Thần đồng Cello Âu Dương Na Na

Có bao giờ trên đường đời tấp nập, vô tình bạn gặp phải những người vô cùng tài năng trong một lĩnh vực nào đó khiến bạn phải trầm trồ ngưỡng mộ. Người thì thông thạo nhiều ngoại ngữ, người thì đàn piano xuất sắc, người lại nhảy đẹp thần sầu,…

Không hiếm những người sở hữu combo “con nhà người ta” khiến ai ai cũng phải ganh tị khi vừa đẹp trai xinh gái, vừa học giỏi, vừa tài năng nổi trội, tính cách lại vừa tốt mà gia thế lại vừa giàu.

Khi so sánh với họ, chúng ta thường buồn rầu khi thấy bản thân mình kém cỏi, bất tài vô dụng. Một số người bi quan lại đổ lỗi cho tài năng để bao biện cho những việc không suôn sẻ trong cuộc sống theo kiểu “Mình không may mắn có tài được như họ” hay “Anh ấy có tài năng thiên phú nên làm việc gì cũng thuận lợi”.

Hiểu về quy luật bền bỉ, bạn sẽ tái định nghĩa lại hai chữ “tài năng” này để tìm ra một hướng đi tươi sáng để phát triển những tiềm năng sẵn có bên trong mình.

Thế nào là có tài năng?

Để gọi một người là “tài năng”, có hai yếu tố để chúng ta nhận định:

  1. Sự thành thạo trong một hoạt động cụ thể: học ngoại ngữ, chơi nhạc cụ, chơi cờ, chơi thể thao, diễn xuất,…
  2. Thành quả đạt được từ hoạt động đó: giải thưởng, thành tích, sự nổi tiếng.

Cá nhân nào chỉ có yếu tố số 1 sẽ được công nhận là “tài năng”, còn hội tụ đủ cả hai yếu tố trên sẽ được số đông gọi bằng những mỹ từ như là “thần đồng” hay “thiên tài”.

Ví như kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm là kỳ thủ số một Việt Nam theo bảng xếp hạng hiện tại của FIDE (tổ chức quốc tế liên kết các liên đoàn cờ vua quốc gia toàn thế giới). Anh là nhà vô địch thế giới nội dung cờ chớp năm 2013, đương kim vô địch châu Á, 2 lần vô địch Giải cờ vua Aeroflot mở rộng, 3 lần vô địch Giải cờ vua quốc tế HDBank.

Kỳ thủ Lê Quang Liêm. Ảnh: Báo Người Lao Động

Hay nữ vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên thuộc đội tuyển bơi lội quốc gia Việt Nam, người đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các giải đấu bơi lội quốc tế và đem về cho thể thao Việt Nam nhiều vinh quang. Lần gần nhất tại Seagame 30 Phillipines, Ánh Viên đã tiếp tục đem về 6 huy chương vàng và 2 huy chương bạc, trở thành vận động viên xuất sắc nhất của Seagmes 30.

Cả Lê Quang Liêm và Ánh Viên đều sở hữu cả hai yếu tố kể trên nên thường được truyền thông gọi là “thần đồng cờ vua”, “siêu đại kiện tướng” (với Quang Liêm) và “thiên tài bơi lội”, “kình ngư” (với Ánh Viên).

Còn những người chỉ có yếu tố số 1 thì sao?

Bạn có thể chơi cờ vua rất đỉnh, chơi nhạc cụ rất hay, bơi lội rất xuất sắc, diễn xuất lay động lòng người,… Với những kỹ năng này, bạn sẽ được người khác công nhận là “có tài” hay “tài năng” (khi so với những người bình thường không biết các kỹ năng này).

Tuy nhiên, cùng là sự thành thạo trong một hoạt động cụ thể, nhưng khi áp lên các công việc lao động chân tay khác thì sự công nhận của người đời lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn, bạn có thể từng bắt gặp một cô bán xoài gọt xoài điêu luyện, chỉ trong vài chục giây có thể gọt xong trái xoài và cắt miếng nào ra miếng đó thật đẹp mắt. Hay một chú bán dừa có thể chặt dừa đỉnh cao, róc ra được nguyên phần cơm dừa và nước bên trong mà không bị đổ nước ra ngoài. Hay một chị bán gà trong chợ, chị có thể nhắm mắt lại cũng chặt được con gà sao cho đẹp, miếng nào ra miếng đó thẳng đều tăm tắp.

Ảnh: Kenh14

Khi chứng kiến những màn trình diễn ngoạn mục đó, bạn có bao giờ vỗ tay hoan hô khen cô bán xoài, chú bán dừa, chị bán gà là người “có tài” hay “tài năng” không? Cơ bản là không, mà đa số chỉ khen họ là “giỏi”, “chuyên nghiệp quá”, “làm hay ghê”, vì chúng ta đều ngấm ngầm hiểu một điều rằng sự thành thục đó đến từ quá trình họ đã làm những công việc đó hết sức quen tay trong nhiều năm liền.

Sở dĩ chúng ta gọi những người chơi cờ vua, bơi lội, chơi nhạc cụ, diễn xuất,… giỏi là những người tài năng vì đây đều là những kỹ năng ngoại khóa, bên cạnh việc học kiến thức chính thống trên trường lớp theo chương trình giáo dục phổ thông. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em theo học những bộ môn này ngay từ nhỏ, nên một đứa trẻ sở hữu các kỹ năng ngoại khóa này sẽ có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với một đứa trẻ chỉ đi học kiến thức thông thường. Riêng nhóm kỹ năng của những người buôn bán lại thuộc về phạm trù công việc chân tay của người lao động, vì lẽ mưu sinh nên họ làm nhiều thì thành quen tay, do vậy nhóm kỹ năng này không được đánh giá cao trong xã hội.

Về bản chất, sự thành thục của cô bán xoài khi gọt xoài với sự thành thục của một người chơi nhạc cụ (hay những bộ môn khác) không khác gì nhau, đều có thể xem như là “tài năng” đặc biệt so với những người bình thường không sở hữu tài năng đó. Cả cô bán xoài lẫn người chơi nhạc cụ đều phải trải qua thời gian khổ luyện, cũng như nhiều lần “trầy da tróc vẩy” thì mới có ngày đạt đến sự thành thục đó ở một mức độ chuyên nghiệp. Và bí quyết của tài năng nằm ở quy luật bền bỉ.

Quy luật bền bỉ là gì?

Angela Duckworth, một học giả, nhà tâm lý học và là tác giả khoa học nổi tiếng người Mỹ, từng phát biểu: “Đỉnh cao thành công trong cuộc sống không chỉ đạt được nhờ vào tài năng, chỉ số IQ cao hay hoàn cảnh gia đình mà còn nhờ vào sự bền bỉ, biết cách đứng lên sau thất bại và không ngừng tiến bước”.

Angela Duckworth. Ảnh: TED Talks

Trong cuốn sách có tựa “Grit” (Vững tâm bền chí ắt thành công – đã xuất bản ở Việt Nam) của mình, Angela Duckworth đã thực hiện rất nhiều quan sát, thí nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ học tập cho đến các môn thể thao như cờ vua, điền kinh, hay các môn nghệ thuật như chơi nhạc cụ. Cô nhận ra rằng những người tài năng nhất chưa chắc đã là người chạm đến cái đích cuối cùng để đạt được thành công. Trong khi đó, những người thành công đều có quyết tâm cao. Thứ nhất là họ kiên cường và chăm chỉ một cách khác thường. Thứ hai là họ có định hướng và quyết tâm rõ ràng, mà cô gọi là sự bền bỉ.

Nghiên cứu về sự bền bỉ của Angela Duckworth cũng tương ứng với quy luật bền bỉ trong vũ trụ. Quy luật bền bỉ phát biểu rằng nếu bạn kiên trì làm một việc gì đó tới cùng và dành đủ thời gian để thực hành việc đó liên tục thì bạn sẽ đạt được sự thành thục vượt trội hơn so với những người bình thường. Quy luật bền bỉ cũng tương ứng với quy luật lượng – chất trong triết học Mác – Lênin: Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất.

Áp dụng quy luật bền bỉ vào trong cuộc sống, bạn có thể lý giải một điều rằng nếu người khác giỏi hơn bạn một kỹ năng nào đó, thì phần lớn là do họ đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để rèn luyện kỹ năng đó – trong khi bạn thì không. Chính Edison cũng bảo: “Thiên tài chỉ có 1% là thông minh, 99% là sự nỗ lực rèn luyện”.

Hồi mới vào đại học, trong nhóm mình chơi chung ở lớp đại học, có một số bạn siêu giỏi tiếng Anh. Mỗi khi các bạn này nói chuyện với nhau, các bạn sẽ thảo luận về cách phát âm của một từ theo giọng Anh hay giọng Mỹ, rồi nói mấy câu tiếng lóng của dân bản địa mà mình nghe không tài nào hiểu được. Ví dụ “What’s up?” là một câu chào nhau thông dụng của dân Mỹ, nhưng suốt 12 năm học tiếng Anh, trong giáo trình mình học thì giáo viên có dạy “What’s up?” là xin chào bao giờ, mà xin chào chỉ có “Hi” và “Hello”.

Đến khi tham gia một số câu lạc bộ ở đại học, có phần giao lưu với người nước ngoài, mình nhìn những bạn này đứng nói chuyện với người nước ngoài mà chỉ có trầm trồ ngưỡng mộ, vì trình độ của mình lúc ấy chỉ có vốn liếng tiếng Anh trong 12 năm học ở tỉnh lẻ theo giáo trình của SGK, và chưa bao giờ được thực hành nói chuyện tiếng Anh với người ngoại quốc bao giờ. Hồi ấy, sinh viên đại học phải luyện thi chứng chỉ A và B Anh văn mới đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường. Hai chứng chỉ này với các bạn chỉ là chuyện ruồi muỗi, thi dễ như bỡn, nhưng với nhóm sinh viên tỉnh lẻ tụi mình thì luyện thi trầy trật lên xuống.

Ở thời điểm đó, mình khá ngây thơ và không hiểu được một điều: Tại sao cùng là học sinh học cùng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh 12 năm như nhau, nhưng có người thì siêu giỏi còn người thì lại siêu bình thường? Ví dụ như mình thuộc dạng giỏi tiếng Anh trong lớp, trong mấy năm học tiếng Anh thời phổ thông đều đạt điểm tương đối cao, nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh với trình độ của các bạn thì đúng là một trời một vực.

Sau này chơi thân hơn với các bạn, mình mới hiểu được lý do. Trong nhóm giỏi tiếng Anh đó, có bạn là dân TP.HCM, cũng có bạn là dân tỉnh lẻ đến TP.HCM học y như mình, nhưng nhóm bạn này đã được gia đình đầu tư cho học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Các bạn được học trực tiếp với giáo viên nước ngoài, được học qua các giáo trình tiếng Anh của dân bản xứ, được ôn luyện theo các chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS ngay từ sớm và đều đã thi thử hoặc thi thật. Cái đỉnh của các bạn trong việc học tiếng Anh cũng chính là xuất phát điểm của mình, hỏi sao không cách xa nhau một trời một vực?

Tổng thời lượng các bạn dành ra cho việc học tiếng Anh tới tận 12 năm, và là 12 năm chất lượng và chuyên nghiệp thật sự chứ không phải là 12 năm học “cưỡi ngựa xem hoa” như tụi mình. Tuy cùng một mốc thời gian như nhau, nhưng thời gian đầu tư chất lượng và thời gian đầu tư hời hợt sẽ cho ra hai kết quả hoàn toàn khác biệt.

Trong chương trình “Hướng về cuộc sống” (mùa 2) của Trung Quốc, có một tình huống thú vị liên quan đến quy luật bền bỉ khi có ba khách mời trong chương trình đều biết chơi đàn violon nhưng ở ba cấp độ khác nhau:

  • Nghệ sĩ violon Lữ Tư Thanh (1969): Ông là tay violon phương Đông đầu tiên đoạt giải vàng Violon Paganini Italia đầu tiên, một giải thưởng kỹ thuật chơi violon quốc tế cao nhất. Ông được tạp chí The Strad có thẩm quyền về âm nhạc quốc tế đánh giá là nhà violon Trung Quốc xuất sắc, một “thiên tài hiếm thấy”.
  • Vương Hiến Hoa (1989): Chàng nghệ sĩ trẻ đa tài người Canada gốc Hoa, được học bổng âm nhạc tại học viện âm nhạc Berklee. Anh chơi thành thạo khá nhiều nhạc cụ, trong đó nổi tiếng nhất là violon với các màn trình diễn nổi tiếng khắp showbiz Trung và Hàn.
  • Vương Tấn (1974): một diễn viên nổi tiếng, gạo cội của Trung Quốc.

Trong ba nhân vật kể trên, hai nghệ sĩ Lữ Tư Thanh và Vương Hiến Hoa đều thuộc dạng thiên tài violon nổi đình nổi đám khắp Trung Quốc, và cả hai đã luyện violon từ lúc còn rất nhỏ khoảng 4-5 tuổi và luyện tập không ngừng nghỉ cho đến khi trưởng thành. Ngược lại, diễn viên Vương Tấn lúc nhỏ cũng được mẹ cho theo học một lớp violon ở nhà thiếu nhi, nhưng anh chỉ học được khoảng vài năm tới lớp năm thì nghỉ và ngừng chơi tới giờ. Do đó, khi thấy hai nghệ sĩ violon biểu diễn thì Vương Tấn cũng ngỏ ý muốn chơi thử, phần trình diễn của anh cũng khá suôn sẻ khi chơi theo ký ức, đôi chỗ vẫn còn mắc lỗi. Điều thú vị là đã hơn 30 năm anh chưa bao giờ động tới cây đàn violon.

Diễn viên Vương Tấn đàn violon. Ảnh: Show Hướng về cuộc sống

Khi kể lại câu chuyện cũ, diễn viên Vương Tấn mới tiếc nuối, giá như hồi nhỏ anh chịu khó kiên trì tập luyện violon mà không bỏ ngang, thì có lẽ bây giờ anh đã thành thục một tuyệt kỹ biểu diễn trên sân khấu rồi. Đối với những người làm diễn viên, càng có nhiều tài lẻ thì càng có nhiều cơ hội tỏa sáng hơn trên sân khấu lẫn trong phim ảnh.

Có kỹ năng nào bây giờ bạn mới thấy tiếc nuối vì lúc nhỏ đã không nghe lời cha mẹ theo học chăm chỉ không?

Mỗi cây đại thụ đều từng là một hạt mầm

Trong tự nhiên, một hạt mầm được chim muông mang tới và thả rơi xuống cánh rừng, trải qua nhiều mưa nắng thì nó sẽ lớn lên từng ngày, dù muốn hay không. Và trải qua hàng chục hay hàng trăm năm, hạt mầm nhỏ bé năm nào nay đã trở thành một cây đại thụ che phủ cả một tán rừng. Nó lớn lên một cách tự nhiên mà không cần một liều thuốc tăng trưởng hay phân bón hóa học nào.

Ảnh: Unsplash.com

Trong cuộc sống, nếu bạn giỏi một việc gì đó hơn người khác, có khi chẳng phải là do bạn có tố chất hay tiềm năng trời phú gì, mà chỉ là sự tình cờ của số phận đã đưa đẩy để bạn có thể dành nhiều thời gian cho việc đó hơn người khác. Ngay cả khi bạn không có đam mê gì, nhưng nếu bạn chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày, thì giỏi lên là một việc không thể tránh khỏi. Như Vương Hiến Hoa hay nhiều nghệ sĩ âm nhạc khác, lúc nhỏ họ đâu có sẵn đam mê chơi nhạc cụ mà thường là vì cha mẹ bắt ép học, rồi học lâu dần thì có kỹ năng, đem kỹ năng đó đi biểu diễn thì nhận được lời khen hay giải thưởng, thế là thành động lực và niềm vui thích để họ càng luyện tập hăng say hơn. Kỹ năng đi trước đam mê cũng chính là vậy.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa cái cây và con người là cái cây luôn có thể vượt qua mọi trì hoãn để vươn lên mỗi ngày, và nó không sợ tốn thời gian, dù cho phải trải qua hàng trăm hay cả hàng ngàn năm để trở thành một cây đại thụ. Sự bền bỉ thường đi đôi với tốn thời gian và tốn nỗ lực ý chí, nhưng hệ quả đi kèm theo đó là sự thành công vượt trội. Ai cũng muốn sớm có được thành công, nhưng chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn, y như việc ta không thể gieo một hạt mầm hôm nay rồi mong vài năm sau có thể ngồi dưới bóng mát của tán cây đó được.

Suy cho cùng, thời gian và công sức là cái giá bạn phải trả nếu muốn có một thứ gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần không chỉ hàng chục mà là hàng trăm, hàng ngàn đêm để có thể giỏi giang hơn trong một lĩnh vực nào đó mà bạn muốn phát triển. Nếu ai đó bảo họ muốn giỏi lên trong một đêm, đồng nghĩa rằng họ không muốn trả giá. Những thứ tốt đẹp thì thường không miễn phí và không có được dễ dàng.

Rất nhiều người trong số chúng ta, có thể tự hào mình đọc rất nhiều sách, học rất nhiều khóa học, đã bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu cho những trung tâm đào tạo, nhưng kết quả tại sao chúng ta vẫn giậm chận tại chỗ, không giỏi lên và không đi đến được đâu cả? Câu trả lời nằm ở sự bền bỉ, vì họ không thể bền bỉ và kiên trì luyện tập đều đặn cho tới cùng. Phương pháp tốt đến đâu cũng không có kết quả nếu không được áp dụng một cách bền bỉ.

Như trường hợp của mình, mãi đến lúc tốt nghiệp đại học, mình mới đầu tư học tiếng Anh một cách nghiêm túc và học liên tục trong 4 năm liền. Mình tham gia hầu hết các khóa học của các trung tâm mình tin tưởng theo học, từ khóa căn bản cho tới khóa cao nhất và học tới nỗi trung tâm không còn khóa nào để học. Mình đăng ký thêm những lớp ôn luyện để thi các chứng chỉ TOEIC, IELTS. Bên cạnh đó, mình kết hợp tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ tiếng Anh, tham gia làm phụ đề tiếng Anh video và nhiều hoạt động khác.

Đến một ngày đó sau bốn năm, mình mới chợt phát hiện bản thân đã đạt tới trình độ của những người bạn giỏi tiếng Anh năm nào mà không hề ý thức được việc này. Mình có thể xem phim tiếng Anh không cần vietsub, nghe được một số tiếng lóng trong phim, thuyết trình bằng tiếng Anh với một nhóm người, nói chuyện được với người nước ngoài, đọc sách hay đọc báo tiếng Anh bình thường v.v. Hóa ra, mình đã đi theo lộ trình học tiếng Anh như những người bạn giỏi kia đã từng, nhưng trong một thời gian gấp rút hơn. Có thể so với trình độ tiếng Anh của các bạn bây giờ, trình độ của mình vẫn còn kém xa, nếu trong quá trình mình học tiếng Anh liên tục thì các bạn vẫn không ngừng học. Nhưng sẽ đến một lúc nào đó, khi các bạn ngừng học thì mình vẫn có thể bắt kịp trình độ của các bạn.

Nhưng chuyện ai giỏi hơn ai cuối cùng đâu còn quan trọng, bởi điều quan trọng nhất là bạn đã bền bỉ tới cùng và đạt được điều mà một thời gian trước đây bạn chỉ có thể nhìn người khác và ngưỡng mộ họ. Nếu bạn muốn bắt đầu học một kỹ năng mới, thời điểm tốt nhất để bắt đầu học là ngay bây giờ.

Chúc những bạn nào hiểu được quy luật bền bỉ, một ngày nào đó sẽ trở thành một cây đại thụ trong lĩnh vực của bạn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải