
Một chị đồng nghiệp của mình tham dự một buổi hội thảo của một doanh nhân thành công. Trong buổi hôm ấy, doanh nhân này chia sẻ hành trình vượt khó của anh từ nhỏ đến lớn, trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả để có được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống hiện tại.
Một bạn khán giả trẻ tuổi mới đứng lên đặt câu hỏi: “Thưa chú, con nghe chú chia sẻ thì con hiểu được tuổi thơ của chú đã trải qua nhiều khốn khó nên chú mới có được nghị lực vượt khó để vươn lên. Nhưng lớp trẻ tuổi con thì không sống trong hoàn cảnh gian khó đó, mọi tiện nghi vật chất tụi con đều được cha mẹ trang bị cho đầy đủ, vậy thì tụi con phải “vượt sướng” như thế nào đây ạ?”.
Mình không rõ hôm ấy vị doanh nhân nọ đã trả lời như thế nào, vì người chị đồng nghiệp đã đi ngủ và ngưng câu chuyện tại đó. Nhưng mình đoán rằng anh ta sẽ có đôi chút ngớ người ra không biết phải trả lời ra sao, vì thực ra đây không chỉ là một câu hỏi khó, mà nó còn là nan đề cho cả xã hội cùng suy ngẫm: Người trẻ ở thế kỷ 21 phải “vượt sướng” như thế nào để thành công? Cơ bản dù anh doanh nhân có đưa ra lập luận như thế nào, thì câu trả lời của anh cũng khó mà thuyết phục được, khi chính anh chưa bao giờ trải qua cảnh sống trong điều kiện sung túc để mà vượt sướng vươn lên.
Giả dụ ta thay đổi lại bối cảnh câu chuyện, anh doanh nhân nọ lúc nhỏ sống trong một gia đình giàu có, điều kiện dư dả, vậy thì anh sẽ lấy đâu ra nghị lực để vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt như hiện tại?
Nan đề này cũng ứng với một câu nói vui nhiều người thường bảo, con nhà nghèo học giỏi là chuyện hết sức bình thường, còn con nhà giàu học giỏi mới là chuyện lạ. Vì đã nghèo đã khó rồi mà còn không chịu nỗ lực vươn lên thì sẽ nghèo sẽ khó suốt đời; nhiều em học sinh nghèo chăm chỉ học tập cũng chỉ vì hướng tới mục tiêu thoát nghèo và giúp đỡ lại chính gia đình mình. Nhưng khi em sinh ra trong nhung lụa, thì hà cớ gì em phải cố học cho giỏi?
Ai cũng chọn việc dễ dàng…
Trong bộ phim The Queen’s Gambit nổi đình nổi đám trên Netflix gần đây, Beth Harmon là một cô bé mồ côi được đưa đến một trại trẻ Cơ đốc giáo. Một lần đi giũ giẻ lau bảng dưới tầng hầm, Beth vô tình bắt gặp bác lao công già của trường đang ngồi chơi cờ vua một mình. Bàn cờ vua với những quân cờ đen trắng cùng những ô vuông như có một thứ ma lực mê hoặc Beth, và mỗi lần xuống tầng hầm cô bé đều lén đứng nhìn bác lao công chơi cờ. Cho đến một hôm nọ, Beth xin bác lao công dạy cho mình chơi cờ vua, và Beth có thể nói được nước đi của từng quân cờ như thế nào sau bao nhiêu lần quan sát một cách chú tâm.
Khi được bác lao công tặng cho cuốn sách “Khai cuộc cờ vua hiện đại”, Beth đã đọc ngấu nghiến cuốn sách tới mức thuộc lòng từng nước cờ và chiến lược trong sách. Mỗi đêm trước khi ngủ, Beth sẽ lấy thuốc an thần của trại trẻ mà mình đã giấu để uống. Mục đích là trong cơn ảo giác, Beth sẽ mường tượng được bàn cờ vua trên trần nhà, và cô bé sẽ chơi bàn cờ tưởng tượng trong tâm trí đó. Chính vì quá trình luyện tập không ngừng trong điều kiện gian khó đó, chẳng mấy chốc Beth nổi lên như một kỳ thủ thiên tài, một hiện tượng của nước Mỹ ở thập niên 1960, và sau này là trở thành nhà vô địch cờ vua thế giới.
Trở về câu chuyện của thời hiện đại, nếu so với Beth, chúng ta sở hữu nhiều điều kiện tốt hơn cô bé nhiều. Bàn cờ vua có thể đặt mua trên mạng, còn cách chơi cờ có thể học trên Youtube, Google, sách vở, nói chung không thiếu tài liệu để ta tự học chơi cờ vua. Nhưng bao nhiêu người trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để tự học một kỹ năng mới ở thời buổi này?
Khó, phải nói là rất khó, khi chung quanh ta được bao bọc bởi những chuyện dễ dàng, dễ đạt được. Nào Facebook, nào Youtube, nào phim ảnh, nào truyện tranh, có hàng tá thứ hấp dẫn như mì ăn liền dành cho tâm trí. Khi ta mệt mỏi, ta bực dọc, ta khó chịu, vào lướt Facebook, Instagram hay xem Youtube một phát là vui ngay, và ta tạm thời quên đi những cảm giác mệt mỏi, bực dọc, khó chịu kia. Và rồi ta chìm dần trong cảnh sống trong cái sướng, mình đã quen sướng rồi, không tài nào bắt tâm trí chịu khổ được. Sự tập trung, không xao nhãng là một trong những kỹ năng khó rèn luyện nhất ở thế kỷ 21.
Hành trình “vượt sướng” của mình từ nhỏ
Là một người thuộc lứa 9x đời đầu, mình may mắn được sinh ra trong điều kiện sống khá giả. Ngay từ nhỏ, mình đã sớm nhận thức được sự khác biệt về mặt giàu-nghèo giữa mình và những bạn bè xung quanh, cả ở thành phố lẫn ở quê.
Chẳng hạn, nhà mình là nhà đầu tiên sắm TV màu, đầu băng video, lẫn xe máy trong khắp cả xóm. Những đứa trẻ nhà hàng xóm phải tới nhà mình xem ké băng hoạt hình, và trong khi ba mình chở mình đi học bằng xe máy thì nhiều đứa bạn trong xóm phải đi bộ tới trường.
Mình còn nhớ hoài một câu chuyện hồi cấp hai, khi mình đi học luôn mặc áo trắng tinh tươm như quảng cáo bột giặt Omo, còn nhiều đứa bạn trong lớp mặc chiếc áo cũ mèm đã gần thành màu cháo lòng. Có một đứa bạn ngồi gần mình từng hỏi một câu làm mình tự thấy xấu hổ: “Nhà mày làm siêng quá ha, ngày nào đi học cũng ủi đồ thơm phức”. Thực ra, đồ mình mặc rất ít khi ủi, mà chủ yếu do nhà mình xài nước xả vải nên mới có mùi thơm như lúc mới ủi đồ xong, còn đa số gia đình thời đó chỉ giặt bằng Omo rồi phơi nên không bao giờ có mùi thơm đó được.
Lần đầu tiên trong đời, mình thấy xấu hổ vì nhà mình có điều kiện hơn bạn bè, và chính sự có điều kiện đó vô tình làm tăng khoảng cách giữa bạn bè với nhau. Chính sự xấu hổ đó tạo cho mình một mặc cảm khi mặc đồ mới, mang cặp mới, mang giày dép mới, và thường là mình phải để cho những món đồ mới đó cũ đi và bay màu theo thời gian thì mới dám lấy ra xài. Từ một người thích mặc áo trắng lúc nhỏ, về sau mình chỉ mặc áo tối màu, vì không muốn màu trắng của mình quá nổi bật so với bạn bè. Thứ màu trắng có thể làm tổn thương nhiều người khác.
Sau này khi trở thành sinh viên và sống tự lập xa gia đình, mình lựa chọn tạo dựng cho mình một lối sống “khổ hạnh” để rèn luyện nghị lực vượt sướng.
Mình chọn ở kí túc xá trong một phòng tập thể chen chúc 8 người để làm quen với lối sống tập thể của một sinh viên, trong khi mình có đủ điều kiện để ở trọ riêng một phòng hạng sang lúc bấy giờ.
Mình chọn đi bộ từ kí túc xá đến trường, sau này là đạp xe rồi đi xe buýt dưới cái nắng oi ả của làng đại học Thủ Đức, dù nhà mình nhiều lần đòi gửi xe máy vào để mình đi lại cho tiện.
Sau này chuyển ra ở trọ tại một chung cư, mình chọn ngủ dưới sàn nhà thay vì mua giường hay mua nệm, để rèn luyện sự thích nghi với cảm giác khó chịu. Ai đã từng ngủ nệm quen sẽ biết cảm giác ngủ dưới sàn nhà khó chịu như thế nào, nhưng tới giờ, và mình đã ngủ quen như thế được 10 năm.
Dù có mức thu nhập tương đối cao, nhưng mình vẫn chọn ở trọ tại một nơi xa thành phố và mỗi ngày mất 2 tiếng đi đi về về, để rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn vượt qua những khó chịu mỗi ngày trên đường giờ tan tầm.
Mình không thích ăn hành, nhưng mỗi lần mua đồ ăn ngoài mình cứ để người bán bỏ hành, và về nhà mình sẽ nhặt từng cọng hành ra, xem như một cách để rèn luyện sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Trên đây chỉ là mấy ví dụ điển hình, trong nhiều chuyện khác mà mình cố tình sắp đặt trong cuộc sống của mình để rèn luyện nghị lực “vượt sướng” cho bản thân. Có thể nhiều bạn đọc sẽ thấy tại sao phải “tự ngược”, tự hành hạ bản thân mình làm gì? Xin nói rõ, ở đây mình chủ động lựa chọn như vậy để rèn luyện bản thân trở thành con người mình muốn trở thành. Chính quá trình rèn luyện này mới tôi luyện được một phần nội lực mạnh mẽ bên trong mình, bên cạnh những yếu tố kiến tạo nội lực khác. Mà thử nghĩ, nếu sống trong cảnh chăn ấm nệm êm, tiện nghi vật chất đầy đủ, thì lúc đó mình nghĩ con người mình sẽ rất dễ dãi và chỉ thích làm việc nhẹ nhàng thôi.
Khi đó, mình sẽ không còn là mình của thì hiện tại, người đang viết ra những dòng này gửi tới bạn. Và trang blog này lúc đó cũng không tồn tại, vì việc gì phải mất thời gian viết lách hại não tốn công trong khi nằm chơi Facebook, Instagram hay xem Youtube có phải sướng hơn không?
Nếu bạn không “may mắn” như mình, hoàn cảnh và tuổi thơ bạn đã trải qua nhiều khốn khó, thì xin chúc mừng bạn. Thứ bạn có được bây giờ là một thứ nghị lực không phải người có điều kiện nào có được. Đó cũng là quy luật bù trừ, bạn nên lấy làm vui.
Nhiều bạn trẻ bây giờ, chính vì quen sống trong cái sướng, khi vào đời các bạn luôn đòi hỏi cuộc đời phải dọn sẵn mâm cơm cho mình ăn. Và còn rất nhiều vấn đề phát sinh đối với những bạn đã quen sống trong sự bảo bọc của cha mẹ và người thân trong gia đình. Dù đã tốt nghiệp ra trường và vào đời đi làm, tư duy của các bạn vẫn dừng lại ở mãi mãi tuổi mười tám. Bởi lẽ, nếu cuộc đời có làm gì không phải với các bạn, thì vẫn có gia đình làm hậu phương vững chắc lo cho, nên các bạn rất sợ va vấp, sợ bị tổn thương, sợ thử thách, sợ dấn thân, sợ nhận phản hồi, nói chung là sợ đủ thứ. Cuối cùng, các bạn vẫn chỉ là những đứa trẻ nơi công sở, chứ chẳng bao giờ trưởng thành được.
***
Ở bài viết này, mình chỉ muốn đặt ra một nan đề, và gợi lên một góc nhìn để bạn suy ngẫm về chính bạn, về cuộc đời bạn và về thời cuộc. Chúng ta đang sống trong một thời đại như thế nào, chúng ta đã trở nên dễ dãi ra sao. Và nếu không ý thức được chuyện này để rèn luyện cho mình một nghị lực vượt sướng, một ngày nào đó chúng ta sẽ có một thế hệ như zoombie thế kỷ 21.
2 bình luận
Lướt web tìm chủ đề vượt sướng thì bắt gặp bài viết này. Một bài viết hay và mình thấy rất đồng cảm với bạn. Mình cũng là 9x gần đời đầu, nhà mình thì k phải là giàu có hơn người khác, so về gia cảnh k bằng bạn Nhưng mình may mắn là có nhà ở thủ đô, k phải đi thuê trọ. Hồi xưa đi học mình toàn học chung với các bạn ở HN nên k thấy khác biệt gì. Nhưng khi lên đại học, đi làm rồi mới cảm thấy mình sướng hơn rất nhiều ng. Ai hỏi quê ở đâu và nói mình ở đây thì cảm giác mình đc ngưỡng mộ hơn. Nhưng đúng là mình cũng phải hơi chật vật trong việc “vượt sướng”. Cảm giác mình đi làm đúng là phải vì tiền, nhưng mình ko làm với một thái độ nghiêm túc và hết mình đc như các bạn ở tỉnh khác. Và có nhiều thứ vì ở vs gia đình quá lâu nên cảm thấy mình ko tự lập và hay bi lo nghĩ. Nhiều lần muốn ra ở riêng nhưng lại sợ, thế là vẫn ko dám. Thật sự là cũng đang cố gắng từng bước để vượt sướng và sống độc lập hơn.
Chào Quyên,
Quả thực những bạn sống ở các đô thị lớn có nhiều đặc quyền hơn so với các bạn ở tỉnh lẻ. Nội chuyện không phải trả tiền thuê nhà, điện nước hay chi phí sinh hoạt, ăn uống mỗi tháng là các bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, gần như mỗi tháng lãnh lương là lãnh được nguyên cục. Còn dân tỉnh lẻ như mình mỗi tháng đều phải chi từ 1/3 – 1/2 lương cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản để sống tạm gọi là thoải mái. Có lẽ vì vậy mà mình thường thấy các bạn thành phố (nhất là gen Z) có phần tiêu pha mạnh tay hơn, ví dụ có thể uống Starbucks hay Phúc Long mỗi ngày, hay xài những thiết bị điện tử mới nhất. Nếu dân thành phố như bạn biết tận dụng lợi thế này, đó có thể là một đòn bẩy lớn để hướng tới sự an toàn và tự do tài chính, cũng như giúp bạn thực hiện những mục tiêu lớn lao hơn trong cuộc sống của bạn.
Việc tách ra ở riêng khỏi gia đình để “vượt sướng” theo mình không cần thiết lắm, vì nó giống như bạn phải cố chối bỏ những điều kiện thuận lợi bạn đang được hưởng. Thay vào đó, bạn có thể nghĩ tới những hướng khác xa hơn, ví dụ như chuyển tới một thành phố khác sinh sống và làm việc, hay ra nước ngoài học tập và sinh sống,… Khi đó bạn mới có đủ không gian để phát huy khả năng độc lập và tự xoay xở của bản thân.