
Trong bộ phim hoạt hình Bạch xà 2: Thanh xà kiếp khởi, mở đầu phim là phân cảnh hòa thượng Pháp Hải trấn yểm Bạch Xà dưới Lôi Phong tháp, Thanh Xà vì muốn cứu tỷ tỷ đã bất chấp tính mạng quyết sống mái một phen với Pháp Hải, nhưng vì pháp lực yếu hơn nên bị Pháp Hải thẳng tay trừng trị và đọa vào đường sinh tử. Trong khoảnh khắc ở ngưỡng cửa tử, trong lòng Thanh Xà vẫn còn chấp niệm giải cứu tỷ tỷ của mình nên bị rớt xuống Tu La Thành, một cõi giới vô hình tập hợp giữa người, yêu và la sát, nơi giam giữ những linh hồn còn nhiều chấp niệm vì cầu mà không được.
Muốn thoát khỏi Tu La Thành, các linh hồn phải tới ao Vô Trì và chấp nhận điều kiện đánh đổi của chủ nhân nơi đây. Mỗi linh hồn khi rơi vào cõi giới Tu La Thành đều mang theo trong mình một vật chấp niệm, trong đó chứa đựng ký ức và sự chấp niệm lớn nhất của mỗi linh hồn, như Thanh Xà là dải lụa trắng của tỷ tỷ. Điều kiện đánh đổi hết sức đơn giản, linh hồn chỉ cần thả vật chấp niệm đó xuống ao Vô Trì, và chấp nhận buông bỏ hoàn toàn chấp niệm đó thì linh hồn sẽ được đầu thai chuyển thế và thoát khỏi cảnh luôn bị đe dọa hồn xiêu phách lạc ở cõi Tu La.
Vấn đề nằm ở chỗ, có rất nhiều linh hồn từng tìm đến chủ nhân của ao Vô Trì để xin cơ hội thoát khỏi Tu La Thành. Nhưng khi đối diện với chấp niệm lớn nhất trong lòng mình, bản thân mỗi linh hồn lại trù trừ, đau khổ, do dự, căn bản là không thể nói buông là buông bỏ được. Họ cứ cầm khư khư vật chấp niệm trong tay, không đủ can đảm và dũng khí để ném nó xuống hồ, và rồi lại từ bỏ để quay về cuộc sống trong Tu La Thành.
Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện có tính chất hư cấu, ý niệm của câu chuyện gợi lên trong mình nhiều suy ngẫm về những chấp niệm của chúng ta trong cuộc đời, nhất là những thứ mà ta chưa hoàn thành được, hay nói như phim hoạt hình Bạch Xà 2 là “cầu mà không có được”.

Tầm mấy năm trước, mình từng mua một chiếc bảng vẽ Wacom dành cho dân thiết kế, chuyên dùng để vẽ trên máy tính. Dù không học chuyên về thiết kế đồ họa, cũng không làm công việc designer, nhưng từ nhiều năm trước đó mình đã có chấp niệm về việc phải tự học được digital painting để có thể vẽ linh tinh và diễn đạt ý tưởng của mình bằng hình ảnh. Khi mới mua bảng vẽ, mình còn đầu tư mua thêm cả mấy khóa dạy vẽ digital căn bản hết mấy chục đô, xong rồi mỗi tối cũng dành thời gian mày mò tập đi những đường nét cơ bản. Thời gian đầu mình còn tập tành vẽ mấy hình họa đơn giản và đăng lên Facebook.
Nhưng sự kiên nhẫn không kéo dài được mấy tuần, mình nhận ra một điều rằng để đi từ level cơ bản lên đến level trung cấp, mình cần phải dành nhiều thời gian hơn cho việc luyện vẽ, ít nhất phải 1-2 tiếng mỗi ngày. Vấn đề là nếu tiêu tốn ngần ấy thời gian cho việc theo đuổi một sở thích cá nhân, mình sẽ phải đánh đổi thời gian để làm những thứ khác ưu tiên và quan trọng hơn chuyện vẽ vời. Chưa kể, mình cũng không có ý định trở thành designer chuyên nghiệp hay kiếm tiền từ chuyện vẽ digital (và mình cũng nghĩ bản thân mình không đủ tầm để so bì với nhiều bạn designer chuyên về mảng này). Kết quả là mình đã từ bỏ chỉ sau 2 tuần ngắn ngủi, và bỏ xó chiếc Wacom một góc trong phòng suốt 2 năm trời sau đó, cho tới khi mình thanh lý cho một bạn đồng nghiệp.

Có một số bạn từng hỏi mình vì sao không làm podcast? Podcast đang là trend và mình có lợi thế rất lớn là có hàng trăm bài blog để thu âm podcast mà không cần phải đau đầu nghĩ kịch bản. Với chuyên môn về phát thanh và kinh nghiệm xử lý âm thanh hay dựng phim trước đây, mình thừa sức để làm một kênh podcast. Vấn đề này không phải là mình không nghĩ đến, mà còn đã nghĩ đến từ rất lâu, trước khi nhận được câu hỏi trên. Bản thân mình cũng từng rất chấp niệm về việc làm podcast, dù cho có một thực tế mình biết rõ mồn một là giọng mình không đủ hay và truyền cảm để thu âm, đó là một chất giọng không đến nỗi khó nghe nhưng tự bản thân mình không thích giọng của mình. Và nếu phải nói quá nhiều và nói liên tục trong một quãng thời gian, mình rất dễ bị khan tiếng và tụt năng lượng.
Dẫu biết rõ điểm yếu của bản thân là như thế, mình vẫn không từ bỏ được chấp niệm về việc làm podcast và luôn tự nhủ rằng mình sẽ làm, làm vào một ngày nào đó. Rồi cái ngày đó nó cũng đến, mình thậm chí còn đầu tư mua hẳn một chiếc micro thu âm “xịn sò” để tạo cho bản thân động lực theo kiểu… tiếc tiền mua mic nên phải ráng thu âm. Khi làm số đầu tiên, mình phải mất gần như hai ngày cuối tuần để thu đi thu lại, đọc đoạn giới thiệu, tìm nhạc hiệu, mix nhạc các kiểu để cho ra đời tập podcast đầu tiên. Kết quả không đến nỗi quá tệ, chỉ có điều nó không đạt đến ngưỡng chất lượng mình đặt ra. Ví như mình muốn nó phải 8 điểm thì thực tế nó chỉ được tầm 4 điểm. Và sau đó, không có sau đó, số phát sóng đầu tiên đã bị mình delete thẳng tay và không bao giờ lên sóng. Giống như chiếc Wacom, bộ micro đó cũng nằm xếp xó một góc trong phòng tới nay cũng hơn cả năm trời.

Vài năm trước, mình từng ấp ủ một dự án gọi là “Chuyện tiền kiếp”, một website bao gồm tất tần tật các câu chuyện về tiền kiếp từ đông tới tây. Trên thực tế, đề tài này đã có nhiều trang tâm linh làm nhưng đó chỉ là một mục nhỏ trên website của họ chứ chưa có trang nào làm chuyên sâu về khía cạnh này. Đây là một đề tài mình rất quan tâm hứng thú và bản thân mình từng đọc qua rất nhiều sách về tiền kiếp, cũng như đã sưu tập được một kho chuyện khổng lồ có thể SEO website lên top. Sau một thời gian suy nghĩ, mình cũng quyết định xuống tay mua tên miền và lập website, thậm chí còn làm giao diện rất đúng style tâm linh huyền bí. Thời gian đầu mình đăng bài rất hăng hái, mỗi ngày ít nhất 1-2 bài, đầu tư hình ảnh và SEO rất công phu.
Nhưng cái sự hăng hái đó không kéo dài được lâu, mình còn nhiều việc khác phải làm và còn phải duy trì nội dung cho một số dự án khác quan trọng hơn, và rồi mình dần dần bỏ bê website tiền kiếp này chỉ sau vài tháng, cho tới một năm sau đó khi tên miền hết hạn mà bài gần nhất là một năm về trước. Khi ấy mình quyết định khai tử website và chính thức kết liễu dự án ngay tại đó.
Đọc qua mấy ví dụ trên, một số bạn có thể sẽ cho là mình hành động nông nổi, bồng bột nhất thời mà không chịu suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi làm. Thực tế là mình không đưa ra những quyết định đó trong phút nổi hứng bất chợt, mà đó là kết quả sau nhiều quãng thời gian suy nghĩ phải tính bằng năm. Bản thân mình cũng tự nhận thức được rằng thời gian và sức lực của mình là có hạn, mình không thể ba đầu sáu tay phân thân như Tôn Ngộ Không để làm tốt được hàng chục việc mà chỉ nên tập trung vào những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Nhưng khi trong lòng bạn có một chấp niệm về điều gì đó chưa thể hoàn thành, những thứ bạn cầu mà không có được, nó sẽ cứ đeo đuổi ám ảnh bạn mãi trong tâm trí từ ngày này qua ngày khác. Và chúng chỉ biến mất cho đến khi bạn bắt tay vào làm, dẫu cho bạn đã nhìn thấy trước kết quả thất bại, rằng bạn sẽ không thể hoàn thành thứ mà bạn vốn không giỏi hay thứ vốn không phải là điều ưu tiên trong cuộc đời bạn.

Cách đây 5-6 năm, mình từng phỏng vấn một em vào vị trí Content Marketing của công ty cũ, nhưng em không đạt yêu cầu. Sau đó công ty mình tuyển vị trí Customer Care thì em vẫn apply, và một lần nữa lại không đạt. Thông qua quá trình trò chuyện lúc phỏng vấn, mình mới biết được đam mê thật sự của em là trở thành một dịch giả, và em muốn làm việc tại công ty mình vì đó là công ty sách và có một chị dịch giả mà em ngưỡng mộ. Sau này em cũng có kết bạn với mình trên Facebook nên mình mới biết em làm công việc Content cho một trung tâm dạy tiếng Anh và vẫn rất kiên trì với ước mơ trở thành dịch giả khi em vừa đi làm vừa đi học thêm tiếng Anh suốt mấy năm trời, rồi cộng tác dịch bài cho một số trang.
Về sau em có cộng tác viết bài cho một dự án của mình, khi ấy mình mới có dịp làm việc trực tiếp với em ở vai trò mentor. Trong suốt một năm em cộng tác, chất lượng bài viết của em ngày một tốt dần, nhưng ở em có một điểm yếu là tính không cẩn thận. Vì không cẩn thận nên mỗi lần gửi bài cho mình review thì không sót lỗi này cũng sót lỗi khác, có những lỗi mình đã nói đi nói lại nhiều lần, thậm chí có những bài review xong hết rồi chỉ còn mỗi khâu đăng lên website thôi mà cũng phải sửa 3-4 lần mới final được. Ở góc nhìn của một người đang làm ở lĩnh vực xuất bản và từng tuyển dụng nhân sự, mình nói với em rất thật tình là tố chất của em không phù hợp để trở thành một dịch giả, dù cho mình biết em rất rất rất thích công việc này và đó là ước mơ em đeo đuổi bao nhiêu năm nay. Nếu công ty mình có tuyển, mình sẽ không ứng cử và cũng không chọn em được, vì nội trong một bài viết dưới 800 chữ mà em đã vật lộn với bao nhiêu vấn đề như thế, làm sao mình an tâm để em dịch một cuốn sách trung bình từ 80.000 – 100.000 chữ?
Có những vấn đề thuộc về phạm trù điểm mạnh và điểm yếu của mỗi cá nhân, mà chúng ta chỉ có thể củng cố điểm mạnh của mình và hạn chế phải làm những việc liên quan tới điểm yếu. Giống như mình không có một chất giọng hay và truyền cảm, thì tốt nhất mình không nên dấn thân vào những công việc vốn là điểm yếu của mình như MC, phát thanh viên hay đơn giản là thu âm podcast. Mình biết rằng lời khuyên của mình làm em buồn nhiều và thất vọng về bản thân. Mình cũng biết rằng ước mơ được trở thành dịch giả là một chấp niệm rất lớn của em, và rất khó để em từ bỏ ước mơ đó, ngay cả khi một người làm trong ngành như mình nói cho em biết sự thật phũ phàng đó. Nhưng mình cũng hy vọng em sẽ đủ mạnh mẽ để chứng minh cho mình thấy những gì mình nhận định là sai lầm, khi một ngày nào đó em sẽ thật sự bước vào nghề vững vàng và đứng tên trên vài cuốn sách nào đấy.

Trong một bộ phim tình cảm học đường mình từng xem, Ngô Hoan là một cậu trai mũm mĩm cảm mến Lâm Thi Âm, một bạn nữ hoa khôi của lớp. Cả hai sống cùng một con ngõ và chơi chung một nhóm bạn từ nhỏ đến lớn, trong cả nhóm ai cũng thấy được Ngô Hoan thích Lâm Thi Âm nhưng cô nàng luôn ngó lơ, tỏ vẻ khó chịu và nhiều lần cư xử quá đáng với cậu. Ấy vậy mà Ngô Hoan lại không hề để tâm. Nguyên do của sự u mê bất chấp này xuất phát từ một đoạn chấp niệm của Ngô Hoan trong quá khứ, khi cậu đi học nhà trẻ bị bạn bè tẩy chay và Lâm Thi Âm là người chìa tay ra chào đón cậu. Chính vì ký ức đó mà khi lớn lên trong lòng Ngô Hoan luôn nảy sinh hảo cảm về Lâm Thi Âm, dẫu cho cô ngày càng ghét cậu ra mặt.
Về sau khi trưởng thành cả hai cũng trở thành một cặp sau một vài biến cố, nhưng căn bản Lâm Thi Âm đã quen với cảm giác có Ngô Hoan suốt ngày lẽo đẽo theo bên mình từ nhỏ như một chú cún con nên khi thiếu vắng cậu thì không chấp nhận được, chứ trong thâm tâm cô không thật sự yêu Ngô Hoan và xem cậu là bạn trai. Bản thân Ngô Hoan cũng ý thức điều đó, cho đến một ngày giọt nước tràn ly thì chính cậu là người chủ động đưa ra lời chia tay, bởi cậu nhận ra tình cảm của mình trước giờ dành cho Lâm Thi Âm chỉ là một sự chấp niệm từ quá khứ chứ cô không thật sự để cậu trong lòng.

Nếu ngay từ đầu, Ngô Hoan nhận thức được rằng tình cảm của cậu dành cho Lâm Thi Âm chỉ là một sự chấp niệm, chứ cả hai sẽ không thể nào có kết cục tốt đẹp khi ở bên cạnh nhau, liệu cậu có mạnh dạn từ bỏ chấp niệm đó và quên đi Lâm Thi Âm?
Nếu ngay từ đầu, Bạch Xà nhận thức được rằng tình cảm của cô dành cho Hứa Tiên chỉ là một sự chấp niệm, chứ luật trời đã định người và yêu không thể nào chung sống được với nhau, và lựa chọn yêu Hứa Tiên thật ra chỉ là làm khổ anh ta, liệu Bạch Xà có can đảm từ bỏ chấp niệm đó và quên đi Hứa Tiên?
Nếu ngay từ đầu, Thanh Xà nhận thức được rằng pháp lực của cô không thể nào đấu lại Pháp Hải và cô không thể nào giải cứu được tỷ tỷ khi tỷ ấy đã vi phạm luật trời, liệu Thanh Xà có từ bỏ chấp niệm đó và quay về tu tiên?
Nếu ngay từ đầu, mình nhận thức được rằng mình không có thời gian dành cho việc luyện vẽ và thực hiện một dự án nội dung mới, cũng như điểm yếu lớn nhất của mình là giọng nói, liệu mình có từ bỏ chấp niệm đó và quay về tập trung vào những thứ mình đang làm?

Không thể phủ nhận được rằng, nếu Ngô Hoan từ bỏ chấp niệm về Lâm Thi Âm ngay từ sớm, cậu đã không đau khổ vì tình và bị Lâm Thi Âm giày vò nguyên cả quãng thanh xuân như vậy. Nếu Thanh Xà và Bạch Xà từ bỏ chấp niệm của mỗi người, cả hai đã có thể yên ổn tu luyện bên nhau để đắc đạo thành tiên. Nếu ngay từ đầu mình không mua bảng vẽ Wacom, không mua micro thu podcast và không lập ra một website mới, mình đã không tốn một mớ tiền và không lãng phí một mớ thời gian, mà rõ ràng là mình biết trước kết quả sẽ chẳng đi tới đâu.
Có những thứ nếu đã biết là cầu mà sẽ không có được, vậy ngay từ đầu lòng có nên khởi cầu?
Không phải Ngô Hoan, Thanh Xà, Bạch Xà hay mình và cô em kể trên không biết những điều đó, mà từ bỏ chấp niệm của bản thân về những thứ chưa hoàn thành là một lựa chọn không mấy dễ dàng. Giống như những linh hồn của Tu La Thành khi đối diện với ao Vô Trì, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ và can đảm từ bỏ vật chấp niệm của bản thân để sống một cuộc đời khác hoàn toàn vắng đi chấp niệm đó.
Giả sử nếu đã trải qua những gì bạn sẽ trải qua và biết được kết cục thực tế là như vậy, nếu được quay ngược thời gian trở về điểm xuất phát, liệu bạn có còn khư khư giữ lấy chấp niệm đó? Hay bạn sẽ nhẹ nhàng buông bỏ nó xuống ngay từ đầu để không tự làm mình nhọc thân và khổ tâm? Câu hỏi này mình bỏ ngỏ để mỗi người đọc tự suy ngẫm về những chấp niệm của riêng mỗi người trong cuộc đời…
1 bình luận
Càng đọc nhiều bài của Linh, mình càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng và thấy đồng cảm kinh khủng.
Ở bài viết này, mình tìm thấy 2 điểm đồng cảm. Đầu tiên là việc thu âm podcast. Mình bẩm sinh cũng không có chất giọng đẹp, cột hơi yếu, cười nói một lúc là khàn giọng, bố mình cũng từng nói mình không làm công việc phát thanh được. Thế nhưng hồi nhỏ mình chỉ có phương tiện giải trí chủ yếu là cái đài cassette, nghe được cả radio. Hồi ấy hay nghe VOV, đặc biệt là Văn nghệ thiếu nhi, thế là tự nhiên muốn lớn lên trở thành BTV phát thanh. Mặc dù không có tố chất làm phát thanh nhưng mình rất thích, hồi đại học cũng tập tành thu âm, rồi tự học các phần mềm biên tập âm thanh. Hôm nọ dọn máy tính, vừa nghe lại những radio mình thu hồi ấy, giọng còn vụng về, ngô nghê nhưng mình vẫn nghe ra sự trong trẻo và cảm xúc trong đó. Mình mới bật cười, đúng là sở thích “tiên tri” công việc sau này nhỉ?
Hồi đi làm bài test phỏng vấn, mình tí thì bị loại vì giọng không tốt. Phải đến 2 tháng sau mình mới được gọi thử việc. Lúc đầu mình cũng không tự tin thể hiện giọng đọc đâu, còn bị ném đá lên xuống. Nhưng dần dần, giọng đọc của mình cũng được thính giả công nhận. Tuy nhiên, sau này khi làm job ngoài, thu âm sách nói, tổng đài thì đúng là giọng mình không thể cạnh tranh được với những giọng đọc chuyên nghiệp, làm ở VOV. Mình biết thân biết phận và lui về hậu trường trong vai trò biên tập và sản xuất, không nhận những job thu âm bên ngoài nữa. Mình cũng bỏ xó thiết bị một thời gian, mãi sau này mới quay lại làm podcast . Mình từng chia sẻ với độc giả rằng giọng nói cũng như vân tay mà mỗi chúng ta có một chất giọng đặc biệt duy nhất, nên là nếu các bạn yêu thích việc làm podcast thì cứ tự tin lên. Như chị Chi Nguyễn (The Present Writer) mà mình follow, từng rất tự ti về chất giọng ngắn lưỡi, nhưng sau chị vẫn tự tin làm podcast, YouTube và rất thành công.
Điểm thứ hai mình đồng cảm là việc học vẽ. Mình còn đầu tư hơn cậu ở chỗ, mình từng đăng ký khóa học dài hạn 2,5 năm với học phí là 101 triệu. Một phần vì mình yêu nghệ thuật, muốn thử nghiệm lĩnh vực mới, thử thách bản thân. Mình có vươn đến mục tiêu xa hơn là có thêm cái nghề tay trái hoặc chuyển nghề sang lĩnh vực vẽ minh họa, thiết kế. Xa hơn nữa là tự tay sáng tác ra những bộ sách tranh riêng và dấn thân vào lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Mình có rất nhiều ý tưởng trong đầu và muốn hình ảnh hóa nó ra. Tuy nhiên sau gần 1 kỳ đầu thì mình đã bỏ ngang do chịu áp lực nhiều phía.
Khi đã bỏ khóa học dài hạn rồi, mình vẫn còn chấp niệm, vẫn tiếp tục mua một số khóa học trực tuyến khác để “đi con đường riêng” đến thành Rome. Sau này thì mới dừng hẳn do không đủ kiên nhẫn ngồi vẽ hàng giờ. Cũng như cậu, mình nhận ra rằng: (1) khi mình dành thời gian để làm việc này thì sẽ mất đi thời gian để làm việc khác, và (2) học nhiều thì dễ, học sâu mới khó. Mình có thể hứng thú học một cái gì đó thời gian đầu, nhưng rất khó để duy trì nó một thời gian dài, ngày càng nâng cao hơn và có thể biến nó thành kỹ năng kiếm tiền.
Tớ từng tự thấy mình thất bại, lãng phí thời gian và tiền bạc một cách chẳng đâu vào đâu. Sau này khi rèn luyện một tư duy phát triển, tớ nhìn nhận lại rằng nếu không thử làm thì mình không thể biết mình có hợp hay không và cứ canh cánh mãi về những việc mình muốn mà chưa làm. Tớ tin rằng cái gì mình muốn cũng đều có thể học và làm được, lúc còn theo học, điểm số của tớ khá chứ không tệ, dù xuất phát điểm mình không có năng khiếu nghệ thuật. Tớ còn được giảng viên đánh giá cao về sự chăm chỉ, nghiêm túc (đi học đều, làm bài tập đầy đủ). Thế nhưng tớ cũng biết đó không phải là thế mạnh lớn nhất của mình.
Tớ từng có rất nhiều việc muốn làm, nhiều thứ muốn trải nghiệm, nhưng sau này khi theo đuổi lối sống tối giản, tớ luôn hỏi bản thân một câu là: những thứ đó có quan trọng không? Hiện tại, tớ chỉ tập trung vào thế mạnh của mình, còn những gì mình thích thì cứ trải nghiệm, nhưng chỉ giữ chúng như những sở thích thôi. Tớ cũng bỏ xó chiếc Wacom và cả máy đọc sách Kindle một thời gian rồi mà vẫn chưa quyết định được nên cho chúng ra đi hay để lại đây