Diễn viên Lâm Thanh Hà

Trong show truyền hình thực tế “Thần tượng đến rồi” (2015) của Trung Quốc, nữ minh tinh Lâm Thanh Hà có chia sẻ một câu mà mình rất thấm thía:

“Diễn vai diễn của người khác thì dễ, nhưng diễn vai của chính mình mới thật sự khó.”

Cho những ai chưa biết thì Lâm Thanh Hà là một mỹ nhân và diễn viên nổi tiếng hàng đầu của Hong Kong – Trung Quốc vào thập niên 80, có hào quang sự nghiệp sáng chói với rất nhiều tác phẩm điện ảnh để đời như Câu chuyện cảnh sát, Tiếu ngạo giang hồ chi Đông Phương Bất Bại, Trùng Khánh Sâm Lâm,… Ở tâm thế của một diễn viên, họ có thể hóa thân vào bất cứ vai diễn nào, nhập vai càng chân thực càng chứng tỏ năng lực diễn xuất của người diễn viên ấy. Nhưng ngay cả với một diễn viên tài ba như Lâm Thanh Hà, cô cũng phải cảm thán rằng “diễn vai của chính mình mới thật sự khó”.

Trong cuộc sống, dù không phải là diễn viên, nhưng xét về một mặt nào đó thì chúng ta cũng phải hóa thân vào rất nhiều vai diễn cuộc đời khác nhau: vai phụ huynh, vai người chồng người cha, vai người vợ người mẹ, vai con cái, vai sếp, vai nhân viên, vai đồng nghiệp, vai bạn tình, vai bạn bè, v.v. Mỗi vai diễn được đặt trong một bối cảnh khác nhau, đòi hỏi chúng ta phải có cách hành xử phù hợp với tính chất của vai diễn đó. Ví như ở vai diễn làm con, bạn phải tôn trọng, hiếu thảo với cha mẹ, còn khi bạn bất kính, bất hiếu với cha mẹ thì bạn đang không làm tốt vai diễn của mình và sẽ bị khán giả – người đời đánh giá.

Nhưng thực tế cuộc sống không phải là một kịch bản rập khuôn cứng nhắc, mà là một ma trận muôn hình vạn trạng. Không phải bậc cha mẹ nào cũng xứng đáng để con cái tôn trọng và hiếu thảo, khi bản thân họ rất “độc hại” với con cái. Không phải vị sếp nào cũng đáng kính đáng nể, khi nhiều người bất tài vô dụng mà còn thích làm khó làm dễ nhân viên. Không phải người thầy nào cũng đạo đức, nghiêm trang để được học trò “tôn sư trọng đạo”. Khi bị đặt để vào những hoàn cảnh bất thường đó, liệu chúng ta có thể làm tròn được vai diễn mà người đời mặc định chúng ta phải diễn? Hay ta nên sống thật với cảm xúc và hành xử theo điều mình thật sự muốn làm?

Lựa chọn diễn một vai để làm hài lòng người khác và diễn vai của chính mình là một lựa chọn cân não, không dễ dàng quyết định, vì bản thân chúng ta biết rằng điều kiện để ta sống thật với chính mình luôn đi kèm hệ quả. Có lúc đó là hệ quả tốt, cũng có lúc là hệ quả xấu.

Có lần mình đi đám cưới một người bạn hàng xóm ở Sài Gòn chứ không phải dưới quê. Lúc bước vào sảnh đãi tiệc, mình được người phụ trách dẫn khách xếp vô khu vực bạn bè. Nhân viên hỏi uống gì thì mình mới bảo nước suối. Một lát thằng bạn thấy mình ngồi lẻ loi nên dẫn mình qua khu vực họ hàng nhà nó ngồi, nhìn trên bàn thấy ai cũng uống bia, nếu mình gọi nước suối thì thể nào cũng bị vặn vẹo các kiểu, nên thôi đành gọi bia ngay từ đầu.

Ảnh: Unsplash

Trước giờ mình vốn không uống rượu bia dù đi đám cưới, tiệc hay kể cả quán nhậu, dù bị bất cứ ai bắt ép cũng tuyệt đối cự tuyệt vì đó là nguyên tắc của mình. Trước đó một tuần, mình đi đám cưới một chị trong công ty, ngồi chung bàn với đồng nghiệp, cũng bị một anh khách bàn bên qua mời cụng ly, rồi bắt đổi bia để dzô 100%. Mình nói không uống bia, anh ta đứng gièm pha công kích một hồi nhưng mình vẫn không chịu uống, thế là anh chàng xuống nước kêu mình dzô 100%… bằng nước suối cũng được. Mình cảm thấy khó chịu vì cũng chẳng quen biết thân thiết gì với anh ta, nên tỏ thái độ và nói lớn tiếng “Em đã nói không uống là không!”. Anh ta quê độ nên bỏ đi, cả bàn cũng im re không nói gì.

Cùng một vấn đề nhưng mình có hai cách hành xử khác nhau. Cách hành xử thứ nhất là mình lựa chọn diễn vai làm vừa lòng người khác, vì trong bàn tiệc đa số là người lớn và là họ hàng của thằng bạn mình. Còn cách hành xử thứ hai là khi mình sống thật với tính cách của mình, diễn vai của chính mình chứ không phải đóng vai một người nào khác. Nhưng mình chỉ diễn được vai của chính mình khi có những người xung quanh hiểu mình là ai, tôn trọng sự khác biệt đó, như các đồng nghiệp của mình hôm ấy.

Ở đám cưới người bạn hàng xóm, đã lỡ diễn thì phải diễn sâu tới bến. Mình cụng ly rất nhiệt tình, còn tham gia mấy trò chơi ngớ ngẩn như xoay đầu cá, xoay đầu gà trúng ai thì người đó phải uống hết ly 100%. Hôm đó xem như mình diễn rất tròn vai, đạt đến nỗi ai cũng nghĩ bình thường mình uống dữ lắm, vì có mấy anh xung quanh mới uống một hồi đã đỏ mặt hay phải pha thêm nước suối để uống. Ngồi diễn sâu mà mình chỉ mong cho món cuối mau lên, ăn cho lẹ rồi hạ màn chào khán giả đi về. Về tới nhà, trút bỏ vai diễn xuống, mình mới trở về thật sự là chính mình, nằm vật vờ một chỗ và ngủ luôn một giấc tới sáng.

Hành trình cuộc đời của mỗi người cũng là hành trình tìm về bản ngã của chính mình, từ từ cởi bỏ những vai diễn bên ngoài mà người khác và xã hội đặt để lên vai chúng ta để sống đúng với con người thật của chính mình.

Những gì chân thật nhất thường rất khó tiếp nhận, như đồ ăn không nêm nếm quá nhiều gia vị thì nhiều người sẽ thấy nhạt nhẽo không ăn được, còn những món ăn màu sắc hấp dẫn và mùi vị đậm đà nhất lại là những thứ độc hại cho cơ thể.

Quá trình diễn vai diễn của chính mình không phải dễ, vì người khác không phải ai cũng chấp nhận được con người thật của chúng ta. Nhưng chỉ khi sống đúng với bản thể chân thực của mình, ta mới cảm thấy thật nhẹ nhàng thoải mái.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.