
Hồi trước Tết, mình nghe một cô em đồng nghiệp kể rằng, bạn của em làm bên ngân hàng năm nay được thưởng Tết tới 6 tháng lương. Nếu tính bình quân theo mức lương cơ bản là 10 triệu thì 6 tháng tương đương 60 triệu, còn mức lương 15 triệu thì 6 là 90 triệu. Nghe nói chuyện thưởng tới mấy tháng lương từ mấy chục lên tới cả trăm triệu như thế, mấy đồng nghiệp của mình ai cũng xuýt xoa cảm thán và có phần ngưỡng mộ dân ngân hàng vì mức thưởng Tết quá khủng.
So với khối văn phòng, ngành ngân hàng là một trong số ít ngành có mức thưởng Tết hằng năm cao nhất, tùy theo mỗi chi nhánh khác nhau mà mức thưởng từ 2-3 cho tới 4-8 tháng lương, cho cả hai mùa Tết dương lịch và âm lịch. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao nhiều bậc phụ huynh ngày xưa lại muốn con em của mình theo học ngân hàng để được hưởng phúc lợi này.
Trên Facebook, đôi lúc bạn sẽ thấy bạn bè của mình chia sẻ chuyện họ mới mua được một căn hộ, tậu chiếc xe Mercerdes mới, đi du lịch châu Âu, hay khoe một cuốn sổ tiết kiệm từ hàng tỷ lên tới chục tỷ đồng.
Nhìn vào ánh hào quang thành tựu của người khác, đôi lúc chúng ta bị lóa mắt vì thành công của họ. Nhiều người sẽ cho rằng họ may mắn được vào làm một ngành tốt, họ được cha mẹ cho tiền mua nhà, họ quen bạn trai đại gia nên được tặng xe hay dẫn đi du lịch nước ngoài,… nói chung là họ may mắn tốt số hơn chúng ta – nếu bạn không có được những thứ đó.
Lúc trước mình cũng chỉ nghĩ đơn giản công việc ngân hàng như giao dịch viên chỉ làm theo giờ hành chính và nghỉ cuối tuần như bao công việc văn phòng khác, vậy mà họ lại được thưởng Tết cao như vậy thì thật là bất công với các ngành nghề, lĩnh vực khác (thông thường chỉ được 1-2 tháng lương là cùng). Đến khi mình quen một vài người bạn làm bên ngân hàng, mới hiểu những cái mình biết về nghề nghiệp của họ chỉ mới là lớp vỏ óng ánh bên ngoài. Như dân ngân hàng ít khi có chuyện đi làm về sớm, tuy 4-5 giờ là giờ ngân hàng đóng cửa nhưng họ thường phải ở tới 7-8 giờ tối để còn kiểm đếm tiền, thời điểm cuối năm nhiều giao dịch thì có khi còn ở lại trễ hơn.
Với những ngành nghề khác, bạn có thể được nghỉ Tết từ 25-27 Tết âm lịch, nhưng cậu bạn hàng xóm nhà mình làm bên ngân hàng thường phải 29 Tết mới về đến nhà. Cậu bạn mình làm vị trí trưởng phòng của một ngân hàng, mức lương và thưởng đúng là rất hấp dẫn, nhưng tính chất công việc buộc phải đi quảng giao ăn nhậu với đối tác. Kết quả là vợ chồng xích mích cãi nhau đến nỗi ly thân đường ai nấy đi.
Bây giờ, thử đặt bạn – một nhân viên văn phòng – vào vị trí của một nhân viên ngân hàng. Bạn có chấp nhận đánh đổi quỹ thời gian quý giá mỗi ngày của mình để làm thêm 2-3 tiếng, có khi cả cuối tuần, với một công việc đầy áp lực và dễ sai sót để đổi lấy một mức thưởng Tết khủng hằng năm? Như mình biết nếu giao dịch viên kiểm thiếu tiền thì họ buộc phải bù lại số tiền thiếu đó cho ngân hàng.
Một số bạn có thể sẵn sàng đánh đổi, nếu đam mê của bạn là tiền. Nhưng nếu câu trả lời của bạn là không, thì hãy hiểu rằng mức thưởng đó là tương xứng với những áp lực họ phải chịu đựng và công sức họ bỏ ra trong công việc. Thực tế là không phải nhân viên ngân hàng nào cũng có được mức thưởng cao mà nó tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của mỗi chi nhánh, độ lớn của mỗi ngân hàng, và thành tích của từng cá nhân. Trong cùng ngân hàng, thưởng Tết có người nhận được hàng chục triệu, người nhận được vài triệu là chuyện hết sức bình thường.
Tương tự, mình cũng có một cậu bạn khác đến nay đã mua được một căn hộ thứ hai chỉ trong 5 năm sau khi ra trường, và dịp Tết vừa rồi cậu tặng cho mẹ một cuốn sổ tiết kiệm hơn cả tỷ đồng. Nhìn vào ai cũng thấy lóa mắt vì hào quang thành công của cậu, nhưng mấy ai thấy được cảnh cậu đi chạy show tối ngày, nhận hết job này đến job khác, cày như một con trâu đúng nghĩa để tích lũy được khối tài sản đó.
Có một tấm ảnh minh họa mình rất thích vì ý nghĩa của nó: Một người nghệ sĩ biểu diễn màn tung hứng dĩa điêu luyện trước sự trầm trồ thán phục của khán giả, nhưng phía sau hậu đài là rất nhiều lần “bể dĩa” đúng nghĩa và rất nhiều mồ hôi, nước mắt để có được màn trình diễn thành công đó.
Không chỉ với giới nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật mà còn trong bất kỳ ngành nghề nào, phía sau thành công của họ đều là rất nhiều nỗ lực thầm lặng mà không phải ai cũng biết, cũng thấy được.
Thói thường, người đời chỉ tập trung vào ánh hào quang trên sân khấu của nghệ sĩ, cũng như chỉ tập trung vào thành công hào nhoáng người khác thể hiện ra bên ngoài như có nhà, có xe, có tiền, có chức quyền, có danh tiếng, v.v. rồi ngưỡng mộ, trầm trồ thán phục, cho rằng họ có may mắn phước đức hơn người còn mình thì bạc phước sinh nhầm ngôi sao xấu.
Thứ hào quang mà chúng ta thấy chói lòa đó, nếu nhìn xuyên thấu qua lớp ánh sáng của nó thì chính là sự đố kỵ. Khi con người bị sự đố kỵ làm lóa mắt, họ không thể quan sát được gì nữa, không nhìn thấy được những lớp hình ảnh xung quanh ánh hào quang đó.
Lúc người ta khổ cực làm việc hay học hành, khó khăn bủa vây thì chúng ta không nhìn thấy nhưng lúc người ta có chút thành tựu thì ta lại thấy lóa mắt. Thế giới này vốn dĩ rất công bằng, không bao giờ có chuyện một người đạt được thành tựu nào đó mà không phải đánh đổi thời gian, công sức, tiền của, mồ hôi, và nước mắt.
Sự ngược đời nằm ở chỗ nhiều người mê đắm thứ hào quang lấp lánh của người khác, nhưng nếu bảo họ đánh đổi ngần ấy thứ để có được hào quang đó thì lại không muốn đánh đổi.
Suy cho cùng, hào quang nào cũng có cái giá của nó. Nếu bạn không thể chấp nhận trả giá được thì chỉ nên đứng từ xa ngắm nhìn hào quang của người khác, và bớt than thân trách phận lại để học cách biết đủ và sống vui với những gì mình đang có.