“Tất cả chúng ta đều đang chạy trốn nỗi đau. Một số uống thuốc. Một số nằm dài trên sô-pha xem Netflix. Một số đọc tiểu thuyết tình cảm. Chúng ta gần như làm mọi cách để đánh lạc hướng bản thân. Thế nhưng, toàn bộ nỗ lực né tránh đó dường như chỉ càng khiến cho nỗi đau trở nên tồi tệ hơn…
Tại sao trong một thời đại tự do, sung túc, tiến bộ công nghệ và y học chưa từng có như vậy, chúng ta lại có vẻ bất hạnh và chịu nhiều đau đớn hơn? Lý do khiến tất cả chúng ta đều đau khổ có lẽ bởi vì chúng ta đang làm việc quá chăm chỉ để trốn tránh đau khổ.”
(Trích đoạn sách)
Có không ít lần mình đọc được những tâm sự của các bạn trẻ về sự buông thả của bản thân, rằng không biết từ lúc nào mà việc tập trung suy nghĩ để làm một việc gì đó lại trở nên khó khăn đến thế. Việc nghiện tiêu thụ những nội dung ngắn mang tính giải trí trên Facebook, Instagram, YouTube, TikTok dần khiến các bạn trở nên xao nhãng và thiếu kiên nhẫn hơn. Đang ngồi học bài hay làm việc một chút thì lại chán chường, ngáp ngắn ngáp dài, thế là lại cầm điện thoại lên lướt lướt rồi chìm ngập trong dòng newsfeed bất tận hàng giờ liên tục. Ai cũng biết chuyện này bất ổn, nhưng lạ lùng thay nó vẫn cứ diễn ra và lặp đi lặp lại hằng ngày trên diện rộng.
Có một cơ chế giải thích cho điều này dựa trên cán cân lạc thú – nỗi đau, một mô hình mới nổi trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Hãy hình dung trong não bạn có một cán cân với hai đầu, một bên là lạc thú (hay khoái lạc) và bên còn lại là nỗi đau. Cái khoảnh khắc bạn cảm thấy buồn chán khi đang ngồi học bài hay làm việc đó là khi cán cân trong não đang nghiêng về phía nỗi đau, và bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm những thứ kích hoạt dopamine như lướt Facebook hay xem TikTok để cán cân nghiêng về phía lạc thú và trở về trạng thái cân bằng.
Các nhà khoa học sử dụng dopamine như một loại tiền tệ chung để đo khả năng gây nghiện của mọi trải nghiệm. Càng nhiều dopamine trên đường dẫn truyền củng cố của não, khả năng gây nghiện càng cao. Hành vi kích hoạt dopamine có thể là hút thuốc lá, uống rượu bia, chơi ma túy, mua sắm, lướt mạng xã hội, xem phim khiêu dâm, thủ dâm, làm tình,… Bên cạnh việc phát hiện ra dopamine, một trong những phát hiện khoa học thần kinh đáng chú ý nhất trong thế kỷ vừa qua chính là việc bộ não xử lý lạc thú và nỗi đau tại cùng một vị trí. Hơn nữa, lạc thú và nỗi đau có vai trò như hai phía đối lập của một cán cân.
Trong lối sống hiện đại, chúng ta gần như đánh mất khả năng chịu đựng những cảm giác khó chịu dù nhỏ và liên tục chạy trốn nỗi đau. Smartphone là một loại kim tiêm thời hiện đại cung cấp hàm lượng dopamine 24/7 cho một thế hệ hầu như chỉ sống trên mạng. Hãy nghĩ về cảm giác kích thích và hưng phấn tột độ khi bạn săn sales trên mạng, khi bạn lướt qua vô vàn clip TikTok hay bức ảnh Instagram mà không biết mệt,… Chúng ta liên tục để bản thân chơi bập bênh trong hai thái cực của lạc thú và nỗi đau. Khi cán cân cứ nghiêng qua nghiêng lại thường xuyên, chúng ta sẽ có xu hướng tái nghiện và lặp lại hành vi thỏa mãn khoái lạc của mình. Và hãy nhớ một điều rằng: “Mọi lạc thú đều phải trả giá, bởi nỗi đau diễn ra sau đó sẽ kéo dài và đau đớn hơn so với chính lạc thú ấy”.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về dopamine và cán cân này, tất cả sẽ có trong cuốn sách Giải mã hoóc-môn dopamine do Saigon Books phát hành, qua bản dịch của dịch giả Lâm Đặng Cam Thảo. Dựa trên những câu chuyện có thật về bệnh nhân của giáo sư Anna Lembke, cuốn sách là sự kết hợp giữa khoa học ham muốn và hiểu biết từ kinh nghiệm phục hồi của chính người trong cuộc để giúp chúng ta đạt đến trạng thái cân bằng tốt hơn, lành mạnh hơn giữa lạc thú và nỗi đau. Độc giả sẽ lần lượt được gặp gỡ từ anh chàng Jacob nghiện tự sướng tới mức chế tạo ra một chiếc máy để thỏa mãn nhu cầu, chàng sinh viên David nghiện đủ thứ thuốc an thần và mỗi ngày phải nốc hàng tá thuốc mới tỉnh táo, cho tới cô bé Delilah mê hút thuốc lá điện tử vì rối loạn lo âu, v.v.
Duyên dáng, sinh động, hấp dẫn, rất đời thường là những tính từ của mình dành cho Giải mã hoóc-môn dopamine. Dù đây là một cuốn sách khoa học do một nhà khoa học hàng đầu về thần kinh và tâm thần viết, nhưng nó không hề khô khan mà ngược lại đọc còn rất cuốn, và bất cứ độc giả nào cũng có thể nhìn thấy chính bản thân mình qua các bệnh nhân của tác giả. Có một câu mà cả dịch giả và mình đều thích trong sách: “Người nghiện nặng là những nhà tiên tri đương thời bị bỏ mặc bởi vì họ phơi bày cho chúng ta thấy con người thật của mình” (nhà triết học kiêm thần học Kent Dunnington).
Thông qua những người nghiện và thói nghiện ngập dopamine trong thời đại số, chúng ta càng thấy rõ hơn tương lai mà cả xã hội này đang dần tiến đến. Hiểu biết về dopamine và cán cân lạc thú – nỗi đau cũng là phương cách để chúng ta có thể sống cân bằng trong một thời đại đầy cám dỗ.
Chào bạn, mình có thể xin phép đăng lại bài giới thiệu sách này lên web và page tâm lý học tội phạm được ko ạ? Mình sẽ ghi nguồn đầy đủ ạ.
Chào Hằng,
Bạn cứ đăng lại nhé. Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin về quyển sách.
Cám ơn bạn nhiều nha.