Mỗi ngày, chúng ta tiếp nhận mọi vấn đề xảy đến với mình trong đời sống thông qua năm giác quan. Ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta cảm, rồi từ đó chuyển hóa thành những suy nghĩ và nhận thức ở thế giới tinh thần bên trong mỗi chúng ta. Ngũ quan đón nhận mọi kích thích và tạo thành những phản ứng.

Ví như, ta nghe được một chuyện vui (tác nhân), lòng ta cảm thấy hoan hỉ (phản ứng), nhưng khi ta gặp một chuyện bất xứng ý (không đúng như ý mình mong đợi) thì lòng ta lại thấy buồn bực. Những chuyện tiêu cực, bất xứng ý mình gọi là “rác tâm trí”, tích tụ càng nhiều trong ngày thì sẽ thành đống rác, từ từ thành bãi rác, năng lượng cũng theo đó mà đi xuống.

Thử tưởng tượng, nếu một người đi làm chốn công sở gặp một chuyện gì đó gây buồn bực trong công việc nhưng sự vụ này không được giải quyết. Sang hôm sau, thêm một chuyện bất xứng ý khác lại xuất hiện. Cứ thế, người này đang tích lũy rác đầy trong tâm trí làm tắc nghẽn dòng tuệ mẫn.

Để dọn dẹp tâm trí, an ổn tâm hồn thì có 2 việc nhỏ mà ai cũng có thể làm được mỗi ngày:

1. Làm sạch môi trường trong mọi lúc, mọi nơi

Môi trường ở đây là ngoại cảnh, bao gồm không gian bạn ở và làm việc. Một tâm trí lộn xộn sẽ không thể nào làm cho một ngôi nhà hay một chiếc bàn làm việc được ngăn nắp. Và ngược lại, nếu mỗi ngày đi làm bạn đối diện một chiếc bàn bày biện bừa bộn hay mỗi chiều đi về đối diện một căn phòng bừa bãi thì bạn có an vui mà sống nổi không?

Mình từng xem một phóng sự ngắn của Nhật, nói về hoàn cảnh sống éo le của một cô gái khi yêu lầm anh người yêu cũng là anh trai song sinh bị chia cắt từ nhỏ của cô. Khi hai người sắp tiến tới hôn nhân, cả hai về quê ra mắt gia đình hai bên thì mới phát hiện được sự thật trái ngang này. Người anh vì quá đau khổ nên đã tự kết liễu đời mình, còn cô em từ khi vị hôn phu tương lai của mình chết thì cuộc đời cô cũng sụp đổ. Sau đó, mỗi ngày cô thường tìm đến quán bar để nhậu nhẹt say sưa với bạn bè, tìm niềm vui trong men rượu để quên đi câu chuyện đau lòng của mình.

Và có một chi tiết rất thú vị trong phóng sự, đó là căn hộ cô ở y như một bãi rác không hơn không kém. Từng đống quần áo chưa giặt chất cao như núi, đồ đạc vứt lung tung cả lên trong nhà, nồi niêu xoong chảo rất lâu rồi chưa rửa bốc mùi cả lên, đồ ăn vặt thì rải rác khắp nơi. Có thể thấy được một điều rằng, khi tâm trí của cô gái trở nên lộn xộn, bế tắc thì căn nhà của cô là hiện thực của tâm trí đó.

Lối sống tối giản (minimalism) của Nhật Bản trong vài năm gần đây trở nên rất phổ biến ở Việt Nam thông qua một số đầu sách được dịch và xuất bản cũng như các influencer truyền cảm hứng. Chủ trương sống tối giản tập trung vào việc vứt bỏ những đồ đạc cũ, không dùng, tiết chế nhu cầu mua sắm và dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng, ngăn nắp.

Ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm cảnh. Ăn mặc sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng sẽ làm cho tâm ta sáng sủa bình an hơn. Như ông bà ngày xưa có dạy: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Ở cái nhà dơ hay ăn cái bát dơ thì mát hay ngon nỗi gì.

2. Xử lý “rác” trong tâm trí

Muốn không tích lũy “rác” trong tâm trí thì chúng ta phải học cách phân loại rác. Khác với rác sinh hoạt, rác tâm trí phân thành 2 loại chính:

  • Rác tái chế
  • Rác không tái chế

a. Rác tái chế

Có những suy nghĩ mang tính chất tiêu cực nhưng vứt bỏ nó thẳng thừng vào thùng rác không giúp ta giải quyết được căn cơ triệt để nguồn cơn của suy nghĩ tiêu cực đó. Lúc đó ta nên quán xét lại cho kĩ càng:

  • Ta đang muốn điều gì? Điều đó đúng hay sai?
  • Ta có đang bị cái tâm tham – sân – si che mờ không?
  • Thương, ghét của ta là cảm tính hay lý tính? Nó có công bằng với ta và đối phương?

Giống như củ hành, chúng ta cần bóc tách lớp vỏ suy nghĩ tiêu cực của mình để tìm ra cái lõi thực sự là gì. Từ cái lõi đó, ta mới lý giải được suy nghĩ và hành vi của mình, từ đó mới có sự chiêm nghiệm để sống sâu sắc hơn, và trưởng thành hơn qua từng chuyện bất xứng ý trong cuộc sống.

b. Rác không tái chế

Rác không tái chế sản sinh từ cái tâm tham – sân – si của chúng ta dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực như những liều thuốc độc tinh thần làm hao mòn và kiệt quệ năng lượng của dòng tuệ mẫn. Có thể điểm qua 8 loại rác không tái chế như sau:

  1. Cáu giận: Thấy người ta làm chuyện gì đó không vừa lòng mình, không đúng ý mình là cáu giận. Nguồn gốc của cái sân là sự ngã mạn (tự cao) ➝ sân
  2. Ghen tị: Thấy người ta hơn mình về nhan sắc, tiền tài, danh vọng là tị hiềm ganh ghét ➝ tham + sân
  3. Buồn bã: Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Có người buồn vì thấy mình vô dụng, có người buồn vì thấy mình thấp kém, có người buồn vì thấy mình bị xem thường ➝ si
  4. Hối tiếc: Khi làm điều gì đó sai lầm, lỡ làng rồi ăn năn hối tiếc ➝ si
  5. Tủi thân: Cảm giác luôn thấy mình yếu kém, hoàn cảnh thua thiệt, đổ thừa ông Trời bất công ➝ sân + si
  6. Thù ghét: Bon chen, đố kỵ và cố chấp khi có ai chỉ trích, vạch trần lỗi sai của ta hay làm không đúng ý ta, muốn tìm cách trả thù cho bằng được cho bõ tức ➝ sân
  7. Tò mò: Tọc mạch chuyện người khác, cái gì của người ta cũng muốn biết, muốn chui xuống gầm giường nhà người ta để nhiều chuyện, muốn thị phi so sánh hơn thua ➝ tham + sân
  8. Lo lắng: Chuyện chưa xảy đến mà cứ thích lo lắng, bồn chồn, lo sợ đủ thứ ➝ si

Khi nhận thức được suy nghĩ trong tâm trí mình thuộc về một trong tám loại rác tâm trí trên, tốt nhất ta nên tìm cách đổ rác đi chúng để đầu óc sạch sẽ sáng sủa hơn.

Với những ai có nhiều bạn bè thân thiết, ta có thể đổ rác trực tiếp bằng cách tìm bạn bè để tâm sự mỏng, giải tỏa những uất ức, buồn bực trong lòng. Có những chuyện khó chịu, khi nói ra rồi lòng cũng thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là nên tìm một đối tượng không liên quan trực tiếp tới các nhân vật trong câu chuyện bạn muốn giải tỏa để tránh họa từ miệng mà ra.

Với những ai khó tìm được tri âm để giãi bày, ta có thể đổ rác gián tiếp bằng cách viết nhật ký, viết blog (ẩn danh) để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của mình. Khi viết những suy nghĩ của mình ra, sự tiêu cực đó cũng vơi đi nhiều phần, ta cũng sẽ thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng thanh thản hơn không kém gì khi tâm sự mỏng với bạn bè.

Đổ rác xong thì việc tiếp theo là phải lau dọn lại thùng rác và xông tinh dầu cho thơm bằng cách nạp vào tâm trí những điều tốt lành nho nhỏ, những chuyện tích cực dễ thương.

Ví như bạn đang buồn bực vì một người, sau khi đổ rác xong rồi thì nên nghe một bản nhạc nhẹ có ca từ dễ thương hay xem một đoạn clip hài giải trí, chớ đừng dại nghe nhạc mạnh bạo hay xem phim hành động thì càng bị kích động sự buồn bực hơn.

Vào cuối mỗi ngày, trước khi lên giường đi ngủ, bạn hãy tạo lập cho mình một thói quen nhỏ. Đó là dành 15-30 phút để dọn dẹp tâm trí, an ổn tâm hồn – đổ rác tâm trí cho sạch sẽ rồi mới an vui chìm vào giấc ngủ.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.