Trước khi đi vào vấn đề, có 3 tình huống thú vị mình muốn chia sẻ:

1. Một cô bé mới quen inbox nhờ mình tư vấn chuyện marketing. Em có một người chị mới mở một lớp dạy tiếng Anh và bây giờ chị ấy muốn marketing cho lớp học để tìm học viên nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Em nhờ mình chia sẻ bí quyết marketing làm thế nào để tìm được học viên cho lớp học của người chị.

2. Một người bạn cũ thời đại học hẹn mình đi cafe để tư vấn giúp bạn một số vấn đề về marketing. Bạn chia sẻ rằng mới chuyển sang làm việc ở một startup nọ, bên này đang ra mắt một thương hiệu cà phê mới và muốn đẩy hàng vào thị trường nhưng không biết bắt đầu từ đâu, vì cả công ty chỉ có một mình bạn kiêm nhiệm vai trò marketing và kiến thức marketing của bạn thì bắt đầu từ… con số 0 tròn trĩnh.

3. Một người chị quen của mình muốn tạo một website cá nhân để viết lách và chia sẻ về chuyên môn công việc nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Chị nhờ mình chỉ cho chị… cách tạo website chuyên nghiệp được y như trang của mình.

3 câu chuyện kể trên là những tình huống khó đỡ điển hình diễn ra hằng ngày trong cuộc sống, nghe mà đỡ không nổi khi đi vào phạm trù chuyên môn. Người hỏi thì hỏi trong tâm thế rất hồn nhiên, chính vì không biết nên mới phải đi hỏi, nhưng vô tình “đẻ” ra một đề bài khó giải cho người bị hỏi, và chính người bị hỏi cũng không biết trả lời từ đâu.

Trong mỗi công việc nhất định, mỗi người sẽ có một chuyên môn riêng đến từ chuyên ngành người đó được đào tạo ở bậc đại học kết hợp với vốn liếng sự nghiệp người đó tích lũy trong quá trình đi làm. Từ đó, họ sẽ sử dụng một “hệ ngôn ngữ” riêng mà chỉ những ai làm cùng công việc chuyên môn đó mới am hiểu tận tường, còn người ngoài thì sẽ nghe như vịt nghe sấm. Chẳng hạn, ngôn ngữ của anh chàng Marketing sẽ nói về insight, customer journey, touching point,… nhưng ngôn ngữ của cô nàng Finance sẽ nói về công nợ, thu nhập ròng, lợi nhuận trước thuế,… 

Anh chàng Marketing khi nghe các cô nàng Finance trao đổi công việc với nhau đôi khi sẽ chỉ nghe mà không hiểu được gì, dù họ đang dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau. Đơn giản chỉ vì hai bên đang không dùng cùng một “hệ ngôn ngữ” chuyên môn. Điều này cũng giống như trong tiếng Anh sẽ có tiếng Anh giao tiếp (conversational English) với tiếng Anh học thuật (academic English). Ngôn ngữ chúng ta dùng nói chuyện với nhau hằng ngày = tiếng Anh giao tiếp, còn ngôn ngữ dùng trong công việc giữa đồng nghiệp chung team với nhau = tiếng Anh học thuật.

Nếu một người không được đào tạo cùng chuyên môn giống như bạn (hoặc có nền tảng liên quan) thì rất khó nghe – hiểu được những thông tin công việc team bạn đang trao đổi với nhau.

Tương tự như chuyện học tiếng Anh, chuyên môn của một người cũng được phân tầng theo cấp bậc:

  • Basic (Sơ cấp): Sinh viên chuyên ngành X mới ra trường hoặc người mới học qua một vài khóa nền tảng về chuyên môn X.
  • Intermediate (Trung cấp): Người đã đi làm từ 1-5 năm trong chuyên ngành X, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhất định.
  • Advanced (Cao cấp): Người đã đi làm từ 5 năm trở lên, am hiểu về thị trường và ngành, có khả năng giải được nhiều dạng đề bài (brief) và xử lý các tình huống (case study) khó.

Ngay cả khi trong cùng một chuyên môn với nhau, nhưng level Basic đi nói chuyện công việc với level Intermediate & Advanced cũng giống như một bạn học sinh tiểu học đi nói chuyện với học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học về cách giải tích phân hay toán cao cấp.

Cơ bản là một khi không cùng chuyên môn hoặc không cùng đẳng cấp chuyên môn thì rất khó để nói chuyện và hiểu được “hệ ngôn ngữ” của nhau.

Trở lại 3 tình huống ở trên, câu trả lời người hỏi thật sự cần là kết quả ở đầu ra (output):

  • Tìm được học viên mới cho lớp học tiếng Anh.
  • Quảng bá được thương hiệu sản phẩm mới và bán được hàng.
  • Tạo được một website cá nhân.

Nhưng kết quả này là phần nằm ở trên ngọn cây tre, còn từ gốc đến ngọn chính là quá trình hay con đường các bạn phải đi nếu muốn ra được kết quả đó. Tuy nhiên, không mấy ai muốn trải qua quá trình hết sức gian nan và vất vả đó mà đa số đều chỉ muốn đốt cháy giai đoạn để làm sao ra được kết quả họ mong muốn trong thời gian ngắn nhất. Khi đặt câu hỏi đó là các bạn đang muốn mượn “bộ não” (tư duy) và kinh nghiệm chuyên môn của mình để giải bài tập giùm các bạn.

Có thể bạn cũng từng vô tình rơi vào những tình huống kể trên ở vai trò người đi hỏi nên có đôi lời mình muốn nhắn nhủ:

  • Ở đời không có bữa ăn nào là miễn phí, đặc biệt với những người chúng ta chưa đủ thân.
  • “Dục tốc bất đạt”, không có cách nào nhanh nhất để giải được một bài toán khó mà không đòi hỏi một quá trình.

Ví như nếu mình và bạn đủ thân thiết, có thể mình sẽ còn kiên nhẫn chỉ dẫn cho bạn cần phải làm những bước cơ bản như thế nào để ra được kết quả bạn mong muốn. Ngược lại nếu mối quan hệ không đủ thân, điều gì khiến bạn nghĩ rằng người khác có thể sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để giải bài tập giùm bạn?

Đa số những tình huống kể trên, khi quỡn rảnh thì mình sẽ trả lời theo hướng gợi ý để bạn tự đi tìm hiểu thêm, còn khi không quỡn rảnh thì tất nhiên mình sẽ từ chối không trả lời.

Giá trị của chuyên môn

Có lần, một người hâm mộ nhận ra danh họa Picasso ở một nhà hàng nên nhờ ông vẽ cho mình một bức phác họa trên tờ giấy ăn và sẵn lòng trả tiền để giữ tờ giấy ăn đó. Picasso đồng ý, sau khi vẽ xong danh họa ký tên mình lên và nói, “Bức tranh này trị giá 15.000 Francs.” (khoảng $15.000 tỷ giá hiện tại) Người phụ nữ mới sững sờ, “Nhưng ông chỉ mất 30 giây để vẽ nó!” Picasso đáp: “Không, bà nhầm rồi. Tôi đã phải mất 40 năm để có thể vẽ được như vậy.”

Pablo Picasso

Câu trả lời của danh họa Picasso là một ẩn dụ đầy ý nhị về giá trị của chuyên môn. Người phụ nữ ngỏ ý mua bức phác họa chỉ nhìn trên bề nổi là thời gian Picasso bỏ ra để vẽ bức tranh, mà không nhìn ra được bề chìm là để vẽ được bức tranh đó Picasso đã phải mất 40 năm quá trình rèn luyện không ngừng để có được kỹ năng đó, và dĩ nhiên cả thương hiệu cá nhân của ông nữa.

Tâm lý chung của số đông cũng giống như người phụ nữ này, khi đặt một câu hỏi để đi tìm đáp án cho bài toán khó của mình (bản thân không biết giải vì không đủ chuyên môn) thì lại muốn người khác giải cho mình trong vòng vài nốt nhạc, và lại còn đòi miễn phí.

Số ít thì ngược lại, họ hiểu được giá trị của chuyên môn là kết quả của một quá trình dài được tích lũy và cần được trân trọng. Số ít sẵn sàng trả một cái giá xứng đáng để có được kết quả họ mong muốn. Số ít khi gặp những vấn đề không thuộc phạm trù chuyên môn của họ thì sẽ lựa chọn phương án outsource (thuê ngoài) để những người có chuyên môn làm thay mình. Vừa rõ ràng vừa sòng phẳng và cả hai bên đều vui vẻ mà không phải mất lòng nhau.

Tại sao bạn nên outsource?

Một cô bạn của mình muốn xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua portfolio trên website để bạn dùng tên miền đó đưa vào CV, Facebook cá nhân và chữ ký email nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bạn có thể tự search Google và tự học theo các hướng dẫn trên mạng để làm ra được một website theo ý bạn.

Nếu muốn, ai cũng có thể tự học được bất cứ thứ gì vì tài liệu trên mạng bây giờ không thiếu. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ rất lâu và dễ nản, nhất là khi bạn không có nền tảng của “hệ ngôn ngữ” lập trình, website và UI/UX – ngôn ngữ mà những người làm website chuyên nghiệp phải mất vài ba năm mới học được. Đây là những tảng đá lớn cản trở quá trình đi đến kết quả bạn mong muốn. Dĩ nhiên cũng sẽ có những người chỉ mất vài ba tuần hoặc vài ba tháng đã học được, nhưng level của họ sẽ ở mức Basic hoặc Intermediate và sản phẩm họ làm ra sẽ chỉ nằm ở mức độ đó, khác hoàn toàn với những người ở level Advanced.

Thế là, bạn tìm đến nhờ mình tư vấn một gói website phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn. Kết quả là, bạn không phải mất quá nhiều thời gian mà chỉ ngồi một chỗ rung đùi thì cũng đã có người đẩy tảng đá lớn giúp cho bạn, còn bạn thì lại có thêm thời gian để tập trung vào nâng cao chuyên môn của bản thân.

Một người bạn khác của mình đang xây dựng một dự án bán sản phẩm sạch ăn liền dành cho người Việt. Bạn cần tìm một người thiết kế logo sản phẩm để đăng ký bảo hộ thương hiệu, khi hỏi mình có quen biết ai không thì mình cũng tự đề cử bản thân vì thiết kế cũng là một trong những chuyên môn của mình. Sản phẩm của bạn chỉ mới có tên và chưa có slogan, còn bạn thì đang tất tả bữa giờ với các vấn đề pháp lý về việc thành lập công ty nên cũng không có thời gian rảnh để nghĩ ra câu slogan nào cho hay.

Và rồi mình đề xuất cho bạn luôn giải pháp slogan nằm trong gói thiết kế, vì copywriting một lần nữa lại là chuyên môn của mình. Thế là, bạn không cần làm gì, chỉ cần thanh toán một khoản chi phí hợp lý theo báo giá của mình thì bạn đã có một logo độc quyền và 20 câu slogan chất như nước cất để bạn chọn ra một câu hay nhất.

Số đông khi đụng tới những vấn đề liên quan đến chuyên môn thường hay có tâm lý nhờ người-quen-có-chuyên-môn làm giùm miễn phí. Ê mày rảnh không thiết kế giùm tao cái logo đi, làm giùm tao cái banner đi, hay nghĩ giùm tao câu slogan đi. Những yêu cầu “làm giùm” của số đông tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đều là chất xám + thời gian của người khác.

Mỗi người mỗi nghề như trăm hoa đua nở trong một khu vườn. Nếu bạn là hoa đào thì đừng cố gắng nở như hoa sen, mà nếu muốn thơm như hoa sen sao không sẵn lòng bỏ ít phân bón để được tặng vài cánh sen?

Ai cũng có chuyên môn và kinh nghiệm riêng của họ, nếu bạn không giỏi việc gì thì hãy outsource tìm người phù hợp để không chỉ giúp họ có cơ hội trau dồi chuyên môn mà còn tạo thêm động lực để họ phát triển tiềm năng của bản thân. Sẽ đến một lúc nào đó, khi cần họ cũng sẽ tìm đến bạn để outsource ngược lại chuyên môn của bạn.

Người với người dựa vào nhau mà sống, như cây dựa vào nhau mà tạo nên những mảng rừng. Khi đó mới là lúc trăm hoa trong rừng cùng khoe sắc với nhau.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Em đọc xong bài đầu tiên và nghĩ là nên để lại tương tác kèm cảm ơn nên em cảm ơn anh nhé.

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.