
Mình mở tài khoản Facebook đầu tiên là vào năm nhất đại học, cách đây gần chục năm. Hồi ấy các bạn ở thành phố ai cũng có tài khoản Facebook, và muốn kết bạn để giữ liên lạc với nhau thì phải chơi Facebook. Trước đó vài năm, hồi mình còn học cấp ba, tụi học sinh tỉnh lẻ như mình còn không hề biết có khái niệm gọi là Facebook tồn tại, vì “mạng xã hội” phổ biến nhất lúc đó là Yahoo Messenger. Nhưng để liên lạc với nhau, kênh giao tiếp chính của tụi mình vẫn là SMS điện thoại, chứ chẳng ai muốn nhắn một tin gì đó cho nhau mà lên Yahoo Messenger.
10 năm sau, là bây giờ, khi mình về quê (một vùng nông thôn) nghỉ lễ, tụi con nít ở quê đứa nào cũng sở hữu một chiếc smartphone riêng. Những đứa mới học cấp một thì chỉ biết chơi game và xem Youtube trên điện thoại, những đứa cấp hai lớn hơn thì đã biết xài Facebook. Dù là buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều, tụi con nít khi ngồi nghỉ thì mỗi đứa sẽ ôm một chiếc điện thoại, đứa thì nằm xem clip trên Youtube, đứa thì lướt news feed trên Facebook, còn mấy đứa khác thì tụm lại chơi game liên minh với nhau.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, thứ đã chết đi và tuyệt chủng là những trò chơi dân gian của lũ trẻ. Lứa con nít tụi mình ngày xưa, ở thời đại chưa có smartphone và cũng chưa có Facebook hay Youtube, những lúc rảnh rỗi là lại bày trò tụm năm tụm bảy chơi với nhau cả ngày không biết mệt. Lúc thì chơi rượt bắt, lúc thì chơi năm mười, rồi nhảy lò cò, kéo co, ném lon, giựt cờ, cá sấu lên bờ, động tượng v.v. Có 1001 trò chơi đếm không xuể mà tụi con nít dù ở dưới quê hay ở trên thành phố thời đó có thể chơi xoay tua không biết chán, hôm nay chơi trò này thì ngày mai chơi trò khác. Chơi đến khi nào nghe tiếng mẹ í ới gọi về ăn cơm trưa thì mới chạy về nhà, rồi ngủ trưa xong thì xế xế lại chạy ra ngoài sân chơi tiếp tới giờ ăn tối. Đến tối những ngày mưa dầm dề thì lại thắp đèn tụ lại kể chuyện ma.
Giờ thì con nít trưởng thành lên trong những trò chơi ảo trên smartphone, ở một tuổi thơ ít vận động và lười tư duy hơn (mấy trò chơi dân gian cũng rèn giũa được rất nhiều sự lanh lẹ và tư duy vận động nơi trẻ nhỏ). Ngày xưa cha mẹ tuy bận bịu đủ chuyện, nhưng cũng phải dành ra chút ít thời gian để tâm tới con cái, giờ thì nhiều bậc cha mẹ “khoán” con cái một chiếc smartphone. Chỉ cần con ngồi yên một chỗ với chiếc smartphone là họ đã yên tâm, để đi làm những việc riêng của họ mà không bị con cái theo làm phiền. Nếp sống của từng gia đình cũng chuyển dịch theo sự phát triển của công nghệ, theo hướng ngày một tệ hơn chứ không mấy tốt đẹp hơn xưa.
Mặt trái của mạng xã hội
Nếu bạn là một người trẻ, nghiện smartphone và Facebook, ắt hẳn sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy bức bối (frustration) nếu trong một quãng thời gian tương đối lâu (có thể là nửa tiếng hay vài tiếng) mà bạn không được mở điện thoại lên, hay không được lên mấy app mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Instagram để lướt newsfeed, để cập nhật tình hình từ những người khác, để xem thế giới mà người khác đang sống như thế nào. Sự bức bối bên trong sẽ tạo nên một cảm giác khó chịu, ức chế, và bạn chỉ muốn nhanh chóng giải tỏa nó bằng cách mở điện thoại lên, và lướt, lướt, lướt.
Ngay cả những người đã trưởng thành, 18+ hay 30+ cũng không thoát khỏi triệu chứng này, dù chúng ta chỉ mới dùng Facebook vài năm gần đây, huống hồ chi những đứa trẻ có tuổi đời dùng smartphone và mạng xã hội lâu hơn chúng ta rất nhiều.
Trong bộ phim tài liệu The Social Dilemma (Song đề xã hội) mới lên sóng gần đây trên Netflix, nói về mặt trái của mạng xã hội ở cuộc sống hiện đại, có một thông tin khiến mình đọc xong khá chấn động:

Bạn có biết, nếu một nền tảng công nghệ không bán một sản phẩm nào, thì bạn chính là sản phẩm của nền tảng đó. Facebook hay Youtube không cố bán cho chúng ta một sản phẩm nào cả, vì họ chỉ tạo ra một nền tảng để thu thập dữ liệu của người dùng – từ chuyện bạn thích ăn gì, thích nghe dòng nhạc nào, thích đọc quyển sách nào, đến chuyện bạn thích những nội dung gì, thích like những dạng hình ảnh nào, thích xem kiểu video nào v.v. Facebook đôi khi còn hiểu bạn hơn chính bạn hiểu về bản thân mình.
Và dĩ nhiên, những dữ liệu (data) đó là nguồn tài nguyên quý giá của Facebook, để họ đem ra kinh doanh và kiếm tiền bằng cách “bán” thông tin của bạn cho những nhà quảng cáo (advertiser). Đó cũng là lý do vì sao, khi bạn chỉ lỡ mồm với nói bạn mình chuyện muốn niềng răng (nói ở ngoài đời thôi nhé), thì một lát sau Facebook sẽ hiển thị quảng cáo các dịch vụ nha khoa uy tín với các gói niềng răng trên news feed của bạn. Hay khi bạn đang chat Messenger với bạn và hỏi xem tụi bạn có biết địa chỉ spa nào tốt không, thì hỡi ôi một loạt các quảng cáo dịch vụ spa sẽ xuất hiện trên tường nhà. Cũng có đôi khi, bạn chẳng lỡ mồm nhưng cũng chẳng chat với ai về một từ khóa cụ thể nào cả, nhưng Facebook vẫn đề xuất tới bạn những quảng cáo về các sản phẩm như đi guốc trong bụng bạn.
“Ù ôi, Facebook có phải thầy bói cô đồng không nhỉ, sao nó biết mình còn tính mua gì luôn kìa?!”
Sở dĩ mình bị chấn động bởi câu trích dẫn trong The Scocial Dilemma là vì các phần mềm (game cũng là một dạng phần mềm) nói chung hay mạng xã hội nói riêng (cũng là một phần mềm) được so sánh ngang ngửa với ngành công nghiệp kinh doanh ma túy bất hợp pháp. Điểm chung của hai ngành công nghiệp này là thứ sản phẩm mà chúng cung cấp cho người dùng là một thứ gây nghiện – ma túy, hay là Facebook.
Có lẽ bạn không hề biết, Facebook là một môi trường công nghệ được thiết kế dựa trên sự thao túng (manipulate) và nghiện ngập. Những nhà lập trình nên Facebook hay nhiều mạng xã hội khác, đều là những người am hiểu về não bộ và tâm lý học hành vi, để ứng dụng những kiến thức đó vào việc thiết kế nên một sản phẩm gây nghiện cho người dùng. Chẳng hạn, lúc trước các thông báo (notifications) của Facebook có màu xanh lá, chẳng ai buồn click vào đọc. Nhưng từ khi thông báo chuyển sang màu đỏ – một màu gợi cảm giác nhức nhối – thì hàng triệu người trên thế giới bấn loạn khi thấy Facebook ngập tràn noti mới chưa được đọc.

Chúng ta, những người dùng Facebook, về bản chất cũng không khác gì những con chuột trong phòng thí nghiệm, được cho thử từ kích thích này đến kích thích khác. Ở trong căn phòng đó, vốn dĩ chúng ta không có quyền kiểm soát, mà quyền kiểm soát thuộc về chủ phòng thí nghiệm và các thí nghiệm gia khác. Nhờ đội ngũ kỹ sư có nhiệm vụ hack tâm lý mọi người, Facebook có được sự tăng trưởng (growth hacking) vượt trội và trở thành mạng xã hội phổ biến toàn cầu, rồi thành một doanh nghiệp có trị giá hàng trăm tỷ đô.
Khi dùng Facebook, nhiều người trong chúng ta tưởng rằng mình làm chủ nó, nhưng không hề biết rằng từng ngày một, Facebook mới thực sự làm chủ và đang tái lập trình lại não bộ của bạn trong vô thức. Khi noti Facebook nhảy đến trên điện thoại, bạn vô thức phải mở lên để đọc cho bằng được xem ai like hình của bạn, ai comment status của bạn, ai tag bạn vào ảnh của họ, ai gửi inbox cho bạn. Vì một cản trở nào đó, bạn không mở điện thoại lên được để xem noti, bạn sẽ ức chế và khó chịu, bứt rứt trong người. Khi vô thức buồn chán, bạn cứ nằm dài một chỗ và lướt news feed, lướt hoài tin rồi cũng cũ, thì bạn chỉ cần lướt nhẹ về đầu, Facebook sẽ tự động refresh lại newsfeed để cập nhật cho bạn những tin tức mới, và rồi bạn cứ tiếp tục lướt feed trong vô thức. Đó đều là những dấu hiệu của một việc nghiện, một con nghiện Facebook, chỉ là ở mức độ nặng hay nhẹ.
Ở bộ phim The Social Dilemma, có một tình huống xã hội giả lập thú vị, khi một người mẹ muốn cả gia đình kết nối với nhau bằng cách nói chuyện trực tiếp trong bữa ăn tối nhiều hơn, nên bà mua một dụng cụ trên mạng để bỏ điện thoại của tất cả thành viên trong gia đình vào, và đặt thời gian khóa hộp lại tương ứng với thời gian ăn tối của cả nhà. Tức là, chiếc hộp chỉ có thể mở ra được sau khi kết thúc giờ ăn tối. Nhưng trong lúc ăn, vô số tiếng ting ting từ những chiếc điện thoại phát ra, báo hiệu có noti mới trên các app mạng xã hội. Đứa con gái nhỏ đang học trung học, một lát sau ức chế nên đã đi tới lấy cây búa đập tan chiếc hộp để lấy chiếc điện thoại ra ngoài và bỏ lên phòng.
Vô tình, cô em gái cũng đập vỡ màn hình chiếc điện thoại của cậu anh trai đang học phổ thông. Thế là, mẹ với cậu có một giao ước: nếu trong một tuần con không đụng tới điện thoại thì mẹ sẽ thay màn hình mới cho con. Kết quả không cần nói chắc bạn cũng đoán được, cậu con trai không vượt qua được sự bức bối khi không có mạng xã hội, nói đúng hơn là sự bức bối khi không được cập nhật tin tức về đời sống của những người khác hay không được kết nối với thế giới. Và cậu đã lén lấy điện thoại về phòng để thức trắng cả đêm xem cho đã.
Khi sống lệ thuộc vào Facebook hay các mạng xã hội khác, khả năng ứng phó với sự cố của chúng ta cũng dần suy yếu đi. Chỉ một việc rất nhỏ là không xài Facebook trong vài ngày hoặc một tuần, nhiều người chưa chắc đã làm được, bởi sức cám dỗ của nó quá lớn, giống như bạn không thể bỏ chơi ma túy hay bỏ hút thuốc sau khi đã nghiện nó chỉ trong vài ngày. Nhưng có mấy ai trong chúng ta chịu thừa nhận rằng mình nghiện Facebook?

Búp bê voodoo trong thế giới ảo
Theo cách gọi của The Social Dilemma, trong thế giới ảo của Facebook, mỗi chúng ta được ví như một con búp bê voodoo – một loại búp bê hình nhân theo tà thuật cổ của châu Âu mà người dùng tà thuật sẽ dùng kim đâm vào để tác động trực tiếp lên người bị yểm thuật. Ở Facebook, mỗi con người thật cũng sẽ có một nhân dạng ảo, với sự tái hiện lại đầy đủ những nét tính cách, tâm tư, sở thích, suy nghĩ, yêu ghét v.v. của người đó bằng hệ thống thu thập dữ liệu số. Bạn dùng Facebook càng nhiều, tương tác trên Facebook càng nhiều, hồ sơ của bạn càng được hoàn thiện đầy đủ.
Ở quốc gia Facebook, chúng ta là những công dân có hộ chiếu ở đó, với những nhân dạng riêng trong thế giới ảo này. Và đội ngũ kỹ sư Facebook, những người nắm quyền sinh sát đằng sau, họ chính là các nhà thí nghiệm trong phòng lab mà chúng ta là những con chuột thí nghiệm, liên tục tung ra những thông tin kích thích sự tương tác của người dùng, và làm mọi cách để chúng ta ngày càng nghiện Facebook hơn. Cách làm việc của phòng thí nghiệm này được hình tượng hóa như sau:
– Ồ anh ta đang lướt xem Video, ok, chúng ta sẽ đề xuất kiểu video mà anh ta chắc chắn sẽ xem.
– Chuẩn không cần chỉnh, anh ta click vào xem rồi kìa.
– Ok, cho xem 15 giây thôi, giờ thì chèn quảng cáo giày vô nha.
– Chị ấy quay lại Facebook rồi, mới chat với bạn xong về chuyện hẹn cuối tuần đi ăn.
– Ok, vậy lát ra news feed cho xem vài tin vui vui từ bạn bè, tới post thứ ba thì hiện quảng cáo vài tiệm ăn ở gần đây nhé!
Nhu cầu sinh học cơ bản của con người là kết nối với người khác, vì tâm lý chung chúng ta ai cũng muốn mình là một phần thuộc về một bầy đàn nào đó. Không ai trong chúng ta muốn mình cô độc, tách biệt ra khỏi đời sống xã hội, ngay cả với những người hướng nội nhất. Từ thời nguyên thủy, chúng ta đã quen với việc sống theo bầy đàn. Tách biệt, cô lập đồng nghĩa với bị bỏ rơi, hay là chết đói, hay là chết vì thú dữ. Đây là phần vô thức tập thể còn nằm trong gen của nhân loại, dù chúng ta đã tiến hóa qua bao nhiêu ngàn đời.
Facebook giúp chúng ta thỏa mãn được việc không cần phải ra ngoài gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, mà vẫn có thể kết nối với cả thế giới. Chúng ta không cần chui xuống gầm giường nhà người khác, nhưng vẫn biết hết chuyện đời tư hay tâm tình của họ – một thứ tâm tình đầy ảo diệu trên mạng. Trên Facebook, ai cũng đẹp, cũng xinh, cũng lung linh, cũng sống một cuộc đời sạch sẽ và lấp lánh, với bao nhiêu phần tốt đẹp long lanh trưng hết qua từng tấm ảnh đầy filter hay những status gọt giũa sao cho đẹp. Còn về tảng băng chìm đằng sau những hào nhoáng đó, ai cũng giấu một góc trong lòng rồi khóa lại không dám nói với ai.

Cô bé đập vỡ chiếc hộp để lấy điện thoại ra trong bộ phim The Social Dilemma, khi đăng một tấm ảnh selfie chỉ được 2 like thì buồn bã rồi tự xóa. Sau đó cô bé chụp lại một bức ảnh khác, thêm vào ngàn lớp filter để ảnh xinh lung linh, và like comment nhảy lên tới tấp. Nhưng kèm theo đó là một bullying comment (bình luận bắt nạt bằng ngôn từ), bảo rằng sao tai cô bé to như tai voi thế. Nguyên buổi tối hôm ấy, cô bé ngồi trước gương tìm cách vén lại hai bên tóc mai, để che đi đôi tai đầy khuyết điểm trong-mắt-người-khác của mình. Rồi, cô bé nhìn trong gương, và bất giác rơi nước mắt vì sự không hoàn hảo của bản thân.
Tất cả khung cảnh đó diễn ra trong thinh lặng. Bố mẹ cô bé không biết, anh chị cô bé không biết, chỉ có cô bé đối diện với sự bắt nạt trên mạng xã hội từ bạn bè của mình. Mình nghĩ câu chuyện này không phải quá lạ lẫm hay hiếm gặp, mà nó là câu chuyện chung của nhiều đứa trẻ mới lớn ở thời đại công nghệ phát triển và Facebook là một mạng xã hội đã trở nên quá quen thuộc như hơi thở của chúng ta trong đời sống thường nhật.
Nhưng đâu phải chỉ những cô cậu bé mới lớn mới cảm nhận như thế, ngay cả chính với những người đã trưởng thành cũng đâu khác gì. Thử nhớ lại xem, bạn có từng cảm thấy mặc cảm hay tự ti khi thấy bạn bè khoe mới tậu được nhà mới, mới sắm được xe hơi, hay mới thăng tiến lên một nấc thang mới trong sự nghiệp? Hay khi nhìn ảnh bạn bè xinh đẹp, dáng chuẩn, ăn mặc sang trọng, check-in ở những nơi sang chảnh, cả gia đình họ đang ăn uống hạnh phúc bên nhau, bạn có chút nào chạnh lòng hay ghen tị?
Chế một chút thơ Chế Lan Viên, thì lũ chúng ta ngủ trong thành phố chật, hạnh phúc lớn của người khác đè nát cuộc đời con của chúng ta.
o0o
Mới hôm trước, mình đi xuống thang máy chung cư lấy đồ, lúc đi lên thì đi chung với ba người khác. Một cậu bé mới đi học về, một phụ nữ trẻ mới đi làm về, một cô nội trợ mới đi chợ chiều về. Cả ba đều cầm trên tay chiếc smartphone, người thì lướt news feed Facebook, người thì chat Messenger với bạn, người thì xem một video hài trên Facebook. Chỉ có mình là đứng đó, và cầm gói hàng thay vì cầm chiếc điện thoại.
Khi viết đến những dòng này, mình chợt nhớ mấy dòng giáo sư John Vũ (Nguyên Phong) thuật lại lời ông Thomas trong quyển “Muôn kiếp nhân sinh”:
Những người trẻ ngày nay đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Trong tương lai, công nghệ sẽ tàn phá nhân loại vì họ sẽ đánh mất rất nhiều thứ mà thế hệ trước đã xây dựng. Công nghệ là con dao hai lưỡi, nhưng đa số không hiểu rõ điều này. Họ coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này.
…
Những người trẻ chưa biết phân biệt, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi.
Rồi chúng ta sẽ có một thế hệ rất khác, khác với những người 8x, 9x chúng ta ngày trước. Một thế hệ trưởng thành với công nghệ, sống với Facebook và các mạng xã hội. Không ai biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng những mầm mống tiềm tàng, ngay từ hôm nay hẳn là bạn đã thấy.
Bài đọc thêm: