Trời đất quỷ thần ơi, năm thuở mười thì ba chìm bảy nổi chín lênh đênh ngoài rạp mới có một phim Việt Nam xuất sắc dữ thần. Ta nói chưa bao giờ đi coi phim mà chỉ muốn vỗ đùi đen đéc bởi vì phim xuất sắc quá xá, vừa coi mà cứ vừa cảm thán: “Phim Việt Nam đây sao??? Ôi, phim Việt Nam cuối cùng cũng tới giai đoạn ‘tiến hóa’ như vậy sao???”

Chưa đọc nội dung phim nên Chơn Linh ra rạp coi với tâm hồn ngây thơ hồn nhiên như đứa trẻ, “Cô ba Sài Gòn” đưa Chơn Linh quay trở lại Sài Gòn của thập niên 60s, cụ thể là năm 1969 với những thước phim cũ ố vàng retro sống động về Sài thành năm nào. Sài Gòn 1696 ladies bận áo chấm bi bận áo dài đi xe hơi đạp xe tản bộ trên phố ta nói sang chảnh quý xờ tộc dễ sợ. Cô bạn ngồi bên thở dài sặc mùi chánh trị: “Sài Gòn thời chánh quyền Mỹ Diệm, phải chi… là bây giờ Sài Gòn thành Hongkong thứ hai rồi.”

Phải nói “Cô ba Sài Gòn” phục dựng lại bối cảnh Sài Gòn 60s quá kì công và đầy tâm sức, xem mà mê mẩn từng thước phim với tông màu nâu trầm retro cổ điển ưng không chịu được, thêm mấy bộ áo dài nhà may Thanh Nữ diễm hường diễm huệ khiến người xem mê mẩn tới từng đường chỉ nếp áo. Coi tới chi tiết chế ba Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) xuyên không từ 1969 bay cái vèo tới 2017, lúc đó chỉ có “Wow, thiệt sao trời, Việt Nam nay cũng chịu làm xuyên không sao???”

Nói chứ mình cực thích cái tứ của phim, về một cô tiểu như Như Ý đỏng đảnh kiêu ngạo 3 năm liền là đệ nhất hoa khôi Sài Gòn, truyền nhân của nhà may áo dài Thanh Nữ nức tiếng Sài thành nhưng lại không thích may áo dài mà chỉ thích chạy theo tân thời là may âu phục thời trang quốc tế. Để rồi một đêm đẹp trời giận hờn chế má cấm cản chuyện theo nghiệp âu phục, mới bận bộ áo dài màu cam gia truyền chín đời, trên ngực có đính lên viên ngọc gia bảo như ý, rồi xuyên không té sờ mờ lờ vô chế An Khánh – cô ba Như Ý phiên bản 2017 mập thù lù do cô Hồng Vân đóng.

Nói đến hài kịch Sài Gòn những năm 90s, không thể không kể đến danh hài Hồng Vân. Một thời thuê băng vidéo mình đã từng mê mẩn mấy câu hát của cô “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”, cổ bận cái áo bà ba quần lãnh đen đóng vai nhà quê lên phố trong một tiểu phẩm hài. Cô Hồng Vân vào vai Như Ý bản 2017 ta nói coi cười bể bụng, nói câu nào phá game câu đó, xuất hiện cảnh nào là khán giả cười rụng rạp. Có ai ngờ chế ba đệ nhất hoa khôi Sài thành 3 năm liền, nay xổ tướng bèo nhèo như vậy, khiến gia nghiệp tán gia bại sản, tới cái nhà cũng sắp bị xiết.

“What if the movie The Devil Wears Prada were set in Vietnam?” (JEONG Minah – Liên hoan phim quốc tế Busan)

Trong mắt nhìn của nhà phê bình điện ảnh Hàn Quốc, “Cô ba Sài Gòn” như một phiên bản của phim “Quỷ Cái Vận Đồ Prada” lấy bối cảnh ở Việt Nam, vì toàn phim là thế giới của vải vóc, quần áo, thời trang, nhà thiết kế và sàn diễn. Diễm My 9x trong vai nhà thiết kế Helen thần thái cũng xuất thần không kém cạnh nữ chánh Ninh Dương Lan Ngọc. Mà nói tới nữ chánh thì Ninh Dương Lan Ngọc nhập vai cô ba rất tỉnh và đẹp gái, có ai ngờ chế ấy từng là cô bé Nương quê mùa phèn đầy dưới chân trong “Cánh đồng bất tận” năm nào.

Trong phim mình cực thích phân đoạn cao trào đấu tranh nội tâm giữa Như Ý 1969 vs An Khánh – Như Ý 2017. Cả hai có một cuộc cãi vả nảy lửa, đổ lỗi cho nhau, chính người kia mới là nguyên nhân dẫn tới kết cục của người này trong cuộc sống hiện tại, tới mức Như Ý 2017 phải tức tưởi bật khóc và định treo cổ tự vẫn. Cô Hồng Vân diễn đoạn này nhập tâm xuất thần, cả rạp coi mà cũng lắng đọng theo.

Về phần hình, mê nhất là mấy khúc Ngô Thanh Vân cắt may áo dài theo công đoạn 5 bước gia truyền 9 đời của nhà may Thanh Nữ, bước nào phải ra bước đó bài bản. Xem mấy hình ảnh vẽ phấn, lấy kéo thợ may (cây kéo sắt có phần chuôi quấn vải) làm sống dậy một thời fashionista thập niên 90s bên trong Chơn Linh dữ dội.

Một thời ở nhà ngoại ở dưới quê, dì Tư là thợ may, chị họ cũng là thợ may, còn ở thành phố thì chú hàng xóm lại là thợ may. Cho nên ngay từ nhỏ, mình đã rất quen thuộc với hình ảnh cắt may quần áo thời trang, âu phục các kiểu. Trời ơi cái miếng phấn hồng hồng, cây thước gỗ thợ may kẻ phấn, sợi thước dây, cây kéo sát chuôi quấn vải, mấy thước vải phẳng phiu, tiếng đạp chân máy may xoành xoạch, tiếng dập chỉ của máy may… tất cả hòa quyện lại như một bản hòa tấu làm sống dậy một thời kí ức huy hoàng. Hồi xưa mấy cô thợ may hay có mấy cuốn catalogue các mẫu thời trang hot nhất thời bấy giờ (như lookbook bây giờ), toàn mấy celeb mẫu ảnh đương thời chụp để cắt may theo ý khách. Vậy đó mà một thời mê mẩn ngồi coi hết tám chục cuốn (buồn cái giờ hổng sành điệu được miếng nào).

Kết phim, chỉ tiếc một tẹo là phim không có nhiều thời gian để khai thác khía cạnh chuyện tình cảm của Như Ý 1969 và Tuấn 2017. Giữa cả hai không chỉ là tình bạn mà còn là mầm mống của tình yêu đôi lứa nảy nở với những giận hờn, trách móc, những hiểu lầm rồi thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng tiếc là phim tập trung vào hành trình tìm lại chính mình của Như Ý nên không thể khai thác thêm mảng miếng này để ngược tâm khán giả được.

Diễm lệ. Đài các. Đoan trang. Hường huệ. Chấm bi. Băng đô. Phấn hồng.

“Cô ba Sài Gòn”, một bộ phim xứng đáng đưa vào viện bảo tàng dân tộc học để tôn vinh vẻ đẹp chiếc áo dài Việt. Hành trình học may áo dài của cô ba Sài Gòn cũng chính là hành trình tìm lại chính mình, hành trình trở về nguồn cội gốc rễ của văn hóa, của truyền thống dân tộc. 50 hay 100 năm sau, con cháu chúng ta thời sau có vô tình xem được phim này, cũng sẽ thấy tự hào quá đỗi, về chiếc áo dài.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx