
Hồi mới ra trường, mình đi làm ở một công ty nằm trong tòa nhà nọ. Có một lần tan làm, mình chạy xe ra khỏi bãi, tới khâu đưa vé giữ xe cho bảo vệ thì chẳng may sơ ý làm rớt vé xe xuống đất, ngay dưới chân bạn bảo vệ khá trẻ. Vì đang lái xe, không thể cúi xuống nhặt vé xe được nên mình mới nhờ bạn bảo vệ đó nhặt giúp mình với lời lẽ cũng nhẹ nhàng lịch sự. Thế mà, bạn bảo vệ đó giả vờ không nghe thấy lời mình nói và ngồi tỉnh bơ như không, không thèm nhặt vé xe giúp và cũng không nói gì. Kết cục, mình phải chống xe và tự đi ra nhặt lấy.
Sau trải nghiệm khó chịu đó, trên đường đi về mình rất bực bội, chủ yếu vì thái độ và cách hành xử quá tệ của bạn bảo vệ. Có thể bạn ấy cho rằng mình xem thường bạn nên cố tình đánh rơi vé xe để bạn phải nhặt giùm, và bạn không muốn cúi mình trước bất kỳ ai. Trong tâm thức, mình phán xét bạn bảo vệ ấy khá gay gắt: “Bởi tư duy kém như vậy, họ chỉ có thể làm bảo vệ và suốt đời làm bảo vệ mà thôi”.
Lối tư duy như mình, ắt hẳn nhiều bạn sẽ thấy quen thuộc, trong chính cách bạn tư duy hay trong nhận thức của đám đông về những người ở tầng lớp thấp hơn họ. Ở một vị thế xã hội cao hơn, chúng ta rất dễ phán xét những người có vị thế thấp hơn mình về mặt trình độ học vấn hay công việc, trong cách họ tư duy và hành xử ở đời. Nhưng công tâm mà nói, họ có đáng nhận về những lời phán xét ấy?

Phán xét người không cùng “đẳng cấp”
Khoảng mấy tháng trước, từng có một bài báo về một người đàn ông định nhảy cầu tự tử trên cầu Sài Gòn. Khi được lực lượng chức năng giải cứu và tìm hiểu lý do, anh cho biết mình là công nhân, có một vợ hai con và đang thuê trọ ở Sài Gòn, nhưng vì ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid mà anh đã thất nghiệp mấy tháng nay, giờ không có tiền trả tiền trọ và đã nợ chủ nhà mấy tháng nên nghĩ quẩn. Câu chuyện này chỉ là điển hình trong vô số câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của những người công nhân tỉnh lẻ đến những thành phố lớn lập nghiệp, họ lập gia đình, sinh con đẻ cái và gồng gánh rất nhiều gánh nặng trên vai về chuyện cơm áo gạo tiền.
Rất nhiều người khi đọc hay nhìn vào những trường hợp như vậy thường hay vội vàng phán xét rằng: Không có tiền thì đẻ con chi? Đẻ một đứa được rồi đẻ chi tới hai đứa? Nhắm không có tiền nuôi con thì đừng có đẻ, lo nuôi thân mình chưa xong thì lập gia đình chi? Không ít người trí thức mình biết, từng lên Facebook cảm thán chuyện nhiều người ở tầng lớp lao động nếu không có khả năng nuôi con hay không biết cách dạy con thì đừng có đẻ, đẻ con ra rồi dạy con không đến nơi đến chốn. Nhận định này bắt nguồn từ một số trải nghiệm không mấy thoải mái của họ khi tiếp xúc với những đứa trẻ con nhà lao động, hay khi chứng kiến cách những bậc cha mẹ ở tầng lớp này dạy con cái ở nơi công cộng.
Một người bạn của mình là chủ một doanh nghiệp nhỏ, từng dẫn nhóm nhân viên của bạn đi du lịch ở Phan Thiết quê mình. Trước khi đi, bạn có hỏi mình một số địa điểm ăn uống các món đặc sản ở địa phương hay những nơi mua hải sản tươi ngon thì mình cũng nhiệt tình giới thiệu cho bạn. Sau chuyến đi, bạn mới cảm thán với mình rằng sao dân xứ mình chặt chém “dữ” quá. Ví dụ một cái trứng hột vịt lộn, bán cho người địa phương chỉ có 10k thì nhóm của bạn bị chém tới 15k, hay một tô bánh canh trong chợ người ta ăn chỉ 20k nhưng nhóm của bạn bị chém tới 30k. Ở tư duy của một người làm kinh doanh và từng du học ở nước ngoài, bạn khá gay gắt khi nhận định rằng tư duy buôn bán của dân địa phương như vậy rất “thiển cận” và là kiểu “tư duy ăn xổi”, gặp khách du lịch nào thì chém khách đó chứ không cầu người ta quay trở lại hay giới thiệu khách hàng khác cho mình, và như vậy không phải là tư duy phát triển du lịch bền vững.
Ở rất nhiều tình huống khác trong cuộc sống, những lời phán xét như vậy diễn ra nhan nhản. Ở một góc độ nào đó, chúng ta rất dễ và hoàn toàn đồng tình với cách nhận định này, bản thân mình (trước đây) cũng không là ngoại lệ. Và chính mình cũng là người thường đưa ra những lời phán xét đó với những người không cùng “đẳng cấp” tư duy với mình. Phán xét người khác là điều rất dễ dàng, đôi khi hành động này còn đem lại cho chúng ta cảm giác vui thích và được xả stress khi có đối tượng cho ta chê trách. Bởi cuộc sống gia đình và cuộc sống công sở của những người trưởng thành luôn có nhiều áp lực, bức bối và ẩn ức, đôi khi đến từ cấp trên – những người ở vị thế xã hội cao hơn mà chúng ta không thể phán xét họ trực tiếp, thì việc có thể phán xét một ai đó ở vị thế xã hội thấp hơn mình cũng là một cách giải tỏa tâm lý.
Nhưng có bao giờ bạn dừng lại một chút để suy ngẫm. Tại sao những người công nhân hay những người buôn bán, hoặc những người ở tầng lớp lao động bình dân đó lại có những suy nghĩ và cách hành xử khác bạn đến như vậy?

Sự cách biệt về năng lực tư duy
Tư duy (mindset) là cách bạn nhìn và nhận thức về thế giới xung quanh, bao gồm những niềm tin và suy nghĩ sẽ quyết định hành vi và quan điểm sống của bạn, cũng như cách bạn diễn giải và phản ứng với các tình huống trong đời sống. Hệ tư duy của một người được hình thành từ thiên tư cá nhân, môi trường giáo dục của gia đình và xã hội, cũng như bối cảnh thời đại mà họ sinh sống. Lẽ vậy, cách bạn tư duy sẽ không giống với cách ba mẹ bạn tư duy, bởi bạn không sinh trưởng trong môi trường và thời đoạn giống họ, và ngược lại.
Giữa hai cá nhân không cùng tầng lớp, ví như tầng lớp trí thức và tầng lớp lao động chân tay, có sự cách biệt rất lớn về năng lực tư duy. Bạn không thể yêu cầu một người công nhân hay một người buôn gánh bán bưng có thể suy nghĩ cấp tiến và văn minh giống như bạn, nếu họ không được học hành bài bản hay sinh trưởng trong một môi trường giống như bạn. Khi bạn được học và được dạy cách hành xử văn minh, bạn sẽ phân biệt được thế nào là một hành vi văn minh và một hành vi kém văn minh (còn có hành xử theo đó hay không lại là lựa chọn cá nhân của mỗi người). Nhưng với người không được ai dạy điều đó, làm sao họ tự nhận thức được để phân biệt giống như bạn?
Ví dụ một chuyện nhỏ, có lần mình từng đến một tiệm mua đồ ăn sáng ở quê, trước mình có hai người khách đang đứng đợi cô bán hàng múc đồ ăn bỏ bịch cho họ mang về. Mình đến sau nên lặng lẽ đứng phía sau, đợi cô chủ tiệm bán xong thì sẽ tới lượt mình. Vừa đứng được một lúc, có hai người khách tới sau đã chen ngang mình và cả hai người khách trước, đòi cô chủ tiệm bán cho họ trước và họ cũng chẳng buồn giải thích cho mình và hai người khách đang đứng chờ lý do vì sao phải ưu tiên cho họ. Đối với những người trí thức hành xử văn minh, hành vi chen ngang hàng như thế này là điều bất lịch sự và rất khó chấp nhận được. Nhưng có một điều bạn cần biết ở đây, họ là hai người dân lao động – một cô bán cá và một chú chạy xe ôm. (Xin nói rõ, ở đây mình không đánh đồng tất cả những người dân lao động sẽ đều hành xử như vậy – nhưng nếu thực tế họ hành xử như vậy, thì đó cũng là điều dễ hiểu. Đổi ngược lại, nếu một người trí thức hành xử như vậy, chúng ta mới thấy ngạc nhiên.)
Đối với phần lớn những người lao động và phải mưu sinh bằng công việc chân tay, gia cảnh của họ đa phần đều khó khăn nên từ nhỏ họ đã quen với lối tư duy khan hiếm – không có đủ cho tất cả. Ở những gia đình nghèo khó phải chạy ăn từng bữa, làm được đồng nào ăn đồng đó và phải xoay sở đủ kiểu để sinh tồn, những đứa trẻ đó có thể phải bỏ bữa hay phải tranh giành thức ăn với nhau trong một gia đình có quá nhiều anh chị em. Nếu tôi chậm tay hơn, người khác có thể giành mất phần của tôi – từ nhỏ họ đã sống với lối tư duy như vậy cho đến khi trưởng thành. Và tư duy đó phóng chiếu lên cách họ hành xử qua việc chen hàng và muốn ưu tiên trước cho mình, đơn giản vì họ luôn muốn giành quyền lợi tốt nhất cho bản thân, nếu không họ sẽ bị thiệt. Cách suy nghĩ này hoàn toàn khác biệt với lối tư duy dư thừa – ở những người lớn lên trong bối cảnh không chỉ có đủ mà còn thừa mứa cho tất cả, bạn có thể từng chê ỏng chê eo một món ăn nào đó và giận dỗi cha mẹ đến bỏ bữa vì không thích món ăn đó chứ không phải vì nhà bạn thiếu ăn. Bởi dư thừa, nên bạn mới có thể thong thả từ từ mà đợi chứ chẳng cần phải vội vàng tranh giành với ai.

Khi bạn rời khỏi tháp ngà trí thức mà hòa mình vào cuộc đời, cận nhân tâm hơn với chủ nghĩa hiện thực của cuộc sống, bạn mới thấy được những thứ mà ở trên tháp ngà cao vời vợi bạn không thể thấy được. Như mình có một cô bạn học cũ thời cấp hai mà cả hai vợ chồng đều là công nhân, đẻ sòn sòn hai đứa con liên tiếp rồi phải chạy vạy từng bữa ăn, cuối cùng phải gửi cả hai đứa về quê ngoại cho ông bà nuôi để hai vợ chồng bạn lên Sài Gòn làm việc kiếm tiền nuôi con. Nhiều bạn bè mình khi biết câu chuyện ấy đều trách bạn đã không có khả năng nuôi con thì đẻ con làm chi, đã vậy còn đẻ tới hai đứa. Khi trò chuyện với bạn, mình mới hiểu được từ tư duy của người trong cuộc là hai vợ chồng bạn suy nghĩ rất đơn giản, thì lấy nhau rồi thì phải có con, ở nhà rảnh quá thì ăn nằm rồi đẻ con chứ sao, đó là chuyện tự nhiên đâu có tránh được. Trong tư duy của những người chưa học hết phổ thông như vợ chồng bạn, họ không có bận tâm tính toán tới những chuyện quá xa vời mà làm tới đâu thì tính tới đó, đẻ được thì nuôi được, hồi xưa thời ông bà họ cũng đẻ cả chục đứa con mà vẫn nuôi được đó thôi.
Như câu chuyện chặt chém của những người buôn bán ở địa phương, khi mình trò chuyện với một người chị làm bên lĩnh vực du lịch, chị mới chia sẻ cho mình biết một góc nhìn khác. Đơn giản là dân buôn bán họ kiếm được đồng nào hay đồng đó, một năm mười hai tháng nhưng mùa du lịch thì chỉ có một mùa, không phải lúc nào cũng có khách du lịch quanh năm suốt tháng để họ chặt chém như vậy (đồng nghĩa có nhiều tháng họ “ế mốc mỏ”). Mà cái chặt chém ở đây chỉ là bán đắt hơn 5 ngàn, 10 ngàn, chứ cũng chẳng phải chặt chém cắt cổ gấp mấy lần như một số nơi thì mới đáng lên án. Khách đi du lịch đa số cũng là người có tiền, có điều kiện thì mất hơn 5 ngàn, 10 ngàn so với dân bản địa cũng có đáng là bao đâu. Họ không có tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh hay từng được đào tạo về cách giữ gìn hình ảnh du lịch địa phương thì làm sao trách họ tư duy “ăn xổi” được?

Sự phán xét ở cấp độ tinh vi
Gần đây mình có đọc được một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (chuyên gia trong ngành ngành Giao tiếp và Quản trị đa văn hóa) nhận xét về hành động không phù hợp của hoa hậu Thùy Tiên với bé Bo – con trai của ca sĩ Hòa Minzy trong chương trình Người ấy là ai. Cụ thể, hoa hậu Thùy Tiên thích bé Bo tới mức bảo cô mong bé lớn lên không ngại làm máy bay bà già và sẵn sàng gọi Hòa Minzy là mẹ, hay bảo chờ bé lớn để lấy bé làm chồng. Trong bài viết trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai có phân tích các hành động sai của Thùy Tiên từ một cấp độ rất văn minh và vi tế của một tiến sĩ văn hóa mà phần lớn những người bình thường đều không có ý thức hay nhận thức được những điều này.
Ở đây, mình không bảo rằng Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai đang phán xét hành động của Thùy Tiên từ góc độ của người có trình độ văn hóa cao hơn, vì cách phân tích của cô rất nhẹ nhàng và nhấn mạnh cô không phán xét mà chỉ góp ý với thiện chí. Mình chỉ mượn ví dụ này để nói rằng không phải những người có học thức và văn minh nào cũng có cách hành xử tinh tế như vậy. Nhiều người trí thức rất hay dùng tư duy văn minh của bản thân, nhất là khi họ học tập và tiếp thu tư duy đó từ những quốc gia văn minh hơn Việt Nam, để phán xét những người trí thức khác là kém văn minh vì tư duy không như họ. Giống như họ là một “chủng tộc thượng đẳng”, còn những người khác là man di mọi rợ hay người tối cổ. Người càng học rộng biết nhiều, lại càng dễ phán xét những người cách biệt họ về mặt tri thức, theo một cấp độ tinh vi hơn sự phán xét giữa hai người khác tầng lớp với nhau.
Suy cho cùng, sự phán xét đối với những người không cùng “đẳng cấp” tư duy chỉ làm cho chúng ta thấy mình thượng đẳng hơn, chứ không giúp ta sống nhân văn hay “người” hơn. Văn minh trên tháp ngà có thể giúp ta nhìn thấy bầu trời cao rộng, nhưng chạm chân vào mặt đất ta mới thấy cuộc đời này chân thật và muôn vẻ muôn màu. Cũng thật bất công khi một nhóm người với những lợi thế vượt trội hơn trong xã hội cứ chăm chăm đi phán xét những người yếu thế và thiệt thòi hơn mình, mà không hoán đổi vị trí để hiểu cảm giác bị người khác phán xét vì cái-thiệt-thòi của bạn là như thế nào. Những hệ tư duy và cách nghĩ khác biệt đan xen lại mới dệt nên sự đa dạng của cuộc đời, và học cách cởi mở tư duy, suy nghĩ khoáng đạt hơn cũng là cách để bạn bao dung hơn trong cuộc đời này.
4 bình luận
Em chào anh,
Em viết bình luận này không phải để tranh cãi, không phải để phản biện vì đến tuổi này, em tin là những điều anh viết là đã, đang xảy ra. Cuộc sống là muôn màu muôn vẻ. Em chỉ muốn gửi anh một cái nhìn khác về tầng lớp những người lao động tại nơi em sống, họ cũng có cách sống rất văn minh.
Thật sự lúc em đọc đến đoạn này “Đối với những người trí thức hành xử văn minh, hành vi chen ngang hàng như thế này là điều bất lịch sự và rất khó chấp nhận được. Nhưng có một điều bạn cần biết ở đây, họ là hai người dân lao động – một cô bán cá và một chú chạy xe ôm.”, em có chút buồn. Em lớn lên tại một thị trấn nhỏ với các cô chú chạy xe ôm, hay bán cá (nhà em có một gian hàng tại chợ luôn đấy ạ), và cô chú đã cho em rất nhiều bài học về cách sống thiện lương và tử tế. Em nhớ rất rõ chính các chú xe ôm đã nhắc nhở nhẹ nhàng với bọn nhỏ trong xóm về việc không chen lấn trong những lần phát quà bánh ngày 1/6. Hay một lần em nghe cô bán cá đối diện gọi điện “đòi nợ” quyết đoán nhưng đầy thuyết phục, và không gay gắt, không dùng lời lẽ khó chịu (năm đó em đang học năm 2 và em đã nghĩ bản thân em cũng chưa chắc sẽ đưa ra nhiều luận điểm như thế chỉ trong vài phút gọi điện thoại).
Như mọi lần, em vẫn cảm ơn anh về bài viết ạ ^^
Chào em,
Có một điểm anh thấy em đang nhầm lẫn, đó là em đồng hóa tình huống anh kể với tất cả cô bán cá ngoài chợ hay tất cả chú xe ôm. Trong bài viết, anh chỉ đưa ra một tình huống điển hình anh chứng kiến và cung cấp cho người đọc thông tin nhân thân hai nhân vật này, để lý giải về khía cạnh vì sao những người lao động lại có cách hành xử như vậy. Nó chỉ là một tình huống điển hình với những nhân vật điển hình, chứ không mang tính phổ quát.
Người lao động cũng có người này người kia, ngay cả người trí thức cũng vậy. Nhưng cái “người này” mà anh nói tới là mẫu số chung thường gặp, khác với cái “người kia” của em là số ít. Bởi nếu khuôn mẫu như em nói mang tính phổ quát, thì nhiều người trí thức đã không phán xét và khó chịu về cách hành xử của tầng lớp lao động bình dân, như một hiện tượng trong bài anh đề cập.
Em chào anh,
Lúc bình luận, em cũng đoán anh sẽ hiểu lầm ý của em như vậy, vì để nói rõ có thể sẽ rất dài.
Em đã đọc cả bài viết và em hiểu đây chỉ là một tình huống anh đưa ra cho người đọc, và em hiểu “phần lớn…” không có nghĩa là tất cả. Ở đây, em chỉ nói lên cảm xúc của em khi đọc một góc nhỏ trong bài.
Có lẽ là vì em dành nhiều sự quý trọng đến những người lao động đã giúp đỡ và nhiệt tình với em trong cuộc sống.
Khi đọc đoạn em gửi, em xin lỗi vì cảm nhận của mình, khi đang ở vế trước nói về “những người trí thức hành xử văn minh” thì ở vế sau em, một độc giả, lại “cần biết ở đây, họ là hai người dân lao động”. Lúc đó em đã nghĩ về những cuộc trò chuyện với các cô chú về sự nỗ lực của họ để tạo điều kiện cho các con được học hành, được trở thành những người “trí thức” giỏi giang; về những lần các cô chú tự nhận mình là những người ít học thức. Em cũng chưa nhận định được chính xác liệu có sai không khi em lại thấy có chút bất công cho những người em đã gặp khi đặt “người trí thức hành xử văn mình” như thế với “người dân lao động”.
Trong môi trường anh đã, đang sống, thì “người này” là mẫu số chung. Nhưng “người kia” thuộc số ít đó lại là “phần lớn” trong cuộc sống của em. Em nghĩ anh sẽ hiểu tại sao em lại đưa ra cảm nhận như vậy. Có thể anh sẽ thấy em đi quá xa so với những gì anh viết, nhưng mà nó phần nào tác động đến cảm xúc của em lúc đọc bài.
Em không có sự hiểu lầm nào trong bài viết của anh đâu ạ. Nội dung chính của bài viết về bớt phán xét là điều em đã và luôn cố gắng thực hiện, nên em càng cảm phục và rất vui khi có người đưa ra quan điểm này.
Đây là những giải thích cho một xíu cảm xúc nho nhỏ của em. Cảm ơn anh đã đọc và dành thời gian cho bình luận trên ^^
Chào em,
Với góc nhìn của em, anh nghĩ nó cũng đại diện cho một nhóm độc giả có cùng trải nghiệm và cảm nhận giống em, cho nên anh vẫn giữ lại và đăng tải công khai để mọi người đều đọc được em nhé 😀