Đồi Hét là một vùng sa mạc bị bỏ quên ở phía Tây của thành phố Tây An, Trung Quốc, một ngôi làng bé tẹo chẳng có tên trên bất kỳ bản đồ nào. Vào thập niên 90, khi phóng viên Hân Nhiên đến đây trong một chuyến thực địa, cô đã chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây không khác nào những bộ lạc thời nguyên thủy. Họ sống trong những hang động, ngay giữa sa mạc lúc nào cũng khan hiếm nước. Nước ở vùng này quý tới mức những người được trọng vọng nhất làng cũng không thể đánh răng hay rửa mặt hằng ngày.
Ở Đồi Hét, phụ nữ được xem như những chiếc máy đẻ và là tài sản quý giá nhất để người ta trao đổi với nhau. Tục lệ ở đây là nhà nào có con gái thì có thể gả con gái cho người làng khác để đổi lấy một người vợ về nhà mình. Cũng có trường hợp một người phụ nữ ngoài làng có thể làm vợ của các anh em trong cùng một gia đình, bởi vì họ không có đủ số em gái để trao đổi số người vợ tương ứng. Trong quá trình quan sát đời sống của phụ nữ ở đây, Hân Nhiên phát hiện ra họ có tướng đi rất kỳ cục, thường chạng hai chân ra. Khi tìm hiểu cô mới phát hiện hóa ra phụ nữ ở đây không dùng băng vệ sinh mà cắt những chiếc lá thô ráp để lót vào vùng kín. Ở một vùng hiếm nước như thế này, họ phải vắt và phơi khô những chiếc lá như thế sau mỗi lần sử dụng.
Sự chà xát và viêm nhiễm nhiều năm khiến cho hầu hết phụ nữ ở Đồi Hét đều mắc chứng sa tử cung, dẫn tới có mang nhiều lần nhưng rất dễ sảy thai. Khi chứng kiến tất cả sự kinh khủng và tồi tệ đó, Hân Nhiên không kiềm được lòng mà bật khóc cho những người phụ nữ sống cùng thế hệ và cùng thời đại với cô. Họ hoàn toàn không biết gì về sự hiện đại và văn minh của thế giới bên ngoài. Trong sự nghiệp suốt mười năm làm báo và phát thanh của Hân Nhiên, cô từng nghe qua không biết bao nhiêu câu chuyện về thân phận tủi nhục, đau đớn và bất hạnh của những người phụ nữ trên khắp cả nước. Nhưng phụ nữ ở Đồi Hét là những người duy nhất bảo với cô rằng họ hạnh phúc.
Với Hân Nhiên, cuộc sống của những phụ nữ ở Đồi Hét không khác nào cảnh địa ngục trần gian. Nhưng với họ, có được một cuộc sống như vậy đã là hạnh phúc lớn nhất đời người. Vậy, chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để định nghĩa hạnh phúc?
Định chế hạnh phúc
Trong cuộc hiện sinh của nhân loại, có lẽ câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta tìm kiếm nhất là: “Làm thế nào để có được một đời sống hạnh phúc?”. Nhưng tiêu chuẩn hạnh phúc của nhân loại không giống nhau, mà mỗi người có một định chế hạnh phúc của riêng mình. Như nhân vật Trang trong series Trò Chuyện Cùng Người Hướng Nội của mình từng chia sẻ, khi em đi bộ xuyên Việt và tá túc tại nhà của những người dân, em gặp những gia chủ có định nghĩa hạnh phúc hết sức đơn giản – chỉ là có một công ăn việc làm ổn định, có thu nhập đều đều mỗi tháng – và đôi khi họ băn khoăn không hiểu tại sao em phải hành xác bản thân cực khổ đến vậy. Nhưng với Trang, hạnh phúc của em là sự tự do trên những nẻo đường, là sự hòa mình vào mẹ thiên nhiên.
Đối với những người bình thường, hạnh phúc là thứ không có sẵn trong hoàn cảnh sống hiện tại, bởi vì không có nên họ mới phải đi kiếm tìm. Bản thân chúng ta ai cũng có những mục tiêu ta tự đặt ra cho chính mình, cứ nghĩ rằng khi bản thân đạt được rồi thì mới hạnh phúc, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Trong bộ phim “Định chế hạnh phúc” của Trung Quốc, hạnh phúc của Cố Giai chỉ đơn thuần là một người vợ, một bà nội trợ ở nhà vun vén gia đình, nấu những bữa ăn ngon và chờ đợi chồng về nhà thưởng thức. Nhưng hạnh phúc của Điền Hiểu Ni là 18 tiêu chuẩn chọn chồng, phải gặp được người đàn ông nào hội tụ 18 tiêu chuẩn này thì cô mới thấy hạnh phúc. Kết cục là, khi gặp được người như ý, Hiểu Ni mới phát hiện đó không phải là người mình yêu, mà người cô thật sự yêu thì lại không đạt được bảng tiêu chuẩn khắt khe đó.
Tiêu chuẩn hạnh phúc của chúng ta cũng cơi nới dần theo thời gian, khi chúng ta nghe, thấy, biết và trải nghiệm cuộc sống này nhiều hơn. Ví như những người phụ nữ ở Đồi Hét, nếu Hân Nhiên kể cho họ nghe về đời sống thực tế của người phụ nữ thời hiện đại hay cho họ mục sở thị cuộc sống bên ngoài ngôi làng này, bạn nghĩ liệu họ có còn cảm thấy cuộc sống như hiện tại là hạnh phúc nữa? Bản thân mình có một trải nghiệm thú vị liên quan tới chuyện ăn uống. Lần đầu tiên mình biết tới món bún mắm ở Sài Gòn là ở một hàng mới mở ở con hẻm gần nhà trọ, ban đầu hơi khó ăn nhưng ăn được vài lần là đâm ghiền mùi vị của bún mắm. Đối với mình, tô bún mắm 30K trong hẻm nhỏ đó là tô bún mắm ngon nhất trên đời.
Có một thời gian hàng bún mắm đó nghỉ bán, mình mới chuyển sang ăn ở một tiệm khác ngoài mặt đường, giá đắt hơn, tới 50k một tô. Ăn quen ở đây được vài năm, vô tình một ngày đi qua con hẻm cũ mới phát hiện hàng bún mắm kia đã bán lại từ đời nào, và giá vẫn không đổi. Thế là mình mới ghé lại ăn thử và thất vọng khi nhận ra tô bún mắm 30k không ngon bằng tô 50k mà có một sự cách biệt rất lớn. Hóa ra về bản chất thì ngay từ đầu tô bún mắm 30k chỉ ngon vừa phải, nhưng chính vì đó là mùi vị hạnh phúc đầu tiên mình nếm thử, nên tiêu chuẩn hạnh phúc trong khoản ăn uống mình thiết lập cho bản thân chỉ ở mức đó. Đến khi được trải nghiệm tô bún mắm 50k ngon hơn gấp nhiều lần, tiêu chuẩn cũ bị phá vỡ và thứ từng làm mình hạnh phúc trước đây nay giờ không còn nữa.
Trải nghiệm này cũng tương tự như việc ngày xưa mình từng được ở villa hay resort 5 sao tiêu chuẩn quốc tế mỗi khi đi du lịch cùng công ty, cho đến khi phải ở những khách sạn 2 sao, 3 sao hay 5 sao theo tiêu chuẩn Việt Nam, mình cảm thấy không còn thích thú hay vui vẻ nữa vì tiêu chuẩn hạnh phúc trong khoản du lịch mình đặt ra cho bản thân đã quá lớn. Giống như cùng đi đến một khu vui chơi của một tập đoàn nọ mới mở, em gái mình cảm thấy những khu villa và cảnh quan ở đây xây dựng rất đẹp bởi vì em chưa từng đến những nơi như vậy bao giờ, nhưng so với những nơi mình từng đi thì nó xấu xí, quê mùa và kém xa. Có lẽ khi càng trải nghiệm cuộc sống vật chất xa hoa quá nhiều, người ta rất dễ mất đi cảm giác hạnh phúc đối với những thứ giản dị bình thường.
Đối với những người tu tập, hạnh phúc là thứ nằm bên trong mỗi chúng ta chứ không phải thứ để ta tìm kiếm ở bên ngoài. Những yếu tố tác động mà chúng ta cho rằng chúng đem đến hạnh phúc cho ta thực ra cũng chỉ là ngoại cảnh, còn bản thân ta mới là người quyết định mình có hạnh phúc hay không từ trong chính mình. Chúng ta có thể đi khắp nơi và trải nghiệm nhiều điều để kiếm tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ những điều không cần thiết và ý thức rằng lúc nào ta cũng an ổn với những gì mình sẵn có.
Hạnh phúc trong sự khó khăn thiếu thốn
Khi đọc về thời bao cấp tem phiếu hay chiến tranh ở Việt Nam ngày trước, có rất nhiều câu chuyện mà những người trẻ 9x sinh ra ở thời bình như mình chưa bao giờ hình dung được. Có thời kỳ mà người ta muốn may hay mua một bộ quần áo cũng là cả một vấn đề, vì vải vóc không có sẵn mà chỉ bán theo chỉ tiêu nhất định cho mỗi hộ gia đình. Với những nhà nào đông con cái thì đây là một nỗi lo rất lớn cho các bà mẹ, bởi họ phải tính toán chuyện may quần áo cho đứa nào trước, đứa nào sau. Tác giả Trịnh Văn Sỹ từng chứng kiến cảnh một bà mẹ ngồi trên thềm nhà, nước mắt chảy ra khi nhìn những đứa con tranh nhau xem và thử chiếc quần mới. Cuối cùng chỉ có một đứa được mặc thì mừng vui, những đứa còn lại lặng lẽ nhìn chiếc quần, nhìn người mẹ và lủi thủi bỏ ra ngoài ngõ ngồi.
Ngày trước anh chị em mặc quần áo của nhau là chuyện hằng ngày. Người mẹ phải dạy con cách giữ quần áo sao cho không mòn và bản thân bà cũng phải giặt sao cho không bị bạc màu. Trong bữa cơm của một gia đình thời tem phiếu phần lớn đều là cơm độn ngô, khoai hay bo bo và rất ít thịt thà. Thịt là thứ mà trẻ con chỉ được ăn vào mỗi dịp Tết, cũng như cũng phải đến Tết mới có quần áo mới để mà mặc. Có lẽ chính vì sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế, cả lũ trẻ lẫn người lớn đều luôn trông ngóng đón chờ Tết đến, và Tết của những ngày xưa ấy thật vui.
Không chỉ lũ trẻ thời bao cấp mới cảm nhận như thế, những đứa trẻ 8x, 9x tụi mình khi lớn lên trong thời đoạn đất nước chuyển mình cũng có đồng cảm nhận, là bất kỳ ngày lễ Tết nào của ngày xưa cũng đều vui hơn hiện tại. Ngày bé háo hức đón chờ đến Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu là bao nhiêu, còn bây giờ thì Tết cũng chỉ là những ngày Chủ nhật dài. Có bao giờ bạn thử đặt vấn đề, vì sao thời hiện đại chúng ta có hàng chục bộ quần áo, hàng tá giày dép chứa không hết phải đem đi cho bớt, tủ lạnh thì lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn, nhưng chúng ta lại cảm thấy không hạnh phúc như cái thời khó khăn thiếu thốn?
Có một định luật tâm lý rất công bình, đó là hạnh phúc chỉ là sự so sánh hiện trạng với tình cảnh trước đó. Khi sống ở thời đoạn khó khăn thiếu thốn, chúng ta ít được ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui nên khi được trải nghiệm những điều hiếm hoi ấy vào ngày Tết, đó là một sự hạnh phúc tột cùng. Có đứa trẻ nào ngày bé không thèm một chiếc kẹo hay que kem, nhìn người ta ăn thôi cũng đã thấy thòm thèm nhỏ dãi. Nhưng tới khi trưởng thành, đủ tiền mua cho mình cả hàng chục bịch kẹo hay một thùng kem đầy, vị kẹo hay kem không còn ngon như trước nữa. Và từ cái khoảnh khắc chúng ta có đủ điều kiện để đối đãi tốt với bản thân, hạnh phúc cũ cũng đã tan biến mất rồi.
Nhiều người trong chúng ta khi trải qua cảnh khó khăn thiếu thốn từng ước ao mình được sống một đời giàu sang, ăn cao lương mỹ vị và đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhưng khi ước mơ đó thành hiện thực, ngày nào cũng ăn sơn hào hải vị tại những nhà hàng sang trọng đắt tiền, ta sẽ không còn thấy cao lương mỹ vị là quý hiếm nữa. Điều ngược ngạo là ở cái khoảnh khắc chạm tay vào giàu có ấy, ta lại thèm những bữa ăn dân dã đời thường ngày xưa mẹ nấu, hay đôi khi chỉ thèm một gói mì tôm. Bởi vậy mới thấy ngày thường ăn uống kham khổ thì chỉ một bữa ngon thôi cũng đã thấy hạnh phúc vô cùng.
Định luật này không chỉ đúng trong khía cạnh ẩm thực mà còn ở nhiều phương diện khác. Như khi mình biên tập một cuốn sách về đế chế Amazon của tỷ phú Jeff Bezos, công ty của ông tính tới thời điểm hiện tại có giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 1.600 tỷ đô và khối tài sản ròng của Bezos đã ở mức 195 tỷ đô. Với một khối tài sản lớn như vậy, việc Amazon mỗi năm kiếm được doanh thu từ quảng cáo khoảng 2-3 tỷ đô thì trong mắt Bezos là một khoản chẳng đáng bỏ bèn gì. Ấy vậy mà đối với một người bình thường, nhiều khi chỉ trúng một tờ vé số giải tám 100K thôi thì đã vui hết cả ngày. Ngay trong chuyện sức khỏe, người bình thường khỏe mạnh không biết rằng mình sung sướng, chỉ đến khi đau ốm bệnh tật mới biết có sức khỏe là hạnh phúc nhường nào.
Cái thời mình không có tiền để mua sách, chỉ có thể đọc ké bạn bè hay đi mượn sách ở thư viện, có được một cuốn sách để đọc hay sở hữu một cuốn sách là cả một niềm vui to lớn. Nhưng đến khi bản thân mình sở hữu tủ sách cả hàng ngàn quyển, có tới cả trăm cuốn sách mới chưa đọc, mình không còn thấy vui và hạnh phúc như ngày trước. Cũng như ở cái thời chưa có truyền hình cáp và YouTube, trẻ con luôn trông ngóng đón chờ khung giờ chiếu phim thiếu nhi hay phim hoạt hình trên tivi. Những bộ phim ngày bé là quãng ký ức đẹp tuyệt vời mỗi khi nhớ lại, nhưng giờ bạt ngàn phim truyện trên mạng, muốn xem gì cũng có, mấy ai còn thấy vui như xưa?
Khi sống trong một nền kinh tế thừa mứa vật chất và bão hòa niềm vui, con người ta cũng dần đánh mất đi những thứ hạnh phúc đơn thuần mình từng có thời khó khăn thiếu thốn. Nếu cứ chạy theo tiêu chuẩn xã hội và những thứ bên ngoài, định chế hạnh phúc của chúng ta sẽ không ngừng thay đổi – và ta sẽ luôn cảm thấy mình không hạnh phúc khi so sánh với những người xung quanh. Thiền sư phương Tây Sharon Salzberg có một ý niệm rất hay về việc “trên núi chớ tìm non”. Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta thường thích chọn những hành trình xa xôi, khó nhọc trong khi tình thương và hạnh phúc mà chúng ta hằng mong đợi vốn dĩ có thể tìm thấy được dễ dàng.
Có những người dành cả cuộc đời để đi tìm kiếm những thứ mà họ không có, một điều gì đó mà họ cho rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân. Nhưng bí mật của hạnh phúc chân thật nằm ở sự thay đổi tâm thế của ta, ở cách ta nhìn nhận cuộc đời này và nơi chốn mà ta kiếm tìm hạnh phúc. Khi không hiểu được điều này, chúng ta sẽ cứ mãi tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi xa xôi, giống như một người đang đứng bên dòng suối mà cứ than mình khát nước.
Có những điều tưởng chừng là sáo ngữ, nói ra nhẹ hều nhưng không phải ai cũng làm được. Định chế hạnh phúc cũng giống như một thước đo hạnh phúc mà bạn quy định cho chính mình. Khi không với được những thứ quá cao, hãy hạ thấp tiêu chuẩn hạnh phúc của bản thân. Khi không tìm được hạnh phúc ở những nơi quá xa, hãy nhìn xuống hạnh phúc ngay dưới chân mình hay nhìn quanh ngay bên cạnh mình. Hạnh phúc luôn hiện hữu đâu đó quanh đây, qua những điều giản dị nhỏ nhặt bình thường chứ không cần phải là những điều đao to búa lớn. Biết hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc vậy.