
Kể từ thời điểm cuốn sách Mindset (tựa tiếng Việt: Tâm lý học thành công) của Giáo sư tâm lý học Carol Dweck được xuất bản ở Việt Nam vào năm 2017, hai khái niệm “growth mindset” (tư duy phát triển, tư duy tăng trưởng hay tư duy cầu tiến) và “fixed mindset” (tư duy cố định) dần trở nên phổ biến và phủ sóng rộng khắp trong nhiều khóa học, cuốn sách hay những bài báo, bài viết,… Đi đến đâu chúng ta cũng thấy người ta viện dẫn hai hệ tư duy này từ cuốn sách gốc của Giáo sư Carol Dweck, tới nỗi nó hình thành một hiệu ứng ngược là mỗi lần nghe nhắc đến chúng là ta bắt đầu thấy nhàm chán và phản ứng theo kiểu “Lại nhắc tới nữa à?”.
Với phản ứng trên, bản thân mình cũng không ngoại lệ do tính chất công việc và sở thích cá nhân nên mình đọc rất nhiều sách và cứ thấy người ta nói đi nói lại về chúng từ cuốn sách này đến cuốn sách khác. Tuy nhiên, khi trò chuyện với một số bạn bè xung quanh, mình mới nhận ra rằng không phải ai cũng có thói quen đọc nhiều sách giống mình và có những người đến giờ vẫn không biết tới sự tồn tại của hai loại mindset kinh điển này. Đó quả thực là một điều cực kỳ đáng tiếc, bởi bạn càng biết đến chúng càng sớm thì đời sống của bạn càng rực rỡ hơn nhiều. Bản thân mình cũng có một số nhân duyên đặc biệt với cuốn sách này nên khi duyên hội tụ đủ đầy thì nay mới có dịp hầu chuyện cùng quý bạn đọc về nó.

Nhân duyên với cuốn sách Mindset
Phiên bản gốc của cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success của Giáo sư Carol Dweck xuất bản lần đầu ở Mỹ vào năm 2007, tính đến nay đã ngót nghét gần 18 năm tuổi đời (gần bằng tuổi của một bạn gen Z sắp vào đại học), với 2 triệu bản in được bán ra trên toàn cầu và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên khắp thế giới. Nhưng mãi đến năm 2017, một cuốn sách đình đám như vậy mới chính thức được xuất bản ở Việt Nam do một đơn vị xuất bản lớn trong nước phát hành. Cá nhân mình biết tới bản gốc cuốn sách này hồi năm 2015 khi mình theo học tiếng Anh tại trường Kinh Luân của Giáo sư Lê Tôn Hiến. Một chị trong ban tổ chức chương trình Life Values (Giá trị sống) tại trường đã giới thiệu với các bạn trong lớp về phiên bản tiếng Anh của cuốn sách này do chị từng đọc hồi còn đi du học bên Anh và cảm thấy cuốn sách quá hay.
Ở thời điểm đó, việc mua sách gốc tiếng Anh cũng có nhiều hạn chế mà mình chưa kịp mượn chị ấy thì đã có bạn khác mượn trước, thành ra mình chỉ mới nghe tiếng cuốn sách chứ chưa có cơ hội đọc. Đến năm 2016, lúc này mình đang làm admin của một fanpage tâm lý học mới nổi với khoảng hơn 300.000 người theo dõi thì có một bạn du học sinh liên hệ fanpage. Bạn chia sẻ rằng bạn có đọc được cuốn sách Mindset quá hay mà chưa thấy xuất bản ở Việt Nam, do vậy bạn có tự dịch cuốn sách sang tiếng Việt và ngỏ ý muốn nhờ fanpage chia sẻ lại để cuốn sách có thể được lan tỏa tới đông đảo bạn đọc. Để đăng tải cuốn sách trên trang của dự án, bản thân mình cũng phải thẩm định lại bản dịch của bạn và đó cũng là lần đầu tiên mình biên tập một cuốn sách (có ai ngờ sau này mình lại trở thành một biên tập viên sách).

Do không có sách gốc để đối chiếu, mình phải mua bản ebook trên Amazon và đọc song song bản tiếng Anh trên Kindle với bản dịch của bạn để biên tập, hiệu đính. Sau khi bản dịch tiếng Việt của cuốn sách Mindset được chia sẻ trên website và fanpage tâm lý học bên mình thì nó tạo thành một hiệu ứng lan truyền dữ dội, nhận được rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ từ hàng ngàn bạn đọc khắp nơi. Khi bản ebook đang được viral như vậy, bất thình lình mình nhận được tin nhắn từ đại diện một công ty xuất bản ở Việt Nam (đơn vị nào thì mọi người tự tìm hiểu nhé!) với nội dung cảnh báo rằng bên họ đã mua bản quyền xuất bản cuốn sách tại Việt Nam và yêu cầu bên mình gỡ hết tất cả các thông tin liên quan tới bản dịch của cuốn sách xuống, nếu không làm theo thì bên họ sẽ tiến hành thủ tục khởi kiện.
Hỡi ôi, lúc đó mình nào biết những chuyện liên quan tới vấn đề bản quyền hay công ước Berne, cả người dịch lẫn mình đều bỏ thời gian và công sức làm mấy tháng trời chỉ với thiện chí là muốn quảng bá một cuốn sách hay cho đại chúng. Nghe dọa kiện như vậy là mình thấy rén rồi nên đành cáo lỗi với người dịch lẫn tất cả bạn đọc mà gỡ hết thông tin xuống. Đến bây giờ khi nhìn lại sự việc năm nào ở góc độ của một người làm xuất bản, mình mới thấy cách xử lý vấn đề của đơn vị đó quá dở, bởi lẽ họ có thể kết hợp bản dịch bên họ đang triển khai làm với bản dịch bên mình để hợp thành một bản dịch xuất sắc hơn và xuất bản phiên bản đó tới độc giả. Khi đó họ vừa dung hòa được cả hai bên mà còn tận dụng được hiệu ứng truyền thông và độ phủ bên mình tạo dựng. Nhưng không, họ lại lựa chọn cách hành xử hết sức cứng nhắc và rạch ròi. Và đó cũng là lý do vì sao cho đến tận bây giờ, mình vẫn chưa hề đọc qua cuốn sách Mindset do bên đó phát hành.

Công trình của Carol Dweck về hai hệ tư duy
Động lực nghiên cứu của Giáo sư Carol Dweck bắt nguồn từ một trải nghiệm của bà thời còn đi học. Năm bà học lớp sáu, giáo viên chủ nhiệm của bà đã bố trí lại chỗ ngồi trong lớp dựa theo chỉ số IQ – học sinh giỏi nhất được ngồi hàng đầu, còn học sinh kém nhất thì phải ngồi phía sau. Với những học sinh kém, các em không nhận được sự ưu ái của giáo viên và thậm chí còn không được làm những việc đơn giản như đem sổ sách lên cho hiệu trưởng. Đối mặt với sự kỳ vọng quá lớn từ giáo viên, Dweck luôn cảm thấy lo lắng và e sợ rằng mình sẽ phạm phải sai lầm. Mãi sau này khi trở thành một nhà tâm lý học phát triển, bà mới tiến hành thí nghiệm trên một nhóm trẻ từ 10-11 tuổi bằng cách yêu cầu chúng giải một loạt câu đố về lập luận.
Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng khả năng giải đố thành công không liên quan gì tới tài năng của chúng: những đứa trẻ thông minh có thể sớm nản chí và bỏ cuộc, trong khi những đứa trẻ kém hơn thì vẫn rất cố gắng. Sự khác biệt nằm ở niềm tin vào năng lực bản thân của mỗi đứa trẻ. Đứa trẻ nào có tư duy phát triển thì tin rằng năng lực của chúng sẽ được cải thiện khi luyện tập, còn đứa trẻ nào có tư duy cố định thì thì tin rằng tài năng là thứ thiên phú và không thể thay đổi được. Sau khi tiến hành thí nghiệm trên diện rộng ở nhiều trường học, đại học và doanh nghiệp, Giáo sư Carol Dweck đã đúc kết ra hai loại tư duy mang tính quyết định thành công hay thất bại của một người trong đời:
- Tư duy cố định: Niềm tin rằng trí thông minh và tài năng đều là bẩm sinh. Nếu một người sinh ra mà không có tài năng nào nổi trội thì họ tin rằng mình làm gì cũng sẽ thất bại. Kiểu người này luôn giới hạn năng lực học tập và tiềm năng phát triển của bản thân, cũng như luôn có thái độ bảo thủ về việc phải nỗ lực phấn đấu vươn lên.
- Tư duy phát triển (hay tư duy cầu tiến): Niềm tin rằng một người có thể đạt được thành công hay bất cứ mục tiêu mà người đó mong muốn, miễn là họ nỗ lực phấn đấu hết mình. Kiểu người này luôn tin năng tiềm năng bên trong họ là vô hạn và họ luôn có thể “phá kén” hay “lột xác” để trở thành một phiên bản tốt hơn.

Để bạn đọc dễ hình dung về hai loại tư duy này, mình xin mượn một câu chuyện của tác giả Don M. Green. Thời ông còn là chủ tịch một ngân hàng, một công ty than đá lớn trong vùng bị phá sản và hàng trăm người mất việc. Những công nhân này đã quen với việc kiếm được một số tiền lớn khoảng hơn 40.000 đô mỗi năm cộng thêm nhiều phúc lợi khác. Đối với những thợ mỏ đột ngột bị thất nghiệp, vì họ cũng là khách hàng của ngân hàng nên ông quan sát được hai thái độ hoàn toàn trái ngược. Nhóm có tư duy cố định oán thán và trách mắng công ty than đá, thậm chí họ còn đăng ký mất khả năng lao động để nhận trợ cấp từ chính phủ. Nhưng nhóm có tư duy phát triển thì xem khoảng thời gian mất việc như thời gian để sống chậm lại và suy ngẫm về cuộc đời mình. Một số đăng ký đi học tại các trường đại học ở địa phương để tìm cơ hội trong những lĩnh vực ngành nghề khác, trong khi số khác thì sẵn sàng đi tìm một công việc mới tốt hơn.
Qua mẩu chuyện nhỏ này, chúng ta có thể thấy rằng cùng một sự việc xảy ra nhưng hai nhóm người với hai kiểu tư duy khác nhau sẽ có cách phản ứng hoàn toàn khác nhau. Xin hãy nhớ một điều rằng tư duy cố định hay tư duy phát triển không phải là thứ tư duy bất biến gắn chặt với bản thể của một người, mà đó chỉ là xu hướng tư duy quen thuộc và bạn có quyền thay đổi cách tư duy của mình nếu bạn thật sự muốn. Quyền lựa chọn là thứ sức mạnh vĩ đại nhất mà mỗi người sở hữu để thay đổi cuộc sống của chính họ.

Ai lấy miếng pho mát của bạn? Bạn chứ ai!
Có một cuốn sách kinh điển khác có thể bạn đã từng nghe qua hoặc đọc qua, đó là cuốn Who moved my cheese? (Ai lấy miếng pho mát của tôi?). Câu chuyện ngụ ngôn hiện đại trong cuốn sách này truyền tải một thông điệp khác, nhưng khi soi dưới hệ quy chiếu tư duy cố định và tư duy phát triển thì cũng có điểm tương đồng thú vị. Cuốn sách kể về bốn nhân vật chính là hai chú chuột Đánh hơi và Nhanh nhẹn, cùng hai chàng tí hon là Ù lì và Chậm chạp sống chung với nhau trong một mê cung. Mỗi ngày khi thức dậy, cả bốn đều tỏa ra khắp mê cung để đi tìm pho mát – thứ vừa là thức ăn vừa là niềm vui, hạnh phúc của họ. Một ngày nọ, bằng những cách tìm kiếm riêng của mình mà cả bốn đều tìm thấy kho pho mát P với những tảng pho mát khổng lồ thơm ngon hấp dẫn.
Từ thời điểm đó, mỗi ngày hai chú chuột Đánh hơi và Nhanh nhẹn đều luôn chuẩn bị sẵn sàng để từ nhà chạy ra kho pho mát P nhấm nháp, trong khi hai chàng tí hon Ù lì và Chậm chạp thì thức dậy trễ hơn, thay đồ cũng chậm chạp hơn ngày thường, rồi tà tà đi tới kho pho mát P. Một thời gian sau, cả hai chàng tí hon quyết định dọn nhà sang kho pho mát P để ở và còn mời nhiều bạn bè đến chơi. Núi vàng ăn rồi cũng lở, đến một ngày hai chú chuột Đánh hơi và Nhanh nhẹn tới nơi và phát hiện kho pho mát P đã hết sạch sành sanh. Tuy chúng ngạc nhiên nhưng không hề lúng túng vì đã dự đoán trước điều này khi chứng kiến kho pho mát ngày càng vơi dần. Sau khi nhận ra sự thật, hai chú chuột quyết định phải khẩn trương thích ứng với hoàn cảnh và chạy đi tìm kho pho mát mới.

Thái độ của hai chàng tí hon Ù lì và Chậm chạp thì hoàn toàn ngược lại. Khi mở mắt thức dậy thấy không còn miếng pho mát nào trong kho, họ hết sức ngạc nhiên, lo lắng và hoảng hốt, tới nỗi Ù lì phải la lớn: “Ai đã lấy miếng pho mát của tôi?”. Dẫu đối diện với thực tế phũ phàng như vậy, hai chàng tí hon Ù lì và Chậm chạp vẫn không thể tin vào sự thật ngay trước mắt mình và không chấp nhận được nó. Mỗi ngày, hai chàng ta cứ quẩn quanh tại kho pho mát P và đặt ra không biết bao nhiêu giả định, rằng ai đó đã đem những tảng pho mát đi chỗ khác và họ sẽ sớm trả lại thôi, rằng ai đó đã giấu pho mát trong những bức tường rồi và chỉ cần đục tường là sẽ thấy, v.v. Cứ thế ngày qua ngày, hai chàng tí hon cứ ở lì mãi trong kho pho mát P rồi than vãn và trách móc kẻ nào đã nhẫn tâm chôm chỉa những miếng pho mát của họ.
Trong câu chuyện trên, mê cung là ẩn dụ cho môi trường xã hội hay thế giới mà chúng ta đang sống, còn pho mát là tài sản vật chất hay những khát khao của con người về những thứ mà chúng ta mong muốn có được trong đời. Khi soi chiếu bốn nhân vật qua lăng kính hai hệ tư duy, ta có thể thấy hai chàng tí hon Ù lì và Chậm chạp có lối tư duy cố định với niềm tin rằng cái gì của mình là của mình, cái gì không phải là của mình thì có cố đi tìm cũng chẳng thấy nên không cần phải nỗ lực tìm kiếm làm gì. Khi đối mặt với sự thay đổi, hai chàng ta ở lì một chỗ và không muốn thay đổi, cứ bám víu vào những hào quang trong quá khứ mà không chấp nhận sự thực khắc nghiệt ở hiện tại.
Trong khi đó, hai chú chuột Đánh hơi và Nhanh nhẹn lại có lối tư duy phát triển, chúng biết rằng kho pho mát không phải luôn trường tồn vĩnh cửu ở đó mà có thể cạn kiệt vào một ngày nào đó nên luôn trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị cho sự thay đổi. Khi biến cố xảy ra – kho pho mát hết sạch, chúng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới và tận hưởng sự thay đổi với mục tiêu mới là đi tìm kiếm kho pho mát mới tiếp theo. Cuộc sống này vốn dĩ không phải là một đường thẳng tuyến tính, mà thay đổi và biến chuyển là một điều tất yếu trong cuộc sống. Giống như những người lướt sóng dày dạn, những người với tư duy phát triển dễ dàng nương theo con sóng lớn để vượt qua những khó khăn thử thách trong đời với niềm tin rằng mình sẽ làm được, trong khi những người với tư duy cố định thì lại nằm im chịu trận để con sóng quật nát mình tơi bời.

Sức mạnh của sự lựa chọn
Không giống như các kiểu mẫu tính cách, tư duy cố định và tư duy phát triển không phải là cái mà bạn chọn một lần rồi xài một đời, mà nó luôn là một lựa chọn trong những hoàn cảnh hay tình huống nhất định. Những người có xu hướng tư duy cố định thì luôn có quyền lựa chọn lối tư duy phát triển trong một tình huống nào đó và ngược lại. Ngay cả những người có xu hướng tư duy phát triển, trong những phút yếu lòng hoặc bị ngoại cảnh tác động thì họ vẫn có thể bị sụp hố của lối tư duy cố định. Ví dụ một cô bạn của mình vốn là một người lạc quan, tích cực. Nhưng khi chuyển từ một ngành quen thuộc đã làm 7 năm sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, bạn gặp phải những khó khăn trong công việc hay áp lực từ phía sếp vì kiến thức chuyên môn của bạn bị hổng nhiều chỗ và gần như phải học lại từ đầu. Khi đối mặt với tình huống thách thức này, bạn rơi vào lối tư duy cố định là mình đã hơn 30 tuổi rồi, không thể học được những cái mới khó như vậy đâu và bắt đầu thấy nản muốn bỏ cuộc.
Một người bạn khác của mình qua nhiều trải nghiệm từ trong gia đình cho tới khi ra ngoài xã hội thường hay bị nhận xét là chậm chạp, vụng về và hậu đậu. Chính vì những cái nhãn dán như vậy mà trong bạn có một tư duy cố định về bản thân là bạn bất tài vô dụng, chẳng thể làm nên trò trống gì. Bạn cũng có một niềm tin cố hữu rằng năng lực giao tiếp của bản thân rất kém và bạn rất sợ xã hội, nên khi có được một cơ hội công việc tốt thì bạn cũng nhanh chóng bỏ chạy sau một tháng thử việc chỉ vì quá sợ chuyện đối mặt với sếp và đồng nghiệp. Ngay cả khi thất nghiệp một thời gian dài, bạn cũng không dám ứng tuyển những vị trí như làm phục vụ bàn ở tiệm cafe chỉ vì tin rằng mình chậm chạp, vụng về như thế thì không thể làm được đâu. Thậm chí ngay cả khi đặt mục tiêu cho bản thân, bạn cũng đặt mục tiêu thấp lè tè vì tin rằng khả năng của mình chỉ có thể làm được đến thế mà thôi.

Bản thân mình vốn cũng là một người có xu hướng tư duy cố định ngay từ nhỏ và đến bây giờ nó vẫn là một xu hướng chủ đạo của mình – mình hay nhìn vào mặt khó khăn của vấn đề hơn là mặt cơ hội. Nhưng có một câu nói của một người chị mình quen trong một khóa học có tác động rất lớn đến tâm thức của mình. Chị làm sales trong lĩnh vực bất động sản, đây cũng là một công việc trái ngành mà chị mới thử sức nên cũng gặp nhiều khó khăn ở thời điểm ấy. Bản thân chị cũng là người có lối tư duy cố định nên luôn nghĩ bản thân mình không đủ giỏi và không thể làm được như người ta, nhưng chính câu nói của sếp chị đã làm chị thay đổi tư duy hoàn toàn: “Sở dĩ em thấy công việc khó vì luôn nghĩ rằng cái gì mình cũng không biết. Thay vì nghĩ rằng mình không biết thì em nên nghĩ mình chỉ chưa biết mà thôi. Cái gì mình chưa biết thì từ từ học rồi sẽ biết, biết rồi thì sẽ không thấy khó nữa”.
Dù đã rất nhiều năm trôi qua mình và người chị đó không còn giữ liên lạc, nhưng câu chuyện của chị và câu nói ấn tượng đó mình vẫn còn nhớ như in trong đầu. Mỗi khi rơi vào lối mòn của tư duy cố định, câu nói năm nào cứ văng vẳng bên tai mình để nhắc nhớ bản thân không nên tự giới hạn không gian phát triển của mình vì tiềm năng của mỗi người là vô hạn. Một điều thú vị là ở thời điểm đó, mình vẫn chưa biết tới cuốn sách Mindset lẫn hai khái niệm về tư duy cố định và tư duy phát triển, bây giờ biết rồi thì câu chuyện năm ấy mới càng sáng tỏ hơn. Một công trình nghiên cứu thực tiễn và hay ho như thế nhưng phải hơn chục năm sau khi xuất bản ở Mỹ thì cuốn sách mới được dịch và phát hành ở Việt Nam, qua đó phần nào cho thấy khoảng cách của đất nước chúng ta với thế giới không chỉ là về mặt khoa học công nghệ mà còn là cả khoảng cách tư duy. Hãy thử nghĩ về việc: Nếu chúng ta có cơ hội được tiếp xúc với những tư tưởng này từ sớm thì cuộc sống của chúng ta đã khác như thế nào?