Trong show Gửi bạn, danh thiếp mới của tôi mình xem gần đây, có một câu chuyện nhỏ khiến mình suy ngẫm rất nhiều. Ở thử thách làm shipper âm nhạc, ca-nhạc sĩ Lưu Hiến Hoa sẽ đáp ứng đơn đặt hàng âm nhạc theo yêu cầu của một số nhân vật được chương trình lựa chọn, một trong số đó là “đơn hàng” của cô con gái trung niên gửi cho người mẹ đã lớn tuổi của mình. Cha mẹ cô quen nhau từ thời là sinh viên đại học đầu những năm 1970, sau đó kết hôn và sinh cô ra năm 1977, và gia đình chỉ có một cô con gái theo chính sách một con của Trung Quốc thời đó. Hai vợ chồng ông bà bên nhau suốt một quãng thời gian dài mấy chục năm, đến năm 2008 thì bà bắt đầu phát bệnh Alzheimer và trí nhớ sẽ suy giảm dần trong vòng 3-5 năm.
Sau thời gian đó, bà bị mất nhận thức hoàn toàn, trở nên giống như một đứa trẻ, ngay cả việc ăn uống và những thao tác sinh hoạt cơ bản cũng không thể làm được mà phải có ông hỗ trợ. Điều đáng buồn nhất là, ngay cả cô con gái duy nhất của mình là chị Uông, bà cũng đã quên mất và hoàn toàn không biết con gái mình là ai. Thứ duy nhất còn sót lại trong trí nhớ của bà là người chồng đầu ấp tay gối đã đồng hành bên mình suốt gần 60 năm qua. Ông nói: “Tôi thấy rất hổ thẹn với bà ấy. Bà ấy theo tôi trước giờ luôn hầu chồng dạy con. Con gái tôi lớn rồi, mà hình như tôi chưa từng đút nó ăn hay thay tã cho nó, toàn là vợ tôi làm. Bà ấy lo cho nhà tôi nửa đời trước, nửa đời sau căn nhà này sẽ do tôi phụ trách”.
Có một điểm khiến mình đặc biệt thú vị trong câu chuyện cảm động này, đó là dù đã mất phần lớn trí nhớ và ký ức về con người lẫn mọi thứ xung quanh, song bà vẫn có thể nhớ được một số giai điệu quen thuộc và nhẩm hát theo những bài hát bà từng nghe ngày xưa. Ở vai trò shipper âm nhạc, ca sĩ Lưu Hiến Hoa cũng đem đến cho bà màn trình diễn violin ca khúc “Ánh trăng nói hộ lòng tôi”, cả anh lẫn ông Uông đều cùng hát lại cho bà nghe ca khúc này. Và bất ngờ thay, bà cũng nhẩm hát theo khiến cô con gái bật khóc nức nở.

Sau tất cả, con người ta có thể quên đi hầu hết mọi thứ, cả những năm tháng thanh xuân tươi đẹp lẫn những người ta thương, nhưng âm nhạc là thứ duy nhất vẫn còn đọng lại trong sâu thắm tâm trí họ.
Kết thúc show, mình cứ trăn trở và đau đáu mãi về số phận của những người già mắc bệnh Alzheimer và gia đình của họ. Nửa đời về sau, nếu bạn là một người cao tuổi và minh mẫn, đó là một phúc báu rất lớn của bạn. Nhưng nếu bạn là một người cao tuổi và đãng trí, hay mất trí hoàn toàn, đó là một bất hạnh to lớn – không chỉ với chính bạn mà còn với người thân trong gia đình. Bạn có từng bao giờ tưởng tượng, nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào không? Cái “cảm thấy” đó thực ra chúng ta chỉ nghĩ đến trước khi phát bệnh, chứ còn một khi bệnh đã phát rồi thì ngay chính ta cũng không còn cảm thấy gì nữa, và khi đó ta trở thành gánh nặng cho chính người thân và gia đình mình.
Bản thân mình chưa từng trải qua chuyện nhà có người già bị Alzheimer, vì người cao tuổi nhất trong dòng họ là bà ngoại mình đã gần 80 tuổi vẫn còn rất minh mẫn và nhận mặt được hết tất cả con cháu, dù có những người một năm mới về quê một lần như mình, trong khi mình của bây giờ thì khác với đứa cháu thường về ngoại mười mấy năm trước rất nhiều. Nhưng nhà bạn mình thì khác, bà ngoại của bạn bị lẫn khi về già, quên gần hết mặt con cháu và trở về tâm tánh như một đứa trẻ. Mẹ bạn nhiều khi chăm sóc bà mà cũng phát bực và nổi nóng vì không thể kiên nhẫn nổi trong một số chuyện, khiến cho cuộc sống của bà lẫn cả con gái đều không khác nào cảnh địa ngục trần gian.

Chúng ta không thể nào biết trước được tương lai của chúng ta khi về già sẽ như thế nào, hay xác xuất mắc bệnh Alzheimer của mình là bao nhiêu. Nhưng não bộ cũng giống như cơ bắp, bạn càng dùng đến nó nhiều thì nó sẽ càng cứng cáp, bạn càng ít dùng thì nó càng nhão đi. Theo các nghiên cứu về thần kinh học, việc học tập những gì mới mẻ và thách đố sẽ đẩy mạnh sự phát triển não bộ vì những trải nghiệm mới tạo ra các mối nối thần kinh mới, kích thích sự hình thành các đường dẫn truyền thần kinh và các cấu trúc thần kinh mới. Sự phát triển này cải thiện việc xử lý thông tin và ghi nhớ, nhất là trong hồi hải mã của não bộ. Ngay cả khi bạn đã trưởng thành, nếu tiếp tục học tập đúng cách và nâng cao năng lực lưu trữ nhận thức, bạn có thể giữ cho bộ não ở trạng thái hoạt động sung sức dù đã hơn 100 tuổi.
Cá nhân mình từng rất sợ viễn cảnh mất trí hay bị lẫn khi về già, vì rơi vào tình trạng đó thì kéo dài tuổi thọ cũng là điều vô ích khi ta không còn khả năng làm gì để cống hiến cho cuộc sống. Lẽ vậy nên từ lâu mình đã tìm đọc qua rất nhiều đầu sách về não bộ, thần kinh học hay cả về tuổi lão niên để tìm ra những phương pháp có thể cải thiện trí não khi chúng ta còn trẻ, chứ không phải đợi tới khi về già. Sau đây là một số phương pháp mình đã và đang áp dụng để luyện trí não mà bạn đọc có thể tham khảo:

1. Đọc sách và suy ngẫm sâu
Mình bắt đầu hình thành thói quen đọc sách từ năm lớp 9 và vẫn duy trì tới hiện đại với số lượng sách đọc mỗi ngày một nhiều. Để kích thích trí não nhờ việc đọc sách, bạn nên lựa chọn dòng sách phi hư cấu (non-fiction) như sách khoa học, tâm lý, kỹ năng, kiến thức thường thức,… nhiều hơn là sách hư cấu (truyện, tiểu thuyết), vì sách hư cấu với mình thường là để giải trí, trau dồi vốn cảm xúc và bổ trợ cho năng lực viết lách chứ không phải để động não suy ngẫm (trừ truyện trinh thám).
Càng đọc sâu về một đề tài và đọc đa dạng nhiều đề tài bạn hứng thú (và cả không hứng thú), bạn sẽ hình thành tư duy hệ thống và liên kết rất mạnh mẽ. Ví dụ khi đọc một ý niệm từng được nhắc đến trong một cuốn sách khác trước đây hay có sự tương đồng với một ý niệm nào đó bạn từng đọc, não bộ chúng ta sẽ liên kết chúng lại với nhau và hình thành nên những đường dẫn truyền thần kinh mới. Sau đó khi truy xuất một thông tin, tự động tâm trí bạn như một bản đồ tư duy sẽ liên kết được với những thông tin tương đồng để cho ra một ý niệm tổng thể. Giống như một bài viết trên blog của mình là kết quả tập hợp từ rất nhiều dữ kiện mình từng đọc, xem, nghe, thấy gần đây hay nhiều năm trước đây. Để viết ra một bài thông thường đòi hỏi não mình phải truy xuất thông tin và làm việc ở cường độ cao, một hoạt động giúp cho bộ não của mình luôn được “tập thể dục” thường xuyên.

2. Học tập những gì mới mẻ
Lúc trước, có một quãng thời gian mình từng đặt ra mục tiêu mỗi năm học một thứ gì đó mới. Có năm mình đi học vẽ, có năm mình đi học bơi, có năm mình đi học võ, có năm mình đi học đồ họa, có năm mình đi học làm hiệu ứng kỹ xảo phim, v.v. Sau này quỹ thời gian hạn hẹp và mình muốn tập trung vào thứ gì đó chuyên sâu hơn nên giờ chỉ dồn tâm sức vào việc học ngoại ngữ.
Bản thân việc học ngoại ngữ cũng là một quá trình đòi hỏi bạn phải động não thường xuyên để ghi nhớ từ mới, ngữ pháp mới hay các cấu trúc mẫu câu thường dùng trong bản ngữ. Chỉ riêng việc học tiếng Anh thôi là mình đã thấy cả một vùng trời bao la thứ để học với những idioms (thành ngữ), prepositions (giới từ), phrasal verb (cụm động từ), expressions (lối diễn đạt), v.v. Càng học và sử dụng thành thạo hai hay nhiều ngôn ngữ, bạn sẽ luyện cho bộ não một hệ thống xử lý ngôn ngữ phức tạp cũng như khả năng chuyển đổi ngôn ngữ thần kỳ. Như mình ngoài tiếng Anh thì còn tự học thêm tiếng Trung, đôi khi vì đam mê luyện phim (ngặt nỗi có mấy bộ chả nhà nào vietsub) mà có thể xem phim tiếng Trung, đọc sub tiếng Anh và tự dịch lại tiếng Việt trong đầu.

Trong bộ phim Tiểu Mẫn gia (2021) nổi tiếng mà Châu Tấn đóng gần đây, cô diễn vai Tiểu Mẫn, một trưởng y tá hộ sinh của khoa sản. Dù ở tuổi trung niên và có sự nghiệp ổn định ở một bệnh viện lớn hàng đầu Bắc Kinh, Tiểu Mẫn vẫn giữ thói quen học từ mới tiếng Anh y khoa mỗi ngày, vì từ mới là những viên gạch nền tảng cơ bản để cô có thể đọc hiểu tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh hay để tiện tra cứu khi cần. Niềm đam mê học tập của nhân vật Tiểu Mẫn là điều khiến mình rất ấn tượng, nhờ đó mình cũng học hỏi theo để mỗi sáng sớm sẽ học một trang từ vựng tiếng Anh.
Ngoài việc học ngoại ngữ, bạn có thể thử những bộ môn khác cũng giúp rèn luyện trí não rất tốt như chơi các loại cờ (cờ vua, cờ tướng, cờ vây,…), khiêu vũ hay vũ đạo (não bộ phải ghi nhớ các động tác mới), võ thuật,… tốt nhất là những bộ môn bạn nên trải nghiệm thực tế ngoài không gian thực, thay vì học online trên máy tính hay điện thoại.

3. Chơi game luyện trí não
Cá nhân mình không phải là một người nghiện chơi game và đã nghỉ chơi game online lẫn offline từ khi kết thúc cấp hai. Dẫu cho việc chơi game chiến thuật hay bất kỳ loại game nào (dù là giải trí) cũng sẽ giúp ích cho bạn trong việc rèn luyện một kỹ năng nào đó, tuy nhiên phần lớn các nhà sản xuất game rất am hiểu tâm lý người chơi game và họ có cả công trình nghiên cứu về não bộ của người chơi để thiết kế nên những game càng chơi càng nghiện, khiến bạn một khi đã sụp hố thì sẽ đốt tiền lẫn đốt thời gian vào game đó. Lẽ vậy nên app game duy nhất mình có trên điện thoại là game luyện trí não.
Game luyện trí não thì hiện có rất nhiều ứng dụng khác nhau, nếu bạn không muốn bị quảng cáo làm phiền thì có thể mua gói subscription trả phí theo năm (thường chỉ một, hai trăm ngàn) hoặc gói mua một lần dùng cả đời. Mỗi ngày bạn chỉ cần mất 10-15 phút chơi theo lộ trình đã được ứng dụng thiết kế và tích điểm. Ứng dụng cũng sẽ chủ động nhắc nhở mỗi ngày nếu bạn quên truy cập vào để chơi.
Ở những ứng dụng này, người chơi có thể lựa chọn rất nhiều kỹ năng khác nhau để luyện như rèn luyện trí nhớ, rèn luyện sự tập trung chú ý, rèn luyện sự nhanh nhạy, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, rèn luyện tư duy sáng tạo, v.v. Mỗi kỹ năng sẽ có các trò chơi được thiết kế tương ứng với độ khó tăng dần đều. Ví dụ ở kỹ năng giải quyết vấn đề, mình sẽ được ứng dụng cho chơi trò điều khiển đầu tàu hỏa về đúng nhà ga, nhưng có tới 5-6 chiếc tàu khác màu và những lộ trình đường ray ngoằn ngoèo khác nhau, buộc mình phải căng não xử lý tình huống khi càng lúc càng có nhiều tàu xuất phát. Hay trong một trò cho cá ăn để luyện sự tập trung, số lượng cá sẽ tăng dần ở mỗi màn và mình phải ghi nhớ chú cá nào đã được cho ăn rồi.

Trong show thực tế New world (2021), có hai màn thử thách khá thú vị của người chơi trên hòn đảo thiên đường, đó là phải đi tìm số camera ẩn trên hòn đảo để bật/tắt tùy theo đội chơi và màn đi tìm đá thời gian để trở về thế giới thực. Cả hai thứ là camera và đá thời gian đều là những vật rất nhỏ, lại còn bị giấu đi một cách có chủ ý nên rất khó nhận diện được bằng mắt thường mà đòi hỏi người chơi phải rất tinh mắt mới nhìn ra. Có tình huống trên cùng một khu vực, có người vào mà không phát hiện được thứ mình cần tìm đang nằm ở đâu, nhưng có người lại nhìn phát là thấy ngay được. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu?
Nghệ sĩ hài Park Nae Rae có một chia sẻ rất hài hước khi nghe phổ biến luật chơi, rằng mấy trò này với cô dễ như bỡn vì ngày nào cô cũng dành ra vài tiếng chơi game tìm đồ bị giấu trong hình. Thực tế là, trong trò chơi Nae Rae chính là người chơi phát hiện được những món đồ bị giấu nhanh nhất ở những nơi khó thấy nhất. Như một viên đá thời gian được đặt ngay cổng sân tập yoga, hai người khác đi vào trước đó tới khi đi ra cổng đều không thấy và lướt qua viên đá, chỉ có Nae Rae vừa nhìn một phát là thấy ngay và luôn. Đó cũng là sự khác biệt rất lớn giữa người có thói quen rèn luyện trí não và người không, và có những thứ nếu bạn không sở hữu bẩm sinh thì phải bỏ công ra luyện tập trong một thời gian dài mới có được.
Để những phương pháp trên phát huy hiệu quả, điều quan trọng là bạn phải giữ được thói quen rèn luyện chúng hằng ngày, tần suất duy trì càng nhiều thì nguy cơ suy giảm trí nhớ sẽ càng thấp, chứ không phải năm thì mười họa một tuần, vài tuần hay một tháng mới luyện một lần thì cũng công cốc.
Trên đây chỉ là một vài gợi ý nhỏ từ trải nghiệm luyện trí não của mình, bạn có thể tìm hiểu và khám phá thêm nhiều phương pháp khác, nhưng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – không cần quá nhiều mà cần sự chuyên chú trong một vài phương pháp nhất định.
Chúc cho chúng ta sẽ vượt thoát căn bệnh Alzheimer khi về già, tuy đó là một mục tiêu xa vời nhưng ít ra trên hành trình đó trí não của chúng ta đã được tôi luyện rất nhiều và trở nên rất hữu dụng trong những năm tháng ta còn trẻ.