
Ở những bài viết trước, mình từng chia sẻ về chuyện người hướng nội nên tìm một môi trường phù hợp với thiên hướng tính cách của mình để tỏa sáng, thay vì phải cố gò ép bản thân trong những môi trường hay khuôn khổ công việc ưa chuộng tính hướng ngoại – sự gò ép đó rất dễ khiến người hướng nội mất năng lượng và càng làm lâu dài càng dễ nản.
Trên thực tế, phần lớn công việc trên thế giới này vốn sinh ra dành cho người hướng ngoại, từ loại hình công việc như chuyên viên sales, marketing, HR, luật sư, bác sĩ, nhà báo, biên tập viên truyền hình, phiên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng – khách sạn, chuyên viên môi giới bất động sản cho tới vị trí cấp bậc như trưởng nhóm, quản lý, lãnh đạo, giám đốc, CEO, chủ tịch, v.v. Có công việc hay vị trí nào mà không đòi hỏi sự quảng giao của một người hướng ngoại?
Nếu dựa trên đặc điểm tính cách mà tìm việc, có lẽ số lượng công việc mà người hướng nội có thể làm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vậy trong thế giới việc làm ưa chuộng tính hướng ngoại, liệu một người hướng nội có thể sống sót và tỏa sáng được hay không? Hay khi bị đặt vào môi trường của người hướng ngoại, liệu người hướng nội có thể gắn bó được với công việc ấy lâu dài hay không?
Hai câu chuyện có thật của hai nhân vật sau đây có thể sẽ làm bạn thay đổi hoàn toàn cách nhìn về việc một người hướng nội có thể tự tin tỏa sáng khi làm công việc của người hướng ngoại như thế nào.

Hướng nội vừa là một gánh nặng vừa là một tài năng
Khi còn bé, Nguyên không ý thức gì về việc bản thân là một người hướng nội. Bạn thuộc lứa 9x đời đầu, lúc nhỏ hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, ba mẹ mải lo làm ăn chứ cũng không biết để mà bồi đắp thêm kỹ năng xã hội cho con cái, thành ra Nguyên cứ sống theo bản năng hướng nội của mình mà không hề hay biết. Lúc Nguyên học cấp 1, cấp 2 thì không sao, mọi chuyện vẫn bình thường. Bạn luôn là học sinh giỏi nhất lớp và là niềm tự hào của thầy cô. Bạn bè trong lớp luôn tìm đến Nguyên để hỏi han bài vở, dù không có nhiều bạn thân nhưng ít ra Nguyên cũng có bạn bè bên cạnh. Đối với một cô bé học cấp hai, như thế là đã ổn.
Cho đến khi lên cấp ba, Nguyên thi đỗ vào trường chuyên thì cuộc đời bạn bắt đầu rẽ sang một trang mới đầy sóng gió. Với một cô bé học sinh giỏi nhất nhì lớp suốt những năm cấp hai, Nguyên tưởng rằng vào trường chuyên thì mình sẽ được gặp những người bạn giỏi giang, “mây tầng nào gặp gió tầng ấy” và bạn sẽ được sống trong một môi trường giao lưu học thuật đúng nghĩa. Ở tuổi 15, Nguyên vẫn chưa biết gì về khái niệm gọi là hướng nội hay hướng ngoại, bạn như một “tấm chiếu mới” chưa trải sự đời. Vốn là một người hướng nội thuần chủng nhưng lại vào học lớp chuyên Anh toàn những bạn con nhà ngoại giao, tình thế của Nguyên không khác nào “cừu non lạc vào bầy sói”.
Trong suốt ba năm học cấp ba, Nguyên trở thành đề tài công kích của 90% lớp (10% còn lại là những bạn không quan tâm đến thế sự), bị chỉ trích là không hòa đồng và không chơi với ai. Thực ra Nguyên vẫn có 2-3 người bạn thân trong lớp, nhưng việc không chơi với tất-cả-những-người-còn-lại bị cả lớp xem là “có vấn đề”. Trong một buổi sinh hoạt giáo dục công dân, chính lớp trưởng lôi Nguyên ra đấu tố và chỉ đích danh bạn. Bị chỉ trích công khai trước giáo viên và trước mặt cả lớp về thiên tính hướng nội của mình là một cú sốc lớn đầu đời của Nguyên. Đến tận bây giờ, câu chuyện cũ ấy vẫn là một nỗi đau, một vết thương lòng mà Nguyên không bao giờ quên và bạn đã từng giận cô bạn lớp trưởng đó nhiều năm liền. Trong thâm tâm, Nguyên thề rằng sau này sẽ không bao giờ để con mình bị chỉ trích như thế vì hướng nội không phải là một cái tội, mà chính kẻ đi chỉ trích người khác mới là người có vấn đề.
Trải nghiệm nhớ đời năm cấp ba ấy cũng là lần đầu tiên Nguyên biết mình là một người hướng nội và mình “khác người” so với hầu hết bạn bè trong lớp. Lần thứ hai Nguyên phát hiện thêm về tính hướng nội của mình là khi ứng tuyển vào một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Nguyên xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn và tham gia test đủ 4 vòng để vào vòng cuối là một tuần trải nghiệm làm việc nhóm. Nếu như ở vòng phỏng vấn 1-1, Nguyên có thời gian và sự chuẩn bị để luyện tập trước cách trả lời phỏng vấn như một người hướng ngoại thì đến vòng làm việc nhóm, Nguyên bắt đầu “lộ nguyên hình” là một người hướng nội. Trong môi trường làm việc nhóm, bạn rất ít nói và không bộc lộ cá tính mạnh mẽ như những ứng viên khác. Thêm vào đó, tần suất hoạt động trong một tuần đó diễn ra liên tục và đầy áp lực, khiến Nguyên bị tụt năng lượng và không thể sạc đầy kịp thời.
Gần đến ngày kết thúc tuần, Nguyên tự biết rằng mình đã trượt bài test cuối cùng này. Ở ngày cuối cùng, chị HR còn hẹn gặp riêng Nguyên để nói chuyện, chị bảo rằng bạn phải nói chuyện cởi mở nhiều hơn, phải biết thể hiện bản thân với người khác chứ đừng có im thin thít như vậy. Bản thân chị ấy cũng không hiểu vì sao những vòng trước kết quả phỏng vấn của Nguyên rất tốt mà đến vòng chung cuộc lại tệ như vậy. Không cần nói thì hẳn bạn đọc cũng đã biết kết quả cuối cùng như thế nào. Nhiều năm sau, Nguyên vẫn nghĩ việc mình bị trượt ở công ty đó là do lỗi của mình, cho đến khi bạn thực sự hiểu về sự khác biệt giữa hai tính cách hướng nội và hướng ngoại thì mới thôi đổ lỗi cho bản thân. Nguyên nhận ra một điều rằng công ty đó coi trọng người hướng ngoại và trong từ điển của chị HR ấy không có chỗ dành cho người hướng nội. Nguyên trượt chỉ đơn giản là vì không hợp tiêu chí tuyển dụng của họ chứ không phải vì bạn thiếu năng lực.

Mặc dù trải qua hai cú sốc to lớn đầu đời, Nguyên chưa bao giờ chùn bước và nản lòng về thiên tính hướng nội của bản thân. Ngược lại, đó lại càng là động lực để Nguyên phấn đấu và chứng tỏ bản thân, để cho những ai từng xem thường người hướng nội phải sáng mắt ra. Hiện tại, Nguyên đang làm một công việc dành cho người hướng ngoại – nghề sales và là quản lý đội sales của một tập đoàn đa quốc gia với gần 10 năm kinh nghiệm. Càng lớn lên và hiểu nhiều hơn về bản thân mình, Nguyên mới nhận ra hướng nội vừa là một gánh nặng nhưng cũng vừa là một tài năng thiên phú, nếu ai không biết khai phá thì rất dễ bị nó khuất phục. Nhìn lại hành trình của mình trong hơn 30 năm qua, Nguyên nhận thấy nhờ tính hướng nội mà bạn mới có thể quyết tâm và tập trung cao độ trong chuyện học hành lẫn trong công việc để từ luôn đứng đầu lớp thời đi học cho tới luôn dẫn đầu về thành tích làm việc trong công ty.
Khi lựa chọn lập nghiệp trong công việc sales, sở dĩ Nguyên phát triển được mạnh mẽ đến như vậy là vì sales là một công việc rất độc lập, mỗi người có một chỉ tiêu riêng và được sống trong nhịp độ của riêng mình. Điều tối quan trọng trong nghề sales là miễn sao bạn kết nối được với khách hàng và có doanh số chứ không quan trọng chuyện bạn phải hòa đồng với tập thể ở nơi làm việc như thế nào. Tính chất công việc sales cũng thoải mái về giờ giấc và không gian làm việc nên Nguyên có thời gian chủ động để sạc lại năng lượng sau những cuộc gặp gỡ hay nói chuyện liên tục với khách hàng, từ đó mở ra không gian sáng tạo hơn trong công việc. Và cũng chính vì là một người hướng nội, Nguyên có thể tự mình chắt lọc được những insight (sự thật ngầm hiểu) riêng về thị trường, về tâm lý khách hàng ở một mức độ sâu sắc hơn những bạn sales hướng ngoại khác, nên kết quả của Nguyên bao giờ cũng vượt trội hơn so với các bạn khác trong team.
Khi lên làm quản lý của một đội sales, có một điểm mà Nguyên để ý trong quá trình tuyển dụng và đào tạo đội ngũ, đó là các bạn “best sales” trong công ty hầu như đều là người hướng nội. Đây quả thực là một khám phá mới mẻ và thú vị, bởi bản thân mình trước đây cũng là một người hướng nội quản lý một đội sales, nhưng đội sales bên công ty mình đa phần đều là những bạn hướng ngoại. Sau cùng, Nguyên chia sẻ rằng để thành công thì người hướng nội cần chọn đúng môi trường để phát huy hết khả năng của bản thân. Và nhìn sâu hơn thì có những môi trường tưởng là sân nhà của người hướng ngoại nhưng người hướng nội vẫn có thể đá chéo sân để tỏa sáng bởi những điểm mạnh trong tính cách của họ (những thứ mà người hướng ngoại vốn không có và phải mất thời gian để luyện tập thành thạo). Tuy nhiên, để lên đến những vị trí cao hơn trong tổ chức, người hướng nội vẫn cần phải trau dồi nhiều kỹ năng khác vốn là điểm mạnh của người hướng ngoại như giao tiếp, thuyết trình, phản biện và thông minh cảm xúc để dễ dàng hòa nhập trong những môi trường ưa chuộng tính hướng ngoại.
Câu chuyện trên cũng là nội dung bức tâm thư mà Nguyên gửi tới mình sau khi đọc xong series Hành Trình Của Người Hướng Nội. Loạt bài của mình đã xâu chuỗi và hệ thống những kiến thức về người hướng nội mà Nguyên luôn đau đáu trong suốt quãng thời gian trưởng thành. Mình đã xin phép Nguyên chia sẻ lại nội dung bức thư qua giọng kể chuyện của mình và đổi tên nhân vật chính để bảo mật danh tính theo đề xuất của bạn.

Lớn rồi hết sợ
Nhân vật trong câu chuyện thứ hai là một người nổi tiếng trong nền văn học đương đại của Việt Nam thời hậu chiến sau năm 1975, nhà văn Hồ Anh Thái (sinh năm 1960) – một cây bút mà mình cực kỳ ngưỡng mộ ngôn từ và lối kể chuyện sắc sảo của chú qua những cuốn sách như SBC là săn bắt chuột, Đức Phật, nàng Sivitri và tôi, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Cõi người rung chuông tận thế, Dấu về gió xóa, v.v. Đây cũng là một trong số ít những nhà văn của Việt Nam mà mình săn lùng và tìm đọc rất nhiều tác phẩm của chú.
Sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em dưới thời bao cấp, nhà văn Hồ Anh Thái là con út trong nhà và cách người anh trai áp út tới tận 7 tuổi. Thời bé, nhà văn Hồ Anh Thái là một đứa trẻ yếu ớt và nhút nhát. Yếu ớt về thể chất vì thiếu dinh dưỡng, do nhà nghèo và thời chiến tranh thì không có đủ cái ăn, chưa kể lúc nhỏ có lần người chị ẵm chú trên tay chẳng tay trượt ngã thế là chú bị gãy xương đòn (xương quai xanh), từ đó chú không thể làm được những việc nặng phụ bố mẹ như các anh chị em khác trong nhà. Một cơ thể yếu ớt như thế thì lại càng khiến một đứa bé trở nên nhút nhát hơn.

Khi nhà văn Hồ Anh Thái còn bé, một trong những điều mà cha thất vọng nhất về chú là cái tính quá nhút nhát. Gặp người lạ thì cậu bé Hồ Anh Thái sẽ không dám chào, chỉ dám lí nhí trong miệng gần như không nghe thấy gì cả, chỉ vì sợ chào to thì người lớn sẽ quay sang hỏi han chuyện này chuyện nọ thì cậu không biết trả lời làm sao cả. Tính cách của nhà văn Hồ Anh Thái từ bé đã trái ngược hẳn với cha mình và các anh chị em lớn trong nhà. Cha của chú dũng cảm, nhanh nhẹn, hiếu động bao nhiêu thì chú lại nhát hít, không nhanh và khép kín. Nếu như cha của chú từng bạo gan vào một căn nhà hoang ngủ qua đêm để thách thức những lời đồn thổi căn nhà đó có ma, chú lại sợ bóng tối, sợ ma, sợ độ cao và sợ cả những chỗ đông người.
Xét về những đặc trưng tính cách của người hướng nội, có thể nói nhà văn Hồ Anh Thái là một người hướng nội thuần chủng và có rất nhiều nét tính cách giống mình thuở nhỏ. Chú chỉ thích ru rú ở nhà một mình, nằm thẩn thơ đọc sách với chiếc tủ sách toàn tiểu thuyết nước ngoài của bố (ở thời điểm đó là một nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam) và tự bày trò để chơi một mình. Chú mê đọc sách tới nỗi nhiều lần nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, đến mức bố phải nhờ thầy giáo khuyên răn con không nên bỏ bữa ăn sáng như thế. Nhưng khác với hoàn cảnh của mình và của Nguyên (nhân vật ở câu chuyện đầu tiên), ngay từ bé nhà văn Hồ Anh Thái đã được bố rèn giũa những kỹ năng xã hội và luôn động viên, khuyến khích chú mạnh dạn tự tin lên.
Mỗi lần đến rạp chiếu phim, hễ thấy có nhân vật thiếu nhi nào xuất hiện, bao giờ bố của chú cũng bảo: “Đấy, người ta bằng tuổi mình mà bạo dạn, người ta đóng phim, có sợ gì đâu”. Không ngờ câu nói ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, gieo vào lòng chú tính tự ái, rồi dẫn tới quyết tâm cải biến bản thân. Mê ca nhạc, kịch nghệ và điện ảnh từ tấm bé, cậu bé Hồ Anh Thái bắt đầu tập diễn thuyết, tập hát, tập kịch, toàn những thứ phải làm trước đông người. Năm sáu tuổi, trong một lần sơ tán về nông thôn tránh bom Mỹ, chú học thuộc lòng cả một vở chèo dài gần bốn mươi phút và sau này thỉnh thoảng biểu diễn cho bố mẹ hay khách đến chơi nhà nghe.
Không chỉ bố mà cả mẹ của nhà văn Hồ Anh Thái cũng góp phần tác động rất lớn vào việc khắc phục tính hướng nội của con. Ngày trước mẹ chú rất mê thơ ca cổ tích và cũng mê xem chiếu bóng, nhưng thường mẹ chỉ để bố đưa chú đi xem kịch xem phim chứ không đi cùng, vì bớt một tấm vé là thêm được cái ăn cho một vài ngày. Hồi còn nhỏ chưa hiểu chuyện, chú chưa bao giờ thắc mắc vì sao mẹ không đi xem cùng, đến khi xem xong thì chú về kể lại cho mẹ nghe hôm ấy xem gì, kể cả phim Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc cho đến cả chèo cả tuồng cả cải lương và kịch nói. Mẹ luôn khuyến khích chú kể chuyện cho mẹ nghe và bà lấy thế làm đủ.
Mẹ của nhà văn Hồ Anh Thái cũng có một niềm tin mãnh liệt rằng những gì con người khác làm được thì con bà cũng làm được. Như khi chú còn bé, mẹ thấy chú thích vẽ và vẽ rất đẹp, mẹ luôn khích lệ chú làm họa sĩ (dù cho cái nghề vẽ vời khi ấy không được xem trọng mấy). Có lần mẹ của chú đang trông cháu thì đứa cháu bị sốt, uống thuốc mấy ngày vẫn không khỏi. Trong nhà có sẵn bộ kim tiêm và thuốc kháng sinh, thế là mẹ giở bộ kim tiêm ra và bảo chú tiêm cho cháu nó. Với một người chưa bao giờ cầm kim tiêm mà bắt phải đâm mũi kim vào tay người khác quả là một điều đáng sợ, đặc biệt là với một cậu bé mười bảy tuổi lúc đó. Nhưng cuối cùng chú cũng đã vượt qua nỗi sợ và tiêm được suôn sẻ cho đứa cháu. Những bài học nho nhỏ như thế trong cách dạy con đã dần dà ảnh hưởng đến chú rất nhiều sau này, vì kể ra cả một việc ghê rợn như tiêm thuốc như thế mà chú còn dám làm thì có việc gì mà phải sợ?
Thời sinh viên, nhà văn Hồ Anh Thái từng thi vào Đại học Tổng hợp nhưng sau đó chọn học Đại học Ngoại giao (thời ấy trường Ngoại giao chưa có cơ chế thi thẳng vào mà thí sinh sẽ được xét chọn). Suốt thời học phổ thông, chú đã quen với môi trường bình yên với những người bạn giản dị quen thuộc, cùng ưa thích đọc sách. Khi bước vào một môi trường mới không văn chương chữ nghĩa, gặp những người bạn mới xa lạ về tính cách, học những thứ xa xôi đâu đó về quan hệ quốc tế và chính trị, đối với một người hướng nội như chú thì phải tổn hao rất nhiều năng lượng để thích nghi. Có lần chú nản lòng muốn bỏ cuộc và tính thi lại một trường khác hợp với tính cách của mình hơn, một người bác có tác phong quân đội đã huấn thị cho chú một buổi, phân tích hết mọi mặt của vấn đề. Cuối cùng, chú quyết định chọn theo học trường Ngoại giao cho đến cùng chứ không bỏ cuộc giữa đường.
Thời sinh viên, để khắc phục nhược điểm trong tính cách hướng nội, chú Hồ Anh Thái từng đạo diễn mấy vở kịch và không ngần ngại đóng luôn vai chính. Chú thường mon men đi theo các đạo diễn làm phim để quen với việc xuất hiện trước đám đông. Học ngoại giao buộc phải giỏi ngoại ngữ và ăn nói, sáng nào chú cũng dậy sớm và tập luyện thanh như ca sĩ. Những cách phát âm giọng mũi, giọng cổ hay giọng ngực đều là những thứ phải tập luyện thường xuyên mới rèn được. Bình thường tuy nói năng nhỏ nhẹ nhưng khi phiên dịch trong một phòng họp thì chú phải biến thành một người khác, cất giọng lên phải vang, sáng, rõ.

Chú bé yếu ớt và nhút nhát ngày xưa, về sau lại toàn phải làm những việc trái với bản tính hướng nội tự nhiên của mình. Chú làm cán bộ ngoại giao, từng được bổ nhiệm công tác ở Đại sứ quán Việt Nam ở một số nước, sau này làm quản lý Hội Nhà văn phải thường xuyên tổ chức các sự kiện đối ngoại và các hoạt động cho giới văn chương, chưa kể việc đi thỉnh giảng ở Đại học Washington và nhiều đại học ở nước ngoài. Cậu bé Hồ Anh Thái từng nhút nhát là thế đấy mà có ai ngờ khi lớn lên lại thường xuyên xuất hiện trong các hội nghị, phải thay mặt cơ quan đại diện trao đổi về quan hệ giữa các nước, trực tiếp tiếp xúc với các vị nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia, các đại sứ, các đại diện của các tổ chức quốc tế và khu vực,…
Là một người hướng nội nhưng dám dấn thân và phát triển thành công trong những công việc của người hướng ngoại như thế, có thể nói công sức lớn nhất phải kể đến sự giáo dục và rèn giũa của gia đình nhà văn Hồ Anh Thái, bên cạnh nỗ lực tự thân của chú trong việc không ngừng khắc phục nhược điểm trong tính cách hướng nội. Đến khi trưởng thành, dù đã “chinh chiến” qua nhiều mặt trận, ở chú vẫn có nhiều dấu chỉ đặc trưng của người hướng nội. Cụ thể là chú luôn giữ cho mình những khoảng không gian riêng tư và không muốn ai xâm phạm, cũng như không muốn phải gặp gỡ nhiều người nếu không phải là việc quan trọng và cần thiết. Chú rất ít khi tụ tập với bạn bè cũng như không bao giờ tổ chức sinh nhật mà chỉ dành thời gian cho gia đình, công việc và đám con cháu trong nhà. Thậm chí trong những sự kiện quan trọng của đời người như đám cưới của chú hay đám tang của bố mẹ, chú cũng không thông báo hay mời bạn bè, đồng nghiệp tới dự, bởi chú quan niệm đó là những việc riêng tư của gia đình. Một cá tính hết sức đặc biệt và đặc trưng của người hướng nội.
Câu chuyện trên được mình tổng hợp và tóm lược từ cuốn tự truyện của nhà văn Hồ Anh Thái có tên “Lớn rồi hết sợ”.
***
Một nhân vật 9x và một nhân vật 6x, hai câu chuyện cuộc đời ở hai thời đoạn với hai bối cảnh gia đình khác nhau nhưng đều xoay quanh tính cách hướng nội và cách phát triển thế mạnh của người hướng nội ở những công việc vốn là địa hạt của người hướng ngoại. Mình hi vọng rằng qua hai chân dung sống động này, những bạn hướng nội có thể ngừng dán nhãn bản thân “Vì tôi là người hướng nội nên tính cách tôi như thế, tôi chỉ có thể làm những việc hướng nội như thế…” Có đôi khi không biết nhiều về tính hướng của bản thân từ sớm lại là một may mắn vì chúng ta sẽ không tự dán nhãn chính mình.
Không có bất kỳ giới hạn nào ngăn cản một người hướng nội tỏa sáng và thành công trong bất cứ công việc nào. Dĩ nhiên không phải ai cũng có may mắn khi có những bậc cha mẹ biết cách động viên và rèn giũa tính cách cho con, nhưng chỉ cần bạn có động lực đủ sâu thì không gì là không thể. Nếu như tính cách hướng nội bị xem là gánh nặng của những người hướng nội thì ở chiều ngược lại, tính cách hướng ngoại chưa bao giờ là gánh nặng của người hướng ngoại. Hãy biến những thứ vốn là nhược điểm trong tính cách của người hướng nội trở thành những lợi điểm vượt trội hơn người. Người mang gánh nặng ngàn cân để trưởng thành, ắt sẽ có lúc được hưởng lợi từ cái giá mà mình phải trả suốt bao nhiêu năm qua theo quy luật bù trừ của tự nhiên.
2 bình luận
Trước đây mình có làm marketing cho một công ty nhỏ (dù có 4 chi nhánh nhưng vẫn theo kiểu kinh doanh gia đình), lúc vào làm chị chủ ko yêu cầu mình phải giao tiếp quá nhiều vì mình có rào trước trong buổi phỏng vấn là mình hướng nội =)))
Nhưng trong 2 tháng thử việc đầu tiên mình đã làm quen được với toàn bộ nhân viên ở chi nhánh chính (nơi làm việc của mình), gồm cả chú bảo vệ và các anh shipper của cty :), sau khi đã vào làm chính thức chị chủ bảo rằng chị ấy đánh giá cao khả năng giao tiếp và thích ứng của mình với mọi người dù chưa biết năng lực đến đâu. Sau một thời gian làm việc mình còn được chị chủ đề cử làm thêm sale nữa vì thấy mình nói chuyện khéo (kiểu rất biết cách xoa dịu và làm khách hàng tin tưởng), mình đã từ chối dù thuộc lòng hết tất cả sản phẩm và dịch vụ của cty.
Nhưng buồn cười là khi nói chuyện với mọi người trong cty, mình có bảo mình hướng nội, nhưng hông một ai tin cả =))))
Có lẽ do bạn tìm được môi trường khiến bạn thấy an toàn và có được cảm giác tin tưởng mọi người nên mới thoải mái mở lòng như vậy. Còn nếu người hướng nội rơi vào một môi trường lạ lẫm, đồng nghiệp không thân thiện, văn hóa công ty không cởi mở với người mới thì xu hướng là họ sẽ thu mình lại nè.