Ảnh: Unsplash

Có một lần, mình tiến hành một thử nghiệm nhỏ bằng việc hỏi ba bạn làm content mình quen về một chiếc bìa sách của Nhã Nam có tựa Chúng ta học thế nào. Câu hỏi mình đặt ra là: “Khi xem chiếc bìa sách này, bạn có nhận ra vấn đề gì trên bìa không?”. Mục đích thử nghiệm nhằm kiểm tra xem các bạn – những người làm nội dung am hiểu về chữ nghĩa và kỹ tính – có nhận ra một lỗi rõ rành rành trên bìa là tựa sách bị thiếu mất dấu chấm hỏi trong khi đây là câu hỏi.

Câu trả lời từ các bạn khiến mình hoàn toàn bất ngờ – nào là bố cục thiết kế rời rạc và lộn xộn quá, nào là dùng nhiều font chữ quá nên nhìn bị rối, nào là thiết kế này bị hoạt họa quá không hợp nội dung nghiêm túc của cuốn sách. Ở góc độ của một người làm content, thay vì chú tâm vào nội dung tựa sách, cách dịch tựa hay những câu chữ nằm trên bìa, cả ba bạn đều chăm chăm bình luận về vấn đề thiết kế bìa – một phạm trù nằm ngoài chuyên môn của các bạn.

Từ thử nghiệm nhỏ này, mình đặt ra một vấn đề: Liệu chuyên viên thiết kế đồ họa cho chiếc bìa sách ấy – vốn thuộc một công ty sách có đội ngũ designer nổi tiếng nhất nhì Việt Nam – có thiếu năng lực chuyên môn và kinh nghiệm đến mức không nhìn ra những vấn đề mà các bạn góp ý hay không? Mở rộng hơn, vì sao chúng ta lại có xu hướng thích phê bình một tác phẩm nào đó (sách, phim ảnh, sản phẩm thiết kế, công trình kiến trúc,…) trong khi chúng ta vốn chẳng có chuyên môn về thứ mình đang phê bình?

Ảnh: Unsplash

Những nhà đạo đức học trên mạng

Trong một group review phim nổi tiếng trên Facebook, một bạn đăng bài chia sẻ về những hình ảnh nhá hàng của bộ phim Emily in Paris mùa 3 sắp khởi chiếu trên Netflix cuối năm nay. Emily in Paris là series kể về một cô gái trẻ người Mỹ làm việc tại một agency quảng cáo được công ty mẹ điều động sang chi nhánh ở Paris để hỗ trợ một thời gian. Là một người Mỹ chính hiệu và quen với lối tư duy kiểu Mỹ, khi sang Pháp Emily không tránh khỏi cảnh bị sốc văn hóa và vướng vào những mối quan hệ rắc rối trong quá trình sống tại đây.

Mỗi lần có bất cứ bài viết nào giới thiệu về bộ phim này, bên dưới phần bình luận thể nào cũng có một số nhận định có phần gay gắt như sau:

  • “Bao nhiêu phim hay bị cancel còn cái phim quần què này cứ ra tiếp là sao vậy?”.
  • “Rồi cái series này nó có thông điệp hay ý nghĩa gì không hả mọi người? Ngoài việc một con bé làm trung tâm của vũ trụ cái gì cũng về tay nó mà không cần cố gắng gì cả.”
  • “Xem phim này thì đừng có xài não. Tiểu tam Emily kém duyên, ích kỷ ngủ với bồ bạn thân rồi chén luôn cả em trai của bạn.”

Buông ra một lời phê bình thì rất dễ dàng và nhẹ hều, nhưng có bao giờ bạn công tâm suy xét lại những gì mình phê bình vốn dĩ đã hợp lý hay chưa? Ví như chuyện có một số bộ phim hay thường bị Netflix ngưng không sản xuất nữa, nhưng có một số bộ phim bị chê như Emily in Paris thì cứ ra mùa mới đều đều mỗi năm. Ở cương vị của một nhà sản xuất và là dịch vụ streaming có 25 năm tuổi đời như Netflix, đội ngũ chuyên gia của họ thừa biết công thức nào để sản xuất nên một bộ phim ăn khách và họ là một đơn vị kinh doanh nên chạy theo thị hiếu của khách hàng là lẽ thường tình.

Ảnh: Phim “Emily in Paris”

Có những bộ phim Netflix sản xuất thử nghiệm, nếu chiếu mùa đầu mà lượt xem quá thấp thì xác định lỗ vốn, dù cho bộ phim ấy có thể cực kỳ hay đối với một ngách khán giả nhất định, nhưng cái ngách ấy quá nhỏ để có thể gồng gánh chi phí sản xuất một bộ phim lên cả vài triệu đô. Có bao nhiêu khán giả ở Việt Nam sẵn sàng đóng phí vài trăm ngàn mỗi tháng cho gói subscription của Netflix để xem những bộ phim bạn thích nhằm góp phần tăng doanh thu cho hãng hay đóng góp vào lượt stream (lượt xem) của một bộ phim? Hay có vô số khán giả vẫn đang xem chùa rồi đi bình luận vì sao Netflix lại cancel phim hay?

Dù ai chê gì thì chê, không thể phủ nhận thực tế là mỗi lần Emily in Paris lên sóng mùa mới thì phim luôn nằm trong top đầu các bộ phim có lượt xem khủng của hãng. Và có một sự thật đáng ngạc nhiên là có nhiều người tuy mở miệng chê Emily luôn mồm nhưng khi phim ra thì vẫn cứ lội vào để xem. Một ví dụ thực tế khác, bạn cứ thử lên YouTube và xem top 10 video trending, đa phần video được hàng triệu người Việt Nam quan tâm hiện tại đều là những chương trình gameshow giải trí, chương trình hài hay MV ca nhạc, tuyệt nhiên không có một chương trình khoa giáo hay hàn lâm học thuật nào. Điều này phản ánh một vấn đề là thị hiếu của đám đông gắn liền với nhu cầu giải trí, người ta xem YouTube hay coi Emily in Paris là để giải trí mua vui, chứ không ai lên YouTube coi giáo sư tiến sĩ giảng bài hay muốn nghe Emily dạy về chân lý cuộc sống.

Ảnh: Phim “Emily in Paris”

Cá nhân mình xem Emily in Paris cũng với mục đích giải trí và bộ phim hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của mình ngoài mong đợi, từ những cảnh quay siêu đẹp về một Paris lãng mạn trữ tình, dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp, nữ chính Lily Collins được mệnh danh là nàng Bạch Tuyết của xứ Anh (từng đóng bộ Love, Rosie rất hay) cho đến thế giới thời trang trong phim cùng đề tài xung đột văn hóa Mỹ – Pháp rất thú vị. Nói về vấn đề đạo đức, ngay từ đầu bộ phim đã đặt ra tiền đề “Bạn chưa sống đúng kiểu Paris nếu chưa có ít nhất một mối quan hệ trái luân thường đạo lý”. Để minh họa cho điều này, bộ phim cho thấy cô sếp của Emily – một người Paris chính gốc – tuy đã có gia đình nhưng vẫn có thể cặp kè qua lại với các đối tác làm ăn của mình, và phim cho khán giả biết rằng ở Paris người ta xem chuyện như vậy là hết sức bình thường.

Lẽ vậy, không có gì lạ khi Emily dần vướng vào mối quan hệ phức tạp với người yêu của cô bạn mình hay cả em trai của bạn – một dụng ý của biên kịch để tô đậm tiền đề mà bộ phim nêu ra (ngay cả tình huống Emily ngủ với cậu em trai của cô bạn cũng là vì cứ tưởng đó là người đã thành niên và anh chàng là người chủ động gạ gẫm trước chứ cũng chẳng phải cô mồi chài). Đa số khán giả Việt Nam xem phim với nhãn quan của người Á Đông khó chấp nhận được cảnh “trà xanh” hay “tiểu tam”, họ đem gán cái nhãn này lên Emily để lên án trong khi đối với bối cảnh văn hóa của bộ phim thì người bản địa có thể chấp nhận được những chuyện đó. Giờ thử lật ngược lại vấn đề, nếu Emily là một cô gái hết sức cổ hủ và nghiêm túc, ngoài chuyện công việc ra thì không lằng nhằng tình cảm với ai cả, vậy thì Emily in Paris có lẽ nên đổi tên thành Emily in agency.

Ở nhiều bộ phim khác mình từng xem, có không ít bình luận theo kiểu: “Xem bỏ não qua một bên thì được, chứ xem mà để nghiền ngẫm rút ra bài học thì dẹp nha”. Thực ra đối với những bình luận kiểu này, góc nhìn của người bình luận đã có vấn đề. Bởi lẽ nếu bạn xác định xem phim để “nghiền ngẫm rút ra bài học”, tốt hơn hết bạn nên tìm xem những bộ phim đoạt giải Oscar hay Grammy, hay những bộ phim do các đạo diễn nổi tiếng thế giới sản xuất, trong đó có vô vàn tầng tầng lớp lớp ý nghĩa để suy ngẫm. Nhưng không phải ai tìm đến phim ảnh cũng có nhu cầu rút ra bài học và đúc kết chân lý cả, ở ngoài kia người ta rao giảng đạo lý đã quá nhiều rồi, phần nhiều bây giờ khán giả xem vì nhu cầu giải trí thư giãn. Bạn không thể lựa chọn một bộ phim như Emily in Paris để xem rồi phê bình phim chẳng có bài học gì sâu sắc.

Ảnh: Unsplash

Cảm thụ thay vì phê bình

Quen biết với một số admin của các group đọc sách trên Facebook, có một điểm mình rất đồng cảm với các bạn, đó là hiện tượng “chê bôi” về một cuốn sách nào đó (hay thậm chí chê luôn cả dịch giả và công ty xuất bản) chỉ vì đôi ba lỗi chính tả, lỗi trình bày hay lỗi diễn đạt. Nếu bạn là thành viên của một group đọc sách bất kỳ, không khó để bắt gặp một bài viết nào đó chụp một vài trang trong sách kèm dấu highlight hay khoanh tròn đỏ bắt lỗi, rồi sau đó dưới phần bình luận sẽ là hàng loạt “nhà phê bình” cảm thán về chất lượng xuất bản ngày càng đi xuống, dịch giả ngày càng tệ, biên tập ngày càng thiếu năng lực và các công ty xuất bản làm ăn ngày càng cẩu thả.

Để lý giải được những vấn đề trên thì đòi hỏi bạn phải là người trong cuộc và hiểu chuyện trong nghề, còn không thì mọi sự nhận định chỉ mới dừng ở tầng bề mặt. Đa số người chê trên tinh thần mạt sát chứ không phải góp ý mang tính xây dựng. Bởi lẽ nếu bạn muốn thật lòng góp ý một vấn đề trong một cuốn sách, có nhiều cách để bạn liên hệ với công ty phát hành cuốn sách đó như gửi email hay tin nhắn trên fanpage của họ, hay thậm chí có thể gọi trực tiếp hotline phản ánh. Bên công ty xuất bản mình làm, từng có độc giả gọi tới hotline Ban Biên tập để hỏi xem một tác giả là sư thầy hay sư cô, vì đọc sách thấy tò mò quá mà không có hình tác giả nên muốn tìm hiểu, và bên mình vẫn vui vẻ giải đáp cho bạn độc giả ấy.

Bản thân mình là một người làm sách, khi đọc một cuốn sách của nhà khác làm mà thấy lỗi morasse (chính tả, đánh máy) hay lỗi dịch, biên tập thì mình vẫn hay note lại rồi gửi email góp ý cho họ xem xét chỉnh sửa trong lần tái bản sau. Mình làm việc này một cách thầm lặng chứ không ai mượn và mình cũng không có nhu cầu vào các group Facebook để “vạch lá tìm sâu” để thể hiện rằng mình giỏi và có khả năng nhìn thấy lỗi sai của người khác. Nhìn một điểm đen trên tờ giấy trắng thì lúc nào cũng dễ hơn nhìn vào khoảng giấy trắng tinh còn lại.

Ảnh: Unsplash

Có lần một người bạn gửi cho mình đường link một bài báo về vụ việc những người Việt Nam bị nhốt ở sòng bạc Campuchia và bị đánh đập tàn nhẫn ra sao. Khi đọc hết bài báo, mình bình luận với người bạn rằng: “Dễ tin người quá chứ làm gì có cái gọi là việc nhẹ lương cao. Đúng là lòng tham dễ làm người ta mù quáng”. Bản thân mình là một người từng học Báo chí nhưng vẫn bị rơi vào cái bẫy định hướng dư luận qua thông tin do bài báo cung cấp, khi tin rằng nguyên nhân họ bị lừa gạt chỉ vì niềm tin rằng có cái gọi là “việc nhẹ lương cao”. Thay vì đồng cảm và thấu hiểu với hoàn cảnh của các nạn nhân, mình buông ra một lời phê phán nhẹ hều theo một cách rất bản năng.

Sau đó mình có đọc được một bài viết phản biện khác của chị Khải Đơn, một đàn chị khóa trên và cũng là người quen của mình trên Facebook, trong đó chị chia sẻ một góc nhìn khác cận nhân tâm hơn về cuộc sống thực tế của những nạn nhân đó và những gì đã đưa đẩy họ đến lựa chọn sang Campuchia đi tìm “việc nhẹ lương cao”. Khi đọc bài viết ấy, dưới góc nhìn của một cây bút chuyên viết về xã luận, mình phải nhìn lại thái độ có phần chế giễu và phê phán của bản thân về những nạn nhân đó và thấu cảm với họ nhiều hơn. Mình, vốn dĩ chỉ là một người ngoài cuộc, không am hiểu gì về cuộc sống của những nạn nhân ấy và cũng chẳng phải là một nhà xã hội học, để có thể đưa ra một bình luận vô cảm như vậy.

Tuy bản thân mình từng nhiều lần viết về sự thấu cảm, bớt phán xét, thay đổi góc nhìn, thay đổi khung nhận thức, v.v. nhưng cũng chính mình trong một số trường hợp lại đi phê phán người khác thẳng thừng. Sự khác biệt có lẽ chỉ nằm ở việc sau khi phê phán xong, mình ý thức được là mình đang phê phán người khác và cái sự ý thức đó làm mình giật mình và phải phản tư lại – nhưng đối với một số người thì họ không ý thức được về những gì họ đang làm và vẫn tiếp tục làm điều đó từ ngày này qua tháng nọ.

Ảnh: Unsplash

Theo lĩnh vực sinh học tiến hóa, bản năng của loài người là ghi nhớ và khắc sâu những tín hiệu tiêu cực nhiều hơn là những điều tích cực. Chính khả năng nhạy bén với những điều tiêu cực mới khiến tổ tiên chúng ta sống sót với những cạm bẫy luôn rình rập xung quanh, như dè chừng thú săn mồi, để tâm những tiếng động đáng sợ và ghi nhớ những loài thực vật có độc. Nhưng một người tối cổ sống lạc quan và vô ưu vô lo ngược lại có thể đoản mệnh vì những hiểm họa và gene lạc quan của họ đã sớm bị tuyệt diệt. Qua lịch sử tiến hóa hàng ngàn năm, gene vị kỷ và ấn tượng với những điều tiêu cực mới là thứ giúp cho nhân loại sinh tồn được đến ngày nay, và chúng vẫn còn hiện hữu trong mỗi người chúng ta thông qua những cách hành xử hết sức bản năng.

Gần đây mình có một trải nghiệm khá tiêu cực, khi một bài viết trên fanpage Tiệm sách Tà Lơn về vấn đề ý thức bản quyền bỗng nhiên được viral với hàng trăm lượt thích và chia sẻ, dẫn tới việc có một vài bạn vào bình luận công kích về việc mình đang nói về bản quyền nhưng cái hình minh họa mình dùng thì lại không dẫn nguồn hình. Mình không phủ nhận những gì các bạn ấy góp ý, vì trước giờ mình không có thói quen phải dẫn nguồn mọi thứ mình viết trên blog hay trên page như các nơi chuyên nghiệp vẫn làm. Đơn giản chỉ vì ở đây mình không phải viết sách hay xuất bản một công trình nghiên cứu đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác về mặt khách quan khoa học, chiếc blog hay cái page chỉ là một nơi mình viết linh tinh, ai có duyên và thích thì ghé đọc chứ bản thân mình không mưu cầu sự nổi tiếng hay có nhu cầu viral, cho nên mình rất xuề xòa với chuyện dẫn nguồn.

Có nhiều cách để góp ý một cách nhã nhặn và lịch sự hơn, nhưng các bạn ấy lựa chọn công kích mình với lời lẽ khá bất lịch sự và khiếm nhã – và những ngôn từ tiêu cực này tuy không đả kích mình quá nhiều nhưng vẫn làm mình khó chịu. Trải nghiệm này làm mình nhớ tới chuyện một anh bạn là tác giả có ký tặng trên đợt sách in lần đầu của anh, nhưng có lẽ vì chữ ký của anh đơn giản quá nên bị một số độc giả mua sách hiểu nhầm là ai đó viết nguệch ngoạc vào sách. Một bạn đã chụp lại hình chữ ký ấy đăng lên một group đọc sách và hàng loạt người nhảy vào chê bai: “Thằng tác giả nào ký xấu như chó, vote 1 sao là đúng rồi”, “Quả chữ ký xấu thế kia thì xứng đáng bị bán ế”, “Ký không có tâm, vậy mà cũng bày đặt viết sách”,…

Khi lướt qua hàng ngàn bình luận tiêu cực như vậy, anh cảm thấy choáng váng, khó thở nhưng không thể dừng lại được mà vẫn tiếp tục đọc những lời phê bình gay gắt đó để rồi tự làm tổn thương mình. Vấn đề mà những người phê phán đó không biết là anh là một cây bút xuất sắc như thế nào, một người am hiểu tâm lý có thể nói là sâu sắc nhất mà mình từng gặp và nội dung cuốn sách đó thú vị ra sao – chỉ đơn giản là họ chưa bao giờ bỏ ra ít thời gian để tìm hiểu về cái người họ đang phê phán. Họ không biết rằng đằng sau cái tên đó cũng là một con người với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố không khác gì họ.

Ảnh: Unsplash

Mỗi ngày lên mạng, đọc bình luận hay bất cứ bài viết nào, bạn cũng rất dễ bắt gặp những “nhà phê bình” có mặt nhan nhản khắp nơi, dù cho cái vấn đề họ phê bình đôi khi còn chẳng phải là chuyên môn hay lĩnh vực họ am tường. Chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra 100 điểm xấu ở người khác, nhưng bảo liệt kê 10 điểm tốt ở họ thì lại rất khó khăn và phải vặn vẹo suy nghĩ một hồi mới ra, vì tâm lý chúng ta ưa chê hơn là khen. Ai cũng có thể dễ dàng xổ ra cả tá lời chê về một thứ gì đó, nhưng nếu hỏi họ “Vậy có thể làm sao để tốt hơn?”, thì bỗng dưng họ im bặt. Nếu không có chuyên môn hay am hiểu về lĩnh vực bạn sắp sửa nhận xét, tốt hơn hết bạn nên cẩn trọng về lời nói của mình, vì ngôn từ tiêu cực có tính sát thương rất cao.

Một xã hội vận hành bằng những lời phê phán chỉ trích nhau chỉ là một nơi cộng dồn những năng lượng tiêu cực và hằn học. Hãy nhớ định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác”. Năng lượng tiêu cực mà bạn phóng xả ra người khác có thể hủy hoại tâm trạng của một người. Càng phóng xả năng lượng tiêu cực, chúng ta chỉ đang làm cho cuộc đời chung trở nên mệt mỏi hơn chứ chẳng đóng góp được lợi ích gì cho bầu không khí chung mà mình đang sống. Thậm chí những câu cửa miệng như “Chê nha” hay “Xin phép chê” còn nổi lên như một hot trend, để rồi sẽ ghi khắc vào phần vô thức tập thể của lớp thế hệ hiện tại và kế cận về việc sống mà chỉ biết chăm chăm vào chê bai người khác.

Ảnh: Unsplash

Hãy nhớ lại quãng thời gian khi bạn còn là một đứa trẻ và nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng trong, bạn nhìn nhận thế giới với sự hồn nhiên vô tư mà không có chút nào thành kiến. Khi xem một bức tranh, đọc một cuốn sách, coi một bộ phim,… bạn có thể mở rộng lòng mình mà đón nhận tất cả mọi thứ với sự háo hức và không phán xét.

Lúc nhỏ, bạn không bao giờ chê một bức tranh là rối rắm và bố cục không hài hòa, một cuốn sách là dịch vớ vẩn hay đầy lỗi chính tả, hay một bộ phim là nhảm nhí và chẳng có gì sâu sắc. Nhưng khi trưởng thành, không biết từ bao giờ bạn nhìn thế giới với quan điểm của một người lớn, đầy thành kiến và hằn học. Cha mẹ, thầy cô, xã hội và cuộc đời này đã làm điều gì mà bạn thay đổi đến thế?

Thế gian đã có lắm nhà phê bình, nhưng lại quá ít người cảm thụ để thấy được những cái hay, cái đẹp của một tác phẩm hay ở nơi người khác. Nếu một mai bạn muốn sống khác, hãy học cách làm người cảm thụ thay vì nhà phê bình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.