hơn nhiều so với khi bạn còn trẻ. Ấy vậy nên mình mới nói bệnh tật là một loại phúc lành, nó xảy ra càng sớm thì phần đời về sau mình sẽ càng nhẹ nhàng.
Nếu bạn thử để ý và lắng nghe cơ thể sau mỗi cơn bạo bệnh, như một trận sốt nặng, một đợt ốm liệt giường, một kỳ đau dạ dày, một lần đi mổ,… thì bạn sẽ thấy được sau khi phục hồi cơ thể bạn như tái sinh lại. Vẫn là hình hài vóc dáng của bạn đó nhưng bạn như là một con người mới với một tâm thế mới. Bạn cảm thấy mọi chuyện nhẹ nhàng hơn, đau đớn nào bạn cũng trải qua rồi thì có khó khăn mà bạn không vượt qua được?
Trong cuốn sách “Dấu chân trên cát” phóng tác bởi Nguyên Phong, có đoạn nói về căn nguyên bệnh tật rất hay:
“Khoa học của sự sống chính là phương pháp biết sống thuận theo thiên nhiên, biết rung động cùng nhịp với sự tuần hoàn của thiên nhiên, và biết sống hòa hợp với các sinh vật khác trong thiên nhiên. Khi con người không biết sống thuận theo thiên nhiên, không biết rung động đồng nhịp với sự tuần hoàn của thiên nhiên, thì sẽ phát sinh ra các phản ứng không tự nhiên hay bất bình thường. Chính các phản ứng này sẽ tạo ra các sự rung động không tốt lên cơ thể, và từ đó bệnh tật phát sinh.
… bệnh tật chỉ là phản ứng của cơ thể đối với những thái độ sống hay các hành động ngược với thiên nhiên vì sống thuận theo thiên nhiên không thể có bệnh. Phản ứng của cơ thể này có thể xảy ra trên phương diện vật chất hay tinh thần, do đó mới có các bệnh thuộc về thân và bệnh thuộc về tâm”.
Hay:
“Này Sinuhe, trong thiên nhiên không có bệnh tật nào lại phát sinh ra một cách nhanh chóng bất ngờ cả đâu. Tất cả đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nào đó. Các nguyên nhân này âm thầm ảnh hưởng lên thân thể bệnh nhân mà họ không hề hay biết đó thôi. Một khi nó bột phát thì đó là giai đoạn cuối rồi.
Phần lớn con người không biết sống một cách ý thức nên họ không biết được những đổi thay âm thầm đang diễn ra trong thân thể họ. Họ chỉ cảm thấy hậu quả của bệnh tật khi nó đã ăn sâu vào thể xác chứ đâu biết gì khi nó chỉ là những rung động bất bình thường trên các thể vô hình khác.”
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Brian L. Weiss, một nhà tâm thần học cũng chia sẻ:
“Bệnh tật thường gây ra bởi người ta không thể khước từ những yêu cầu không mong muốn, vì đây là cách phải chấp nhận nhiều hơn trong việc nói không. Rồi bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài sự tàn tạ do cơ thể bạn từ chối chính bạn. Quyền lợi của bản thân là sức khỏe được dồi dào. Người ta nói rằng căng thẳng là do tâm trí bạn muốn nói không nhưng miệng bạn lại nói ừ.”

Qua những trải nghiệm lắng nghe cơ thể của bản thân mình, những phiên bệnh tật của mình thường xuyên xảy đến khi nhịp độ của cơ thể rơi vào trạng thái bất ổn trong một thời gian. Những xáo trộn bên trong cơ thể là rất vi tế, bạn cần phải chậm lại nhiều nhịp để cảm nhận. Sự vi tế này cũng giống như chuyện tay ga xe máy của bạn một ngày nào đó bỗng chạy không còn đều ga như trước, rồi sau đó đùng một phát bạn đề nó không lên ga. Sức khỏe cũng như thế, không có chuyện một ngày nào đó bạn đổ bệnh khi vừa mở mắt ngủ dậy, mà bệnh tình chỉ trổ quả khi tích tụ đủ nhân và duyên sau một thời gian dài.
Hãy cảm ơn cơ thể mình khi nó đổ bệnh, vì đó cũng là lời tiểu vũ trụ bên trong bạn đang nhắc nhở bạn cần xem lại lối sống của mình, cả về mặt thân và tâm. Đa phần bệnh do thân thì ít mà do tâm thì nhiều, nên hãy dành thời gian quán sát lại xem thời gian qua bạn có gì vướng chấp gì trong suy nghĩ mà khiến bạn phải trăn trở nhiều lần không. Dòng năng lượng trong cơ thể cũng như một dòng chảy, những vướng chấp và mắc kẹt do bạn tạo ra vì bạn phải sống không đúng với con người thật của mình sẽ tạo ra những mỏm đá gập ghềnh làm cản trở sự thông suốt của dòng chảy đó.
Bệnh tật là một loại phúc lành, bởi khi nó xảy đến, bạn biết mình đang nhận được một bài học và đang trong chu trình tiến hóa của linh hồn.
1 bình luận
Cảm ơn anh, bài viết hay quá, giúp em có thêm góc nhìn mới về bệnh tật và những vấn đề xung quanh cuộc sống của mình.