
Nếu là một người yêu thích đọc sách và từng có thể dành hàng giờ liền đọc ngấu nghiến một cuốn sách, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bây giờ mỗi khi cầm một cuốn sách lên thì bạn không thể đọc liền tù tì một chương hay có cảm giác mình chỉ đọc lớt phớt chứ không thực sự nắm được nội dung cuốn sách? Không hiểu sao câu chữ cứ chạy tuồn tuột qua đầu mà không đọng lại một chút nào. Cái cảm giác chú tâm khi đọc một quyển sách dường như đã là cái thời xa xưa quá vãng nào đó rồi.
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bây giờ khi xem một bộ phim trên mạng thì bạn cũng không thể kiên nhẫn xem từ đầu tới cuối từng phút một, mà có xu hướng xem lướt và bỏ qua những phân đoạn kém hấp dẫn? Mặc dù biết rằng mỗi tình tiết đều có liên quan tới mạch nội dung tổng thể và khi bỏ qua như vậy thì cũng phụ lòng ekip sản xuất và các diễn viên đã đầu tư tâm sức vào đó, nhưng chúng ta lại không thể xem phim theo cách như trước đây được nữa. Cái cảm giác chăm chú say mê ngồi xem một bộ phim có lẽ nằm ở thì quá khứ khi ta xem mấy bộ phim kiếm hiệp hay tình cảm trên tivi hồi đó.
Có điều gì đó vô hình dường như đang diễn ra trong dòng thời gian khiến cho thói quen đọc sách hay xem phim của chúng ta ngày nay cũng hoàn toàn thay đổi theo hướng không mấy tích cực. Những giá trị ý nghĩa và sâu sắc không còn đọng lại, mọi thông tin ta tiếp nhận ngày càng hời hợt và nhạt nhòa hơn. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Đọc chậm & đọc nhanh
Là một người thường xuyên đọc sách và đọc rất nhiều sách từ nhỏ tới lớn, bản thân mình tự nhận thấy thói quen đọc sách của mình có sự thay đổi rõ rệt ở thời kỳ trước và sau khi Internet phổ biến. Trước thời kỳ Internet phổ biến, smartphone chưa ra đời và không phải nhà nào cũng có máy tính kết nối mạng, thành ra chuyện đọc tin tức online hay ebook chỉ mới manh nha đâu đó trên thế giới chứ chưa hiện diện ở Việt Nam. Ở thời điểm ấy, muốn đọc một cái gì đó thì mình chỉ có thể đọc báo cũ từ mớ giấy vụn dùng để gói hàng hoặc mượn bạn bè hay mượn sách thư viện về đọc. Mỗi lần như vậy thì trong tay mình cũng chỉ có một vài tờ báo hay 1-2 cuốn sách để đọc, thành ra khi đọc thì hết sức tập trung để còn trả lại cho bạn bè hay thư viện.
Mình còn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên cầm trong tay cuốn truyện Harry Potter dày cộm hồi cấp ba do nhỏ bạn cùng lớp cho mượn, mình nằm đọc ngấu nghiến cả tuần mới xong một cuốn, đọc xong cuốn này thì nó cho mượn tiếp cuốn khác. Cứ thế mình đọc liền tù tì cả bộ 7 cuốn là lên tới khoảng hơn 5.000 trang sách chỉ trong vòng 2 tháng. Cái cảm giác đọc sâu đó là thứ mà mình hoàn toàn đánh mất chỉ trong một thập kỷ sau đó. Bởi lẽ bây giờ khi cầm một cuốn sách lên đọc thì có quá nhiều thứ làm mình phân tán sự tập trung như tiếng thông báo trên điện thoại hay những dòng suy nghĩ khác cắt ngang, ngay cả khi mình chọn tắt thông báo và chuyển điện thoại sang chế độ im lặng thì bên trong mình vẫn luôn có những thôi thúc thường trực về việc kiểm tra điện thoại.
Tác giả Johann Hari là một người cũng gặp phải những vấn đề giống mình và ông nhận thấy rằng đó là vấn đề chung của mọi người trong thời đại số. Ông đã tiến hành một thử nghiệm rất sang chảnh bằng việc nghỉ phép 3 tuần liền và đi du lịch tới một hòn đảo vắng người, ở một villa riêng biệt ngay sát bờ biển và cách ly bản thân khỏi mọi thiết bị công nghệ như máy tính hay smartphone bằng cách gửi chúng cho bạn bè ở đất liền. Trên chiếc ghế bố nằm ngoài bãi biển, trong suốt 3 tuần đó, ông đọc hết từ cuốn sách này đến cuốn sách khác một cách rất tập trung khi không bị công nghệ làm phiền và tìm lại được cảm giác đọc sâu ông từng có trước đây.

Về sau khi phỏng vấn Anne Mange, giáo sư văn học tại Đại học Stavanger (Na Uy), ông được nghe bà chia sẻ về nghiên cứu của bà liên quan tới việc đọc. Nghiên cứu của bà đã chứng minh rằng việc đọc sách rèn cho chúng ta khả năng đọc theo một cách cụ thể – theo kiểu tuyến tính, tập trung vào một việc trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, việc đọc trên màn hình các thiết bị công nghệ lại rèn cho chúng ta một cách đọc hoàn toàn khác – theo kiểu bỏ qua và nhảy từ thứ này sang thứ khác một cách điên cuồng. Bà cho biết chúng ta có xu hướng đọc lướt và quét để trích xuất thông tin nhiều hơn khi đọc trên màn hình. Sau một thời gian, nếu việc này kéo dài đủ lâu thì bạn phải trả giá cho việc đọc lướt và quét thông tin kiểu đó, cụ thể là bạn cũng sẽ đọc sách giấy theo cách như thế.
Khi đọc được nghiên cứu này, trong đầu mình như bừng tỉnh cơn mê. Hóa ra chính thói quen đọc lướt newsfeed trên mạng xã hội, lướt báo mạng để lọc thông tin quan trọng cuối cùng lại quay trở ngược ảnh hưởng tới cách đọc sách giấy thông thường của chúng ta. Giờ thì mình đã hiểu lý do vì sao khi cầm một cuốn sách rõ ràng là mình rất thích lên đọc, mình vẫn có thói quen đọc lướt và dễ nhảy qua những đoạn nào có các thông tin quan trọng thu hút sự chú ý của mình hơn. Khi bạn đọc sách giấy với tâm thế như vậy, dần dà bạn sẽ mất đi cảm giác chìm đắm vào trong một cuốn sách và niềm vui đọc sách ngày trước giờ đây cũng không còn.
Nếu bạn để ý thì khi đọc bình luận trên một số fanpage hay Facebook cá nhân, không hiếm để bắt gặp những comment theo kiểu “Viết dài quá ai tóm tắt lại giùm đi”, “Viết dài thế ai mà đọc cho nổi”,… Ngay cả chính bạn bè mình là những người từng học chuyên Văn hay Báo chí, đôi khi vẫn comment những câu như vậy ở một số status dài của mình trước đây. Có những comment hết sức ngộ theo kiểu “Dài quá không đọc hết nhưng ý tôi thì như thế này…” Vâng, có những người thậm chí không thèm đọc xem bạn viết gì nhưng vẫn có thể nhiệt tình góp vui bình luận như đúng rồi.

Xem chậm & xem nhanh
Tương tự như thói quen đọc, thói quen xem ngày nay của chúng ta cũng có sự thay đổi đáng kể. Sự ra đời của hàng loạt loại hình giải trí qua video online, nhất là sự bùng nổ của các video ngắn trên TikTok, Reels của Facebook/Instagram, YouTube,… đã cách mạng hóa thói quen xem video và thưởng thức phim ảnh của chúng ta. Để thu hút sự chú ý, tăng lượng view và subscribe nhằm kiếm tiền, tất cả các content creator đều thử nghiệm đủ mọi cách để tạo ra những nội dung câu khách, hình ảnh bắt mắt, âm nhạc bắt tai, thậm chí không ngại sản xuất content bẩn. Tất nhiên, bản thân các nền tảng phát triển các ứng dụng này cũng có một phần trách nhiệm vì thuật toán của họ được thiết kế để tăng thời gian người dùng ở lại trên nền tảng của họ, nên họ sẽ đưa ra những chính sách có lợi nhằm khuyến khích các content creator phát triển nội dung.
Trong chương trình Đạo diễn mời vào chỗ mùa đầu tiên của Trung Quốc, có một đoạn đối thoại giữa đạo diễn, khán giả và các nhà phê bình khiến mình hết sức ấn tượng. Một trong những thí sinh tham gia chương trình là đạo diễn Đức Cách Na, một người dân tộc thiểu số, nên các phim dự thi của chị cũng thường khai thác đề tài và bối cảnh liên quan đến người dân tộc vùng cao ở Trung Quốc. Sau khi công chiếu bộ phim “Hai chú tuấn mã” của chị (có bạn hot boy Tây Tạng Đinh Chân đóng chính), một khán giả bên dưới khán đài có đứng lên chia sẻ cảm nhận:
“Trước đó tôi có xem qua một số bộ phim của chương trình chúng ta qua điện thoại. Thật ra tôi không hiểu lắm những dao động cảm xúc của khán giả tại trường quay. Nhưng hôm nay tôi ngồi dưới khán đài, xem bộ phim này qua màn ảnh lớn, tôi đã thấy thật sự rung động. Bởi vì hình ảnh đặc tả rất chi tiết, những thứ này không thể truyền tải được qua màn hình điện thoại mà buộc phải xem trên màn hình lớn mới cảm nhận được. Tôi nói thật nếu xem bộ phim này của đạo diễn Đức Cách Na qua điện thoại, có thể tôi sẽ ngủ gật. Nhưng nếu ở xem ở rạp phim hay tại chương trình này, hòa mình vào bộ phim, thì tôi rất thích bộ phim này.”

Nhà phê bình Trần Minh sau đó cũng bình luận thêm:
“Khi làm chương trình Đạo diễn mời vào chỗ này, chúng ta đã chiếu mấy chục bộ phim ngắn. Nhưng toàn bộ khán giả đều xem những bộ phim vốn dĩ được sản xuất cho màn ảnh rộng qua một màn hình rất nhỏ. Kích thước màn hình trực tiếp ảnh hưởng tới logic sáng tạo. Người cầm điện thoại để xem sẽ có cảm giác nắm giữ rất mạnh. Mọi thứ nằm trong tay họ. Tôi muốn chỉnh tốc độ thì chỉnh. Tôi muốn kéo đến chỗ tôi muốn xem thì kéo. Tôi muốn tua thì tua. Màn hình là của tôi và tôi điều khiển nó. Nhưng khi màn hình ở xa, to đùng, tôi lại thành nhỏ. Con người trở nên bé nhỏ, chúng ta chìm trong một tập thể, trong một bữa tiệc nghi thức. Cả tôi và người bên cạnh đều không có quyền điều khiển. Không có chuột, không có thanh tiến độ, không có tua nhanh. Chúng ta yên tĩnh xem bộ phim kể chuyện. Là bộ phim đang điều khiển chúng ta.”

Đoạn giao lưu này quả thực rất đặc sắc. Cùng một bộ phim điện ảnh và cùng một khán giả đó, nếu xem trên điện thoại thì bạn ấy sẽ cảm thấy chán và buồn ngủ, nhưng khi xem trực tiếp tại khán đài với màn ảnh rộng thì lại hoàn toàn choáng ngợp và rung động trước không gian nghệ thuật của bộ phim. Trải nghiệm này mình cũng từng gặp với một người bạn, vì cả hai có cùng gu xem phim nên hay giới thiệu phim hay để người kia tìm xem. Có lần bạn đi xem bộ phim Dune (Xứ cát) ở rạp thì rất tâm đắc và khen phim nức nở, bảo mình nhất định phải xem vì nó đỉnh lắm. Đợt đó mình bận nên chưa kịp đi xem ở rạp, sau đó mới tìm xem trên mạng. Tuy nhiên, cảm nhận chung của mình là mạch phim khá chậm, tình tiết và câu chuyện hơi khó hiểu, nên xem rất buồn ngủ và kết cục mình đã bỏ dở ngay từ một phần ba phim.
Ngày còn bé, chúng ta đều xem phim ảnh qua sóng truyền hình. Thời đó chưa có đầu thu kỹ thuật số hay các gói cước của nhà mạng với hàng trăm kênh như bây giờ, tivi chỉ có vỏn vẹn vài ba kênh của đài truyền hình quốc gia VTV, HTV và đài tỉnh. Mỗi ngày chỉ có một vài khung giờ chiếu phim truyền hình hay phim hoạt hình để con nít ngóng chờ để xem. Trải nghiệm xem phim trên truyền hình cũng giống như xem phim ngoài rạp, khán giả là người xem thụ động còn nhà đài mới chủ động điều khiển người xem, ngay cả quảng cáo ta cũng phải xem hết mới được xem tiếp chứ không có chuyện “Skip Ads” như bây giờ. Chính vì có quá ít sự lựa chọn kênh để xem và không có quyền nắm giữ thanh tiến độ của một bộ phim, chúng ta hòa mình vào bộ phim một cách toàn tâm toàn ý, xem từ đầu tới cuối không bỏ sót chi tiết nào, bởi bỏ sót đồng nghĩa với có thể không hiểu logic mạch phim hoặc không thể tám chuyện với bạn bè về những chi tiết của bộ phim đó.
Giờ đây với Netflix, Amazon Prime, Apple TV, Disney+ trả phí và hàng loạt các trang xem phim (lậu) miễn phí, chúng ta chuyển đổi tâm thế xem phim từ thụ động sang chủ động: ta có quyền lựa chọn bộ phim mình muốn xem trong hàng ngàn bộ phim, ta có quyền xem ở bất cứ tập nào, ta có quyền tua tới bất cứ đoạn nào trong một tập phim. Thêm vào đó, cuộc cách mạng video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội cũng tác động rất lớn tới thói quen xem video của chúng ta. Ta có xu hướng bị kích thích với những video có tiết tấu nhanh, hình ảnh cắt dựng chớp nhoáng và nhạc bắt tai, cũng như ta sẽ dễ lướt qua những video chán òm để nhảy cóc qua những video hấp dẫn hơn. Chính sự chuyển dịch trong thói quen xem video của đại chúng cũng tác động ngược trở lại ngành công nghiệp phim ảnh, khi nhiều bộ phim drama hay sitcom ngày nay có xu hướng sản xuất theo kiểu tình tiết và mạch phim rất nhanh, thiếu đi những quãng nghỉ hay độ lắng cần thiết để khán giả cảm thụ.
***

Tốc độ mang lại cho chúng ta cảm giác tuyệt vời, sự kích thích đầy hứng khởi và khả năng nắm giữ mọi thứ trong tầm tay. Chúng ta tự nhủ rằng mình có thể mở rộng khả năng tiếp nhận một lượng lớn thông tin trong một thời gian ngắn mà không phải trả giá, nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Một khi chạy theo tốc độ thì cái giá lớn nhất mà chúng ta phải trả chính là chiều sâu ở mọi khía cạnh trong đời sống.
Chiều sâu cần có thời gian để chiêm nghiệm và suy xét cẩn trọng. Nếu bạn lúc nào cũng phải chạy đua với dòng chảy xã hội hay người khác để bắt kịp xu hướng, bạn sẽ không có đủ thời gian để đạt tới chiều sâu và độ chín cần thiết. Và tất cả những thứ đòi hỏi chiều sâu trong dòng thời gian trước đây của chúng ta đều đang bị mai một và ảnh hưởng bởi sự bùng phát của thời đại công nghệ. Hãy suy ngẫm sâu sắc về điều này và tự hỏi bản thân thứ bạn muốn có là chiều sâu hay tốc độ?
Tài liệu tham khảo:
– Stolen Focus – Johann Hari (Saigon Books sắp phát hành)