Gần đây, mình liên tục có thôi thúc tìm hiểu về Thiên Hậu Thánh Mẫu nên mới chợt nhớ về một giấc mơ từ nhiều năm trước. Trong mơ, mình diện kiến một người phụ nữ nhà Trời mặc một bộ trang phục cổ trang màu trắng toát, có viền dát vàng lấp lánh và tự xưng là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình nghe nhắc tới danh hiệu này. Thánh Mẫu đứng trên mây, dùng tuệ nhãn nhìn xuống trần để tìm cha và khuôn mặt bà rất đau đớn như sắp mất đi người thân.
Đến khi tỉnh dậy, mình lên Google tra cứu về bà và ngạc nhiên thay – truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu có một số chi tiết trùng khớp với giấc mơ của mình. Thiên Hậu Thánh Mẫu còn có nhiều danh xưng khác như Bà Thiên Hậu, Ma Tổ, Mã Tổ hay Thiên Thượng Thánh Mẫu,… Bà là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt gốc Hoa, đặc biệt là người dân miền biển. Bà được xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á.

Truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu
Có nhiều dị bản khác nhau về sự tích Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo học giả Vương Hồng Sển, bà có tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Từ nhỏ, bà đã rất thông minh, có pháp lực, hay giúp đỡ mọi người. Bà có thể cưỡi chiếu lướt trên biển cả, cưỡi mây ngao du khắp thiên hạ nên được gọi là “Long nữ”. Do sinh ra và lớn lên ở vùng biển nên bà rất thông hiểu khí tượng thiên văn, thường dự báo cho các ngư dân đánh cá khi nào nên ra biển và khi nào nên ở đất liền.
Một lần, cha bà ngồi thuyền cùng hai anh trai của bà chở muối đi bán ở tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn. Lúc đó, bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ và trong lúc ngủ đã xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh. Giữa lúc đó mẹ gọi bà thức giấc, bà vừa hé môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Ngư dân đi biển thường thấy bà mặc áo bào màu đỏ bay lượn trên biển cả cứu người gặp nạn.

Sau khi bà mất, dân làng nhớ ơn và suy tôn là “Thông hiền linh nữ” và lập đền thờ. Triều đình nhà Tống sắc phong cho bà là “Thần nữ”, “Nam Hải thần nữ”. Tới đời Khang Hy nhà Thanh, bà được phong “Thiên Hậu”. Bắt đầu từ Phúc Kiến, sự linh ứng của bà Thiên Hậu được lan truyền sang các tỉnh lân cận ven biển của Chiết Giang và Quảng Đông, eo biển Đài Loan và từ đó đến tất cả các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục.
Với sự di cư của người Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20, sự thờ phụng bà tiếp tục lan truyền sang Việt Nam, Nhật Bản và Đông Nam Á. Hiện nay, tổng cộng có khoảng 6000 ngôi đền thờ Thiên Hậu Thánh mẫu ở 26 quốc gia trên thế giới.
Lưu Đào – Diễn viên hóa thân Thiên Hậu Thánh Mẫu
Năm 2012, nữ diễn viên Lưu Đào từng đảm nhận vai Ma Tổ trong bộ phim cùng tên. Trước khi phim bấm máy, cô đã đến đền thờ Ma Tổ để xin được đóng vai này. Khi cô khấn vái, mây lành xuất hiện, khiến nhiều người tin cô được Thánh Mẫu chấp thuận. Trong suốt quá trình đóng phim, dù phải chịu thời tiết khắc nghiệt do bối cảnh quay phim ngoài biển, nhưng Lưu Đào kiên quyết không sử dụng diễn viên đóng thế. Cô chia sẻ: “Đóng vai Thánh Mẫu mà dùng người thay thế là bất kính. Tôi không dám làm vậy”.
Khi phát sóng trên đài truyền hình, bộ phim đạt rating cao, nhận được nhiều lời khen ngợi về diễn xuất chân thật và nhan sắc phúc hậu của Lưu Đào. Người dân Phúc Kiến in hình cô làm biểu tượng Ma Tổ trong nhà và các đền thờ. Nhiều nơi còn đúc tượng Thánh Mẫu theo tạo hình của cô. Trang QQ nhận xét: “Người khác diễn xuất để nổi tiếng, còn Lưu Đào diễn xuất để trở thành bất tử”. Dù bộ phim đã công chiếu từ 13 năm trước, đến nay danh tiếng của Lưu Đào tại nơi đây vẫn không hề suy giảm. Mỗi khi Lưu Đào xuất hiện tại các hoạt động địa phương, người dân vẫn kính trọng gọi cô là “Ma Tổ”.
Năm 2018, khi Lưu Đào đọc văn tế, trời đổ mưa nhẹ dù dự báo không mưa – đây được xem là dấu hiệu linh thiêng. Đến năm 2020, Lưu Đào tham gia từ thiện ủng hộ ngư dân bị ảnh hưởng bão, sau đó vùng biển này trúng mùa cá lớn, dân làng cho rằng đó là “ơn trên” ban phước. Năm 2023, khi cô đứng trên kiệu rước Thánh Mẫu ở Phúc Kiến, một đàn chim trắng bay lượn phía trên, khiến dân chúng càng tin vào sự linh thiêng. Mỗi lần nữ diễn viên tham gia lễ hội Ma Tổ, lượng khách hành hương tăng đột biến, nhiều người xếp hàng dài chỉ để được nhìn thấy cô.
Năm 2025, tại đền Phủ Điền, đảo Mi Châu, tỉnh Phúc Kiến đã tổ chức lễ kỷ niệm 1065 năm ngày sinh của Thánh Mẫu Ma Tổ. Khi tham gia sự kiện, Lưu Đào được đón tiếp với quy cách cao nhất và được trao bằng khen danh dự, trở thành đại sứ toàn cầu quảng bá văn hóa Ma Tổ. Cô được các quan chức cấp cao của địa phương đón tiếp nồng nhiệt, ngồi ngay hàng đầu và được cảnh sát hộ tống. Thậm chí, khi một quan chức phát biểu xong, người này còn quay sang phía Lưu Đào chắp tay cúi chào.

Trong sự kiện, Lưu Đào mặc lễ phục trang trọng, thay mặt người dân dâng đào trường thọ lên cho Ma Tổ. Nữ diễn viên được đánh giá cao nhờ thần thái đoan trang lịch thiệp, cử chỉ tao nhã và siêu phàm thoát tục. Truyền thông Trung Quốc cho biết 39 triệu người dân tại tỉnh Phúc Kiến đều kính trọng Lưu Đào, coi cô là hóa thân của Ma Tổ. Thậm chí, họ còn tuyên bố chỉ cần kiếp này Lưu Đào không làm gì phạm pháp thì toàn bộ người dân Phúc Kiến sẽ bảo đảm cho Lưu Đào cả đời này vinh hoa phú quý.
Nói về đời tư, năm 2010, khi mới kết hôn được hai năm, đại gia Vương Kha – chồng của Lưu Đào – phá sản với món nợ khổng lồ lên tới 200 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Vốn đã lui về ở ẩn sau khi kết hôn, vì muốn giúp chồng mà Lưu Đào tái xuất showbiz và liên tục nhận phim, có khi một năm đóng tới 18 bộ phim. Chỉ trong vòng 5 năm, cô đã thay chồng trả xong khoản nợ kếch xù này. Chính thực lực và thái độ kính nghiệp của Lưu Đào đã khiến cho cô được Tổ đãi và nhận được rất nhiều sự trợ độ, mà trong đó vai diễn Ma Tổ chính là tấm “bùa hộ mạng” cả đời cho cô.

***
Biết đến Thiên Hậu Thánh Mẫu cũng là một cái duyên. Và bạn biết không, khi Chơn Linh xem lại nhật ký giấc mơ gặp bà nhiều năm về trước thì mới phát hiện đó cũng chính là ngày mình đang viết bài này – 15/5. Có lẽ sự thúc giục tìm hiểu về bà cũng là một điều thuận duyên để giới thiệu cho quý vị độc giả xa gần biết thêm về Nam Hải thần nữ – vị thần xứ biển mà mình đã hữu duyên gặp gỡ (bản thân Chơn Linh cũng là một người con xứ biển).
Tài liệu tham khảo:
– Thiên Hậu Thánh Mẫu – Wikipedia
– Tục Thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa ở Thừa Thiên Huế, Dương Thị Hải Vân
– Tin tức về Lưu Đào trên trang Vietpress, Ngoisao, Kenh14