
Trong quá trình làm nghề xuất bản, mình từng gặp gỡ khá nhiều bạn trẻ yêu thích đọc sách, giỏi ngoại ngữ và có ước mơ sau này sẽ trở thành một dịch giả. Các bạn có mong muốn được dịch những cuốn sách hay từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và được sống trong thế giới nhiệm mầu của những cuốn sách. Có bạn còn dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để trau dồi vốn liếng ngoại ngữ nhằm sớm hiện thực hóa ước mơ. Nhưng thực tế không phải luôn màu hồng như những giấc mơ. Bài viết này không mang tính chất định hướng nghề nghiệp, mà mình chỉ chia sẻ góc nhìn từ người trong cuộc để những ai đang có mơ ước này có thêm một cái nhìn thực tế hơn.
Dịch giả là một nghề tay trái
Có khá nhiều người lầm tưởng rằng dịch giả là một công việc full-time như bao công việc khác, rằng bạn sẽ làm việc 8 tiếng mỗi ngày và lãnh lương đều đặn hằng tháng, rằng bạn sẽ ngồi làm việc tại văn phòng và dịch hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Trên thực tế, dịch giả chỉ là một nghề tay trái và hầu hết các công ty xuất bản trên thị trường (cả nhà nước lẫn tư nhân) đều outsouce việc dịch sách cho đội ngũ người dịch tự do bên ngoài. Trường hợp ngoại lệ là có công ty vì muốn tiết kiệm ngân sách mà bắt đội ngũ biên tập viên nội bộ phải kiêm luôn cả công việc dịch giả – nhưng đây cũng là trường hợp hiếm gặp.
Đa số dịch giả trên thị trường xuất bản đều xem dịch thuật như là một nghề tay trái bên cạnh công việc chuyên môn chính, chứ hiếm người xem đó là công việc đem lại nguồn thu nhập chính cho họ. Lĩnh vực chuyên môn của họ thì rất đa dạng, có người là phóng viên, có người là bác sĩ, có người là giáo viên dạy tiếng Anh, có người là huấn luyện viên yoga, có người làm ngân hàng, có người là du học sinh, v.v. nhưng điểm chung là họ đều yêu thích đọc sách, giỏi một ngoại ngữ nào đó và giỏi cả tiếng Việt. Một số còn có khả năng viết lách và thường hay viết status hay viết blog chia sẻ trên mạng.
Nếu bạn thử tìm kiếm trên website hay fanpage của các công ty xuất bản hay trên mạng, hiếm khi nào bạn thấy thông tin đăng tuyển dịch giả công khai, bởi lẽ dịch giả không phải là dạng công việc đăng tuyển đại trà rồi sàng lọc hàng loạt ứng viên qua bài test để tìm ra dịch giả nào phù hợp. Hầu hết các công ty xuất bản đều tìm kiếm dịch giả qua mối quan hệ cá nhân và thường xây dựng một đội ngũ cộng tác viên thường trực để triển khai dịch sách. Do đó, nếu bạn không có mối quan hệ với biên tập viên hoặc nhân viên công ty xuất bản nào thì bạn có thể tự ứng cử bản thân với đơn vị đó qua các kênh thông tin của họ (như email, fanpage,…).

Nhuận bút của dịch giả có cao không?
Khi trò chuyện với nhiều bạn bè ngoài ngành, mình nhận thấy có một thiên kiến sai lầm to lớn. Đó là nhiều người cho rằng những công việc đòi hỏi nhiều trí óc và chuyên môn cao như nghề dịch giả thì hẳn là nhuận bút dịch sách phải RẤT CAO. Sự thật hết sức phũ phàng: Nhuận bút dịch sách không cao như nhiều người lầm tưởng, nếu không muốn nói là khá thấp. Trong lĩnh vực biên dịch, nếu so sánh nhuận bút dịch sách với dịch hợp đồng, tài liệu cho các công ty thì dịch sách không bằng. Còn nếu so sánh giữa nhuận bút biên dịch (sách) với phí phiên dịch cho các sự kiện thì khoảng cách này lại càng kém xa.
Trung bình quá trình dịch một cuốn sách 200-300 trang mất tầm 2-3 tháng, có những cuốn sách khó thì mất tới nửa năm hay cả năm để dịch. Nhuận bút đối với sách dịch tiếng Anh thì mỗi công ty xuất bản sẽ tính mỗi giá khác nhau và đây cũng thuộc dạng “thông tin mật” ít khi tiết lộ giữa các đơn vị, nhưng trung bình dao động từ 50.000đ cho tới 200.000đ trên 1.000 từ tiếng Anh hoặc 1 trang A4. Bên khối các công ty xuất bản tư nhân thường tính mức nhuận bút nhỉnh hơn các nhà xuất bản nhà nước; cũng có những đơn vị trẻ mới nổi tính nhuận bút theo kiểu cào bằng đồng giá – thể loại nào cũng tính cùng một mức giá dù cho đề tài, thể loại và tính chất chuyên môn khác nhau.
Như vậy, nhuận bút dịch trung bình sẽ rơi vào khoảng tầm 10-20 triệu/1 cuốn sách. Nếu chia con số này cho số tháng trung bình dịch giả phải bỏ ra để dịch sách thì thu nhập mỗi tháng họ kiếm được chỉ dao động ở mức 5-7 triệu, trừ khi họ nhận dịch cùng lúc hai cuốn thì mức này mới tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, mấu chốt là dịch giả không nhận được nhuận bút đều đặn hằng tháng trong quá trình dịch, mà chỉ có thể nhận nhuận bút một lần sau khi đã dịch xong. Điều này đồng nghĩa là khi bạn nhận dịch một cuốn sách thì phải 2-3 tháng sau bạn mới nhận được tiền. Đó là chưa kể thời gian nghiệm thu bản dịch có khi kéo dài thêm 1-2 tháng sau đó.

Tới đây bạn tưởng nhận được nhuận bút sao mà “trần ai khoai củ” thế thì xin thưa, chuyện chưa dừng lại ở đó! Một số ông lớn trong ngành xuất bản dựa vào vị thế của mình mà có một chính sách hết sức lạ lùng, đó là chỉ trả nhuận bút sau khi sách được in xong. Vấn đề nằm ở chỗ từ quá trình dịch cho tới quá trình in là một quãng thời gian dài của chuỗi sản xuất, bao gồm một loạt khâu ở giữa như biên tập, dàn trang, thiết kế bìa, đọc morasse, xin giấy phép xuất bản, xin giá in, chốt lịch in, chuyển đi in, nhập sách về kho, nộp lưu chiểu, phát hành, v.v. Toàn bộ quá trình này nhanh thì tầm 6 tháng, còn chậm thì kéo dài 1-2 năm. Hãy thử tưởng tượng bạn dịch một cuốn sách vào tháng 1/2023 và phải đợi tới tháng 1/2024 mới nhận được tiền thì cảm giác thế nào? Một chị dịch giả mình quen kẹt một cuốn sách ở nhà nọ tới 2 năm vẫn chưa được xuất bản, đồng nghĩa tới giờ chị vẫn chưa được trả một đồng nhuận bút nào.
Một số công ty xuất bản khác thì có hình thức trả nhuận bút chậm sau 4-6 tháng hay trả gối đầu, dịch qua cuốn sau thì mới trả cuốn trước. Thậm chí trong quá trình nghiệm thu, nếu đơn vị đó đánh giá bản dịch của bạn không đạt chất lượng yêu cầu thì có thể không thanh toán nhuận bút. Công ty xuất bản nào trả nhuận bút đúng hạn (mà còn trả cao) thì quả thực là của hiếm trong ngành. Vì vậy, dịch giả cần phải tìm hiểu kỹ những khoản này trước khi nhận dịch một cuốn sách để tránh “bút sa gà chết”.

Dịch giả làm nghề vì điều gì?
Nếu mức nhuận bút dịch sách quả thực thấp như vậy thì dịch giả có sống được với nghề? Nếu một dịch giả làm công việc dịch sách freelance toàn thời gian và nhận dịch sách cho nhiều đơn vị cùng lúc thì thu nhập của họ vẫn có thể đủ sống. Tuy nhiên, muốn được như vậy thì dịch giả phải có chuyên môn cao và mối quan hệ rộng với các công ty xuất bản. Nhưng phải làm rõ một điều là mức “đủ sống” này chỉ đủ nếu dịch giả đó sống độc thân và nhu cầu chi tiêu xa xỉ không quá nhiều. Ngược lại, nếu họ có gia đình, con cái và những thú vui cá nhân khác thì mức thu nhập như vậy sẽ khó sống. Một dịch giả full-time mình quen cảm khái rằng chị phải kiếm thêm thu nhập từ các công việc freelance khác bên cạnh việc dịch sách thì mới đủ sống được.
Đa số dịch giả mình biết và từng làm việc cùng đều làm việc vì đam mê hơn là vì kiếm tiền, bởi nếu muốn kiếm tiền thì công việc chuyên môn của họ đem lại mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với nghề dịch giả. Phần lớn dịch giả đến với công việc dịch sách đều là vì yêu mà đến, vì yêu sách vở và yêu văn chương chữ nghĩa, muốn đóng góp một phần năng lực và công sức của họ vào việc đem đến những bản dịch hay cho độc giả. Đó cũng là điều mà những biên tập viên làm nghề như mình hết sức trân trọng, bởi lẽ nếu xét về lượng thời gian và công sức mà dịch giả bỏ ra cho một bản dịch thì các công ty xuất bản khó trả nổi nhuận bút cho tương xứng. Bên cạnh đó, giá trị tinh thần khi tên của dịch giả hiện diện trên bìa một cuốn sách và tác động vô hình của cuốn sách đối với cộng đồng cũng là điều giữ lửa cho dịch giả tiếp tục với nghề.

Nói đi cũng phải nói lại, không phải các công ty xuất bản chèn ép nhuận bút của dịch giả (trừ một số đơn vị là rõ rành rành) mà có một thực tế là quy luật kinh tế thị trường. Quá trình sản xuất một cuốn sách tốn kém khá nhiều chi phí từ phí bản quyền, phí dịch thuật, phí cho đội ngũ sản xuất nội bộ (biên tập, dàn trang, thiết kế) cho tới phí xin giấy phép xuất bản, phí in ấn, v.v. Tuy nhiên, giá thành của một cuốn sách ở Việt Nam rất rẻ, chỉ từ 100-150K/cuốn, chưa tính ưu đãi 20-30% của các sàn thương mại điện tử (lưu ý rằng 1 cuốn sách nước ngoài có giá bán lên tới 10-15 đô/cuốn, gần như gấp đôi). Các công ty xuất bản chỉ có thể kiếm lợi nhuận nếu cuốn sách đó trở thành bestseller và được tái bản nhiều lần, nhưng thực tế phũ phàng là sách bestseller thì hiếm mà sách tồn kho thì bạt ngàn.
Có những con số thống kê cho thấy người Việt trung bình đọc sách rất ít, chỉ tầm 0,8 cuốn sách/năm. Với khả năng bán sách thấp, số lượng sách bán không được nhiều trên mỗi đầu sách thì doanh số của các đơn vị làm sách nói chung chỉ ở mức làng nhàng. Chính vì vậy, họ không có nhiều ngân sách để chi trả mức nhuận bút tốt cho dịch giả nói riêng cũng như mức lương hấp dẫn cho đội ngũ nhân sự nói chung. Nếu so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác thì mức lương của các nhân sự ngành xuất bản khá thấp. Điều này dẫn tới một vòng luẩn quẩn là người dịch chạy theo tiến độ nên chất lượng bản dịch thấp, biên tập viên cũng chạy theo KPI ra sách nên chất lượng bản biên tập cũng thấp, độc giả thấy sách nhiều lỗi thì sẽ càng không muốn ủng hộ các đơn vậy làm sách. Lẽ vậy, chỉ khi nào người Việt có thói quen đọc sách và mua sách nhiều hơn thì thị trường xuất bản mới khởi sắc, và khi đó ngân sách dành cho khoản dịch thuật mới có thể tăng lên.

Sự hiện diện của người dịch trên bìa sách
Nếu bạn để ý nhiều cuốn sách cũ được xuất bản ở giai đoạn từ năm 2007-2008 trở về trước, bạn sẽ hiếm khi thấy tên người dịch xuất hiện trên bìa sách. Tên của họ chỉ được để trong bìa lót, nằm ở trang thứ hai của cuốn sách nên vị thế của người dịch dường như cũng vô hình đối với độc giả. Ở thời điểm đó, việc để tên người dịch trên bìa sách thực sự là một vấn đề lớn và những dịch giả nào đòi được in tên lên bìa là một việc làm táo tợn và thậm chí có thể bị xem là quá đáng. Nhưng không rõ từ sự kiện nào mà sau đó, các nhà xuất bản đã công nhận tính chính danh của người dịch trên bìa sách và đây trở thành một điều kiện bắt buộc phải có trong các hợp đồng dịch sách. Tới thời điểm hiện tại thì việc tên của người dịch hiện diện trên bìa đã trở thành một việc hết sức hiển nhiên.
Từ thời điểm tên tuổi của người dịch được xuất hiện trên bìa, độc giả cũng bắt đầu có sự ấn tượng và nhận diện các dịch giả gạo cội thường làm việc với một số đơn vị xuất bản vì hay đứng tên trên những tác phẩm sách dịch nổi tiếng. Vốn dĩ đối với một cuốn sách thông thường, tên tuổi của tác giả sẽ được nhiều người biết tới hơn và độc giả có xu hướng muốn được tác giả ký tặng sách. Nhưng ở các thị trường như Việt Nam, sự hữu hình của dịch giả đối với một cuốn sách có thể thấy rõ khi những dịch giả tên tuổi cũng góp phần rất lớn vào doanh số bán sách. Tại các sự kiện ra mắt sách, đơn vị xuất bản cũng thường mời dịch giả tham gia ký tặng và giao lưu với độc giả. Thậm chí trên một số talkshow hay podcast của giới trẻ ngày nay, các dịch giả cũng là một trong những nhóm khách mời đặc biệt được nhiều người quan tâm.

Sự khác biệt giữa người dịch và dịch giả?
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao có đôi lúc người ta dùng từ “dịch giả” nhưng cũng có lúc lại thấy dùng từ “người dịch”? Hai danh xưng này có chỉ chung một người hay không? Thực ra không có một quy tắc chính thức nào quy định về cách sử dụng hai từ này, mà chỉ có một quy tắc bất thành văn được sử dụng trong ngành xuất bản. Đó là trong bản thảo thì biên tập viên luôn dùng từ “Người dịch” (viết tắt là “ND”) để đề cập tới người dịch của cuốn sách hay ghi chú nguồn của những chú giải nằm ở chân trang. Trong những cuốn sách có phần giới thiệu của người dịch đầu sách, các đơn vị sẽ thường đặt tựa là “Lời người dịch”, cũng như cuối phần này sẽ đề tên “Người dịch X”. Nói chung ở trong một cuốn sách thì người dịch rất hiếm khi tự xưng mình là “dịch giả”.
Hai cách gọi này chủ yếu liên quan tới việc tôn hô xưng khiêm phần nhiều. Ví dụ nếu một biên tập viên hay một phóng viên trao đổi với một người dịch, họ sẽ tôn hô người đó là “dịch giả” để thể hiện sự tôn trọng, đề cao tính chất công việc của đối phương. Nhưng khi người dịch tự xưng thì họ sẽ xưng khiêm mình là “người dịch” để không quá đề cao bản thân. Tuy nhiên, không phải người dịch nào cũng có sự khiêm tốn này, hoặc vì họ đã quen với cách gọi “dịch giả” nên có xu hướng tự xưng theo cách này nhiều hơn. Nhìn nhận một cách khách quan thì vấn đề xưng hô này nên để độc giả công tâm đánh giá vì thực tế không phải bản dịch nào cũng hay, cũng xuất sắc để người đọc công nhận năng lực của một dịch giả.
Ở một góc nhìn khác, việc phân định “người dịch” hay “dịch giả” cũng dựa trên cơ sở bề dày kinh nghiệm và số lượng các tác phẩm người đó dịch, cũng như sự đón nhận của công chúng với các bản dịch đó. Cụ thể, một người mới dịch 1-2 cuốn sách kỹ năng thì không thể xếp chung mâm với một người đã dịch nhiều cuốn sách kinh điển hay sách chuyên môn, có thâm niên trong nghề, hoặc người tuy dịch ít sách nhưng sách họ dịch tạo ra tiếng vang lớn. Lúc này, những người mới vào nghề sẽ được gọi là “người dịch” trong sự so sánh tương quan với các “dịch giả” đã có nhiều năm kinh nghiệm. Vấn đề này cũng tương tự như cách bạn gọi một người viết là “tác giả” hay “nhà văn”. Không phải ai cầm bút viết lách hay ra vài ba cuốn sách cũng được gọi là nhà văn (nhưng khá nhiều người ảo tưởng hay tự nhận như vậy), mà khi nói đến hai chữ “nhà văn” thì đó phải là tên tuổi được đông đảo độc giả công nhận, ví dụ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư,…
Đón đọc:
– Tập 4: Biên tập viên là ai?
– Tập 5: Trở thành tác giả sách – dễ hay khó?
– Tập 6: Sách dở vì đâu?
– Tập 7: Hậu trường đặt tựa sách
…
Bài viết hay quá. Rất cảm ơn tác giả. Đón chờ tập sau để hiểu thêm về một vị trí khác cũng quan trọng không kém trong ngành xuất bản. ^^ Nội dung này quả hiếm trên Internet. Đọc được chuỗi bài này quả là một may mắn với mình!
Khi viết series này mình cũng hơi lăn tăn vì thuộc đề tài ngách và không rõ có nhiều bạn quan tâm hưởng ứng hay không. Series bị ngưng một thời gian cũng vì tác giả không thấy ai quan tâm bình luận. Gần đây có một số bạn hỏi thăm nên mới viết tiếp 😀
Em chào anh, em cũng đang mới bắt đầu tìm hiểu ngành xuất bản và quả thật tìm kiếm được những bài viết/blog liên quan đến chủ đề này thật sự rất ít. Thật may mắn khi hôm nay em lại tình cờ được đến với blog của anh.
Cảm ơn anh vì bài viết bổ ích ạ.
Cảm ơn anh vì bài viết bổ ích ạ. Rất mong chờ những phần sau của series này.
Cảm ơn anh đã chia sẻ rất chi tiết và thú vị ạ
Bài viết rất hay và bổ ích ạ. Mình cũng từng làm công việc liên quan đến phát hành sách nên rất vui khi tìm được series chia sẻ về nghề như thế này. Mình sẽ lưu lại để đọc tiếp các bài viết khác nữa. Cảm ơn tác giả nhé!!
Đọc bài viết của anh, em chợt muốn chia sẻ về trải nghiệm của em khi làm việc ở công ty khởi nghiệp đầu tiên, được mở ra vì hoài bão của sếp em là tạo công ăn việc làm ổn định cho người dịch sách, để họ có thể yên tâm ngồi dịch cả ngày mà không phải lo tháng này lương đâu. Không chỉ vậy, ảnh còn muốn giúp những bạn chưa có kinh nghiệm, không biết tìm cơ hội ở đâu có được quyển sách dịch đầu tay. Chính mục tiêu này đã thuyết phục em về làm cùng ảnh.
Trong khoảng 1 năm mấy tháng mà công ty tồn tại, mục tiêu đó thật sự đã được thực hiện. Có điều, đến cá nhân còn không sống nổi với việc dịch sách thì làm sao một tổ chức có thể sống được lâu dài. Sau nhiều lần cầm lên đặt xuống, rốt cuộc sếp em cũng buộc phải đặt dấu chấm hết cho hành trình ấy. Và em là người cuối cùng ở lại, giải quyết hết mọi dự án, chi phí cho CTV (dù em hoàn toàn có thể bàn giao cho sếp là xong), song song đó em làm freelance dịch và biên hơn 1 năm. Xong xuôi hết mọi thứ, em tìm việc và may mắn vào được công ty hiện tại.
Nhiều khi em tự hỏi mình đang đi với nghề vì điều gì? Chắc một phần vì thói quen – làm một việc gì đó lâu dài nên mến chân mến tay chăng :)) Hoặc em vẫn thích thú khi nhìn thấy sự tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
Đầu năm vừa rồi em có tham gia một khóa học và được mời gọi nhìn nhận công việc của mình ở góc độ lớn hơn. Đó không chỉ là việc chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà còn là cầu nối chuyển giao và sẻ chia tri thức. Hiểu được sự đóng góp khiêm nhường của bản thân trong dòng chảy lớn đó, em thấy mình có động lực để kiên trì hơn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ rất tường tận, chân thực và đầy trân trọng về công việc của dịch giả ^^
Nghe em kể thì anh cũng lờ mờ đoán được công ty cũ và vị sếp đó là ai. Anh cũng có duyên làm gián tiếp với em qua một dự án mà lúc đó anh vẫn chưa biết em và em cũng chưa biết anh đâu. Sau này có dịp sẽ kể lại phi vụ đó cho em nghe haha. Những ai trải nghề nhiều năm mà vẫn giữ được sơ tâm với nghề thì rất đáng quý đó em 🙂