Ảnh: Unsplash

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có những nỗi sợ vô hình, nhưng với những người hướng nội thì dường như họ có nhiều nỗi sợ hơn so với những người khác – sợ giao tiếp, sợ nói chuyện trước đám đông, sợ gặp gỡ người lạ, sợ môi trường xa lạ, sợ thể hiện bản thân,… Và một khi đã sợ thì nỗi sợ của người hướng nội dâng trào dữ dội hơn gấp chục, gấp trăm lần mức độ mà những người hướng ngoại có thể tưởng tượng.

Một số người hướng nội nếu có môi trường rèn luyện tốt từ nhỏ và được cha mẹ tạo điều kiện học hỏi kỹ năng cũng như khuyến khích con cái mạnh dạn hơn thì họ có thể phần nào chế ngự được những nỗi sợ này khi trưởng thành. Về bản năng, họ vẫn có nỗi sợ hãi bên trong, nhưng họ có đủ kỹ năng cần thiết để vượt qua nó. Có điều không phải ai cũng may mắn có được sự rèn giũa từ nhỏ đó, mà không ít người hướng nội phải sống chung với những nỗi sợ thường trực từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Ảnh: Unsplash

Nỗi sợ con người

Huyền (tên đã đổi), một cô bạn của mình, là một người hướng nội rơi vào trường hợp như trên. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của Huyền là nỗi sợ con người, hay nói cụ thể hơn là nỗi sợ giao tiếp với đồng nghiệp trong môi trường làm việc. Kể từ khi ra trường đến giờ, Huyền đã nhảy sang khá nhiều môi trường làm việc khác nhau, mỗi công ty đều không trụ quá 6 tháng tới 1 năm. Lý do chính là vì mỗi sáng thức dậy đi làm, trong Huyền luôn có cảm giác sợ hãi và với bạn thì việc đến công ty làm việc không khác nào ra chiến trường. Huyền sợ việc giao tiếp với sếp, với đồng nghiệp và cả khách hàng, sợ những buổi ăn trưa chung với đồng nghiệp, sợ cả những buổi tiệc tùng của team, sợ nốt cả những lần công ty đi team building.

Khi đi làm ở một công ty nào đó một thời gian, đến khi nỗi sợ trở nên quá lớn và tự bản thân cảm thấy tới ngưỡng không thể chịu được nữa, Huyền lại nộp đơn xin nghỉ việc. Rồi lại tìm việc, và xin nghỉ việc. Một vòng lẩn quẩn lặp đi lặp lại liên tục trong suốt 7-8 năm liền. Sau đó Huyền chuyển về quê sinh sống, nghỉ ngơi một thời gian dưỡng bệnh rồi chuyển từ công việc bàn giấy ở văn phòng sang một ngành nghề hoàn toàn mới – giáo viên tiếng Anh cho trường mầm non. Dù chưa có bằng cấp chuyên môn chính thức nhưng Huyền khá may mắn khi được nhận vào thử việc ở một trường mầm non song ngữ khá lớn ở quê, với mức lương khá ổn và mọi người trong trung tâm rất nhiệt tình tạo điều kiện cho Huyền học việc.

Những tưởng rằng sau một thời gian dài thất nghiệp và phỏng vấn nhiều vị trí mà không được chọn, Huyền sẽ biết nắm bắt và trân trọng cơ hội công việc mới rất tốt này. Nhưng chỉ sau hai tuần, Huyền gọi cho mình và kể trong nước mắt, rằng bạn đã xin nghỉ việc ở trung tâm đó vì cái cảm giác sợ hãi và áp lực cứ xuất hiện trong bạn ngày một lớn dần. Đến lúc Huyền cảm thấy không thể chịu nổi được nữa thì bạn báo với quản lý xin nghỉ việc và sau đó lại hối hận vì quyết định ấy. Khi trò chuyện với Huyền, mình hỏi cụ thể là Huyền sợ cái gì và thấy áp lực với điều gì? Huyền im lặng một lúc lâu, không trả lời được câu hỏi của mình vì ngay chính bản thân Huyền cũng không biết bạn đang sợ hãi điều gì.

Ảnh: XFrame

Trường hợp của Huyền với mình thì không lạ, bởi có quá nhiều người hướng nội sợ hãi đủ thứ, nhưng tự bản thân họ không thể định danh được nỗi sợ của mình. Một khi bạn không biết mình sợ điều gì và vì sao mình lại sợ nó, vậy thì làm sao bạn có thể vượt qua được nỗi sợ ấy? Bằng cách đặt câu hỏi và gợi mở từ từ, mình giúp Huyền nhận ra được nỗi sợ cụ thể của bạn là sợ giao tiếp với đồng nghiệp – những người xa lạ và chưa có mối gắn kết nào chặt chẽ với bạn. Nếu như ở công việc trước Huyền có cô bạn thân là điểm tựa nên bạn trụ lại được khá lâu ở công ty ấy, thì ở công việc này Huyền phải chuyển đột ngột qua một môi trường mới toàn người lạ và bạn cảm thấy chới với khi không biết bám víu vào đâu. Bên cạnh nỗi sợ, áp lực của Huyền xuất phát từ việc bạn không tự tin vào năng lực của bản thân và luôn tự cảm thấy mình làm không tốt, nên mỗi khi đứng lớp dạy thử – dù chỉ là dạy cho tụi con nít mầm non nhỏ xíu – bạn vẫn cảm thấy căng thẳng và áp lực nặng nề.

Khi Huyền gặp riêng quản lý để xin nghỉ việc, chị quản lý trung tâm hết sức ngạc nhiên vì quyết định đột ngột này. Bản thân chị ấy nhận xét Huyền đang làm rất tốt và không hiểu lý do vì sao bạn lại muốn xin nghỉ ngang như vậy. Đây cũng là một điểm cho thấy Huyền chưa có sự nhận thức đúng về năng lực của bản thân. Từ trước đến giờ, Huyền luôn luôn nghĩ mình dở và mình làm việc không đủ tốt như người ta, nhưng trên thực tế, không có một người sếp nào từng phàn nàn trực tiếp với Huyền rằng bạn làm việc quá tệ hay năng lực bạn quá kém tới mức họ phải đơn phương cho bạn nghỉ việc. Tất cả đều là bạn tự huyễn hoặc bản thân mình vì nỗi sợ quá lớn bên trong.

Sau quyết định sai lầm ấy, Huyền tự nhốt mình trong phòng cả ngày trời, nằm dài thẫn thờ trong tuyệt vọng. Nếu như khi đi làm tâm trạng tệ mười thì khi xin nghỉ nó còn tệ hơn gấp trăm lần. Trong lúc rơi xuống đáy vực cảm xúc như thế, Huyền có hỏi mình một câu: Với một người hướng nội như mình, làm thế nào để mình vượt qua được nỗi sợ và những khó khăn trong cuộc sống?

Ảnh: XFrame

Câu thần chú “RTCQ”

Để trả lời câu hỏi trên, mình xin kể quý độc giả nghe một câu chuyện cổ dân gian mình đọc đã lâu. Một đêm khuya thanh vắng, Benaiah – người hầu tâm phúc của vua Solomon thấy nhà vua ngồi trên ngai vàng với vẻ mặt tâm tư sầu muộn, anh mới tới hỏi thăm nhà vua. Cho những ai chưa biết thì Solomon là một vị vua nổi tiếng là thông thái trong văn hóa dân gian của dân tộc Do Thái, ngoài sự khôn ngoan được Trời ban tặng thì ngài còn có nhiều quyền năng lớn lao như hiểu được ngôn ngữ của tất cả mọi loài động vật hay có thể điều khiển gió và nước. Khi nghe người hầu hỏi, vua Solomon trả lời:

– Đôi lúc thất bại, ta cảm thấy ngã lòng bởi hoang mang bất định; lúc đó ta trở nên e sợ việc sử dụng quyền năng của mình. Khi ta đâm ra hoang mang về bản thân, ta cần được an ủi.

Benaiah cất lời xin được an ủi bệ hạ, nhưng vua Solomon mỉm cười buồn bã và lắc đầu, bởi tự nhà vua biết rằng Benaiah không đủ khôn ngoan để an ủi mình. Thế là, người hầu Benaiah mới tình nguyện giúp đỡ nhà vua bằng một hình thức khác – đó là anh ta sẽ đi khắp thế gian để đi tìm lời khôn ngoan nhất có thể giúp đỡ cho bệ hạ. Rời khỏi cung điện, Benaiah tìm gặp những người khôn ngoan nhất và hỏi từng người rằng: “Khi thất bại khiến cho đức vua xuống tinh thần và yếu đuối, lời nào có thể an ủi ngài?”. Mỗi nhà thông thái đều có một câu trả lời khác nhau cho vấn đề này và câu nào cũng có một giá trị nhất định.

Vua Solomon

Sau một thời gian dài đi khắp xứ sở, Benaiah đã thu thập được rất nhiều lời khôn ngoan và ghi đầy  nhiều trang giấy, đóng thành nhiều cuốn sách và số lượng sách phải chất thành nhiều thùng. Tuy nhiên, tự bản thân Benaiah nhận thấy rằng chúng quá nhiều và nhà vua không thể nào đọc hết được mỗi khi ngài cần sự an ủi hay động viên. Kết quả là, Benaiah bỏ hết thảy những thùng sách đó lại và đi về tay trắng, chấp nhận rằng mình đã thất bại và cảm thấy thất vọng tràn trề khi không hoàn thành được nhiệm vụ nhà vua đã tin tưởng giao phó. Khi về gần đến cổng thành, Benaiah vô tình nghe được tiếng gió thì thầm qua những tán cây rằng: “Rồi thì cũng qua”.

Benaiah nghĩ thầm: “Đúng vậy. Đối với mình thời gian này thật kinh khủng, nhưng rồi nó cũng sẽ qua đi”. Và thế là anh cảm thấy bản thân được an ủi và sau đó cảm thấy mừng rỡ khi đã tìm thấy lời an ủi khôn ngoan nhất dành cho vua Solomon. Kết thúc câu chuyện, vua Solomon rất hài lòng với đáp án này và đem khắc 4 chữ cái đầu tiên đó lên một chiếc nhẫn được gọi là Nhẫn khôn ngoan: “RTCQ – Rồi Thì Cũng Qua”.

“Nỗi sợ là một phản ứng, còn can đảm là một quyết định.” Ảnh: Unsplash

Can đảm vượt qua nỗi sợ

Mặc dù chỉ là một câu chuyện cổ nhưng sự thông thái và lời khôn ngoan nhất trong câu chuyện trên có tác động rất lớn tới tâm thức của mình. Có rất nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống mình phải đối diện với những nỗi sợ hãi mỗi khi bước ra khỏi vùng an toàn, tưởng chừng như bản thân không thể nào vượt qua được và phải bỏ cuộc ngay tại đó, nhưng cái khoảnh khắc đen tối nhất trong đời bạn rồi thì cũng qua nếu bạn sống tới ngày mai.

Lần đầu tiên xa nhà từ quê vào Sài Gòn học đại học, ở ký túc xá chung với 7 con người xa lạ, đêm đầu tiên mình nằm khóc thầm trong phòng vì cảm thấy nhớ nhà và quá hoang mang sợ hãi với những tháng ngày sắp tới. Nhưng rồi thì cũng qua – mình đã sống hai năm rất vui vẻ trong môi trường đó.

Lần đầu tiên cầm chiếc máy ảnh đứng trên sân khấu để tác nghiệp quay chụp sự kiện thời sinh viên, có hàng trăm cặp mắt bên dưới hội trường đổ dồn về phía mình, cảm giác lúc đó trong mình là sợ hãi tột độ, tay chân run lẩy bẩy. Nhưng rồi thì cũng qua – mình đã tác nghiệp ở gần trăm sự kiện lớn nhỏ như thế thời sinh viên.

Lần đầu tiên đứng ra phát biểu ở vai trò Chủ nhiệm với hàng trăm thí sinh ứng tuyển vào câu lạc bộ của mình thời sinh viên, mình sợ tới mức đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con và nói mà không biết mình đang nói cái gì. Nhưng rồi thì cũng qua – sau này mình còn đứng ra điều phối một số sự kiện hơn cả ngàn người tham dự.

Lần đầu tiên đi phỏng vấn tìm việc khi mới ra trường, sáng hôm đó trên đường chạy xe tới địa điểm phỏng vấn, mình đã tính bỏ cuộc và toan quay xe về lại phòng trọ vì cảm thấy quá sợ hãi. Trong đầu mình nghĩ ra hàng chục lý do để từ bỏ và sẽ email cáo lỗi với nhà tuyển dụng. Nhưng rồi thì cũng qua – mình phỏng vấn công việc đầu tiên và đậu luôn, gắn bó với nó suốt hơn 5 năm trời với rất nhiều trải nghiệm.

Lần đầu tiên đi máy bay để tới hỗ trợ một sự kiện lớn của dân chơi golf, mình hết sức hoang mang và lo lắng khi nghĩ tới chuyện ra phi trường đông đúc với rất nhiều thủ tục hầm bà lằng mà trước giờ mình chưa làm quen bao giờ, cũng như viễn cảnh phải đối diện với cả trăm con người tới từ một đẳng cấp khác. Nhưng rồi thì cũng qua – hóa ra chuyện làm thủ tục sân bay không đáng sợ như mình nghĩ và sự kiện cuối cùng diễn ra êm xuôi tốt đẹp.

Lần đầu tiên tự vào viện một mình vì căn bệnh đau dạ dày hành hạ cũng như lần đầu tiên đi nhổ răng khôn, mình cứ nghĩ bệnh viện là một nơi rất đáng sợ và chuyện nhổ răng là ký ức ám ảnh kinh hoàng đối với mình lúc nhỏ. Nhưng rồi thì cũng qua – sau đó mình có thể đi bệnh viện thoải mái như đi siêu thị và nhổ tới tận cái răng khôn thứ ba.

Ảnh: Unsplash

Còn rất rất nhiều nỗi sợ lớn nhỏ khác nhau trong đời mà một người siêu hướng nội như mình từng trải qua với nhiều cấp độ sợ hãi khác nhau. Một số chuyện với những người hướng ngoại có thể không là gì, nhưng với người hướng nội quả thực là rất đáng sợ. Nhưng trên hết, mình luôn tin rằng dù cho chuyện xảy ra có tồi tệ đến mấy thì mình chỉ cần đọc câu thần chú “Rồi Thì Cũng Qua” và tin tưởng vào nó, thì tự khắc mình sẽ qua được – dù cho quá trình trải qua có thể trầy vi tróc vảy.

Có đôi lúc bạn phải trải qua những chuyện tồi tệ nhất trong cuộc đời để biết rằng những điều tốt đẹp không tự nhiên mà đến. Và một khi bạn đã kinh qua được một nỗi sợ, đó sẽ là một viên đá lót đường, một bậc thang đánh dấu mốc để bạn có thể can đảm vượt qua được nỗi sợ lớn hơn tiếp theo. Càng vượt qua được nhiều nỗi sợ, bạn càng tích lũy được nhiều dấu mốc – đến một lúc nào đó, thứ từng làm bạn sợ chết kinh chết khiếp, bây giờ nhìn lại chỉ bé như quả nho, bỏ vào miệng lủm cái là xong.

Sau tất cả, thứ bạn cần nhất vẫn là lòng can đảm để đối diện và vượt qua được nỗi sợ đầu tiên. Hãy nhớ rằng nỗi sợ là một phản ứng, còn can đảm là một lựa chọn. Nếu cứ dính mắc không dám vượt qua nấc thang đầu tiên ấy, bạn sẽ mắc kẹt lại ở một điểm hoài trong suốt cả quãng đường dài, như trường hợp của Huyền với nỗi sợ con người. Và như thế thì bạn sẽ không bao giờ đi được tới cái đỉnh của sự tự do ở bên ngoài, mạnh mẽ ở bên trong khi đã giải phóng bản thân khỏi những nỗi sợ.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Lúc trước mỗi khi gặp một câu chuyện buồn, hoặc rơi vào một tình huống khó chịu, chị luôn áp dụng câu này và kiên nhẫn chờ cảm xúc khó chịu qua đi. Vài lần như vậy thì nhận ra hoá ra tình huống đó không đáng sợ như mình nghĩ, khi mình bình tĩnh sẽ có cách giải quyết.
    Giờ đọc bài này, câu càng thấm hơn. Cảm ơn Chơn đã chia sẻ một phương pháp hữu hiệu khi đối diện với nỗi sợ.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Nhìn lại mới thấy mình đi qua được quá chừng nỗi sợ và những chuyện khó chịu chị ha ^^

  2. Con người ai cũng có những nỗi sợ, nhưng với những đứa hướng nội thì nỗi sợ ấy phóng đại lên nhiều lần, vì người hướng nội thường suy nghĩ quá nhiều, mà lại còn hay suy nghĩ theo hướng tiêu cực nữa.
    Nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó thì chúng ta vẫn dám đối mặt với nỗi sợ và nỗ lực vượt qua được những khó khăn ấy.
    Câu thần chú hay ghê, bốn chữ rất ngắn gọn nhưng lại rất có sức mạnh, “Rồi thì cũng qua” chính là niềm tin về sự tích cực ở tương lai phía trước, chỉ cần ta kiên nhẫn và chịu đựng thì một lúc nào đó khó khăn sẽ qua cả thôi.
    Cảm ơn những điều Linh đã chia sẻ trong bài viết này, hôm nay cũng là tháng mới rồi, chúc Linh những điều tốt lành nhất nha ^^

    • Chơn Linh Phản hồi

      Có điều không phải bạn hướng nội nào cũng đủ can đảm để lựa chọn đối diện với nỗi sợ á Nguyệt. Một số sẽ trốn tránh và bỏ chạy, nên nỗi sợ mới kéo dài dai dẳng hoài. Suy cho cùng can đảm là một lựa chọn mà bản thân mình phải mạnh mẽ đưa ra quyết định mới được.

      Chúc Nguyệt tháng 4 tràn đầy sức sống và vẫn giữ lửa viết đều tay nha 😀

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.