13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, 10 tỉnh công bố thiên tai ở cấp độ lớn nhất là những số liệu thống kê kinh hoàng trong tháng 3/2016. Chưa bao giờ, người nông dân miền Tây lại chịu một cơn “khát nước ngọt” nặng nề như vậy trong suốt 100 năm qua.
Ngoài nguyên nhân nhân tạo do con người gây ra – xây hàng loạt thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nước đổ về khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn thì biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra thiên tai. Lần đầu tiên, ngay chính cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhìn nhận nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là đặc biệt nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu (climate change) trên toàn cầu hiện nay đã nghiêm trọng như thế nào? Sau đây là một số thuật ngữ và các sự kiện liên quan bạn cần biết để trang bị kiến thức cho mình:
1. El Nino
El Nino là sự nhiễu động của hệ thống khí quyển trên vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương gây ra hiện tượng nước biển nóng lên. Điều này không những ảnh hưởng đến sự thay đổi thời tiết tại khu vực đó mà còn ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu.
Tên gọi El Nino có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha, vì hiện tượng này thường xảy ra vào cuối năm (tháng 12) trùng vào dịp Giáng sinh nên người dân Peru đặt tên là El Nino (Chúa Hài Đồng). El Nin còn được gọi theo cách khác là Southern Oscillation (ENSO) – Dao động phương Nam.
Khi El Nino xuất hiện sẽ kéo theo sự biến đổi khác thường của nhiệt độ và lượng mưa nhiều vùng, cụ thể sẽ gây ra mưa bão, lụt lội… Nguyên nhân là do các dòng biển lạnh không trồi lên, gió tín phong yếu đi làm cho dòng biển nóng dịch chuyển từ phía tây về phía đông Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của dòng biển nóng này gây ra những trận mưa lớn, bão tố, lũ lụt… tại nhiều quốc gia Nam Mỹ như Chile, Peru; ngược lại, khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc lại bị hạn hán kéo dài.
El Nino thường diễn ra không đều đặn, nhưng nằm trong một chu kỳ từ 2-7 năm. Mỗi đợt El Nino có cường độ và biên độ thời gian khác nhau.
Vì ở ngay vùng xích đạo, Indonesia là nước chịu ảnh hưởng đầu tiên của El Nino. Năm 1997, những trận cháy rừng lớn và liên tục làm nghẹt khói và ô nhiễm không khí không những ở các thành phố Indonesia mà ở các quốc gia lân cận. Trong khi hạn hán xảy ra ở châu Á, châu Úc, châu Phi và một phần Nam Mỹ, thì El Nino lại gây ra những trận bão lụt lớn tại nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là dọc theo bờ biền Thái bình Dương thuộc Hoa Kỳ, Nam Mỹ và các nước Tây Âu.
2. COP21
COP (Conference of Parties) là tên gọi của “Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc”, được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 1995 cho đến gần đây là COP21 tại Paris vào tháng 11/2015.
COP21 quy tụ đại diện đến từ 196 quốc gia trên khắp thế giới với khoảng 3.000 đại biểu để tìm kiếm sự đồng thuận về một hiệp ước quốc tế cho hiện tượng biến đổi khí hậu. Trải qua suốt 13 ngày đàm phán (30/11 – 12/12) để tìm tiếng nói chung giữa các quốc gia, hội nghị COP21 đã thống nhất thông qua một dự thảo cơ bản nhằm chung tay cắt giảm khí thải CO2 trên toàn cầu.
Bản thỏa thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được xem như là “bản thỏa thuận lịch sử” vì lần đầu tiên 196 bên tham gia đều đi đến thỏa thuận chung.
Sau khi được thông qua tại Paris, bản thoả thuận này sẽ được gửi đến Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) được để ngỏ một năm và sẽ được ký kết từ ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day). Bản thỏa thuận ở Paris với các nội dung quan trọng liên quan đến sinh mệnh của loài người nói trên sẽ được thực hiện sau khi 55 nước chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc cam kết thực hiện.