Ảnh: Unsplash

Khi mới sinh ra, mỗi đứa trẻ chúng ta giống như một chiếc máy tính mới, chưa được cài đặt bất kỳ hệ điều hành hay chương trình nào. Bởi lẽ một đứa trẻ sơ sinh thì vẫn chưa biết nói nên chưa thể hiểu được từ ngữ và những khái niệm của thế giới con người. Phải mất vài năm thì bộ não của một đứa trẻ mới đủ trưởng thành để tiếp nhận những “chương trình” được người lớn cài vào, bao gồm cha mẹ và những người lớn xung quanh chúng ta, thông qua những gì họ dạy dỗ cho chúng ta từ bé đến lớn. Đến khi bạn trưởng thành và ra đời đi làm, bộ não của bạn vẫn tiếp tục bị cài đặt “chương trình” từ sếp và đồng nghiệp ở môi trường làm việc.

Trong số những chương trình mà chúng ta bị cài đặt vào tâm trí, không phải chương trình nào cũng đúng và thực sự hữu ích cho cuộc sống của chúng ta. Giống như khi bạn sử dụng máy tính, không phải phần mềm nào bạn cài vào máy tính thì cũng đều sử dụng, có những phần mềm chiếm rất nhiều bộ nhớ nhưng bạn lại không dùng tới khiến cho máy tính chạy chậm, hay cũng có những phần mềm độc hại khiến cho máy tính bị nhiễm virus và bị hỏng chức năng. Tuy nhiên, là những người bị lập trình một cách thụ động, hầu hết chúng ta không hề hay biết tới sự tồn tại của những chương trình đó cũng như tác hại khôn lường của chúng.

Ảnh: Unsplash

Những chương trình bị cài đặt từ thời thơ ấu

Ở độ tuổi trưởng thành, chúng ta trong vô thức ai cũng mang trong mình một nỗi sợ nào đó mà bản thân không thể hiểu vì sao mình lại sợ nó. Nỗi sợ đó có thể là về một con vật, một đồ vật, một thói quen hay một trải nghiệm nào đó. Có người thì sợ gián, sợ sâu, có người thì sợ ma, có người thì sợ độ cao, có người thì lại sợ bị bỏ rơi, sợ bị người khác xem thường,… Hầu hết những nỗi sợ ấy đều xuất phát từ một trải nghiệm nào đó trong quá khứ ở thời thơ ấu, để lại trong tâm trí ta một ấn tượng sâu đậm tới mức cơ thể ghi dấu nỗi sợ và sẽ tự động kích hoạt phản ứng phòng vệ khi chúng ta được gợi nhắc về tác nhân gây ra nỗi sợ đó.

Ví dụ như mình rất sợ thằn lằn (thạch sùng), mỗi lần nhìn thấy một con thằn lằn  đang bò trên tường là mình nổi gai óc, cơ thể đông cứng lại. Từ nhỏ tới lớn, mình cứ sợ thằn lằn mà không hiểu vì sao bản thân lại sợ, trong khi mình không hề sợ gián, chuột hay sâu, cũng như nhìn thấy rắn thì cũng thấy không đáng sợ bằng thằn lằn. Đến khi truy nguyên về nguồn gốc nỗi sợ, mình mới lần hồi nhớ lại một trải nghiệm từ thời thơ ấu. Lúc mình khoảng tầm 5-6 tuổi, khi đi chơi điện tử ở nhà một cô trong xóm thì chứng kiến cảnh một anh kia bắt một con thằn lằn lén thả vào trong áo của một thằng nhỏ đang ngồi chơi kế bên mình. Đang ngồi chơi ngon lành thì thằng nhóc đột nhiên ré lên, khóc lóc om sòm kêu la khắp xóm. Từ trải nghiệm đó mà mình bị cài đặt vào tâm trí non nớt rằng thằn lằn là một con vật rất đáng sợ, có thể làm một đứa nhỏ sợ hãi khóc lóc đến kinh hồn bạt vía.

Nhìn tấm hình này thôi mình đã thấy nổi da gà. Ảnh: Unsplash

Có những thứ đôi khi chỉ là một câu nói vô tình của người lớn nhưng lại bị ghi khắc vào tâm khảm của một đứa nhỏ mãi cho đến khi nó trưởng thành. Ví như khi đi ăn ốc, không bao giờ mình gọi món ốc hương, mỗi lần nhìn con ốc hương là thấy ớn lạnh nhờn nhợn. Bởi vì lúc nhỏ mình từng nghe chuyện người lớn trong nhà kể rằng ốc hương là loại ốc chuyên ăn xác chết phân hủy của mấy người chết đuối ngoài biển. Dù đó chỉ là một lời trêu đùa của người lớn, nhưng cảm giác kinh hãi về điều đó vẫn nằm lại trong tâm trí mình suốt nhiều năm sau này. Tương tự như vậy, mẹ mình là một người không thích đi du lịch vì mỗi khi ngồi xe máy lạnh đi đường dài là rất dễ buồn nôn mắc ói, xây xẩm mặt mày nên đi chuyến nào là vật vã chuyến ấy chứ không có tận hưởng vui chơi được. Suốt từ nhỏ, mình cứ hay nghe mẹ ca cẩm về chuyện đó tới nỗi khi lớn lên, trong vô thức mình cũng không thích đi du lịch nốt, mỗi lần nghĩ tới chuyện đi du lịch là thấy không thoải mái, khó ở trong người chứ không thấy vui vẻ gì.

Một cô bạn của mình thì ngay từ nhỏ thường xuyên bị cha mẹ phủ định rất nhiều thứ bạn làm, rằng bạn làm gì cũng hậu đậu, không việc gì ra hồn, rằng những gì mà bạn làm được cũng là nhờ cha mẹ hỗ trợ chứ bạn không thể tự mình làm được. Mọi nỗ lực của bạn trong chuyện học hành hay trong đời sống đều không bao giờ được cha mẹ hài lòng, công nhận hay khen ngợi. Đến khi trưởng thành, bạn mang trong mình một chương trình mặc định về việc tự phủ định bản thân. Ví như trong chuyện tình cảm, nếu cả hai rạn vỡ chia tay thì bạn xem đó là lỗi của bạn chứ không phải của đối phương, dù cho rõ rành rành rằng đối phương mới là người sai. Hay trong chuyện công việc, nếu như bạn gặp sai lầm hay thất bại thì bạn cũng tự đổ lỗi cho bản thân mình trước hết, trong khi không xem xét tới những yếu tố ngoại cảnh khách quan.

Ảnh: Unsplash

Giải độc tư duy ở độ tuổi trưởng thành

Có một thời điểm vì vấn đề cá nhân nên mình xin công ty cho làm việc ở nhà một thời gian. Một buổi chiều nọ, ở khu của mình đột nhiên cúp điện nên mình chỉ làm việc offline trên máy tính. Bình thường cúp điện chỉ tầm độ vài tiếng là có lại, nhưng hôm ấy cúp nguyên cả buổi chiều và điện thoại mình thì không xài 4G nên cũng không có mạng. Đến gần 7 giờ tối, khi điện có lại bình thường, điện thoại mình kết nối được với wifi thì ting ting ting, một loạt email, tin nhắn công việc tới tấp ập tới mà lại có cả bạn Trưởng phòng Nhân sự liên hệ. Tính chất công việc của mình bình thường là làm việc độc lập, khi cần thiết mới trao đổi với đồng nghiệp nên có những ngày hầu như không có ai nhắn tin công việc. Vậy mà không hiểu sao hôm đó thì email, tin nhắn lại ồ ạt tới.

Cảm giác của mình lúc đó là rất khó chịu, tự trách bản thân và cảm thấy áy náy vì mình đang thể hiện thái độ làm việc không chuyên nghiệp – đồng nghiệp liên hệ công việc trong giờ làm mà mình lại không trả lời cho họ kịp lúc, hay mình không xứng đáng với việc được công ty tạo điều kiện cho làm việc tại nhà như vậy. Đào sâu hơn vào cảm giác đó là việc mình không thích bị người khác nhận định, gán nhãn hay đánh giá bản thân là làm việc kém chuyên nghiệp, hay “ăn gian” thời gian của công ty để làm việc riêng. Trải qua một số năm đi làm, mình hiểu được rằng một khi người khác đã gắn cho bạn một cái nhãn xấu thì rất khó và rất mất thời gian để xóa được hình ảnh xấu xí ấy. Cảm giác khó chịu ấy vẫn kéo dài bên trong mình suốt mấy ngày sau, đó cũng là lúc mình biết bên trong mình đang kích hoạt một chương trình chạy ngầm.

Khi trò chuyện với một người bạn đang học về tâm lý học cũng như dành thời gian để phản tư về cảm xúc của bản thân, mình bắt đầu truy nguyên về gốc rễ của cảm xúc tiêu cực đó. Điều khiến mình bất ngờ lớn nhất là nó không đến từ bất kỳ trải nghiệm nào của mình trong thời thơ ấu lẫn thời sinh viên, mà chỉ mới hình thành từ giai đoạn mình ra trường đi làm. Ở công ty cũ, sếp của mình cài đặt vào tâm trí nhân viên một chương trình về thái độ làm việc chuẩn mực và chuyên nghiệp với quan niệm: “Chuẩn mực trong công việc của bạn nói với cả thế giới bạn là ai”. Ý niệm này được sếp cũ của mình nói đi nói lại với nhân viên từ tháng này qua năm nọ, ngay cả trong văn phòng công ty cũng in thông điệp này bự chảng treo trên tường để nhân viên mỗi ngày đi làm đều nhìn thấy.

Ảnh: Unsplash

Hồi mới đi làm ở công ty ấy, mình từng phạm phải một sai lầm trong việc đặt tiêu đề email dễ gây hiểu lầm và gửi cho hàng loạt khách hàng, khiến một số người phản hồi lại khá tiêu cực. Sau vụ đó, mình bị sếp la và không cho mình tự gửi email trực tiếp cho danh sách khách hàng nữa mà phải qua một lớp kiểm duyệt từ một sếp khác. Dù cho sau này mình lên làm quản lý và không còn phạm phải sai lầm ngớ ngẩn như trước nữa, nhưng câu chuyện ấy lâu lâu vẫn bị các sếp lấy ra trêu đùa và kể cho những nhân viên khác nghe. Từ sự cố không mấy vui vẻ đó, mình luôn tự nhủ với bản thân là không bao giờ cho phép mình sai phạm bất cứ một lỗi sơ đẳng nào như vậy nữa và phải đặt sự chuẩn mực trong công việc lên mức cao nhất có thể như phương châm của công ty.

Sau này khi hiểu hơn về tâm lý học tổ chức, mình mới nhận ra cách các sếp lấy sai phạm của mình ra trêu đùa cũng là một đòn tâm lý với nhân viên, khi tìm cách khơi gợi lại lỗi cũ để nhân viên luôn cảm thấy bản thân họ có lỗi và phải làm việc nỗ lực hơn. Có thể thấy trải nghiệm đó khiến mình bị ám ảnh hoài về nó suốt quãng thời gian làm việc tại công ty cũ, mình bị cài đặt một niềm tin vào đầu là phải chuẩn mực trong tất cả những công việc mình làm dù là nhỏ nhất, và nếu thiếu chuẩn mực thì mình sẽ phải trả giá. Từ đó mình luôn hướng tới sự cầu toàn trong công việc và cực kỳ khắc khe với chính bản thân lẫn với nhân viên hay đồng nghiệp của mình.

Ảnh: Unsplash

Ở thời điểm hiện tại, khi tỉnh thức hơn để nhìn nhận lại trải nghiệm cũ, mình mới nhận thấy cái sự chuẩn mực mình tự áp đặt cho bản thân hay người khác là một cách nhìn nhận sai lệch và không có ích lợi với mình. Nó không đem lại cho mình kết quả tích cực, mà ngược lại còn khiến hình ảnh của mình trong mắt đồng nghiệp trở nên xấu xí hơn khi lúc nào cũng khó tính khó chiều. Trong công việc hay cả trong cuộc sống, chúng ta hoàn toàn không thể nào kiểm soát được mọi chuyện theo ý mình và cầu toàn là chuyện bất khả. Người mới đi làm thì có ai mà không mắc lỗi? Ngay cả người đi làm lâu năm hay ngay cả các sếp đôi khi vẫn phạm phải sai lầm, đó là chuyện hết sức bình thường. Chính cách phản ứng có phần thái quá của sếp làm cho mình có cảm giác tất cả là lỗi của mình và cái lỗi đó rất nặng, trong khi đó chỉ là một vài cái email phàn nàn của khách hàng chê về tiêu đề email, chứ họ cũng chẳng phải hoàn trả hàng hay cạch mặt công ty mình.

Niềm tin sai lầm đó chỉ cổ súy cho việc thể hiện chuẩn mực cao trong công việc, còn các giá trị khác lại bị bỏ quên, đúng theo kiểu thao túng tâm lý của giới tư bản trong việc vắt kiệt sức lực nhân viên và đối xử với họ như những con robot. Trong khi đó, ở những thế giới quan cấp tiến và nhân văn hơn như Tổ chức Xanh ngọc, nhân viên không phải là những cỗ máy hỏng hóc cần phải sửa chữa. Ngay cả khi nhân viên mắc sai lầm hay thất bại, đó đều là những bài học và cơ hội để phát triển, và sau cùng thì mọi thứ sẽ tốt đẹp lên. Khi nhận ra trong đầu mình đang chạy ngầm một chương trình sai lệch như vậy, mình phải tự chất vấn lại những niềm tin và giá trị mà mình bị tiêm vào đầu. Một khi nhận thấy chương trình đó không còn hữu ích hay đúng đắn với bản thân mình ở thời điểm hiện tại, mình đi tới quyết định là gỡ bỏ nó hoàn toàn.

Ảnh: Unsplash

Câu chuyện của mình ở trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô số những chương trình mà chúng ta bị cha mẹ, thầy cô, người lớn trong gia đình, sếp và đồng nghiệp,… cài đặt vào tâm trí chúng ta một cách vi tế – bản thân họ không biết họ đang cài đặt chương trình lên chúng ta (trừ một số người có chủ ý thao túng tâm lý người khác), và bản thân chúng ta cũng không biết mình bị người khác cài đặt chương trình gì. Dấu hiệu nhận biết là chúng ta có những cách suy nghĩ và hành xử tiêu cực, không có ích lợi gì đối với cuộc sống của chúng ta và không làm cho chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Khi đó, bạn nên dành thời gian tĩnh tâm quán xét và truy nguyên lại về nguồn gốc phát sinh ra suy nghĩ và cách hành xử đó trong quá khứ. Đó chính là đầu mối để bạn xác định được chương trình mà mình đang bị cài đặt. Sau đó, bạn cần nhìn nhận xem chương trình đó liệu có còn hữu ích đối với mình trong hiện tại và có nên duy trì không, hay là gỡ bỏ nó?

Giống như việc dọn dẹp trên máy tính để máy chạy nhanh hơn, bạn cũng cần dọn dẹp lại những chương trình mình bị cài đặt vào trong tâm trí để giải phóng không chỉ bộ não mà còn là con người của bạn. Những chương trình cũ kỹ, lỗi thời, độc hại sẽ chỉ khiến chiếc máy tính trở nên chậm chạp, không hiệu quả và dễ bị treo máy. Một tâm trí được dọn dẹp sạch đẹp với những chương trình thiết thực và hữu dụng mới giúp chúng ta suy nghĩ khoáng đạt, tỉnh thức và bình an hơn. Và quá trình giải độc tư duy này là điều bạn cần làm thường xuyên sau một số quãng thời gian nhất định trong cuộc đời mình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.