
Bắt đầu xuất hiện trên thế giới vào cuối năm 2022 và rộ lên ở Việt Nam khoảng sau Tết 2023, chỉ sau một đêm ChatGPT đột ngột trở thành một hiện tượng kỳ thú về trí thông minh nhân tạo (AI) trên khắp toàn cầu. Nhà nhà người người đều nói về ChatGPT, từ hàng loạt tờ báo đưa tin về xu hướng công nghệ mới, các chuyên gia về chuyển đổi số tranh thủ bắt trend cho đến các nhà lãnh đạo tổ chức phổ biến cho nhân viên – đi đến đâu bạn cũng thấy người ta nói về sự vi diệu của ChatGPT như một trợ lý ảo siêu thông minh giải đáp tất tần tật mọi câu hỏi của người dùng. Cuốn theo cơn bão ChatGPT đang làm mưa làm gió ấy, không ít cá nhân hay các group Facebook xuất hiện và quảng bá về các workshop hướng dẫn sử dụng ChatGPT hoàn toàn miễn phí.
Bên cạnh những cảnh báo đáng sợ về việc ChatGPT nói riêng hay trí thông minh nhân tạo nói chung có thể cướp mất việc làm của con người, một tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn được vẽ ra cho những công dân kỹ thuật số với vô vàn cơ hội kiếm tiền từ ChatGPT, từ sáng tác truyện tranh, sáng tạo nội dung, thiết kế hình ảnh, xây dựng ý tưởng phát triển các kênh cá nhân cho đến phác thảo kế hoạch kinh doanh,… Tất cả những công việc từng đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của con người giờ đây có nguy cơ bị AI soán ngôi chỉ trong vài nốt nhạc. Trong làn sóng công nghệ đang vần vũ hiện tại, nổi lên một thông điệp từ những người đi đầu xu hướng như sau: Chiếc thuyền trí thông minh nhân tạo đã bắt đầu rời bến, hãy lên thuyền cùng chúng tôi, nếu không bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có thực là nếu không bước lên chiếc thuyền ấy, chúng ta sẽ tụt hậu, lỗi thời và bị bỏ lại phía sau trong cơn bão công nghệ?

Câu chuyện bầy gà
Khoảng đầu năm 2017, xu hướng tiền mã hóa (cryptocurrency) và công nghệ blockchain bắt đầu manh nha ở Việt Nam với những đồng coin nổi tiếng như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH),… nhưng ở thời điểm đó, hầu như không có nhiều người biết về crypto. Bên cạnh các lĩnh vực đầu tư truyền thống như vàng, đô la, bất động sản, chứng khoán, giờ đây các nhà đầu tư lại có thêm một kênh đầu tư mới với những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, rằng loại tiền mã hóa này sẽ trở thành một hình thức tiền tệ phi tập trung kiểu mới được chấp nhận trên toàn cầu, giao dịch cực kỳ an toàn tiện lợi và đặc biệt là không chịu sự quản lý của bất kỳ chính phủ nào. Trong trào lưu tiền mã hóa rầm rộ năm ấy, các hội thảo và khóa học liên tục mọc lên như nấm để phổ cập kiến thức dành cho người mới bắt đầu.
Trước hết, mình cũng phải xin tự thú nhận rằng bản thân mình là một trong số ít những người làm marketing đã đón đầu cơn sóng crypto ở Việt Nam và đã chạy rất nhiều chiến dịch maketing để tạo nhu cầu và “educate” (giáo dục nhận thức) cho công chúng hiểu thế nào là crypto. Team của mình đã phổ cập những kiến thức cơ bản về crypto và phá đi hàng rào phòng thủ của những người còn e ngại về nó để đưa họ đến với các hội thảo phễu offline, có những chương trình lên đến cả ngàn người tham dự (thời đó chưa có dịch bệnh Covid-19 nên việc dạy online vẫn chưa thịnh hành). Với các chiến dịch marketing phủ sóng trên diện rộng và ngân sách chi mạnh tay, có thể nói team mình đã tiếp cận hàng trăm ngàn người Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội và đem về cho công ty hàng chục ngàn khách hàng.
Trong các chương trình hội thảo phễu như vậy, có một thông điệp nổi lên tương tự cách những người dạy về ChatGPT đang dùng hiện tại: Chỉ trong 15 năm nữa, công nghệ sẽ thay đổi tương lai hoàn toàn và nếu bạn không đón đầu cơn sóng bây giờ thì bạn sẽ bị nhấn chìm ở phía sau. Với khả năng push sales thần sầu của các chuyên gia đào tạo, cộng với rất nhiều neo tâm lý được cài cắm xuyên suốt buổi hội thảo và hiệu ứng đám đông, cuối mỗi chương trình thì hàng trăm khách hàng đổ xô xuống dưới bàn tư vấn để đăng ký tham gia và nhận ưu đãi. Với mỗi khóa học hay gói dịch vụ crypto có giá lên tới hàng chục triệu đồng, doanh thu một hội thảo phễu như vậy có thể lên tới hàng trăm triệu cho tới hơn cả tỷ chỉ sau một buổi tối.

Có một điều thật ngược ngạo, tuy mình là người dẫn đầu dự án marketing về crypto đó, nhưng bản thân mình không hứng thú và không đầu tư vào crypto như những bạn khác trong công ty. Càng gắn bó và đào sâu vào nó, mình chợt nhận ra hình tướng và bản chất của những thứ mình đang làm. Trong ba năm mình chạy các chương trình marketing về crypto, công ty đạt mức doanh thu kỷ lục mà gần chục năm trước đó chưa bao giờ đạt được. Tuy nhiên, những khách hàng đặt cược niềm tin vào crypto và bỏ hàng chục triệu duy trì phí thành viên mỗi năm thì vẫn ở xuất phát điểm. Không thể phủ nhận là có một số người giàu lên nhanh chóng nhờ crypto nếu họ đầu tư nghiêm túc, nhưng điều kiện cơ bản là họ phải có tư duy đầu tư và phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về nó. Nhưng nhóm này chỉ chiếm thiểu số, đa số còn lại vào thị trường chỉ vì ham làm giàu – cứ nghe nói đầu tư x5, x10, x20 là xuống tiền ngay lập tức, trong khi họ lại không hội tụ những điều kiện cần có của một nhà đầu tư.
Sau cùng thì hình ảnh châm biếm mình thường nghe đã trở thành sự thật: bầy gà không béo nhưng những kẻ lùa gà thì béo – người ta không kiếm tiền từ việc làm giàu, mà họ kiếm tiền từ việc dạy làm giàu. Chính cái tâm lý FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) của đám đông đã khiến họ bị người khác thao túng và lùa vào chuồng một cách tự nguyện. Không ai muốn bị bỏ lại phía sau, ai cũng muốn tranh thủ trèo lên chiếc thuyền đó để đón đầu cơn sóng công nghệ, nhưng cái tương lai hứa hẹn và tươi sáng thì chưa thấy đâu – trước mắt chỉ thấy họ đã mất hàng đống tiền mua vé lên thuyền. Trong khi đó, vị thuyền trưởng thì đang ở trên một chiếc du thuyền khác nhàn nhã hưởng thụ mọi đẳng cấp tiện nghi từ số vé-vào-tương-lai mà anh ta bán được, và nhìn đám đông đang tranh nhau giành chỗ trên chiếc thuyền gỗ đóng tạm bợ kia.

Công nghệ lùa gà
Có lần mình từng nghe học trò thân cận của một chuyên gia chứng khoán nổi tiếng ở nước ngoài tiết lộ một sự thật gây sốc. Vị chuyên gia này thú thực rằng trong sự nghiệp đầu tư vào chứng khoán của mình, ông ta chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền và làm giàu từ chứng khoán, mà thực tế ông giàu lên là nhờ mở khóa học để đi dạy cho người ta cách chơi chứng khoán, cũng như viết sách về chứng khoán để bán bản quyền và xây dựng thương hiệu cá nhân. Tiết lộ này làm mình cực kỳ sốc! Nhưng qua đó mình nhìn ra được bản chất của ngành công nghiệp dạy làm giàu qua rất nhiều khóa học với các nhãn mác bóng bẩy như dạy làm giàu bền vững, tư duy đầu tư 4.0, hay dạy về đầu tư chứng khoán, forex, crypto, v.v.
Các chuyên gia đào tạo là những người rất am hiểu tâm lý đám đông và có đủ mọi kỹ năng cần thiết để chinh phục khán giả. Họ đánh trực diện vào hai bản chất thường thấy ở con người: tham và lười. Ai cũng ham thích làm giàu, nhưng giàu kiểu từ từ 5-10 năm thì không được mà phải làm giàu nhanh, làm giàu dễ dàng thì mới chịu. Họ bỏ 1 đồng nhưng muốn nhận về gấp 5, gấp 10 hay gấp 20 đồng. Tiền bạc mà họ làm như thể Tề Thiên Đại Thánh bứt nhúm lông thổi phù một cái là nhân lên hàng trăm hàng ngàn. Bên cạnh đó, họ vào thị trường đầu tư nhưng không muốn phí hoài tâm sức nghiên cứu về các kiến thức đầu tư, học hỏi cách đọc các chỉ số hay nghiên cứu xu hướng lên xuống của thị trường. Họ chỉ muốn ngồi không nhập lệnh rồi tiền tự động nhân lên hằng tháng chảy vào túi họ. Chính vì thấu hiểu hai bản chất này, các chuyên gia đào tạo tô vẽ ra cho họ một bức tranh màu hường về việc đầu tư hết sức dễ dàng, ai cũng chơi được dù ở bất cứ trình độ nào.

Bản chất của các hội thảo phễu online về ChatGPT ở thời điểm hiện tại cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia đào tạo “thả mồi” là một chương trình hoàn toàn miễn phí với rất nhiều lợi ích cho người tham gia, đến cuối chương trình là màn chốt sales theo công thức hết sức quen thuộc với điểm đến là người tham gia sẽ đăng ký khóa học chuyên sâu hơn. Có một điểm thú vị nếu phân tích về selling point (lợi điểm bán hàng) qua thông điệp marketing hay chốt sales trong các chương trình này. Nếu bạn quảng bá thông điệp rằng ChatGPT sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả và thông minh hơn thì nghe cũng hấp dẫn đấy, nhưng nó vẫn chưa đủ đô, chưa ép phê. Thông điệp mạnh nhất là thông điệp đánh vào tâm tham và thói lười của con người ta, đó là ChatGPT sẽ giúp họ mở ra cơ hội kiếm tiền nhanh, kiếm tiền dễ dàng chỉ với vài ba thao tác đơn giản. Và bầy gà được lùa ầm ầm vào chuồng.
Khi thấy được hình tướng và bản chất của ngành công nghiệp dạy làm giàu, mình chợt nhận ra bản thân đang tiếp tay cho những kẻ lùa gà làm giàu dựa trên nỗi sợ của đám đông. Trong khi người tham gia và nhân viên giàu đâu chưa thấy, nhưng cái thấy rõ ràng là các vị chuyên gia dạy làm giàu ấy mua biệt thự, mua xe sang, đi du lịch châu Âu sang chảnh và xài toàn đồ hiệu. Họ tận hưởng một cuộc sống mà bao nhiêu người mơ ước bằng số tiền họ bòn rút từ bầy gà. Có không ít khách hàng mình biết phải vay tiền ngân hàng hay đi vay nợ từ bạn bè, người thân để đăng ký các gói dịch vụ hay bỏ tiền vào đầu tư với niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Khi chứng kiến tất cả những chuyện ấy, đạo đức nghề nghiệp không cho phép mình tiếp tục tiếp tay cho họ làm giàu. Và mình quyết định dừng lại, nghỉ việc và cũng chính thức rời khỏi ngành marketing.

Nỗi sợ bị bỏ lại phía sau
Não bộ của con người vốn rất ghét sự bất ổn. Từ xa xưa, khi tổ tiên săn bắt hái lượm của chúng ta đi kiếm ăn ngoài rừng rậm thì họ đã có tâm lý đề phòng mọi sự bất ổn diễn ra xung quanh. Một tiếng lá cây xào xạc phát ra từ bụi rậm thôi cũng đủ để làm họ phải cảnh giác, bởi hoặc đó là tiếng gió làm lá cây lay động, hoặc đó là một con sư tử nào đó đang chực chờ phóng ra để ăn thịt họ. Nếu không có bản năng cảnh giác với những điều bất ổn, có thể tổ tiên cổ đại của chúng ta đã sớm về chầu cụ kỵ và dòng giống của nhân loại đã tuyệt chủng từ lâu. Chính vì lẽ đó mà nỗi sợ về sự bất ổn đã nằm sâu trong bộ gene của loài người. Từng chuỗi ADN của con người chúng ta ngày nay vốn luôn thường trực nỗi sợ hãi ngầm ẩn về các tình huống bất định và không thể kiểm soát, bởi tất cả chúng đều liên quan tới bản năng sinh tồn.
Thêm vào đó, tổ tiên nguyên thủy của chúng ta từng sinh sống theo bầy đàn và bộ lạc. Nếu bị đuổi khỏi bộ lạc, đồng nghĩa bạn sẽ chết vì bạn chẳng thuộc về nhóm nào. Bạn sẽ phải đi lang thang một mình trong rừng, đối diện với những mối hiểm nguy rình rập ngoài hoang dã và không có bầy đàn bảo vệ mình. Sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ chết vì thú dữ hoặc chết vì đói. Trong thế giới hiện đại, tuy chúng ta không phải trả một cái giá đắt như thời tiền sử, nhưng bản năng muốn hòa nhập với đám đông và nỗi bợ bị bỏ lại vẫn còn nguyên vẹn trong bộ gene của loài người. Đó là lý do vì sao khi bị cô lập khỏi một tập thể như bị bạn bè tẩy chay hay đồng nghiệp xa lánh, bạn sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ và trở nên hoảng sợ.
Sự xuất hiện của những công nghệ mới như crypto hay ChatGPT cũng tạo ra tình huống bất định tương tự. Bỗng một ngày mở mạng xã hội lên, đột nhiên bạn thấy nhà nhà người người đều bàn tán về nó như một xu hướng mới tất yếu của xã hội, ngay cả những người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng trong cộng đồng cũng bắt đầu nói về nó, rồi một số bạn bè xung quanh trên Facebook cũng đã trải nghiệm và chia sẻ về nó. Ấy vậy mà bạn lại chưa biết gì – cảm giác khi đó thật bức bối và khó chịu, và nỗi sợ bị bỏ lỡ thúc đẩy bạn phải chạy theo đám đông để không bị tụt lại phía sau. Và khi chạy theo đám đông, bạn bị một số nhóm lợi ích lùa bạn vào chuồng gà thông qua các hội thảo phễu miễn phí hứa hẹn đem lại nhiều giá trị, để cuối cùng tiền trong túi bạn ting ting sang tài khoản của họ.

Ở bài viết “Du hành vào thế kỷ 22” trong series Luận Giải Doraemon, mình từng chia sẻ một ý niệm rằng chúng ta không việc gì phải vội vì tương lai chắc chắn sẽ xảy đến. Quy luật chung của cách mạng khoa học – công nghệ là hướng tới sự ứng dụng các phát minh ở mức độ phổ quát trong đời sống nhân loại chứ không chỉ áp dụng riêng cho một nhóm người nào. Khi chi phí nghiên cứu và sản xuất giảm xuống, giá thành trở nên rẻ hơn thì lúc đó bất kỳ ai cũng sẽ được tiếp cận và sử dụng các phát minh công nghệ mới một cách đại trà. Và khi đó những công nghệ như blockchain hay ChatGPT đang hot hiện tại rồi cũng sẽ trở nên bình thường hóa.
Ở ngay thời điểm hiện tại là tháng 6/2023, một số công ty công nghệ lớn đã bắt đầu ứng dụng AI vào các sản phẩm của họ. Chẳng hạn như phiên bản Windows 12 sắp tới của Microsoft hứa hẹn tích hợp AI ngay vào hệ điều hành, và hiện tại hãng Adobe đã thử nghiệm phiên bản Photoshop mới với công nghệ chỉnh sửa hình ảnh cực kỳ nhanh chóng chỉ bằng cách nhập lệnh vào màn hình. Chỉ trong vài năm nữa thôi thì hầu như tất cả các thiết bị chúng ta thường sử dụng như máy tính, điện thoại hay các phần mềm, ứng dụng đều sẽ tích hợp AI theo xu hướng mới của công nghệ.
Không thể phủ nhận rằng những người sớm đón đầu cơn sóng công nghệ thì sẽ được trải nghiệm và làm quen trước để ứng dụng những tiện ích mới vào đời sống của họ, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng những người chưa tiếp xúc với nó đều sẽ bị bỏ lại phía sau. Hãy nhớ rằng trong thế kỷ 22, một gia đình nghèo như đứa chắt của Nobita vẫn có thể sở hữu một chú mèo máy Doraemon hay sử dụng các sản phẩm của công nghệ tương lai như bất cứ ai. Và để tỉnh táo không bị lùa gà hay bị mất tiền oan, bạn nên biết một điều rằng tất cả những gì bạn muốn học về ChatGPT hay bất kỳ công nghệ mới nào đều luôn có sẵn trên mạng và hoàn toàn miễn phí, miễn là bạn chịu đào sâu tìm tòi bằng kỹ năng tự học. Con thuyền công nghệ không phải chỉ có một chuyến duy nhất và chỉ chở chừng ấy người. Bến tàu luôn đầy thuyền và lúc nào cũng có thuyền chuẩn bị rời bến nếu bạn muốn lên đó.