
Đợt Tết Nhâm Dần vừa rồi, sau chương trình Táo quân phát sóng đêm giao thừa, tới sáng hôm sau mình lướt Facebook thì đập ngay vào mắt mình là một link bài trên Tuổi Trẻ chê chương trình Táo quân năm nay “nhạt” một cách thẳng thừng, ngay từ tít bài báo. Mới sáng mồng một Tết, nguyên cả ekip chương trình Táo quân – bao gồm các diễn viên hài gạo cội của miền Bắc, lứa diễn viên trẻ mới tham gia năm nay và chưa kể những người làm việc ở khâu hậu đài như biên kịch, đạo diễn – đã bị điểm mặt chỉ tên trên một tờ báo lớn với những lời phê bình khá nặng nề như “quá đuối, quá nhạt”. Nếu bạn là một nghệ sĩ biểu diễn Táo quân hay là một thành viên trong ekip ấy, bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
Lướt tiếp Facebook, mình lại đọc được một bài review Táo quân của một bạn designer cũng khá nổi mình có follow. Bạn cũng chê chương trình năm nay “dở và nhạt nhẽo”, và so sánh với những chương trình Táo quân của chục năm về trước thì không thâm thúy và sâu sắc bằng. Trong vài năm gần đây thì mình không rõ, nhưng từ năm 2019 trở về 12 năm trước thì “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng chính là người viết kịch bản chương trình Táo quân, tức chính anh là biên kịch của các số Táo quân được khen hay một thời và cũng là người biên kịch các số Táo quân mà sau này bị chê thậm tệ. Vẫn là người biên kịch ấy, vẫn là các chất liệu ấy, vẫn là công thức viết kịch bản ấy, mọi thứ dường như không có gì thay đổi. Cái thay đổi lớn nhất, theo mình chính là thời đại và khán giả của chúng ta.

Bạn thử ngẫm lại xem, chục năm về trước thì vẫn là thời đại của truyền hình, chứ chưa phải là thời kỳ mạng xã hội rộ lên với những Facebook, YouTube, Tiktok, và cũng chẳng có những web-drama hay những short clip hài hước nhan nhản trên mạng. Thời ấy muốn giải trí, bạn chỉ có thể đi coi phim, coi kịch – hai thứ được xem là thú vui xa xỉ chỉ ở thành phố lớn mới có, còn ở tỉnh lẻ chỉ có mua băng đĩa tấu hài mà coi. Chính vì có rất ít nguồn vui giải trí ngày thường như vậy, chương trình Táo quân hay Gặp nhau cuối năm mới trở thành món ăn tinh thần rất lớn với đa số khán giả màn ảnh nhỏ. Bây giờ thì chúng ta đã quen với quá nhiều clip hài hước trên mạng, đến nỗi đi thang máy mình vẫn thấy có người sáng sớm đi làm vẫn bật mấy short clip trên Facebook vừa coi vừa cười ha hả. Vậy thì hỏi sao một chương trình hài chính luận kéo dài hơn cả tiếng như Táo quân có thể còn làm bạn cười nổi?
Nhưng thử hỏi nếu bạn là biên kịch chương trình này, với ngần ấy dữ liệu thô như các sự kiện hot trong năm, các hot trend trên mạng xã hội thì bạn sẽ “xào nấu” như thế nào để ra được một kịch bản vừa hài hước vừa hấp dẫn vừa thâm thúy vừa sâu cay? Câu trả lời là rất khó, cực kỳ khó, ngay cả với những biên kịch chuyên viết hài kì cựu nhất. Chính “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng cũng phải cảm thán: “Viết kịch bản Táo quân như kỳ thi cuối năm”. Khi bạn là người ngoài ngành, ở vai trò khán giả thì bạn rất dễ dàng đưa ra bình luận như chương trình nhạt, thiếu muối, quá đuối, quá dở, v.v. Nhưng nếu xoay chuyển góc độ là đưa bạn vào trong ngành, đặt để bạn vào vai trò của biên kịch, yêu cầu bạn viết ra một chương trình quá mặn mòi, quá duyên dáng, quá hấp dẫn, quá thâm thúy, có lẽ bạn chỉ có nước… bắc thang lên hỏi ông Tổ làng hài.

Hơn chục năm trước, có một thời gian phim Việt đổ bộ phòng vé, nhà nhà người người đều đi coi phim Việt Nam ngoài màn ảnh rộng, nhất là mỗi mùa phim Tết hay dịp lễ. Công thức làm phim khi ấy gần như là mẫu số chung, chỉ cần mời các diễn viên hài nổi tiếng, kịch bản hài hước mua vui là đảm bảo đại thắng phòng vé. Nhiều người đi xem về thì phê bình là “hài nhảm”, “rẻ tiền”, mình cũng không là ngoại lệ khi từng review một số bộ phim theo hướng chê bai như vậy và thấy thất vọng tràn trề với tư duy làm phim của giới điện ảnh ngày ấy.
Sau đó một thời gian, khi mình có cơ hội trải nghiệm việc biên kịch và đạo diễn cho một số tiểu phẩm hài, mình mới ngộ ra một chuyện là viết kịch bản hài thực sự rất khó, khó hơn rất nhiều so với các thể loại kịch bản chính thống khác (khi ấy mình đang học phân ngành Truyền hình). Có những chương trình mình và cả ekip sản xuất cực kỳ vất vả, đổ biết bao nhiêu mồ hôi công sức từ việc viết kịch bản, khảo sát địa điểm, tuyển chọn diễn viên, ghi hình, dựng hình cho tới kỹ xảo hậu kỳ, v.v. để rồi khi phát sóng lên mạng thì bị một số người chê là “hài nhảm”, “xàm xí”, lúc đó mình mới thấy thấm thía đúng kiểu bị… nghiệp quật. Khi bạn là người lead một ekip, sáng tạo ra một tác phẩm như một đứa con tinh thần mà bị chê nặng nề như vậy, cảm giác khi đó của mình là rất đau và khó chịu. Chính vì cái sự khó chịu ấy mà mình tự nhủ bản thân sau này nên bớt chê bai phim người khác làm, nếu mình chưa đủ hiểu biết về những khía cạnh chuyên môn trong cái mà mình chê.

Trước khi chuyển qua công việc biên tập viên sách, mình từng là một độc giả siêu khó tính và chuyên bắt bẻ lỗi morasse của các đơn vị xuất bản. Mỗi khi đọc một cuốn sách mà phát hiện lỗi chính tả, lỗi đánh máy hay lỗi biên tập câu cú, ngữ pháp là mình cực kỳ khó chịu, nhiều khi chỉ vì một số lỗi cỏn con như vậy mà mình quyết định bỏ qua nội dung, không thèm đọc cuốn sách đó nữa. Lúc ấy mình chỉ nghĩ đơn giản rằng làm sách là công việc chuyên môn của họ, mà họ làm một cách cẩu thả như thế thì xứng đáng bị tẩy chay. Thậm chí mình còn viện dẫn lời Nam Cao: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
Có lần khi đọc một quyển sách của tác giả mình thích, mình phát hiện trong sách có kha khá lỗi biên tập không chuẩn mực về mặt văn phạm và quy cách trình bày trong sách in thông thường. Thế là mình mới tổng hợp mười mấy lỗi đó gửi email góp ý tới công ty xuất bản cuốn sách này, và sau đó mình nhận được email phản hồi từ chị Tổng biên tập. Chị trả lời cũng rất thật tình rằng những điểm mình chỉ ra không phải chị và Ban Biên tập không biết và không thấy, chính chị cũng từng nêu ra với tác giả những điểm này – thậm chí còn viện dẫn cả sách ngôn ngữ của Viện Văn học – nhưng tác giả từ chối sửa theo hướng quy chuẩn hóa đó và yêu cầu giữ nguyên văn phong và cách trình bày như vậy, vì đó là dấu ấn và phong cách riêng của tác giả. Về cơ bản, tác giả này cũng là một người có cá tính khá đặc biệt và sở hữu một cộng đồng fan lớn nên phía đơn vị xuất bản mới lựa chọn hướng tôn trọng chủ ý tác giả như vậy.
Từ cơ duyên trao đổi đó, mình mới có cơ hội cộng tác với công ty xuất bản này ở vai trò biên tập viên và sau này trở thành nhân viên chính thức. Trong công việc biên tập của bọn mình, có một khâu gọi là sửa bản in (hay đọc morasse) sau khi layout sách đã được dàn trang xong, tức là đọc lại cuốn sách trong tâm thế của một độc giả để rà soát lỗi chính tả, lỗi đánh máy sai, lỗi format trình bày, v.v. Bản thân mình trước giờ luôn nghĩ rằng mình là một kỹ lưỡng, kỹ tính, tỉ mỉ và chi tiết (và được nhiều người khác công nhận là như vậy) nên thường là chỉ có chuyện mình đi bắt lỗi morasse trong bản thảo của người khác chứ hiếm ai bắt được lỗi morasse trong bản thảo của mình. Vậy đó mà đến khi mình trải nghiệm công việc sửa bản in thực tế thì mới biết mình ảo tưởng sức mạnh cỡ nào.
Như gần đây nhất là cuốn sách “Bốn Thỏa ước” mình đọc morasse, những tưởng rằng mình đọc cuốn này đã rất kỹ rồi, nhưng sau khi sách in xong thì một số bạn đọc sách báo lại mới biết có tới 5-6 lỗi bị sót, một con số mà bản thân mình không thể nào chấp nhận được. Những lỗi này rơi vào những chỗ như “tạo sao” (tại sao), “ngay tập tức” (ngay lập tức), “quỹ dữ” (quỷ dữ),… là những điểm mù mà khi mắt đọc chữ dễ hợp thức hóa thành từ đúng vì chúng đều là những từ rất quen thuộc. Ví như nếu bạn đọc các từ “otạ sao”, “ngay ptậ tức”, “quỵ dữ” thì bạn dễ dàng nhận ra ngay đây là những từ bị đánh máy sai trong một văn bản dài vì chúng kì quặc thấy rõ, nhưng nếu sai theo kiểu như trên thì rất khó nhận diện trong mạch đọc, nhất là khi bạn bị cuốn vào nội dung cuốn sách.
Ở góc độ người ngoài ngành, nếu bạn là một độc giả bỏ tiền mua cuốn sách này về đọc và phát hiện có một số lỗi sai như vậy, rất có thể bạn sẽ nổi khùng nổi điên chửi rủa cái công ty xuất bản này làm sách ẩu, cẩu thả, biên tập viên năng lực kém,… không khác gì mình ngày trước. Nhưng khi thực sự bước vào ngành và làm nghề rồi, mình mới hiểu có những cái khó mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu và đồng cảm được. Ví như một cuốn sách như trên, để bản thảo đến tay mình sửa bản in thì trước đó nó đã qua tay tới 3 người – từ người dịch, biên tập 1, biên tập 2.
Như cuốn “Bốn Thỏa ước”, dịch giả là doanh nhân Nguyễn Phi Vân rất nổi tiếng và chị Phi trước giờ là một người viết lách thường xuyên và viết như cơm bữa trên Facebook; biên tập 1 cuốn này là một chị rất kì cựu trong team mình; biên tập 2 là chị Tổng biên tập, sếp của mình là người đã có thâm niên gần 30 năm làm nghề. Kể ra để bạn thấy được một cuốn sách qua 3 người là 6 đôi mắt “hỏa nhãn kim tinh” như vậy, nhưng tổng số lỗi morasse mình sửa trong cuốn này sơ sơ là hơn 70 lỗi, và chưa kể là 5-6 lỗi bị sót như đã kể trên. Cái thú vị ở chỗ 5-6 lỗi mình bị sót đó cũng chính là những chỗ mà 6 cặp mắt trước đã bỏ qua vì cũng rơi vào điểm mù giống mình. Chưa kể một bạn làm Content được mình tặng cuốn sách này, khi bạn đọc xong mình hỏi bạn có phát hiện lỗi sai nào không, kết quả bạn trả lời là… chẳng thấy lỗi sai nào cả!

Thêm một vấn đề khách quan khác là bình thường công việc sửa bản in lẽ ra sẽ là sửa trực tiếp trên bản thảo được in ra trên giấy. Nhưng trong mùa giãn cách xã hội và work from home, quy trình làm việc của bọn mình cũng buộc phải thay đổi và linh hoạt theo thời thế, nên mới chuyển sang sửa bản in trực tiếp trên file. Và một điểm khó tránh là khi đọc bản thảo trên file thì tỉ lệ sót lỗi sẽ nhiều hơn khi đọc trên giấy. Nhìn từ góc độ người ngoài ngành, một cuốn sách mà sai tới 5-6 lỗi morasse là quá nhiều, khó chấp nhận được, cẩu thả quá. Nhưng từ góc độ trong ngành, với một cuốn sách có độ dài trung bình từ 50.000 – 100.000 chữ, giả sử bạn sai tầm 10 chữ (cho tròn) thì tỉ lệ sai sót là 0,0002 – 0,0001%. Khi bạn hiểu được câu chuyện làm nghề của dân xuất bản như mình và quy đổi ra con số này, liệu bạn có còn nhìn vấn đề quá khắt khe như trước? Bởi ngay trong chính công việc chuyên môn thường nhật của bạn, bạn có bao giờ dám chắc chắn sẽ đảm bảo được 100% không bao giờ sai sót, hay có sai thì sai ra được tỉ lệ bé như thế này?
Càng trải đời, mình càng nghiệm ra rằng mình nên khiêm tốn và lịch sự hơn khi bình phẩm về những chuyện thuộc về phạm vi chuyên môn mà mình không thực sự am hiểu. Có những việc chỉ khi mình dấn thân làm thực tế, trở thành người trong cuộc rồi thì mới dám mạnh miệng nói chuyện. Còn khi mình là người ngoài ngành ngoài nghề của người khác, mọi phê bình tiêu cực (mà không có tinh thần đóng góp xây dựng) đều là những lời sát thương ngàn dao và mang tính đả kích rất lớn tới lòng tự trọng nghề nghiệp của người trong nghề.
2 bình luận
Muốn mua sách 4 Thỏa ước mua ở đâu đúng sách dịch chuẩn e?
Bộ này Saigon Books có mua bản quyền và phát hành lại nguyên cả bộ sách của tác giả Don Miguel Ruiz. Hiện chỉ bán cả combo chứ không có bán lẻ cuốn “4 Thỏa ước”. Anh Giang có thể đặt mua ở đây nhé:
https://saigonbooks.com.vn/shop/product/bo-sach-tri-tue-cua-nguoi-toltec-kn0909-5573