Nhớ hồi bé, từ lúc mới biết đọc chữ thì mình may mắn đã được tiếp xúc với khá nhiều tranh truyện. Cuốn truyện tranh màu đầu tiên mình có là cuốn truyện cổ Grimm về “Hansel & Gretel” do một bà chị họ cho. Gọi là “may mắn” vì trước những năm 2000, không phải đứa trẻ nào cũng được sở hữu một cuốn truyện tranh – chúng là thứ hàng “xa xỉ phẩm” đối với con nít thời bấy giờ. Ở nhà bà chị họ mình ở dưới quê có một kho truyện tranh màu mà chị được tặng trong một chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ em nghèo, và mình – một đứa trẻ thành phố – lại biết tới thể loại truyện tranh màu nhờ đọc ké của bà chị mình.

Đến khi vào lớp Một thì mình lại được biết tới các thể loại truyện tranh (manga) của Nhật Bản cũng nhờ được “phổ cập văn hóa” từ mấy anh chị em họ ở quê. Hình ảnh nhân vật đầy sống động cùng các câu chuyện tưởng tượng như mở ra một thế giới sáng tạo khác bên trong mình, một thế giới hình ảnh hoàn toàn khác biệt với loại tranh vẽ minh họa cổ tích và truyện thiếu nhi mình từng biết trước đó. Và đam mê với hình ảnh của mình bắt đầu từ đó.

Ban đầu, mình hay lấy giấy tập để vẽ lại ảnh bìa cuốn truyện hoặc một số hình ảnh đẹp mắt trong truyện, vẽ rất say mê, từ những hình ảnh méo mó khác xa lơ xa lắc ảnh gốc cho tới khi tái hiện được đến gần giống 100%. Lần đầu tiên mình ý thức được chuyện mình vẽ (cũng) đẹp là khi nghe ba mình kể với mấy ông bạn nhậu, là mình vẽ đẹp lắm, vẽ y chang không khác gì mấy cuốn truyện nó đọc luôn. Sau đó, các tranh mình vẽ được tụi bạn dưới quê săn đón, nhiều đứa hay nhờ mình vẽ giùm hay xin tranh mình vẽ để đem về tô màu hay dán lên tường.

Đến mùa hè năm học lớp Hai, có lẽ do thấy mình yêu thích chuyện vẽ vời nên ba đăng ký cho mình tham gia một lớp học vẽ ở nhà thiếu nhi thành phố. Đối với một đứa trẻ lớn lên ở tỉnh lẻ như mình, ba mẹ vốn xuất thân là dân lao động, chuyện cho một đứa nhỏ đi học một kỹ năng gì đó khác chuyện học văn hóa ở trường thì quả thực là chuyện lạ – vì thường mấy lớp học kỹ năng như vậy chỉ dành cho tụi con nhà giàu hay con nhà bố mẹ cấp tiến lắm. Kết thúc lớp học vẽ đó, nhà thiếu thi tổ chức một cuộc thi vẽ với chủ đề gia đình, và bức tranh mình vẽ được giải nhì trong số hơn 30 em tham gia dự thi toàn thành phố.

Niềm đam mê vẽ vời lớn lên trong mình từ đó, và mình tiếp tục vẽ suốt thời tiểu học cho tới những năm cấp hai. Mình còn nhớ từ năm lớp Ba, tranh mình vẽ đã được cô giáo chủ nhiệm khen trước cả lớp. Tới năm lớp Năm, mình tham gia đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, nơi quy tụ toàn những thành phần tinh hoa nhất toàn trường để thi đấu với mấy trường khác. Và ở trong đội tuyển, mình mới được mở mang tầm mắt khi quen biết hai bạn khác thuộc dạng vẽ đẹp nhất nhì trường, tranh hai bạn vẽ không khác gì họa sĩ manga thứ thiệt. Lúc đó mình mới học được bài học vỡ lòng đầu đời là núi cao luôn có núi cao hơn, nhưng ít ra mình cũng phần nào tự hào vì tranh mình vẽ chỉ xếp sau hai người giỏi nhất toàn trường.

Những ngày tháng cấp hai tiếp theo có thể gọi là tháng ngày huy hoàng của mình trong bộ môn Mỹ thuật, khi mình luôn là học trò cưng của các cô giáo và tranh mình vẽ luôn được lấy ra làm ví dụ trước cả lớp. Mình còn nhớ năm học lớp Chín, trước khi tốt nghiệp cấp hai thì cô giáo mỹ thuật còn xin lại toàn bộ tranh mình vẽ để làm mẫu cho lớp đàn em.

Tính ra từ lúc mình mới bắt đầu cầm bút vẽ cho tới thời điểm đó, mình đã trải qua 9 năm vẽ ròng rã, liên tục và không ngừng nghỉ. Vẽ như một niềm đam mê bất tận ăn sâu vào máu mình. Mình đam mê vẽ tới mức để dành tiền mua rất nhiều cuốn sách dạy vẽ truyện tranh, vẽ thú vật, vẽ tỉ lệ cơ thể người, vẽ biếm họa, v.v.

Nhưng mọi chuyện thay đổi và cua gắt khi mình bước chân vào cấp ba, học chuyên Văn, và cấp ba không có bộ môn gọi là Mỹ thuật. Trường cấp ba như một cái lò đào tạo luyện thi đại học, mà ngay từ khi mới bước chân vào bạn đã được các thầy cô vẽ ra sẵn một lộ trình học hành thi cử khắc nghiệt để đến được với ngưỡng cửa đại học. Mình bị cuốn theo guồng quay đó với hàng loạt kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi Olympic, học sinh giỏi quốc gia và bùm, mình bước chân vào đại học và chẳng hiểu tại sao mình lại chọn ngành học đó. Một thực tế với học sinh chuyên Văn khối C như mình là đầu ra chỉ có nhiêu đó nhóm ngành, và bạn không còn lựa chọn nào khác.

Thậm chí mình còn không hề biết có một khối ngành gọi là khối H bao gồm 3 môn Văn – Vẽ – Vẽ cho đến khi mình điền hồ sơ đăng ký nguyện vọng đại học. Không có một thầy cô hay tài liệu hướng dẫn nào nói cho mình biết điều đó để chuẩn bị từ 3 năm trước đó, vì tới khi bạn đặt bút điền hồ sơ nguyện vọng thì tất cả đã quá muộn màng. Một cậu bạn cùng lớp mình thi vào khối H của Đại học Kiến trúc vì có người thân định hướng cho cậu từ sớm và cậu đã ôn thi qua rất nhiều lớp luyện vẽ trong suốt 3 năm ròng, trong lúc mình đang tất bật với những chương trình ôn luyện thi học sinh giỏi khác ở trường.

Nếu được chọn lại ngành học và định hướng nghề nghiệp, có lẽ mình sẽ chọn ngành thiết kế đồ họa để tận dụng hai điểm mạnh nhất của mình là khả năng vẽ và khả năng học các phần mềm trên máy tính rất nhanh (từ năm lớp 9 mình đã cày hết cuốn giáo trình dạy Photoshop và thành thạo phần mềm này). Nhưng tất cả cũng chỉ là “nếu” và “có lẽ”, vì cuộc đời của mình sau đó đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác với đam mê thuở đầu của mình.

Mình đã dành ra 9 năm đầu đời để học vẽ và vẽ liên tục, và hơn 10 năm sau đó học cách lãng quên nó khi không còn động đến bút để vẽ một bức tranh nào nữa. Có thể nói vẽ bây giờ không còn là một kỹ năng sở trường của mình như ngày bé, mà giờ mình chỉ là một người biết vẽ, biết diễn giải một hình dung ra thành một hình ảnh rõ ràng – mình “lụt nghề” từ lâu rồi.

Khi chiêm nghiệm lại quãng thời gian 10 năm không vẽ đó, mình chợt nhận thấy rằng đam mê vẽ trong mình không chết đi, nó chỉ chuyển hóa thành một dạng thức khác trong những điều mình làm. Chẳng hạn như, năm cấp ba tuy mình không còn vẽ vời, nhưng làm slide Powerpoint thuyết trình thì mình thuộc dạng chuyên nghiệp nhất lớp: hình ảnh và màu sắc mình chọn luôn làm từ giáo viên tới bạn bè trong lớp phải trầm trồ. Lên đại học thì mình lại ứng dụng tư duy thẩm mỹ đó trong chuyện chụp ảnh, dựng video clip, làm phim, thiết kế đồ họa,… cũng thuộc dạng nổi trội hơn các bạn bè cùng trang lứa. Đến khi đi làm, những công việc nào qua tay mình thì dù là chuyện soạn thảo một văn bản thôi mình cũng phải trình bày nó sao cho cân đối và đẹp mắt nhất. Khi làm marketing, mình ứng dụng tư duy thẩm mỹ rất nhiều trong chuyện thiết kế banner chạy quảng cáo, làm landing page cho website, làm email template,… Trong chuyện ghi chép, thay vì viết chữ thì mình thường hay vẽ minh họa để nội dung bài vở sinh động hơn.

Mãi khi ngộ ra được điểm này, mình mới không còn chấp niệm vào chuyện học vẽ nữa. Mình không còn so sánh bản thân với những bạn học mỹ thuật, kiến trúc hay thiết kế đồ họa và cũng dẹp luôn ý định tự học vẽ, học thiết kế để nâng trình độ lên ngang tầm với họ. Cơ bản là bây giờ mình đang làm trong một lĩnh vực khác họ hoàn toàn, và quỹ thời gian cá nhân mình cũng không nhiều để theo đuổi một đam mê trong quá khứ.

Điều gì không là sở trường, hãy biến nó thành sở thích. Sở trường là thứ bạn mạnh nhất, là thứ đi theo bạn cả đời, là cần câu cơm đem lại thu nhập và sự ổn định cho cuộc sống của bạn, và nó đòi hỏi bạn dụng tâm dụng sức đầu tư thời gian trau dồi nó không ngừng. Còn sở thích chỉ là thứ bạn yêu thích, được làm nó thì bạn thấy vui, và nó là thứ giúp bạn cân bằng lại cuộc sống sau những giờ phút mỏi mệt căng thẳng. Ví dụ như sở trường của mình là viết lách, là biên tập nội dung, và đây là công việc chính của mình hiện tại thì mình sẽ đầu tư nhiều cho nó hơn là bỏ thời gian ra để đi học vẽ hay thiết kế.

Một bức tranh tầm xàm hú họa mình vẽ gần đây.

Vẽ với mình bây giờ chỉ là một sở thích, mình thích thì mình vẽ, không thích thì nghỉ chứ chẳng có gì ràng buộc. Có khi hứng lên mình có thể cầm một cuốn sổ vẽ liền tù tì mấy tiếng đồng hồ để xả stress. Một cô em từng nói với mình, khi em ấy ngồi vẽ thì còn dễ vào trạng thái “dòng chảy” (flow) hơn là ngồi thiền. Ai xem phim “Soul” của Pixar rồi sẽ thấy, chỉ có công việc chúng ta thực sự đam mê thì ta mới dễ dàng nhập tâm vào dòng chảy của nó tới nỗi quên luôn không gian thời gian xung quanh.

Một bức tranh mình vẽ bằng màu nước.

Càng trưởng thành, mình bất chợt nhận thấy rằng mình không còn khả năng tự học nhanh và dễ dàng như thời còn trẻ – giai đoạn học trung học và sinh viên. Áp lực từ công việc, cuộc sống và những mối bận tâm khác khiến quỹ thời gian cá nhân ngày càng thu hẹp lại. Mình không còn dư dả nhiều thời gian để có thể ôm đồm học hành quá nhiều thứ theo kiểu học vì thích chứ không phục vụ gì cho công việc hay kế hoạch tương lai của mình.

Ở mỗi thời điểm khác nhau trong đời, tư duy chúng ta cũng sẽ dần đổi khác. Mình của trước đây là người rất thích tự học, thứ gì cũng muốn học và cũng muốn biết hết, mà phải là biết rành như người làm nghề chuyên nghiệp mới chịu. Mình của hiện tại chỉ tập trung học những thứ giúp phát triển sở trường của mình ngày một chuyên sâu và nâng cao hơn. Những thứ còn lại mình xếp vào nhóm sở thích, thích thì làm chứ không nên cưỡng cầu bản thân quá nhiều.

Khi thấu suốt được cách tư duy này, cuộc đời của mình trở nên nhẹ nhàng hơn vì không còn đeo mang quá nhiều những đam mê dang dở hay chạy theo so kè cho bằng đam mê của người khác. Điều gì không thể là sở trường của bạn, đơn giản là biến nó thành sở thích thôi.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.