Trong chuyện tình yêu giữa mây và núi, núi là người luôn đứng yên đợi chờ, nhìn theo mây mà than thở:

“Anh ơi anh ở lại, ở lại với em đi anh ở lại. Đừng làm áng mây trôi trên bầu trời một mình chơi vơi.”

Não con người cũng như núi, còn tâm trí lại như áng mây cứ trôi đi vô định, không có điểm dừng. Mỗi ngày, từ lúc chúng ta còn đang chìm trong giấc mộng, chưa kịp mở mắt cho tới lúc nhắm mắt lại chìm vào giấc ngủ, nói thậm xưng thì có 8 vạn 6 ngàn 4 trăm suy nghĩ đang chạy đi chạy lại, còn nói khoa học thì áng chừng chỉ khoảng 5 vạn suy nghĩ được sản sinh ra trong não bộ mỗi ngày. Tâm trí có khi như mây ngày thu trôi lảng vảng lờn vờn, có lúc lại như mây mưa kéo về trong vũ bão.

Khi lạc giữa nhiều luồng suy nghĩ hỗn độn, không khác nào cảnh bạn lọt thỏm trong biển người và xe mênh mông ở TP.HCM giờ tan tầm.

Đặc biệt, với những người hướng nội kiệm lời ít nói, tâm trí lại càng lang chạ để đẻ ra thêm hàng vạn ức biến suy nghĩ mà 5 vạn theo mẹ Âu Cơ lên rừng, 5 vạn lại theo cha Lạc Long Quân xuống biển.

Ví như bạn đang chạy xe, bạn đang suy nghĩ về chuyện xe hết xăng, lát nữa ghé đổ xăng, xong rồi bạn lại chuyển sang chủ đề “Tối nay ăn gì?”. Đang băn khoăn suy nghĩ ăn món gì trong hàng chục món, tới khi chốt được thì à há bạn đã lỡ làng chạy qua cây xăng rồi. Cảnh này bạn thấy có quen không? Đó là khi tâm trí bạn đang đi lạc, và dẫn dắt bạn đi tuốt luốt.

Tâm trí lan man là tâm trí không hạnh phúc

“A human mind is a wandering mind, and a wandering mind is an unhappy mind.” (Tâm trí con người vốn lan man, và một tâm trí lan man là một tâm trí không hạnh phúc)

Đó là kết luận dựa trên nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert của Đại học Harvard. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science cho thấy rằng: Khoảng 47% người dành thời gian của họ để suy nghĩ về những thứ khác ngoài những gì họ đang làm, và việc để tâm trí đi lạc như vậy thường khiến họ cảm thấy không vui vẻ gì mấy.

Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert

Rất dễ thấy biểu hiện của những người hay để tâm trí đi lạc, như đang ngồi làm việc thì lan man nghĩ chuyện cuối tuần này đi chơi ở đâu, hay đang nói chuyện với người yêu thì lại nghĩ sang chuyện sáng nay mới bị sếp la, có khi đang ngồi trong rạp xem phim nhưng lại nghĩ tới chuyện nhà cửa đang bộn bề chưa dọn hay chồng con đang đợi ở nhà. Tâm trí của họ, không bao giờ ở yên trong khoảnh khắc hiện tại mà cứ chạy lòng vòng không ngơi nghỉ.

Có một thuật ngữ trong Phật học gọi là “tâm viên ý mã” – tâm như con vượn chuyền từ cành này sang cành khác, hay như con ngựa chạy hùng hục không có điểm dừng. Tâm viên ý mã thường chỉ cái tâm lăng xăng của chúng sanh, chợt vui chợt buồn chợt phấn khởi chợt chán đời, chính vì cái sự lăng xăng đó mới khiến con người ta luôn cảm thấy đời là biển khổ, còn mình cứ như đang ngụp lặn trong biển nước mặn trong khi chưa kịp học bơi, hoặc có biết bơi chăng nữa thì cũng chẳng thể nào sống sót nổi giữa biển nếu không có phao hoặc thuyền.

Vì không kiểm soát được tâm trí của mình, nên nhiều người trở nên xao nhãng. Vì xao nhãng nên thiếu tập trung. Vì thiếu tập trung nên cuộc đời cứ mãi bấp bênh chìm nổi, vì không có mục tiêu nào là được hoàn thành tới nơi tới chốn. Giống như bạn đang ở trên biển khổ cuộc đời, bạn may mắn ngồi trên một cái thuyền có tay chèo, nhưng thay vì tập trung chèo thuyền tiến về phía trước, có lúc bạn chèo lệch qua trái, có lúc lại lại chèo lệch qua phải. Lệch qua lệch lại lệch tới lệch lui lệch xuôi lên ngược lệch lên lệch xuống như vậy, cái thuyền chỉ có nước quay mòng mòng. Rồi biết chừng nào tới bến được?

An vui trong khoảnh khắc hiện tại

Mỗi ngày, mình mất 1 tiếng đồng hồ để chạy xe từ nhà đến chỗ làm, và mất 1 tiếng đồng hồ để chạy về trong hơn 4 năm liên tục, và trong điều kiện không lý tưởng là kẹt xe. Những hôm không kẹt xe thì có thể về nhanh hơn được tầm 10 phút.

Trong biển người và xe đó, với tiếng còi xe inh ỏi, tiếng động cơ ì ầm, tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng đường phố đông đúc, để tập trung được không phải chuyện dễ dàng.

Và trong 4 năm đó, có một kỹ năng mình tập đi luyện lại hằng ngày, đó là chạy xe và không nghĩ gì cả, hoặc chỉ nghĩ về một chuyện duy nhất để luyện sự tập trung cho tâm trí.

Sự tập trung, với mình có 3 dạng chính, và có thể luyện tập được:

1. Tập trung vào một ý niệm

Ý niệm ở đây nên giới hạn trong một câu ngắn hoặc một đoạn ngắn. Ví dụ bạn nào theo đạo Phật thì có thể niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, bạn nào theo đạo Chúa thì có thể đọc kinh Lạy Cha. Như mình thì hay đọc một bộ thần chú mật ngữ.

Hoặc bạn nào không theo đạo thì có thể tự chế ra một câu riêng cho bản thân như:

  • Tôi là một người có năng lực xuất chúng.
  • Tôi sẽ trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc.
  • Tôi sẽ mua được nhà trong 5 năm tới.

Nói chung là tự NLP hay huyễn hoặc chính mình, từ tâm trí biết đâu sau này sẽ thành hiện thực như bạn luôn hấp dẫn nó tới.

2. Tập trung vào một luồng suy nghĩ

Một luồng suy nghĩ ở đây giới hạn trong một chuyện, một vấn đề bạn đang đối mặt, và bạn cần y như Sherlock Holmes tập trung bóc tách vấn đề ra để phân tích cặn kẽ, truy tìm nguyên nhân, vạch ra hướng xử lý để giải quyết cho bằng được vấn đề bạn đang đối diện trong thực tế.

Đừng đang nghĩ chuyện nọ mà xọ sang chuyện kia thì vấn đề sẽ mãi luôn mắc kẹt ở đó.

3. Free your mind – Không làm gì

Có một bài hát của Ngọt band mình rất thích, tựa “Không làm gì”, có mấy câu như sau:

“Ôi sáng nay sao tôi thấy tồi tệ
Ôi sáng nay sao tôi dậy muộn thế

Ôi sáng nay sao, làm sao làm sao
Tôi thấy ai treo đầu tôi lên cao

Tôi phóng ra xe, hôm nay đi học
Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc

Nhưng đã hai mươi, hai mươi, hai mươi
Lên xe đi học, lại ngồi lên ghế không làm gì.

Để không làm gì.
Để không làm gì.”

Không làm gì cũng có hai sắc thái: một sắc thái tiêu cực là tâm trí bơ phờ, trống rỗng, không biết phải làm gì vì cảm thấy mọi thứ trước mắt rất mông lung, vô định; sắc thái tích cực mình đề cập ở đây là sự kiểm soát tâm trí một cách chủ động, để tâm trí không làm gì cả.

Có một lần đang chạy xe về trong giờ tan tầm khi trời đã tối, và trời thì đang mưa, tâm trí mình vẫn còn đang mắc kẹt trong mớ suy nghĩ hỗn độn về công việc ở chốn công sở chưa dứt được. Tự nhiên có một điểm sáng lóe lên trong đầu, và mình lựa chọn gác lại mọi thứ sang một bên, để tâm trí không làm gì cả, không suy nghĩ cũng chẳng động não, mọi thứ yên như một mặt hồ phẳng lặng.

Lúc đó, mình cảm nhận được rõ rệt tiếng mưa rơi trên mũ bảo hiểm, mưa rơi trên hai bàn tay, mùi đất xộc lên mũi trong trận mưa rào, ánh đèn đường vàng leo loét hai bên đường, cùng những thanh âm, hình ảnh mà ngày thường rất khi ít để ý. Mọi thứ như được phóng đại lên qua sự cảm nhận của các giác quan – mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, tâm cảm.

Không làm gì có chủ đích cũng là một dạng tập trung phải qua luyện tập mới có được, nếu không khi tâm trí chưa kịp yên ổn thì đã có hàng chục cục đá ném liên tục xuống mặt hồ khiến tâm trí xáo động trở lại, rồi bạn lại bị cuốn theo luồng suy nghĩ hoang tàn hỗn độn đó.

Tùy theo căn cơ bổn tánh của mỗi người, mà bạn có thể chọn một hoặc nhiều hơn trong 3 hình thức trên để luyện tập. Ban đầu là một quãng nhỏ 15-30 phút, từ từ tăng lên cho tới khi thành thục được trong một quãng dài.

Có một câu nói nhiều thành sáo ngữ, nhưng vẫn phải nhắc lại:

“Yesterday’s the past, tomorrow’s the future, but today is a gift. That’s why it’s called the present.”
(Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai, nhưng hiện tại là một món quà. Đó là lý do vì sao ta gọi hiện tại là “present” – món quà.)
– Bil Keane –

Như kết luận trong nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert, tâm trí càng ít lan man bao nhiêu thì con người sẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Đấy là hạnh phúc khi chúng ta an vui trong hiện tại, vì hiện tại là một món quà (the present is the present).

Tâm trí phải giống như con diều, dù có bay lên trời cao thì vẫn còn sợi dây cho bạn điều khiển, bạn muốn thả thì thả muốn thu thì thu về, mọi chuyện phải nằm trong tầm kiểm soát và lựa chọn của bạn. Đừng để tâm trí như áng mây trôi trên bầu trời, rồi đời mình sẽ chênh vênh.

Đời rối loạn khi bạn rối trí, lúc đó không có an vui mà sống nổi được.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.