Ảnh: Nathan Dumlao

Có lần mình đọc được một đoạn tâm sự của một người chị đã gần 40 tuổi. Chị buồn bã trải lòng rằng không biết 40 năm qua chị đã sống như thế nào mà khi mở danh bạ điện thoại hay Facebook để tìm một người bạn rủ đi ăn hay uống vài ly nhân dịp Giáng sinh thôi mà tìm hoài cũng chẳng có. Giữa không khí se lạnh và náo nhiệt của mùa lễ hội, một mình chị chạy đi mua mấy chiếc áo khoác để mặc nhưng trong lòng chị chẳng cảm thấy ấm áp chút nào, ngược lại còn cảm thấy vô cùng lạnh lẽo. Hơi lạnh len lỏi vào từng lời chị nói, ẩn sau nụ cười gượng gạo của chị mỗi ngày ở chốn văn phòng, nhìn mọi người xung quanh vui vẻ có bạn có bè.

Mặc dù lựa chọn cuộc sống độc thân, nhưng sâu bên trong chị vẫn luôn khát khao tìm kiếm một người tri kỷ. Một người mà chị mong mỏi mình có tên trong danh sách ưu tiên của họ, chứ không phải kiểu xếp hàng giành giật để được ban phát chút thời gian rảnh của đối phương. Khi lạc lõng giữa các mối quan hệ trong đời sống, chị mới nhận ra lý do vì sao người ta thường tìm cho mình một bến đỗ, vì ai cũng sợ cô độc, ai cũng sợ bị bỏ lại, ai cũng sợ cảm giác người khác không cần đến mình. Nhiều người thà vội vàng chọn lấy một mối quan hệ không mấy mặn nồng chỉ để có đôi có cặp còn hơn là mải miết đi tìm kiếm một người tri âm tri kỷ mà cả đời này có khi chẳng thể gặp được.

Đọc những dòng tâm trạng của chị, mình khá đồng cảm bởi dù chỉ mới đầu 30 tuổi nhưng mình đã cảm nhận được sự lạc lõng trong các mối quan hệ xung quanh mình, khi những người mình từng thân thiết dần trở nên xa cách hơn. Đến một lúc nào đó nhìn lại, mới thấy hai bên đã ở hai đầu rất xa, và không còn điểm gì chung để nối lại mối quan hệ như ngày trước. Dù cũng lựa chọn cuộc sống độc thân, nhưng mình không quá bi quan như chị. Bài viết này có thể xem là cẩm nang sống vui một mình dành cho những tinh cầu cô đơn.

Ảnh: Annie Spratt

Chúng ta gắn bó với nhau vì điều gì?

Từ lúc đi học cấp hai, cấp ba, đại học cho tới lúc đi làm, chúng ta liên tục trải qua nhiều môi trường khác nhau và kết giao được với rất nhiều bạn bè trong mối quan hệ của mình. Đa số mọi người thường sẽ chơi thân với một vài người bạn và có một nhóm bạn hợp cạ nào đó ở mỗi môi trường, nếu bạn là một người tính tình dễ thương chứ không quá khó gần. Ở giai đoạn đi học, bạn bè đa phần gắn bó với nhau là vì có nhiều điểm chung, ví dụ như cùng ở chung ký túc xá, cùng chung một nhóm làm bài tập trên trường, hay cùng sinh hoạt chung trong một câu lạc bộ, hay cùng theo học một lớp ngoại khóa nào đó. Nhưng khi đi qua giai đoạn đi học, mối nối gắn kết cũ về không gian địa lý không còn nữa, thay vào đó sự duy trì tình bạn nằm ở việc hợp tính hợp tình, còn chơi hợp với nhau thì còn gặp mặt ăn uống, chuyện trò và cập nhật về đời sống của nhau.

Thông thường khi mới ra trường vài năm đầu, bạn bè vẫn còn rất thân thiết, gặp mặt phải gọi là định kỳ thường xuyên. Nhưng khi chuyển qua giai đoạn tập trung vào sự nghiệp hay kết hôn lập gia đình, sự xa cách mới bắt đầu thấy rõ vì mối ưu tiên hàng đầu của họ bây giờ là gia đình, con cái hay sự nghiệp, và lúc đó bạn bè chỉ là thứ yếu. Lúc này một số người sẽ có xu hướng chỉ chơi với những ai cũng đã có gia đình con cái hay làm trong cùng lĩnh vực vì như vậy họ mới có điểm chung để nói chuyện cùng nhau. Mình từng nghe một anh học tiến sĩ ở Mỹ về Việt Nam kể rằng anh bị mất cô bạn thân thời cấp ba và đại học kể từ khi bạn lập gia đình, sinh một lèo ba đứa nhỏ. Bởi mỗi lần muốn hẹn bạn đi cafe hay đi ăn, bạn không kẹt chuyện này thì cũng chuyện kia, rất khó sắp xếp thời gian một buổi thong thả để cả hai ngồi lại với nhau.

Ngẫm lại mình cũng thấy có khá nhiều mối quan hệ trong đời mình đột ngột đứt đoạn kể từ khi người đó lập gia đình, sinh con và bắt đầu một vai trò xã hội mới. Giữa họ với mình không còn có chung những mối bận tâm, vì thế nên cũng dần xa cách và khó nói chuyện được với nhau như trước. Và khi nhìn lại một quãng đường dài, mình nhận thấy rằng những mối quan hệ còn duy trì được với nhau tới giờ không chỉ dừng lại ở việc có chung quan điểm hay giá trị sống. Mà sâu xa hơn, phần lớn là vì bọn mình có chung mối duyên về mặt tâm linh, và sợi dây liên kết giữa linh hồn với nhau vốn đã gắn bó qua nhiều kiếp chứ không chỉ giới hạn trong một kiếp ngắn ngủi này.

Ảnh: Austin Pacheco

Dành thời gian cho những người xứng đáng

Ở giai đoạn chuyển giao trong mối quan hệ, khi những người từng thân thiết trở nên xa cách và dần rời xa bạn, nhiều người dễ có cảm giác hụt hẫng và tâm trạng tụt dốc. Bản thân mình là một người lý trí mạnh hơn cảm xúc nhưng cũng có một quãng thời gian vài ba năm cảm thấy buồn lòng vì điều đó. Mình từng khá buồn khi rủ một người bạn nào đó đi ăn hay xem phim nhưng lại bị từ chối vì người đó bận rộn với kế hoạch khác, hay có những người bạn mình nghĩ là thân thiết nhưng họ đi ăn đi chơi với nhau lại quên rủ mình. Cảm giác lúc đó bạn giống như bị cho ra rìa, và bạn không còn quan trọng hay là mối ưu tiên của họ, bởi giờ đây họ đã có nhiều ưu tiên khác trong đời sống hơn.

Mình có một người bạn cấp ba chỉ mới kết nối lại mấy năm gần đây nhưng trò chuyện rất thân thiết, có thể tám online đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà không thấy chán. Nhưng có một thời gian mình chợt nhận ra rằng, trong hầu hết những cuộc hội thoại, hầu như mình luôn là người chủ động bắt chuyện – và mình phát hiện mình luôn là người kiếm chuyện để nói với bạn, chứ bạn không có nhu cầu thực sự trong việc kết nối với mình. Thế là mình mới tiến hành một thử nghiệm nhỏ, đó là không chủ động bắt chuyện với bạn nữa để xem bạn sẽ phản ứng thế nào. Và bạn có hình dung được kết quả thế nào không? Trong gần nửa năm trời, bạn không có một tin nhắn hay cuộc gọi nào tới mình, dù cho ba năm liền trước đó mình với bạn luôn thường xuyên trò chuyện qua mạng, hẹn đi ăn, đi xem phim hay gặp nhau bên ngoài.

Và trong quãng thời gian mình không liên hệ đó, mình thấy bạn vẫn đi ăn, đi chơi, đi xem phim với những người bạn khác. Hóa ra trong mối quan hệ này, mình ngộ nhận vai trò của bản thân quá lớn và thực tế là bạn không cần tới sự hiện diện của mình trong cuộc sống của bạn, bằng chứng là không có mình thì bạn vẫn sống vui sống khỏe. Khi nhận ra sự thật phũ phàng và có phần đắng lòng này, mình chỉ đơn giản là rút lui khỏi cuộc sống của bạn và không có nhu cầu chia sẻ với bạn bất cứ điều gì về cuộc sống của mình nữa. Với mình, để duy trì một mối quan hệ về cơ bản là sự có qua có lại, bạn trao đi thì phải có sự nhận lại, cũng như có người tung thì phải có kẻ hứng, nếu không thì đó chỉ là mối quan hệ một chiều.

Ảnh: Andrik Langfield

Trong đợt về quê nghỉ lễ 30/4 vừa rồi, một cô bạn cũ của mình mới nhắn tin trong nhóm chat lớp cấp ba hỏi hôm đó ai có thời gian thì hẹn đi chơi vì lâu lâu mọi người mới có dịp về quê. Nhóm chat này không phải là cả lớp mà chỉ là một số bạn còn chơi và giữ liên hệ với nhau tới bây giờ. Có điều hôm đó ai cũng bận vì đã có lịch trình riêng, chỉ có mình rảnh nên mình mới trả lời bạn là nếu bạn muốn đi ăn hay xem phim thì có thể đi với mình. Nguyên ngày hôm sau, mình không thấy bạn chủ động nhắn gì mình – trong khi bạn là người có nhu cầu tìm bạn bè đi chơi – nên mình cũng không buồn nhắn hỏi thăm bạn kế hoạch ra sao. Kết quả là, mình thấy bạn đăng hình đi làm móng và khoe bộ nail mới làm trong ngày hôm đó.

Khi đã trải qua những nốt trầm và giai đoạn tiêu cực trong những mối quan hệ, mình dần không còn thấy buồn khi không được bạn bè xem trọng (bằng chuyện đi làm móng) mà chỉ nhìn nhận đơn giản là họ không thích hoặc không có nhu cầu gặp gỡ mình. Nếu bạn thực sự quan trọng với một ai đó, họ sẽ luôn có thời gian và có chỗ dành cho bạn. Và nhìn ở một góc độ tích cực thì có thể họ đã bỏ lỡ một câu chuyện thú vị hoặc không nhìn thấy một mặt thú vị nào đó ở mình. Đối với những người không xem trọng mình, mình chỉ lặng lẽ bước ra xa khỏi cuộc đời của họ. Bởi lẽ thời gian và năng lượng của con người là hữu hạn, và mình chỉ nên dành hai nguồn lực này cho những người phù hợp và xứng đáng. Sao mình phải phí hoài thời gian lẫn năng lượng của bản thân để duy trì những mối quan hệ mà đối phương không mấy để tâm tới sự hiện diện của mình?

Ảnh: R.D. Smith

Một mình vẫn vui

Lựa chọn cuộc sống độc thân cũng đồng nghĩa với việc bạn phải dành phần lớn thời gian trong đời để sống chung với chính mình. Nếu ngay cả việc chung sống với bản thân mình mà bạn còn không thấy vui mà chỉ thấy chán chường mệt mỏi, thì bạn khó mà sống vui sống khỏe được trong suốt quãng đời còn lại. Dĩ nhiên bạn có thể không phải là kiểu người hướng đến cuộc sống độc thân mà vẫn khao khát tìm được một nửa của đời mình, tuy nhiên vẫn sẽ có những giai đoạn bạn rơi vào trạng thái cô đơn trong những mối quan hệ khi nửa kia vẫn chưa xuất hiện. Mình từng thấy khá nhiều bạn bí bách tới cùng cực khi các bạn không biết cách chung sống với bản thân hay học cách vui một mình.

Khi sống một mình suốt một quãng thời gian dài khoảng hơn chục năm, mình cũng dần học được cách tự tìm niềm vui trong cuộc sống ngay cả khi thiếu vắng những mối quan hệ bạn bè.

Mình có thể tìm niềm vui qua văn chương sách vở, qua thế giới đầy màu sắc của trí tưởng tượng ở những tác phẩm văn học hoặc thế giới của khoa học, tôn giáo, nghệ thuật qua công trình nghiên cứu của nhiều tác giả. Có thể nói mình trò chuyện qua tư tưởng mỗi ngày với các vĩ nhân và tác giả trên toàn cầu và bất kể dòng thời gian trong lịch sử. Hôm nay mình trò chuyện với Đức Phật, ngày mai mình nói chuyện với Osho, ngày mốt mình trò chuyện với Darwin.

Mình có thể tìm niềm vui trong thế giới điện ảnh với vô vàn bộ phim hay để xem, ở nhà hay ngoài rạp, từ phim lẻ cho tới phim truyền hình dài tập. Bước vào thế giới phim ảnh, mình như sống một kiếp đời khác qua đôi mắt của người khác, trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật như thật.

Mình có thể tìm niềm vui trong chuyện chăm sóc một vườn cây ngoài ban công (hay nuôi một con thú cưng), với mỗi chậu cây đều là một cá thể với những đặc tính sinh học riêng. Nhìn quá trình một cái cây lớn lên mỗi ngày cho tới lúc đâm chồi nở hoa, trong đó đều ẩn chứa nhiều điều vi diệu của sự sống. Mỗi cái cây đều có những vấn đề riêng như sâu bệnh, rụng lá, bị thời tiết ảnh hưởng, v.v. mà mình phải tìm hiểu và giải quyết.

Ảnh: Filip Urban

Mình có thể tìm niềm vui trong việc học hỏi một kiến thức gì đó mới như học ngoại ngữ, tham gia một khóa học, một workshop để trải nghiệm những môi trường mới với những con người mới. Khi trưởng thành, đa số mối quan hệ của chúng ta sẽ quẩn quanh ở những vòng tròn quen thuộc – gia đình, đồng nghiệp và bạn bè thân quen. Nếu thu mình trong những vòng tròn quen thuộc này, bạn sẽ khó có cơ hội gặp gỡ và kết giao những người mới, và vô hình trung bạn cũng vô tình làm giảm đi cơ hội tìm kiếm tri âm tri kỷ của mình.

Mình có thể tìm niềm vui trong việc thực hành theo một phương pháp tâm linh nào đó, ví dụ như ngồi thiền, đọc kinh hay cầu nguyện, để tìm sự quân bình trong đời sống tinh thần bên cạnh những xáo động trong cuộc sống. Trải nghiệm hành trình tâm linh sẽ mở mang bên trong bạn nhiều chiều kích hơn, và bạn cũng sẽ nhìn cuộc đời này theo một nhãn quan rất khác so với trước đây.

Mình có thể tìm niềm vui trong việc tập thể dục (dù cho mình là tạng người ghét tập thể dục) bằng việc đi dạo công viên vào buổi tối hay đi hóng gió ngoài bãi biển, đi tắm biển mỗi khi về quê.

Mình có thể tìm niềm vui trong việc viết lách và chia sẻ những trải nghiệm trong đời sống của mình trên blog cá nhân hay những dự án mình phát triển. Đây là những kênh để mình kết nối với bạn đọc và đóng góp một phần nhỏ nhoi sức lực của mình để giúp cho cuộc sống này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Ảnh: Sander Weeteling

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình về những thứ mình đã và đang thực hành trong chính cuộc sống của mình để tự tạo niềm vui cho bản thân. Mỗi người sẽ có những phương cách khác nhau để tìm niềm vui trong cuộc sống, và thực tế là bạn sẽ thấy một ngày 24 giờ còn chẳng đủ để làm hết ngần ấy việc. Lẽ vậy đừng nên quá buồn nếu bạn không có một mối quan hệ gọi là tri âm tri kỷ trong đời sống, vì không phải Bá Nha nào cũng tìm thấy được Tử Kỳ.

Tuy lựa chọn cuộc sống độc thân, nhưng trên thực tế mình vẫn có những người bạn, người anh, người chị để trò chuyện cùng mỗi khi có nhu cầu muốn nói chuyện, chứ không cô độc tới mức chẳng có một ai để chơi cùng. Có những cuộc nói chuyện đậm chất hướng nội khi nó chỉ diễn ra qua mạng, và bạn có tin được là mình có những mối quan hệ bạn bè suốt 5-6 năm trời chưa gặp mặt trực tiếp bao giờ mà chỉ trò chuyện qua mạng – nhưng vẫn sâu sắc không?

Hãy dành thời gian và năng lượng của bạn cho những người xứng đáng, đổi lại bạn sẽ có được những mối quan hệ thực sự chất lượng và sâu sắc trong đời. Và hãy lạc quan vào một điều rằng, những người cùng tần số luôn sẽ tìm thấy nhau, bằng cách này hay cách khác. Ngay cả khi bạn không thể tìm thấy ai và là một tinh cầu cô đơn, bạn vẫn có thể sống vui với chính mình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

8 bình luận

    • Chơn Linh Phản hồi

      Super S trong MBTI là đây ^^. Để lần sau đổi thành “chiều gió” :v

  1. Kết câu cuối quá trời quá đất luôn Linh ơi, công nhận Linh có nhiều niềm vui tự thân quá ????. Mà thực ra dù có là tinh cầu không cô đơn hay có cơ duyên tìm thấy ai đó đi chăng nữa thì việc tự sống vui với chính mình lúc nào quan trọng, không nên đặt niềm vui của bản thân vào người khác hen.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chuẩn rồi Nguyệt ơi. Có nhiều bạn vì không có người bầu bạn tâm sự mà sầu khổ down mood, cảm thấy bi quan trong cuộc sống. Với thời buổi bây giờ người ta sống trên mạng nhiều, ít có nhu cầu gặp gỡ trò chuyện offline, thành ra cô đơn là sự thường trực trong thời đại số. Nếu mình đặt hết niềm vui và năng lượng của bản thân nơi người khác, mình cũng đang ngược đãi chính mình.

  2. chị thì cảm thấy được bình yên khi một mình, và thấy cả thiếu thời gian cho những lúc một mình, hihi. Cảm ơn bài viết của em!

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.