Có bao giờ khi đi làm, bạn rơi vào trạng thái đôi lúc làm việc mà cảm thấy chán nản, nửa muốn nghỉ việc, nửa lại không? Hay mỗi cuối tháng đến khi điện thoại ting ting báo lương về, bạn lại cảm thấy vô cảm với con số tăng dần trong tài khoản? Nếu trạng thái này thi thoảng hoặc thường xuyên xảy ra, đó là dấu hiệu cho thấy bên trong bạn đang khuyết thiếu một thứ gì đó mà công việc hiện tại không thể bù đắp được vào phần khuyết thiếu ấy. Hoặc bạn đang cần một sự thay đổi gì đó lớn lao và mang giá trị cao hơn những thứ nhàm chán bạn đang làm lặp đi lặp lại ở hiện tại.
Trong bộ phim Hè rồi, nghỉ việc thôi (Summer Strike) mới lên sóng gần đây của Hàn Quốc, nhân vật nữ chính Yeo Reum (diễn viên Seol Hyun thủ vai) cũng rơi vào trạng thái chán chường như thế. Cô làm việc tại một nhà xuất bản nhỏ, mỗi ngày đi làm đều trong tâm thế vội vàng hối hả, guồng quay công việc ngày nào cũng tất bật bí bách như ngày nấy. Đến nỗi trong nhiều giấc mơ của Yeo Reum, cô thường hay thấy cảnh mình đi trễ trong nhiều bối cảnh khác nhau và bị mắc kẹt lại bên ngoài – khi thì trễ thi, khi thì trễ tàu điện ngầm,… Về phân tâm học, giấc mơ cũng là một dấu chỉ nơi tiềm thức trỗi dậy, qua giấc mơ của Yeo Reum có thể thấy được bên trong cô lúc nào cũng thường trực sự lo lắng và bất an.
Kể từ khi tốt nghiệp ra trường, Yeo Reum kiên trì làm việc tại công ty đầu tiên đó bốn năm liên tục. Nhịp sống đều đặn của cô bỗng một ngày đột nhiên bị phá vỡ bởi một loạt biến cố ập tới: người bạn trai quen từ thời sinh viên chia tay vì quá chán cô, bài thuyết trình sản phẩm với giám đốc mà cô kỳ công chuẩn bị lại bị sếp cướp công nẫng tay trên, mẹ cô mất đột ngột trong một vụ tai nạn. Tất cả những biến cố ấy cộng dồn lại như một cú knock-out hạ gục Yeo Reum, khiến cô mệt mỏi tới mức ngủ quên và trễ giờ làm, lỡ chuyến tàu điện ngầm đến công ty. Sau rốt, những giấc mơ ám ảnh cô suốt một thời gian dài cuối cùng cũng trở thành sự thật.
Dừng lại để sống chậm
Ở khoảnh khắc Yeo Reum bỏ lỡ chuyến tàu và mắc kẹt ở ga tàu, cô bất chợt nhìn thấy vài cánh hoa bay dưới chân. Khi ngước ra ngoài cửa sổ nhà ga, cô ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng hoa anh đào bung nở rực rỡ dọc theo tuyến đường. Hóa ra tiết trời đang vào xuân và hoa anh đào nở rộ đẹp đến thế, mà bao lâu nay cô không buồn để tâm dù vẫn đi tuyến đường đó mỗi ngày. Trong giây phút rúng động bất chợt ấy, Yeo Reum quyết định leo lên chuyến tàu đi ngược hướng lộ trình hằng ngày, tức từ thủ đô Seoul đi ngược lại về vùng ngoại ô. Nếu như mỗi buổi sáng tàu điện ngầm từ ngoại ô vào Seoul đông đen chen chúc bao nhiêu, thì chuyến tàu ngược lại tĩnh lặng và vắng vẻ bấy nhiêu. Ngồi trên tàu, Yeo Reum nhìn ra ngoài cảm nhận không khí của mùa xuân và đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của đời mình: nghỉ việc.
Không còn gì níu kéo lại ở Seoul, Yeo Reum quyết định trả nhà trọ, thanh lý hết đồ đạc, thực hiện một chuyến du lịch bụi đi chơi đây đó trong một năm. Giống như hầu hết người trẻ bây giờ, tuy Yeo Reum đi làm suốt bốn năm nhưng khi tổng kết lại thì tài khoản ngân hàng của cô chỉ có vỏn vẹn khoảng 500.000 won (gần 10 triệu đồng), bởi lẽ cô đã tiêu tốn quá nhiều vào quần áo, giày dép, mỹ phẩm và những thú vui giải trí. Sau khi mẹ mất, cô được thừa kế một phần tài sản là 5 triệu won (gần 100 triệu đồng), trong khi người anh trai tham lam đã giành căn nhà và phần lớn tài sản khác. Nhờ khoản kinh phí đó mà Yeo Reum mới đủ tự tin để nghỉ việc và không làm gì cả trong một năm tới.
Điểm đến đầu tiên của Yeo Reum trên chuyến hành trình là ngôi làng nhỏ Angok ven biển, vì quá thích thư viện nhỏ nơi đây nên cô quyết định dừng chân và thuê nhà ở hẳn ngôi làng này. May mắn thay, Yeo Reum tìm được một tòa nhà bỏ hoang được cho thuê với giá rẻ như cho, chỉ với 50.000 won mỗi tháng (gần 1 triệu đồng), sau đó cô mới biết hóa ra nơi đây từng xảy ra án mạng nên mới có giá như vậy. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, Yeo Reum quyết định tự nấu ăn, mỗi ngày chỉ chi tiêu trong giới hạn 10.000 won (200 ngàn đồng) và chỉ mua sắm những gì thực sự cần thiết. Từ bỏ cuộc sống hối hả nơi đô thị sầm uất, Yeo Reum đã bắt đầu dừng lại và sống chậm như thế.
Nghỉ ngơi và không làm gì cả
Ở ngôi làng Angok, mỗi ngày Yeo Reum ngủ nướng cho tới bảnh mắt, sau đó ăn sáng rồi đi bộ tới thư viện đọc sách. Từng làm việc ở nhà xuất bản và yêu thích sách, nhưng đã lâu rồi Yeo Reum chưa có thời gian thảnh thơi để đọc trọn vẹn một cuốn sách. Vì lẽ đó mà thư viện nhỏ nơi đây như chốn thiên đường của Yeo Reum, mỗi ngày cô đều tới thư viện và đóng đô từ sáng đến chiều, đọc từ cuốn sách này đến cuốn sách khác mà không biết chán. Và cũng tại nơi đây, Yeo Reum vô tình quen biết được anh chàng thủ thư Dae Bum điển trai (diễn viên Im Si Wan thủ vai, anh này có đóng bộ phim Misaeng: Incomplete Life rất hay mà mình từng review), hướng nội, nhút nhát và ngại giao tiếp với người lạ.
Cả ngôi làng Angok chỉ có mỗi một thư viện, và trong cả thư viện từ ngày này qua tháng nọ chỉ có mỗi một vị khách thường xuyên ghé mỗi ngày là Bom, cô bé học sinh cấp ba thường hay trốn học vào thư viện ngồi vẽ tranh. Sự xuất hiện của Yeo Reum như đem lại một luồng sinh khí mới cho ngôi làng Angok nói chung cũng như thư viện nói riêng, khi từ nay có thêm vị khách thứ hai thường hay túc trực ở thư viện mỗi ngày. Trong những tập đầu của phim, mỗi nhân vật cứ mạnh ai nấy sống trong góc riêng của họ, ở phần đời riêng của họ như những đường thẳng song song, thi thoảng mới chạm mặt và chào xã giao với nhau.
Nhưng dần dà, chính những chuyện nhỏ nhặt thường ngày trong đời sống kết nối những nhân vật ấy lại gần nhau hơn. Ở Hè rồi, nghỉ việc thôi, mỗi nhân vật đều mang trong mình những nỗi đau và tổn thương trong quá khứ chưa được chữa lành, khiến họ thu mình lại và sống khép kín hơn. Như chàng thủ thư Dae Bum lúc nhỏ từng chứng kiến cảnh chị gái và mẹ chết ngay trước mặt mình, còn cha thì bị bắt vào tù. Tòa nhà bỏ hoang mà Yeo Reum đang thuê cũng chính là căn nhà mà gia đình Dae Bum từng sống trước đây, nỗi đau trong quá khứ quá lớn tới mức anh chưa bao giờ dám đặt chân vào nơi đó một lần nữa.
Cô bé Bom cũng có hoàn cảnh éo le không kém khi bị mẹ bỏ rơi hai chị em lúc nhỏ, người bố thì nát rượu suốt ngày phá làng phá xóm, một mình bà nội Bom đã già yếu phải vất vả mưu sinh để gánh vác cả gia đình trên vai. Hay cậu bạn Jae Hun thầm thích Bom là công tử bột sinh ra trong một gia đình trí thức giàu có, bố mẹ đều là giáo sư hiện sinh sống ở Mỹ, nhưng cậu lại chẳng thừa hưởng được chút gene thông minh nào từ bố mẹ mà khá chậm tiêu. Chính vì sống ở Mỹ bị bạn bè bắt nạt và cô lập do cậu phát âm tiếng Anh không chuẩn, Jae Hun bị cha mẹ gửi về nước để sống chung với một người cô làm giáo viên.
Những con người với những vết thương lòng riêng khi tụ hội lại với nhau hóa ra lại có thể mang lại niềm vui và chữa lành cho nhau. Tình bạn giữa bốn nhân vật này qua thời gian ngày càng trở nên khăng khít và gần gũi hơn rất nhiều. Giữa Yeo Reum và Dae Bum bắt đầu cũng nảy sinh tình ý với nhau.
Lựa chọn đi ngược với đám đông
Đối với những người dân ở ngôi làng Angkok, cách sống của Yeo Reum bị xem là bất thường và không giống ai, khi cô không làm việc hay lao động như bao người khác mà chỉ ở nhà và đi rong mỗi ngày. Thời gian đầu sinh sống ở đây, Yeo Reum không được lòng nhiều người và còn bị xem là sao quả tạ khi những chuyện xui rủi trong làng cứ liên tục xảy đến kể từ lúc cô dọn tới đây sinh sống. Chủ nhiệm Jo, người chị làm chung với Dae Bum ở thư viện, cũng cảm thấy chướng tai gai mắt với Yeo Reum và từng hoạnh họe cô:
– Cô không thấy bất an khi sống mà không làm gì à?
– Có chứ.
– Đúng không? Bất an mà nhỉ? Bom mà học theo cô thì phải làm sao? Cô lớn rồi nên người ta bảo là ngầu lòi này nọ. Nhưng Bom còn nhỏ. Ý tôi là nhỡ nó học theo là hỏng cả cuộc đời.
– Vậy chị không bất an ạ?
– Tôi á? Sao tôi lại bất an? Tôi là công chức mà.
– Thật ra, tôi đã mắc bệnh khi cố gắng sống theo tiêu chuẩn xã hội. Tôi đã rất mệt mỏi vì nghĩ mọi người ai cũng giỏi, và chỉ có mình là kẻ thất bại. Vì thế nên bây giờ, tôi đang cố kết thân với chính mình thay vì với người khác.
Trong suốt bốn năm đi làm, chưa có một ngày nào Yeo Reum cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm mà mỗi ngày đi làm đều là những áp lực và mệt mỏi chồng chất với gã sếp hãm tài và những đồng nghiệp luôn chèn ép mình. Cô thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản và nhiều lần từng nghĩ tới chuyện nghỉ việc, nhưng lại không đủ can đảm để nghỉ. Trong Yeo Reum lúc nào cũng thường trực cảm giác lo lắng, cô luôn lo sợ rằng nếu mình không nỗ lực làm việc và phấn đấu thì cô sẽ bị tụt lại phía sau. Và những giấc mơ đi trễ chính là một trong những dấu hiệu – xét về khía cạnh phân tâm học lẫn tâm linh – cho thấy lối sống của Yeo Reum đang có vấn đề, và cô cần phải thay đổi lối sống ấy.
Trái ngược với Yeo Reum, chủ nhiệm Jo Ji Young là một cô gái có ngoại hình lẫn học vấn làng nhàng. Sống ở một ngôi làng nhỏ như Angok, Ji Young từ lâu luôn cảm thấy chán nản với công việc tẻ nhạt ở thư viện và cuộc sống bình dị nơi đây. Cô luôn khao khát cuộc sống ở một đô thị sầm uất như Seoul và cô đã thi công chức tới 7 lần nhưng đều trượt cả 7. Con người ta quả thực là luôn ước ao những thứ mình không có chứ không bao giờ biết đủ, nếu như cuộc sống bình dị đó là thứ Yeo Reum luôn mơ ước thì Ji Young chỉ muốn cao chạy xa bay rời khỏi Angok càng sớm càng tốt. Cách xây dựng tuyến nhân vật đối lập trong Hè rồi, nghỉ việc thôi cũng là một cái tài tình của biên kịch.
Hạnh phúc trong sự đủ đầy
Trải qua một năm sống chậm ở ngôi làng Angok, cuộc sống của Yeo Reum bình lặng có mà sóng gió cũng không ít với những cao trào kịch tính gây chấn động cả ngôi làng. Cá nhân mình rất thích cách xây dựng hình tượng nhân vật Yeo Reum và tự thấy bản thân có khá nhiều điểm chung với cô, như cùng làm trong lĩnh vực xuất bản, cùng yêu thích đọc sách, hướng nội và thích một cuộc sống bình lặng. Bản thân Yeo Reum không có một mục tiêu cụ thể nào hay một cái đích để hướng tới trong cuộc sống, cô chỉ đơn giản là muốn chậm rãi trải nghiệm cuộc sống này một cách bình thản, cho bản thân một năm tự do không làm gì cả, rồi chuyện gì đến sẽ đến.
Thái độ sống này có thể đi ngược lại với quan điểm của số đông ngoài xã hội, và chính Yeo Reum cũng bị nhiều người đả kích khi chia sẻ về quan điểm sống của mình. Theo mình thì không có quan điểm nào đúng hay sai, mà chủ yếu là nó có phù hợp với lối sống mà mỗi cá nhân hướng tới hay không. Có người hướng ngoại thì thích sự chộn rộn và tất bật của nhịp sống đô thị, còn có người hướng nội thì chỉ muốn thong thả mà sống trong một thế giới yên tĩnh thanh bình. Dù không làm gì cả, nhưng chính nhờ một năm rảnh rỗi ở không nghỉ ngơi đó mà Yeo Reum đã tự chữa lành được cho chính mình. Bản thân mình cũng từng trải nghiệm một năm gap year, đến bây giờ tuy đã đi làm full-time trở lại nhưng đối với mình thì đó là giai đoạn đáng giá nhất trong 30 năm cuộc đời mình và là quãng thời gian mà mình có cảm giác thực sự được sống.
Đi qua những thăng trầm sau một năm sống chậm, Yeo Reum từng nhiều lần trăn trở về định nghĩa của hạnh phúc. Mình xin mượn lại lời của nhân vật để kết thúc bài viết này:
Tôi đã thử suy nghĩ về hạnh phúc.
Tôi tra cứu trong từ điển. Hạnh phúc là trạng thái mãn nguyện khi đạt được sự hài lòng, niềm vui, hoặc những cảm xúc tương tự trong cuộc sống.
Tôi thấy định nghĩa đó dài dòng nên đã thu gọn như thế này.
Hạnh phúc là trạng thái không khuyết thiếu.
Tôi nhìn lại một ngày đã qua.
Tôi đạp xe hết mình trong buổi sáng sớm se lạnh trước khi mặt trời ló rạng. Tôi rất mãn nguyện. Như vậy là đủ.
Tôi trở về nhà, khát nước và uống nước. Tôi nghĩ đến điều bà từng nói, nước là thứ ngon nhất trên đời. Bà nói chính xác. Như vậy là đủ.
Tôi thích tiếng phần phật khi giũ quần áo để phơi. Và tôi thích mùi hương xà phòng còn vương trên tay. Như vậy là đủ.
Tôi thích đứng trước giá sách và chọn lựa sách để đọc. Vô cùng rung động. Như vậy là đủ.
Hạnh phúc là trạng thái không khuyết thiếu, hay nói cách khác hạnh phúc nằm ở sự đủ đầy, mãn nguyện từ sâu bên trong chính bạn. Và hạnh phúc không nằm ở những nơi xa xôi hay quá đắt đỏ, mà nằm ở những điều hết sức nhỏ nhặt bình dị trong đời thường. Biết đủ là đủ, biết hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc. Bao lâu nay, bạn có đang sống hạnh phúc chưa?