
Có lần mình đi dự một workshop của Google tổ chức tại Việt Nam, ngồi kế bên mình là một anh tuổi trung niên cũng làm cùng ngành marketing. Khi trò chuyện một hồi và đề cập tới mấy hội thảo làm giàu, anh bất chợt hỏi mình có thích làm giàu không, và mình trả lời rằng không. Nghe câu trả lời, mặt anh tỏ thái độ hết sức ngạc nhiên và cảm thán: “Lần đầu tiên anh mới nghe có người nói không thích làm giàu!”.
Nhưng thái độ của anh thì không quá ngạc nhiên với mình, vì với câu trả lời tương tự, mình từng nhận được kha khá phản ứng ngạc nhiên không kém từ sếp, đồng nghiệp hay bạn bè xung quanh. Ai nấy cũng đều hết sức ngạc nhiên khi trên đời này có một người không mê kiếm tiền và không thích làm giàu, dĩ nhiên là ở góc độ họ đều là những người rất đam mê kiếm tiền.
Tâm lý chung của đa số người đời thì tiền là tiên, là Phật, là sức là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái vọng che thân, là cán cân công lý. Ai cũng biết được cảnh đời sống sướng ra sao khi có tiền và khổ ra sao khi hết tiền nên ai nấy cũng đều lao vào cuộc chạy đua kim tiền với mục đích kiếm sao cho nhiều tiền, tích trữ tiền sao cho càng nhiều càng tốt.
Hiểu về tiền IQ và EQ
Ken Honda, một tác giả có nhiều tựa sách bán chạy nổi tiếng ở Nhật Bản, có chia sẻ một ý niệm rất hay rằng: thái độ của chúng ta đối với tiền bạc được hình thành bởi niềm tin thấm nhuần bên trong ta từ thời thơ ấu. Nói cách khác, cách chúng ta nhìn cha mẹ và những người lớn xung quanh ta sử dụng tiền bạc như thế nào lúc nhỏ có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của chúng ta đối với tiền bạc sau này. Đây là một mô thức mình nghiệm thấy rất đúng trong thực tế.
Chẳng hạn như một đứa bé có người mẹ sống rất tằn tiện, chuyện chi tiêu tính toán rất chi li từng cắc bạc, đến lúc lớn vô thức nó cũng hình thành thói quen tính toán chi li trong chuyện tiền bạc y như người mẹ. Ngược lại, nếu người cha hoặc mẹ (mấu chốt là người nào có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với đứa trẻ) chi tiêu rất phóng khoáng, xài tiền xả láng, thì đứa trẻ sẽ tập nhiễm thái độ này từ cha hoặc mẹ của mình.
Tác giả Ken Honda quan niệm rằng trí thông minh tài chính được cấu thành dựa trên hai thành phần:
- Tiền IQ: trí thông minh tài chính có được từ việc học các lý thuyết về quản lý tiền bạc, chi tiêu thông minh, đầu tư, tài chính cá nhân, v.v. Nói cách khác, tiền IQ là kiến thức tài chính của một người.
- Tiền EQ: trí thông minh cảm xúc để xử lý các phản ứng của bạn với tiền bạc.
Hầu hết chúng ta đều chú trọng vào tiền IQ hơn tiền EQ. Ta tìm đọc những cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân, ta đi học những khóa học về đầu tư, ta tìm lời khuyên từ những người giàu có,… với mục đích hiểu được bản chất đồng tiền và tìm ra những cách tăng lượng tài sản của mình lên nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu biết về tiền IQ mà không hiểu về tiền EQ, đời sống của chúng ta chưa chắc đã hạnh phúc khi có được nhiều tiền. Thực tế chứng minh rằng có những người sở hữu một khối tài sản kếch xù nhưng sống một đời đầy đau khổ và không mấy hạnh phúc.
Ở khía cạnh tiền EQ, tiền có thể khóc hay cười tùy thuộc vào năng lượng khi chúng được tiêu đi hay kiếm về. Nếu bạn dùng tiền với cảm giác tội lỗi, tức giận hoặc buồn bã, tiếc nuối thì tiền sẽ “khóc”. Ngược lại, nếu bạn dùng tiền với tình yêu, lòng biết ơn hay niềm vui sướng thì tiền sẽ “cười”. Chẳng hạn như, nếu bạn mua một món đồ rồi cả ngày cảm thấy tiếc hùi hụi, hay bực dọc vì đã lỡ bỏ tiền ra mua món đồ đó, thì đó là lúc tiền khóc. Còn nếu bạn mua một món quà tặng cho mẹ và khiến mẹ bạn vui, thì đó là lúc tiền cười.
Trong thực tế, đa số chúng ta dùng tiền với năng lượng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Ta trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt, tiền mua sắm món này món kia, tiền đi đám cưới đi sinh nhật, tiền đi họp hành gặp gỡ bạn bè, v.v. trong tâm trạng tiếc tiền, cảm thấy tốn tiền và bị mất tiền. Thử ngẫm lại mà xem, lần gần nhất bạn dùng tiền mà cảm thấy vui vẻ hạnh phúc là khi nào?

Từ những tàn tích quá khứ trong chiến tranh, đa số người Việt Nam lớn lên với một tư duy được nhiều người lớn và cả xã hội gieo vào tâm trí: phải biết sống tiết kiệm, từ tiết kiệm cái ăn, cái mặc cho tới tiết kiệm đồng tiền mình kiếm được. Tâm lý tiết kiệm và tích trữ tiền dường như đã là một tư duy thâm căn cố đế vốn ăn sâu vào gốc rễ của nhiều người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung.
Chúng ta tiết kiệm để làm gì? Để phòng ngừa những lúc ốm đau bệnh hoạn, để mua nhà, để mua xe, để lập gia đình, để nuôi dưỡng con cái, để đi du lịch, v.v. Những điều này dĩ nhiên không sai, ai cũng cần có một khoản dự phòng cho những kế hoạch trong tương lai và đề phòng những bất trắc, rủi ro không lường trước được trong cuộc sống. Tâm lý tiết kiệm vốn không phải là một điều gì đó đáng lên án hay bài trừ, nhưng nó làm nảy sinh một hệ quả kèm theo là sự tiếc tiền, không dám tiêu xài cho bản thân hay cho người khác, mà chỉ thích bo bo giữ tiền trong người và tích trữ sao cho càng nhiều tiền càng tốt.
Có những người, niềm vui của họ là mỗi cuối tháng xem tiền trong tài khoản ngân hàng tăng lên khi được trả lương, hay tiền tiết kiệm lãi thêm được mấy %, và ăn gì mua gì cũng phải tính toán chi li kỹ lưỡng chứ không dám tiêu xài lung tung. Bởi lẽ, mỗi khi dòng tiền của họ chảy ra ngoài thì con số trong tài khoản sẽ bị giảm xuống, và điều này sẽ làm cho tâm trạng của họ khó chịu, năng lượng cũng đi xuống, và khi đó đồng tiền cũng khóc theo họ.
Dòng chảy của đồng tiền
Có một câu chuyện thú vị về vòng xoay của đồng tiền như sau:
“Trời đang mưa, và thị trấn nhỏ trông có vẻ hiu quạnh. Đó là thời khắc khó khăn, ai cũng trong cảnh nợ nần, và ai cũng sống dựa vào uy tín của mình.
Đột nhiên, một vị khách du lịch giàu có tới thị trấn. Ông ta vào khách sạn duy nhất trong thị trấn, đặt một tờ 100$ lên mặt quầy tiếp tân, và đi lên kiểm tra để chọn lấy một phòng. Người chủ khách sạn cầm lấy tờ 100$ và chạy đi trả nợ cho người bán thịt.
Người bán thịt cầm tờ 100$ và chạy đi trả nợ cho người chăn nuôi lợn. Người chăn nuôi lợn cầm tờ 100$, chạy đi trả nợ cho nhà cung cấp thức ăn và xăng dầu. Nhà cung cấp thức ăn và xăng dầu cầm tờ 100$ và chạy đi trả nợ cho cô gái điếm của thị trấn, mà trong thời buổi khó khăn đó đã phải cung cấp “dịch vụ” dựa trên uy tín của khách hàng.
Cô gái điếm chạy tới khách sạn, và trả nợ 100$ cho người chủ khách sạn vì những phòng mà cô ta đã thuê khi đưa khách của mình đến. Người chủ khách sạn khi đó lại đặt tờ 100$ lên mặt quầy để vị khách du lịch không ngờ vực điều gì. Đúng lúc đó, sau khi kiểm tra phòng người du khách liền đi xuống, cầm lấy tờ 100$, bảo rằng ông ta không thích phòng nào cả rồi rời khỏi thị trấn.
Không ai kiếm được tí tiền nào. Tuy nhiên, cả thị trấn giờ lại không bị nợ nần, và cực kỳ lạc quan khi nhìn về viễn cảnh tương lai.” (Nguồn: Internet)
Câu chuyện trên chỉ là một phiên bản ngụ ngôn thời hiện đại, nhưng phản ánh rất chính xác bản chất của đồng tiền trong nền kinh tế hiện nay. Tiền giống như một dòng nước chảy qua cuộc sống của tất cả chúng ta, đi qua mọi ngóc ngách trong cuộc sống, trong bất cứ mọi lĩnh vực, ngành nghề và mọi tầng lớp trong xã hội. Khi nền kinh tế phát triển, tiền như một dòng sông cuồn cuộn; nhưng khi nền kinh tế gặp khó khăn, tiền như một dòng sông khô hạn, nước nhỏ giọt vì tâm lý chung là ai nấy cũng đều muốn giữ tiền trong người chứ không dám tiêu xài.
Sau thời điểm bùng dịch Covid-19 đợt đầu, khi mình đi cắt tóc ở 30Shine vào một ngày cuối tuần (thời điểm đông khách nhất) thì lượng khách thực tế của tiệm chỉ bằng 1/3 so với trước dịch. Tình trạng ế ẩm đến mức 30Shine phải cắt giảm 1/2 nhân viên để làm xoay ca, tức thay vì mỗi buổi full nhân viên và công suất thì bây giờ mỗi buổi chỉ có 1/2 nhân sự làm việc. Khi mình hỏi thăm bạn thợ hớt tóc thì mới biết tâm lý chung của khách hàng lúc đó là tiết kiệm tiền, thay vì mỗi tháng cắt tóc một lần như trước đây thì bây giờ hai tháng mới đi cắt, thành ra lượng khách giảm và thu nhập của thợ cũng bị ảnh hưởng. Trong các lĩnh vực, ngành nghề khác sau mùa dịch cũng chịu sự ảnh hưởng rất nặng khi dòng tiền ngừng chảy và chỉ còn nhỏ giọt.

Giống như dòng nước, tiền là một phương tiện chuyên chở, mà thứ nó chuyên chở là năng lượng của người sử dụng. Khi một dòng sông từ thượng lưu chảy xuống hạ lưu và đổ về phía biển, nó bồi đắp phù sa cho hai bên bờ, mang lại nguồn nước ngọt lành nuôi sống các loài thủy sinh cũng như là nguồn sống của những cư dân ven bờ.
Sở dĩ dòng sông có sự sống là vì nó luôn chảy không ngừng, vì một dòng sông không chảy là một dòng nước chết. Khi đó, nó như một chốn ao tù nước đọng, nước bị tắc nghẽn và ứ đọng lại, các sinh vật sống cũng chết dần chết mòn và nước từ từ trở nên độc hại. Việc tích trữ và giữ chặt lấy một lượng tiền lớn có thể dẫn đến ảnh hưởng độc hại tương tự lên cuộc sống của một người, đồng thời gây ảnh hưởng liên đới tới cuộc sống của nhiều người khác.
Chẳng hạn như ở câu chuyện ngụ ngôn kể trên, nếu vị khách du lịch giàu có đó tiếc tiền, ông ta ở nhà và không dám đi du lịch (bối cảnh ở đây là không có Covid-19 nha quý vị), thì khách sạn đó sẽ không có khách, và ông chủ khách sạn sẽ không có tiền để chi trả lương cho nhân viên và các nhà cung cấp khác. Một anh nhân viên làm việc tại khách sạn đó, khi bị khách sạn nợ lương thì không có tiền trả cho chủ nhà trọ. Bà chủ nhà trọ khi không thu được tiền phòng, lại không có tiền gửi cho cô con gái đang học đại học ở thành phố. Cô con gái khi không có tiền sinh hoạt phí, phải nghỉ học để đi làm thêm kiểm tiền, v.v.
Câu chuyện này cứ thế sẽ còn tiếp tục, như một vòng domino luẩn quẩn trong xã hội với bao nhiêu hệ lụy và hệ quả. Khi đó, tiền như một dòng nước bị tắc nghẽn và ngày càng cạn kiệt dần, dẫn tới nguy cơ là sự sụp đổ của cả một nền kinh tế.
Có nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống mà bạn phải đối diện với hai lựa chọn: có nên tiêu tiền hay không nên tiêu tiền?
Ví như mình không chơi vé số, nhưng mỗi lần có một người nào mời mua vé số mà mình thấy dễ mến thì đều mua ủng hộ cho họ 1-2 tờ, để họ có thể sớm bán hết xấp vé số để kiếm chút ít tiền lời mỗi ngày.
Có lần đang đứng mua đồ ở trước một cửa hàng vào giờ tan tầm, một cô bán chè đẩy xe đi ngang qua nhờ mình mua giúp cô hai bịch chè cuối cùng. Dù mình không hảo ngọt cho lắm nhưng vẫn mua giúp cô để cô có thể sớm về nhà.
Có hôm đọc trên một tờ báo mạng thấy chia sẻ về một hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của nhân vật khiến mình cảm động, nên mình đã chuyển khoản một số tiền theo STK trong bài báo để giúp đỡ nhân vật, mà cũng không cần để tên.
Hay hôm nay lúc viết bài này, thấy một bạn trong friendlist bán bánh bột lọc, dù một phần cũng hơi nhiều và giá khá chát (chưa kể tiền ship ở xa), nhưng thấy bạn mời gọi nhiệt tình quá nên mình cũng ủng hộ một phần cho bạn vui và có thêm thu nhập cho gia đình.
Trong thực tế, mình có thể từ chối không mua vé số vì không chơi, từ chối không mua hai bịch chè vì không thích ăn đồ ngọt, bỏ qua hoàn cảnh kể trên vì vốn dĩ đâu liên quan tới mình, hay lướt qua một post bán hàng của người bạn vì đâu có nhu cầu mua. Nhưng nếu ai cũng hành xử theo hướng này, thì tiền sẽ không thể như dòng nước mà chảy qua cuộc sống. Mất một ít tiền không làm mình nghèo đi, nhưng ít ra có một người nào đó hôm nay vui hơn vì kiếm được tiền. Khi đó đồng tiền mình xài nở ra một nụ cười, và đó là đồng tiền hạnh phúc.
Khi chúng ta coi tiền là dòng nước chảy qua cuộc đời mình và qua thế giới, chúng ta sẽ nhận ra rằng vốn dĩ tiền không thật sự thuộc về ai cả, hoặc cũng có thể nói là tiền thuộc về tất cả mọi người. Trách nhiệm của chúng ta là để cho tiền giống như dòng nước chảy tự do trong cuộc sống, phục vụ cho nhiều người nhất với những năng lượng tích cực và thiện ý. Và khi đó tiền mới như một dòng sông tràn đầy sự sống đổ về biển rộng để nuôi sống cho muôn loài.
Tài liệu tham khảo:
– Happy Money (Ken Honda)
– Linh hồn của tiền (Lynne Twist)
5 bình luận
Hay quá cảm ơn đã share bài viết
Đôi khi mình cũng làm như vậy, không trả giá mua hàng ở chợ chỉ với ý nghĩ: họ bán hàng phải có lãi, ở nhà họ còn có gia đình con cái, đồng tiền được tiêu đi vẫn có ý nghĩa, mình có hàng cần mua, người bán có thêm đồng tiền để trang trải. Cám ơn bài viết!
một góc nhìn khá thú vị với mình, cho phép mình chia sẻ lại bài này nhé ạ!
Bạn cứ chia sẻ thoải mái nhé, nhớ dẫn nguồn về blog mình là được. Cảm ơn bạn.
mình cám ơn Chơn Linh!