Ngày xưa cách đây độ trăm năm đến ngàn năm về trước, trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng có những người thầy giỏi, từ nghề y, nghề mộc, võ sư cho tới đạo sư v.v. Trong số đông các đệ tử đi theo học, các vị thầy giỏi này chỉ chọn một vài đệ tử thân cận để truyền thụ lại bí kíp nghề nghiệp, vốn là sở học họ đã dành cả đời để nghiên cứu và khiến họ gầy dựng nên tên tuổi (branding), mà thường vào lúc sắp tịch diệt thì họ mới trao lại. Một số vị thầy giỏi thì còn giấu nghề, không dạy cho người ngoài mà chỉ dạy cho đệ tử ruột hoặc người thân, có khi “chết đem theo” nên mới có những bí kíp bị thất truyền.
Thời xưa một người muốn học cái gì thì phải đi tìm thầy bái sư mà học, mà cầu học cũng không phải chuyện dễ dàng. Có người phải dâng một số tiền lớn xem như lễ vật cầu học, có người thì bị thử thách quỳ trước cửa 3 ngày 3 đêm thì may mắn mới được ông thầy ra chỉ điểm vài câu hoặc thương tình mà nhận. Lửa thử vàng, gian nan thử sự kiên nhẫn, đó là điều kiện căn bản để các vị thầy giỏi thử thách tâm trí học trò của mình xem căn cơ ngộ tánh tới đâu thì mới thâu nhận.

Xuyên không trở lại thế kỷ 21, ngày nay trên hành trình mưu cầu tri thức con người ta không phải vất vả bái sư như thời xưa khi mọi kiến thức đã được số hóa hết trên Internet, muốn tìm học bất cứ kiến thức nào cũng có. Bây giờ, bạn được học không chỉ với một ông thầy mà là rất nhiều ông thầy ở khắp nơi trên thế giới, không có rào cản nào về không gian và thời gian, chỉ trừ rào cản ngoại ngữ.
Vấn đề khi mới tự học
Khi bước một cẳng chân vào chuyện tự học, có 2 vấn đề lớn bạn phải đối diện:
- Có quá nhiều nguồn tài liệu trên mạng, không biết đâu mà lần, không biết đâu là nguồn uy tín để theo học?
- Có quá nhiều kiến thức muốn học và có quá nhiều lĩnh vực muốn tìm hiểu nên không biết bắt đầu từ đâu, nên học cái gì trước?
Ở vấn đề (1), nếu bạn là người có căn cơ ngộ tánh cao – tức có đủ trí tuệ và khả năng để thẩm định chất lượng nguồn tài liệu để tự học thì tất nhiên bạn sẽ không đặt ra câu hỏi này. Nếu bạn nằm ở nhóm còn lại, cảm thấy hoang mang rối nùi trong một biển tài liệu online thì giải pháp tốt nhất là nên tìm một mentor – người thuộc nhóm căn cơ ngộ tánh cao mà bạn quen biết, giỏi hoặc rất giỏi trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà bạn quan tâm, để nhờ họ tư vấn cho nên đọc cuốn sách nào, học khóa học gì hay tham khảo tài liệu ở đâu. Ít nhất họ sẽ giúp bạn thu hẹp một cái biển tài liệu vô chừng thành một cái hồ nhỏ xíu để bạn tập bơi cho đã trước khi nhảy sang cái hồ khác to hơn.
Trong giai đoạn research nguồn tài liệu, người dở hay mắc cái bịnh THAM tài liệu. Cứ thấy ebook, quyển sách, khóa học nào hay cũng tải hay mua bất chấp, trữ một nùi y như đi shopping săn đồ hạ giá. Một đặc điểm nhận diện nữa là chuyên share mấy post Facebook tổng hợp các link tự học bla bla rồi để đó ngàn năm đóng mốc không bao giờ đụng đến, hoặc có vô ngó qua vài trang rồi đi ra quên luôn. Khẩu quyết giai đoạn này cần nhớ: Tài liệu không cần nhiều, chỉ cần CHẤT. Trữ cho nhiều mà không có chọn lọc thì trữ làm gì.
Ở vấn đề (2), bạn cần xác định mục tiêu mình tự học để làm gì? Đối với mình, việc tự học là đề lấp đầy những lỗ hổng kiến thức trong các lĩnh vực mình quan tâm và khắc phục những điểm yếu của bản thân để hoàn thiện mình hơn. Đừng học chỉ để cho vui, vì nếu cần vui thì hãy tìm đến việc giải trí.
Có 2 hướng mình gợi ý:
- Học những cái mình thích (hướng vào trong): những kiến thức & kỹ năng giúp bạn hoàn thiện bản thân và làm đầy tâm hồn của mình hơn. VD: học đàn, học hát, học nhảy, học vẽ, học thiền,…
- Học những cái mình cần (hướng ra ngoài): những kiến thức & kỹ năng bổ trợ cho công việc để giúp mình trở nên nổi bật hơn trong thị trường việc làm. VD: học thiết kế, học chụp ảnh/quay phim, học lập trình, học làm website, học cách ăn nói thuyết phục,…
Khi đã xác định được cái hướng bạn muốn đi, đường đi tự khắc sẽ hiện dưới chân mình. Mỗi môn học sẽ tương ứng với một con đường. Lúc đó bạn chỉ cần đi đúng lộ trình từng trạm một, đi từ basic (cơ bản) tới intermediate (trung cấp) rồi advanced (nâng cao), tích lũy đủ số giờ thực hành trên quãng đường đi thì sẽ đạt đến trình độ master (bậc thầy) ở phía cuối con đường.
Trên bản đồ của thành phố tự học, bạn càng có nhiều con đường muốn đi thì thời gian về đích sẽ càng lâu hơn do bạn phải “phân thân” ra để phân bổ thời gian trên tất cả các con đường. Lẽ vậy, hãy cắt giảm bớt số đường cần phải đi xuống một mức độ vừa đủ, không tham đi quá nhiều đường thì mới rút ngắn được thời gian đạt thành tựu. Khẩu quyết ở giai đoạn này: Thà chỉ đi một con đường mà tới nơi tới chốn còn hơn đi mười đường mà bỏ dở nửa chừng.
Con đường tự học
Trên mỗi con đường tự học, để đi được tới đích thì có tám chục phương tiện để đi, từ đi bộ, đi xe đạp, xe máy cho tới xe hơi, xe lửa, máy bay. Phương tiện này về mặt vô hình nó lại thuộc về căn cơ ngộ tánh của mỗi người, ví dụ có người chỉ cần đọc một lần là hiểu được ý chánh tác giả nói gì, nhưng cũng có người đọc 2, 3 lần vẫn chưa hiểu, mà phải đọc đi đọc lại 5, 6 lần rồi từ từ suy ngẫm mới hiểu. Lúc này, hơn thua nhau không phải ai giỏi ai dở, vì đường đời căn bản cũng đâu có tổ chức giải đua xe nào mà mấy chế phải lồng lộn lên thi chạy, để so bì với ai?
Ai có tư chất giỏi sẵn thì như có cái xe đua công thức 1, lái cái vèo một cái như bay, về đích nhanh hơn, nhưng cái đích đó là đích của họ. Còn mình tư chất kém hơn thì cứ đạp xe tà tà, kiên trì đạp thì cũng về đích, chứ tự nhiên thấy mình đi cái xe đạp cà tàng rồi nhìn người ta chạy xe đua công thức 1 và bỏ luôn khỏi chạy thì tám chục đời sau cái đích cũng chưa thấy đâu.
1. Tự học lúc nào và bao lâu thì đủ?
Một ngày có 24 giờ, 8 giờ bạn ngủ, 8 giờ đi làm, còn lại 8 giờ cá nhân, trừ hao chuyện ăn uống vệ sinh di chuyển thì trung bình còn 5 tiếng + 2 hoặc 1,5 ngày cuối tuần là thời gian cá nhân. Cuộc đời của bạn sau 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa thay đổi như thế nào là nhờ cách bạn sử dụng khoảng thời gian cá nhân này sao cho hiệu quả chứ không nằm ở 8 giờ đi ngủ hay 8 giờ ở sở làm.
Nhiều người đi làm 8 tiếng về mệt ngu người nên có xu hướng dành 5 tiếng thời gian cá nhân này cho việc vui chơi giải trí, không thiết tha gì chuyện tự học, nên cuộc đời sau 5 hay 10 năm nữa vẫn y chang vậy, chỉ tích lũy thêm số năm kinh nghiệm làm việc (cho cùng một công việc) chứ không tích lũy được gì thêm cho hành trình phát triển linh hồn một cách toàn diện.
Thực tế không ai bắt bạn leo lên một chiếc xe đạp, đạp một buổi tối 5 tiếng, đạp liên tục 5 ngày liền mà bạn là người cầm lái, bạn có quyền đạp vừa sức vừa phải và đạp từ từ, vì đâu có ai phía sau hối bạn hay đâu có chó rượt mà chạy chi cho lẹ?
Bạn có toàn quyền dành 2 tiếng trong 5 tiếng thời gian cá nhân đó để dừng lại bên đường, ngồi chơi cái xích đu một lát như luyện phim bộ, lướt Facebook, coi Youtube giải trí để “sạc bình” rồi 3 tiếng sau đó đạp xe cũng chưa muộn.
Thời gian tự học mỗi ngày tối đa nên là 3 giờ, tối thiểu là 1,5 giờ (y như đi học phụ đạo ngoại khóa). Lúc đầu có thể đạp chậm 2 đêm 1 lần, mỗi lần 1,5 giờ, từ từ quen nhịp quen guồng rồi thì tăng tốc lên 2-3 giờ rồi đạp xe đều đều mỗi đêm.
2. Quan trọng là thái độ
Muốn đạp xe không mệt thì phải tận hưởng hành trình. Bạn phải tập trung toàn tâm toàn ý vào chuyện đạp xe trên đường, tận hưởng mùi gió, mùi đất, mùi của cây rừng hai bên đường, quỡn quỡn thì bật thêm bản nhạc không lời chuyên dành cho học tập và hướng về mục tiêu đạp đến đích. Chứ đang đạp xe ngon trớn mà noti Facebook, tin nhắn cứ nhảy loạn xạ thì có ngày đâm đầu xe vô trụ điện hoặc cứ đạp được vài phút thì dừng lại nhắn tin. Ủa rồi tính đạp tới tám chục năm sau hay gì? Làm ơn khi đã xác định tự học thì tắt noti máy tính, điện thoại và log out hết ra khỏi các mạng xã hội gây xao nhãng giùm.
Trân quý từng giờ một trong quỹ thời gian cá nhân của bạn mỗi ngày. Bạn có thể học và làm được nhiều thứ chỉ trong 1 giờ tập trung toàn lực, và rất nhiều thứ trong 3 giờ cá nhân mỗi đêm.
Có một thuật ngữ kinh tế gọi là “chi phí cơ hội” để chỉ những gì ta phải từ bỏ khi ra một quyết định. Ví dụ nếu bạn quyết định dành 1 giờ để xem phim thì chi phí cơ hội của bạn có thể là 1 giờ học lập trình hoặc một 1 học tiếng Anh. Hoặc nếu sáng dậy bạn quyết định dành 1 tiếng để ngủ nướng tiếp thì chi phí cơ hội của bạn có thể là 1 giờ ngồi thiền hay 1 giờ đọc sách. Lúc đó, bạn như đứng trên bàn cân của sự lựa chọn: giữa A và B – bạn muốn lựa chọn cái nào tại thời điểm đó.
Tâm lý chung khi rơi vào tình huống bàn cân ở trên, đa số có xu hướng lựa chọn ngồi chơi xích đu cho đỡ mệt mà còn vui thay vì leo lên xe đạp mắc mệt lòi bản họng, đó là tư duy ngắn hạn và cảm xúc nhất thời khi lựa chọn thứ làm cho não bộ được vui ngay và luôn. Nhưng lúc này, hãy tỉnh táo vả chạc vô bản mặt để nhìn về cái đích phía cuối con đường: bạn muốn ngồi đó đu đưa tới sáng mai hay ráng đạp xe một chút để đến gần cái đích hơn?
Hãy suy nghĩ thứ nào đối với bạn sẽ đáng giá hơn, sẽ tạo nhiều giá trị và cơ hội cho cuộc sống của bạn hơn?
Giám sát lộ trình tự học
1. Tính toán lộ trình
Đạp xe trên một con đường, bạn phải xác định được trên Google Maps quãng đường này bao xa, vận tốc đạp xe của mình nhanh hay chậm để vận cái não áp dụng bài tính vật lý cơ bản thời tiểu học: t = S / v với t = thời gian, S = quãng đường, v = vận tốc. Trong việc tự học, công thức tính lộ trình tự học sẽ được chuyển đổi tương ứng:
thời gian hoàn thành = tổng thời gian ước lượng để đi đến đích / số giờ tự học mỗi ngày
Ví dụ một khóa học online về code được ước lượng mất khoảng 300 giờ học, khi đó áp dụng công thức trên bạn sẽ tính được lộ trình tự học như sau:
t = 300 giờ học / 1,5 giờ mỗi ngày = 200 ngày tự học ~ 6,6 tháng
Nhìn vào công thức, nếu bạn muốn rút ngắn thời gian hoàn thành (t) lại thì phải tăng tốc (v) nâng số giờ tự học mỗi ngày lên, có khi tăng double shot (x2 v) vào 2 ngày cuối tuần chẳng hạn, còn quãng đường (S) thì vốn dĩ là một con số cố định không thay đổi.
Thêm một ví dụ khác cho dễ hiểu, một quyển sách IELTS Reading có tổng cộng 25 chương, bạn chỉ dành được tối thiểu 3 buổi/tuần, mỗi buổi 1 giờ để luyện Reading thì áp dụng công thức như sau:
Quy đổi S ra giờ = 25 chương x 1,5 giờ/chương (dựa trên tốc độ học trung bình của bạn)
= 37,5 giờ
t = 37,5 giờ học / 1 giờ mỗi ngày = 37,5 ngày tự học / 3 buổi 1 tuần = 12,5 tuần
Việc tính toán lộ trình rất quan trọng, bởi nó sẽ cho bạn biết được mình phải đạp xe mất bao lâu thì mới chạy đến đích với vận tốc trung bình đó trên quãng đường khác nhau của mỗi con đường. Khi có được chỉ số t, bạn sẽ ý thức được rằng mỗi ngày đúp học để làm việc riêng hay vui chơi giải trí thì sẽ phải mất t+1 ngày nữa để đi đến đích, đúp càng nhiều thì t cứ lại càng tăng dần đều.
Hơn hết, khi xác định được t thì bạn cũng sẽ hình dung được mình sẽ phải đi qua bao nhiêu chặng đường (tuần, tháng) để đến được cái đích mình mong muốn. Lúc đó đạp xe sẽ không bị mệt vì bạn biết được rằng quãng đường có bao nhiêu trạm dừng chân, và bạn đang ở trạm thứ mấy trong tổng số trạm.
Một số tip để tính toán lộ trình:
- Mỗi tài liệu bạn tự học (ebook, sách, khóa học,…) tương ứng với một con đường nhỏ. Mỗi con đường nhỏ là một phần của đại lộ. VD: Luyện quyển IELTS Reading 1 của Cambridge là một phần của hành trình đạt tới master IETLS Reading.
- Nên chia thời gian tự học theo từng tài liệu chứ không nên theo mục đích cuối cùng, vì quãng đường lúc đó sẽ rất dài và dễ nản khi không thấy được điểm cuối.
- Lựa chọn tài liệu phù hợp theo 3 cấp độ (basic – intermediate – advanced) để sắp xếp lộ trình học cho mình. Khi mới nhập môn nên học các tài liệu basic trước, đừng thấy mấy cái hào nhoáng ở advanced hấp dẫn mà lao vào học rồi lại nản lòng vì quá khó.
2. Công cụ tự học
Tool thì có nhiều vô số, nhưng ở đây mình chỉ giới thiệu 3 công cụ đơn giản, miễn phí mà hiệu quả ai cũng có thể sử dụng được.
a. Lập thời khóa biểu với Google Calendar
Google Calendar là ứng dụng rất tuyệt vời dành cho việc quản lý lịch trình cá nhân của theo đơn vị ngày – tuần – tháng – năm. Quy tắc sử dụng rất đơn giản:
- Tạo các nhóm lịch tương ứng với các đại lộ tự học, mỗi nhóm sẽ chọn một màu sắc khác nhau để phân biệt. Gọi là “đại lộ” vì đây là các nhóm lớn bao gồm nhiều con đường nhỏ ở trong. VD: English, Coding, Marketing, Design.
- Dựa trên thời gian hoàn thành (t) của mỗi tài liệu bạn dự định học, phân bổ thời gian tự học tương ứng.
- Bật chế độ tuần để theo dõi tổng quan thời khóa biểu mỗi ngày.
Ví dụ một Calendar mẫu mình tạo cho bạn tham khảo:


Một điểm cộng cho Google Calendar là có thể đồng bộ với lịch trên điện thoại nên bạn cũng dễ dàng xem được thời khóa biểu tự học mỗi ngày của mình.
b. Theo dõi tiến độ với Google Sheets
Áp dụng công thức tính lộ trình tự học ở trên, mình lập một bảng theo dõi tiến độ với Google Sheets để liệt kê các tài liệu tự học tương ứng theo mỗi nhóm. Bạn có thể tạo bản copy từ file sample này (đã có công thức sẵn) để tùy chỉnh thêm theo nhu cầu của bản thân.
Khi liệt kê được các tài liệu cần học hiện tại, bạn có thể sort theo Nhóm để dễ nhìn hơn. Khi có tài liệu mới nào hay và phù hợp tiêu chí tự học, bạn có thể cập nhật vào lộ trình. Nhưng ở mỗi nhóm (tương ứng với mỗi đại lộ) thì chỉ nên có 2-3 con đường nhỏ trong mỗi giai đoạn, không nên tham lam lên lịch học quá nhiều rồi nhìn thời khóa biểu thôi đã thấy mệt. Khẩu quyết: Học từ từ, vừa đủ mới mau nhừ.

c. Hệ thống kiến thức với Google Docs
Mỗi người sẽ có phương pháp ghi chú khi học khác nhau, riêng mình rất thích dùng Google Docs thay vì Word hay sổ tay để ghi chú vì Docs online có thể xem lại bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu, miễn là có mạng (viễn cảnh không có mạng chắc hiếm xảy ra).
Ghi chú bằng sổ tay chỉ phù hợp khi bạn tham gia một khóa học offline, bắt buộc phải tốc ký để theo kịp bài giảng chứ không dùng máy tính trong lớp học được. Điểm cộng khi ghi chú bằng sổ tay theo nghiên cứu thì giúp não bộ ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Điểm trừ là nhiều khi chữ xấu quá ghi đã rồi nhìn không ra, và nhiều khi muốn tìm lại một kiến thức nào đó đã ghi thì ba má cũng tìm không ra.
Ghi chú bằng Word thì cải tiến hơn ở chỗ đã dùng máy tính. Điểm cộng là có thể dễ dàng search lại theo từ khóa, nhưng điểm trừ là offline chỉ dùng được khi mở máy tính cá nhân của mình lên, còn đang đi ngoài đường hay ở chỗ khác muốn tra cứu lại kiến thức thì không xem được ngay và luôn.
Và Google Docs chính là ứng dụng tuyệt vời giải quyết được 2 khuyết điểm kể trên. Như mình dù đi học có ghi chú về sổ tay thì về cũng nhập lại lên Docs để hệ thống kiến thức và lưu trữ.
Mẹo dùng Google Docs để tự học:
- Mỗi folder Drive tương ứng mỗi một đại lộ, trong đó bao gồm các file Docs tương ứng với các con đường tự học. VD: Đại lộ English tương ứng các file Docs Grammar, Listening, Writing, Speaking,… để lưu trữ kiến thức của các tài liệu tương ứng mỗi nhóm.
- Những tài liệu cùng con đường nên gom chung vào một file Docs để tiện hệ thống và tra cứu sau này.
- Sử dụng heading (H1, H2, H3, H4) để tạo cấu trúc tài liệu theo mục lục cho dễ xem.

Nhắn nhủ: Đối với những bạn không mạnh về kỷ luật bản thân, việc sắp xếp và tuân thủ lộ trình tự học là điều rất cực trần ai. Nên nhớ, những điểm yếu trong tính cách thuộc về phần bản năng, còn kỷ luật được hay không lại là kỹ năng cần phải rèn luyện bằng ý chí.
Lời khuyên của Chơn Linh là bạn cứ lập lộ trình cho mình trước đi, lộ trình lập ra thì phải theo nhưng không nhất thiết phải xem nó như một khuôn mẫu để thờ. Một lộ trình tự học hàng ngày không phải là một tôn giáo, và những bạn thuộc nhóm này có thể linh hoạt thích nghi dần dần. Ví dụ tối hôm nay từ 8-9 giờ có lịch học coding 1 giờ, nhưng thấy mệt mệt trong người thì học 15 hay 30 phút là được rồi, hoặc đổi gió đẩy môn khung 9-10 giờ lên học trước, miễn sao bạn đảm bảo được học một chút mỗi ngày thì mới có ngày đạp xe về đích được.

Cuối cùng, practice makes perfect. Tự học thì kiến thức chỉ mới nằm yên một chỗ trong đầu, có thể bị quên theo thời gian, phải thực hành thường xuyên vào các tình huống thực tế trong công việc và đời sống thì kiến thức mới chuyển hóa thành vốn tự có của mình.
Với những chia sẻ chi tiết ở trên, Chơn Linh chúc bạn sẽ xây dựng được một lộ trình tự học bài bản để tận dụng thời gian cá nhân hiệu quả trong mùa dịch bệnh Covid-19 này.
P/S: Tặng bạn bản nhạc Chơn Linh thường nghe khi tự học <3
3 bình luận
1/ Thời gian theo khung Google Calendar như trên đã bao gồm thời gian nghỉ giữa hiệp chưa Linh ơi? Tớ thấy tập trung liên tục 1 – 2 tiếng hao năng lượng ghê lắm. Tớ thường áp dụng phương pháp pomodoro, làm việc/học tập 25 phút thì nghỉ 5 phút hoặc 50 phút thì nghỉ 10 phút. Cứ 4 hiệp pomodoro 25 thì tớ nghỉ giải lao 15 – 20 phút. Như thế đỡ ngồi lì một chỗ mấy tiếng đồng hồ, tăng vận động, chú trọng việc uống nước và đi wc hơn. Với cả giúp đầu óc đỡ căng thẳng khi phải đưa vào chế độ tập trung liên tục.
2/ Tớ hay ghi chú nhanh trên Keep Notes và lưu trữ dài hạn trên Notion ấy. Khá tiện, dễ tra cứu. Với những tài liệu dài hay cần áp dụng công thức tính toán,vẽ bảng biểu thì tớ dùng Word và Excel.
3/ Word cũng đồng bộ online được nha. Cậu cài ứng dụng Google Drive cho máy tính là được. Sau đó tạo một folder chứa những dữ liệu cậu cần đồng bộ, trong đó có cả file word. Cá nhân tớ vẫn thường dùng cách này để đồng bộ dữ liệu giữa laptop cá nhân và PC trên công ty.
Ưu điểm của việc đồng bộ Word và Excel lên Google Drive (so với việc chỉ dùng Drive trực tuyến) là:
– Hỗ trợ nhiều công cụ soan thảo hơn.
– Đọc được cả offline lẫn online trên nhiều thiết bị.
Hi Nga,
1. Mình chia session tự học mô phỏng theo khoảng thời gian tiêu chuẩn khi đi học thêm bên ngoài (thường là khoảng 1-2 tiếng) để hình thành thói quen. Dĩ nhiên là trong 2 tiếng đó sẽ có nghỉ giải lao giữa giờ, còn nghỉ như thế nào thì tùy mỗi người tự cân nhắc thôi chứ mình không muốn đi vào quá chi tiết, càng chi tiết thì sẽ càng phức tạp hóa vấn đề. Mình có biết phương pháp Pomodoro, công ty đào tạo mình từng làm việc trước đây có áp dụng vào giảng dạy nhưng cá nhân mình không theo, vì thấy nó khá cứng nhắc. Ví như đang trong mood học mà hết 2 hiệp thì không lẽ phải dừng lại nghỉ ^^ Cách phân bổ thời gian này có lợi ích là nếu mình không tự học ở nhà mà có chuyển sang đi học một khóa nào đấy ở trung tâm thì sẽ không bị cảm giác thay đổi đột ngột, theo kiểu bình thường giờ ấy ở nhà quen nghỉ ngơi mà đột nhiên đi học.
2. Mình từng tải và tham khảo qua Notion, nhưng sau đó không dùng vì thấy nó có nhiều tính năng vượt ngoài nhu cầu sử dụng của mình, và càng nhiều thì càng rối rắm trong khi thứ mình cần là một ứng dụng tối giản, đúng nhu cầu. Do vậy với todolist mình chỉ dùng Microsoft To Do của Microsoft là đủ, còn ghi chép thì có Evernote cũng khá hay mà cậu có thể tham khảo – một ứng dụng chuyên về ghi chép và lưu trữ thông tin.
3. Mình có dùng Onedrive để đồng bộ dữ liệu giữa PC công ty và laptop cá nhân ở công ty hiện tại, và cũng từng xài Google Drive đồng bộ tài liệu ở công ty cũ. Có một vấn đề rủi ro mà cậu cũng nên tính đến đó là chuyện bị mất laptop cá nhân, khi đó kẻ trộm có thể xóa hết dữ liệu trong máy, đồng thời dữ liệu sync online của cậu theo đó cũng bị mặc định xóa theo. Sở dĩ mình chỉ dùng Drive online lưu trữ là để tránh bớt rủi ro này, phần khác vì thích giao diện online của Google Docs & Sheets hơn là Word & Excel bởi sự tối giản của nó đó. Chủ yếu mình lưu trữ thông tin & hình ảnh thôi, nên thực tế không cần tới quá nhiều công cụ soạn thảo. Sau này mình có kết hợp dùng thêm cả Evernote nữa đối với tài liệu cần có tính hệ thống xuyên suốt.
Cảm ơn Linh nhé. Rep quá chi tiết luôn ?
1/ Giờ tớ mới biết cậu lập thời gian biểu mô phỏng theo khung thời gian học ở trung tâm, ý tưởng này hay ?
Tớ không phủ nhận pomodoro cũng có nhược điểm của nó, đó là khiến người ta có cảm giác mất hứng, đứt mạch khi đang tập trung làm việc ở trạng thái flow. Ban đầu tớ dùng đến phương pháp này vì tớ tập trung kém, tập trung hàng giờ đồng hồ là một thử thách cực lớn với não, mà nếu phải gắng sức để làm một việc gì đó thì não sẽ có xu hướng không thích lặp lại việc đó nữa, từ đó dễ dẫn đến việc trì hoãn. Tuy nhiên tập trung 25 phút thì tớ lại làm được, sau đó có 5 phút “thưởng”. Với những công việc cần deep work trong khoảng thời gian dài hơn thì tớ áp dụng pomodoro 50.
Trước đây, tớ có suy nghĩ rất dở hơi là rất lười uống nước vì ngại phải đi wc nhiều. Đang làm dở gì đó mà phải đứng dậy đi ra ngoài thì thật phiền. Ngay cả lúc giải lao khi làm xong việc thì tớ cũng chỉ bật mấy tab giải trí lên xem chứ không rời chỗ nếu không cần thiết. Nhưng đây là thói quen cực hại sức khỏe. Sau vài tiếng tập trung như thế thì tớ cạn sạch năng lượng, dù thời gian trong ngày vẫn còn nhưng lại không thể làm được những công việc phải động não nhiều. Pomodoro có những khoảng nghỉ giúp tớ hồi năng lượng tốt hơn. Những quãng nghỉ giải lao tớ thường đi lấy thêm nước, tưới cây, thiền 5 phút, giãn cơ 5 phút trên ghế, hoặc đi wc và thật buồn cười khi mạch suy nghĩ của mình vẫn tiếp tục chứ không bị ngắt quãng, đôi khi tớ còn lóe lên ý tưởng hay ho trong lúc ngồi trong wc.
Anw, tớ chỉ chia sẻ về phương pháp của mình và đưa ra một góc nhìn khác chứ không có ý bảo mọi người đều nên áp dụng phương pháp này, mỗi người hợp với một phương pháp khác nhau mà ?
2/ Tớ bỏ Evernote sau 4 năm sử dụng mới chuyển sang Notion đó. Lý do vì Evernote hạn chế số lượng thiết bị, hạn chế tổng dung lượng ảnh tải lên trong tháng và thường gặp lỗi không đăng nhập được trên bản web hay app trên máy tính Windows. Đây là lỗi chí mạng khiến tớ tạm biệt dịch vụ này. Mặc dù tớ đã viết mail đến vài lần báo lỗi nhưng họ vẫn không khắc phục được mà vẫn để sự cố xảy ra. Tưởng tượng mình đang cần tra cứu một thông tin mà lại không truy cập được thì coi có tức hong. Thế nên tớ đã quyết định sao lưu toàn bộ dữ liệu và đi tìm một dịch vụ khác. Ban đầu tớ cũng mất chút thời gian để mày mò học dùng Notion nhưng giờ quen rồi thì thấy cũng dễ sử dụng. Notion không giới hạn tổng dung lượng ảnh hay thiết bị (ít nhất là tớ dùng trên 3 thiết bị), nhúng ảnh chụp màn hình thoải mái nên tớ rất hài lòng. Còn nếu xét về yếu tố “tối giản” thì Google Keep tối giản và đồng bộ siêu nhanh theo đúng ý tớ. Hiện tại tớ vẫn dùng song song cả 2 dịch vụ này.
3/ Ôi cậu chỉ ra đúng cái nhược điểm của Drive khiến tớ vẫn canh cánh trong lòng. Đúng là việc sửa, xóa dữ liệu và đồng bộ tức thì tiện cho mình trong lúc làm việc nhưng cũng có rủi ro khi bị người khác nhúng tay can thiệp vào. Tuy nhiên file dù bị xóa vẫn được đưa vào thùng rác chứ không mất luôn nên tớ tạm thời vẫn dùng Drive, nhưng cũng sẽ tìm hiểu thêm những phương pháp khác xem sao. Tớ cũng thử làm quen với Docs và Sheet thêm xem sao. Hiện tại chỉ những công việc cần teamwork hay phải share file cho đối tác tớ mới dùng mấy cái này. ?
Cảm ơn cậu đã chia sẻ nha!