Trong suốt mùa giãn cách xã hội vừa qua, những bạn hướng nội ắt hẳn đã trải qua một “kỳ nghỉ” đáng nhớ, khi được tự do chui rúc trong chiếc hang và thế giới riêng của mình mà không cần phải giao tiếp với cả thế giới. Ước nguyện thầm kín bấy lâu nay đột nhiên bỗng trở thành hiện thực. Nhưng làm việc ở nhà trong suốt thời gian dài liệu có phải là thế giới lý tưởng đối với người hướng nội?

Những bức bối trong mùa dịch

Đối với một người siêu hướng nội như mình, làm việc ở nhà là chuyện mình đã ước ao từ lâu, chỉ là một số công ty còn quá cứng nhắc trong chuyện quản lý con người và chấm công, theo kiểu phải có mặt ở văn phòng mỗi ngày thì sếp mới cảm thấy an tâm rằng nhân viên đó có làm việc. Từ lâu mình đã mong ước nhiều công ty ở Việt Nam nên áp dụng mô hình này, khi nào cần họp hành hay cần làm việc giấy tờ thì mới lên văn phòng, thời gian còn lại nhân viên có thể tự do làm việc tại nhà hay bất cứ đâu, miễn sao hoàn thành công việc được giao. Đó quả thực là một thế giới lý tưởng đối với người hướng nội, khi họ có thể ở trong không gian mình cảm thấy thoải mái nhất để làm việc, và có thể ngồi làm việc cả ngày mà không tụt năng lượng như khi đi đến văn phòng.

Nhưng hoàn cảnh trong mùa giãn cách xã hội thì có phần đặc thù, ngoài chuyện làm việc ở nhà thì bạn cũng không được ra đường nốt mà phải “bế quan tỏa cảng” ở nhà, các hàng quán bán đồ ăn cũng nghỉ hết và bạn phải tự túc nấu ăn. Suốt 4 tháng trời bị phong tỏa ở một góc nhỏ xíu như thế thì ngay cả người siêu hướng nội như mình nhiều lúc cũng cảm thấy bức bối khó chịu và bí bách đến ức chế trong người.

Bản chất trong gene di truyền của loài người từ thời tiền sử là một loài di chuyển liên tục, tổ tiên chúng ta tuy sống trong hang động nhưng vẫn ra ngoài săn bắt hái lượm mỗi ngày, chứ không phải 24/24 giờ đều ở ẩn trong hang. Người hướng nội tuy không thích giao tiếp với cả thế giới, nhưng vẫn cần những khoảng thời gian chạy xe một mình trên đường, đi bộ trong công viên, đi mua đồ ăn hay ghé chỗ này chỗ kia trong khoảng thời gian riêng tư của mình. Đó là những lúc chúng ta giải phóng năng lượng của bản thân.

Giống như một chiếc điện thoại sạc đầy pin, người hướng nội cũng cần những lúc xả năng lượng ra thế giới bên ngoài hay qua việc giao tiếp với người khác thì nguồn năng lượng bên trong mới được giải phóng và tuần hoàn. Khi năng lượng cũ không được xả ra mà ngược lại còn được nạp đầy liên tục qua quãng thời gian ở nhà một mình, chúng sẽ trở thành dòng năng lượng trì trệ, ùn ứ và khiến người hướng nội cũng cảm thấy bứt rứt, khó ở trong người. Cơ chế nạp – xả năng lượng tuy khác nhau, nhưng biểu hiện của sự ức chế khi ở nhà trường kỳ thì người hướng nội và người hướng ngoại không khác gì nhau.

Ảnh: Unsplash

“Rời hang” tái hòa nhập cộng đồng

Một cô bạn mình là người hướng nội kể lại, buổi sáng đầu tiên của ngày quê bạn được gỡ lệnh giãn cách xã hội, bạn với mẹ đi ăn sáng xong dạo một vòng chợ mua đồ. Tới trưa về tới nhà, bạn kiệt sức nằm một chỗ chứ không còn hơi sức để làm được chuyện gì khác, và bạn nằm ngủ một giấc cho tới chiều tỉnh dậy vẫn chưa hết mệt trong người.

Ngày đầu tiên mình đi làm lại sau một mùa giãn cách cũng y như vậy chứ không khá khẩm hơn gì. Khi tới văn phòng thì team mình cũng lên gần đông đủ, mọi người vẫn làm việc và trò chuyện như ngày thường. Team mình đa phần đều là người hướng nội và trong giờ làm việc chỉ trao đổi nhỏ nhẹ chứ không phải kiểu năng lượng ào ào như người hướng ngoại. Như anh sếp tổng của công ty mình là một người hướng ngoại điển hình, mỗi lần anh ghé phòng team mình chào mọi người một tiếng mà cảm tưởng như sư tử rống rền vang khắp phòng vì âm lượng giọng nói của anh rất to và vang. Đến khi anh đi rồi, nhiều bạn vẫn chưa hoàn hồn mà cảm giác năng lượng của anh vẫn còn tràn ngập khắp phòng.

Sau khi kết thúc giờ làm việc và chạy về nhà, buổi tối hôm đó mình cảm thấy như bị rút cạn năng lượng và cả người rã rời không còn chút sức lực nào. Tới chuyện ăn tối bình thường là niềm vui mà hôm ấy mình cũng quá mệt nên chẳng buồn ăn, cũng bỏ luôn buổi tập thể dục buổi tối vì còn sức đâu mà tập, và phải mất tới 2-3 ngày sau đó mình mới sạc bình năng lượng trở về mức cũ. Cũng may công ty mình tới giờ chưa chính thức đi làm trở lại mà mọi người vẫn được tự do chọn lên công ty hay làm ở nhà.

Quá trình này thì chắc chắn những bạn hướng nội đều sẽ trải qua giống mình hay cô bạn trên, cơ thể của chúng ta sẽ cần thời gian để thích nghi lại với nhịp điệu ồn ào, xô bồ của cuộc sống cũ thời chưa giãn cách. Chúng ta phải xả, phải nạp năng lượng liên tục một quãng như thế trong thời gian đầu thì bộ sạc của người hướng nội mới tìm được điểm quân bình mà cân bằng lại như trước đây. Và trong thời gian cơ thể chưa tìm được điểm quân bình đó, bạn sẽ rất mau xuống năng lượng khi hết bình. Những lúc như vậy, lời khuyên của mình là nên ăn uống đầy đủ, tắm rửa sạch sẽ rồi đi ngủ sớm hơn 2-3 tiếng so với ngày thường để hồi lại năng lượng. Bởi lẽ khi năng lượng của bạn đã thấp hơn những ngày thường ở nhà rồi, mà bạn vẫn còn hoạt động nhiệt tình trên mạng vào buổi tối hay thức khuya như mọi khi thì năng lượng đã cạn nay còn bị rút xuống cạn hơn.

Ảnh: Unsplash

Để có thể sống vững vàng ở một cuộc đời ưa chuộng những người hướng ngoại và đầy sóng gió này, thứ người hướng nội cần học cách làm chủ đó là cơ chế sạc năng lượng của mình – mỗi người hướng nội sẽ có một mức nạp và xả năng lượng khác nhau. Và bạn cần biết đâu là điểm giới hạn của mình ở mỗi chiều, cũng như học cách lắng nghe dòng năng lượng của cơ thể mà tự điều chỉnh để đạt tới trạng thái cân bằng.

Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều em học sinh chưa thể đến trường mà phải ở nhà học online qua điện thoại hay máy tính. Như các em nhỏ ở quê, gia đình không có điều kiện thì thường phải học online, mỗi ngày học hai buổi và học liên tục năm ngày mỗi tuần thì bạn có thể tưởng tượng chiếc điện thoại phải hoạt động hết công sức đến mức nào khi phải vừa sạc pin vừa xả pin liên tục cả ngày. Lẽ vậy, không ít trường hợp thương tâm khi điện thoại phát nổ và gây thương tích cho một số em. Cơ chế này ở người hướng nội cũng tương tự, khi chúng ta hiểu và làm chủ được nguồn năng lượng của mình, bạn sẽ biết dùng năng lượng đó vào đâu và dùng sao cho điều độ chứ không đi quá đà tới mức tự làm phương hại chính mình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.