“Bình thường” với bạn có nghĩa là gì? Đối với mình đó là có một công việc để làm, có một sự nghiệp để theo đuổi, có một nơi để về nghỉ ngơi, có những hàng quán mình thích, có những ngày thảnh thơi để đọc sách xem phim. Nhưng trong mùa dịch Covid, những điều tưởng chừng như bình thường ấy thì cũng không còn “bình thường” mà những thứ bất bình thường trước đây lại trở thành điều kiện “bình thường mới”.

Có những thứ đối với người này là hết sức bình thường một cách hiển nhiên, nhưng đối với người khác lại là một sự nỗ lực phi thường. Bạn có một đôi chân lành lặn để đi nhưng nhiều người sinh ra đã chẳng có chân mà đi. Bạn có một công việc ổn định nhưng với người khác công việc của họ luôn bấp bênh. Bạn ở trong một chung cư hết sức bình thường nhưng người khác phải loay hoay chống nóng trong một phòng trọ ọp ẹp cũ kỹ đến cửa sổ cũng chẳng có. Bình thường của người này là nỗ lực phi thường mà người khác phấn đấu cả đời, chưa chắc đã có được.

Trong bộ phim Misaeng: Incomplete Life (2014) mình xem gần đây, có tựa được dịch ra là Mùi đời: Cuộc sống không trọn vẹn, nhân vật chính Jang Geu Rae là một cậu trai 26 tuổi có xuất phát điểm thấp hơn bạn bè đồng trang lứa rất nhiều. Geu Rae nguyên là một kỳ thủ cờ vây, đã chơi cờ từ nhỏ và có thể được xem là một thần đồng cờ vây. Tuy nhiên, do gia cảnh nghèo khó và người cha đột ngột qua đời vì tai nạn, Geu Rae phải bỏ học cấp ba và từ bỏ luôn việc chơi cờ để đi làm thêm nhiều công việc khác nhau kiếm tiền phụ giúp mẹ. Đến khi xuất ngũ trở về (ở Hàn Quốc thanh niên sẽ phải nhập ngũ 2 năm trước 27 tuổi), một người quen của gia đình đã giới thiệu cậu vào làm thực tập sinh tại một tập đoàn đa quốc gia.


Nhà nghèo tới mức bộ suit của Geu Rae cũng là mặc lại của bố.

One International là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, mỗi 2 năm công ty lại tuyển một đợt thực tập sinh mới cho các phòng ban, sau đợt đào tạo và màn thuyết trình cuối kỳ thì sẽ chỉ giữ lại một số người trong nhóm mười mấy thực tập sinh. So với các thực tập sinh khác, xuất phát điểm của Jang Geu Rae cách xa mọi người một trời một vực: chưa tốt nghiệp cấp ba, không biết bất kỳ ngoại ngữ nào, không có một chứng chỉ nào ngoài chứng chỉ tin học văn phòng. Trong khi đó, những thực tập sinh cùng lứa của cậu thì người nào cũng profile sáng chói: du học nước ngoài, tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu trong nước hoặc đại học nước ngoài như Oxford hay Harvard, biết 3-5 thứ tiếng như Anh – Trung – Nga – Đức – Nhật, kèm rất nhiều chứng chỉ và kỹ năng.

Chính vì khoảng cách xa vời vợi đến thế, Geu Rae không biết làm gì khác ngoài sự nỗ lực chăm chỉ hết mình. Nhưng sếp Oh đã bảo cậu: “Nỗ lực chăm chỉ thì có ích gì nếu không có kết quả?”. Những ngày đầu đi làm, Geu Rae cảm thấy lạc lõng như mình ở nhầm chỗ, vì tổ làm việc nào cũng bận rộn việc đến tay không ngớt, ai cũng liên tục gọi điện trao đổi với khách hàng bằng đủ thứ tiếng khác nhau, di chuyển qua lại giữa các tổ như con thoi quay liên tục, còn cậu chỉ biết lóng nga lóng ngóng việc gì cũng không biết làm. Đối với dân văn phòng, những chuyện căn bản nhất là in tài liệu, photo giấy tờ hay fax hợp đồng, Geu Rae cũng không biết. Điều duy nhất cậu có thể làm được là nhờ tổ phó Kim và tổ trưởng Oh chịu khó chỉ dẫn cho mình, để cậu nỗ lực học hỏi.

Với những bạn nào hay xem phim Hàn dài tập, Misaeng: Incomplete Life có thể là một bộ phim hết sức bình thường, theo kiểu nhìn poster mặc đồ công sở đã thấy chán òm. Đúng vậy, đây là một phim hết sức bình thường, làm về những người bình thường – dân công sở đi làm việc tại văn phòng. Phim không có những tổng tài siêu soái siêu giàu, cô nàng sở hữu sức mạnh đặc biệt hay anh chàng IQ cao ngất, và phim cũng không có một chút nào gọi là drama. Đời sống công sở cứ như một cái tổ ong, mỗi sáng bầy ong tỏa ra khắp các văn phòng để làm việc, và mỗi chiều lại từ các tòa nhà văn phòng lại ùa ra đi về như ong vỡ tổ. Nhưng cái không khí công sở ấy lại có một sức hút vô hình mãnh liệt với nhiều người, tới mức họ phải dành cả đời ở đó, vì chuyện kiếm tiền, vì gánh nặng gia đình trên vai.

Có một triết lý rất hay từ Misaeng: Incomplete Life, đó là thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Với xuất phát điểm của Geu Rae, khán giả tưởng rằng rồi cậu sẽ không trụ lại được với môi trường khắc nghiệt đòi hỏi quá nhiều năng lực và kỹ năng như One International. Nhưng từng chút từng chút một, nếu như thực tập sinh khác chỉ nỗ lực hai lần thì Geu Rae phải nỗ lực gấp mười lần họ, cậu dần thạo việc và gây dấu ấn trong màn thuyết trình cuối kỳ thực tập, để rồi được nhận vào làm nhân viên chính thức cùng 3 thực tập sinh khác là Young Yi, Baek Ki, Seok Jun. Kết quả này khiến cho nhiều thực tập sinh khác rất phẫn nộ và cho rằng Geu Rae được nhận là vì có quan hệ với giám đốc, chứ không ai chịu công nhận năng lực của cậu.

Chúng ta từ chối công nhận cậu ấy vì quá để ý tới chuyện xúc phạm. – An Young Yi

Sự bức xúc này cũng là lẽ thường tình, như một cậu thực tập sinh đã nói: Tại sao chúng ta tốn kém 16 năm đi học, cha mẹ phải vay tiền cho chúng ta đi du học, để rồi một đứa chưa tốt nghiệp cấp ba vào đây và giành mất vị trí chúng ta? Như vậy liệu có công bằng không?

Dù vượt qua kỳ thực tập, nhưng một lần nữa, xuất phát điểm của Jang Geu Rae vẫn thấp hơn ba người bạn – họ đều được trở thành nhân viên biên chế, còn Geu Rae chỉ là nhân viên hợp đồng 2 năm, vì One International là một tập đoàn đa quốc gia nên chính sách của họ quy định không tuyển dụng những người chưa có bằng đại học làm nhân viên chính thức, điều này sẽ ảnh hưởng tới tên tuổi của tập đoàn.

Nhân vật Young Yi.

Bốn nhân viên mới được phân vào bốn tổ khác nhau, mỗi người mỗi tính và đều gặp phải những khó khăn nhất định ở môi trường công sở dù năng lực của họ giỏi giang đến đâu. Cô gái duy nhất của nhóm – Young Yi là một cô nàng giỏi toàn diện, biết nhiều ngoại ngữ và đã có kinh nghiệm làm việc cho một tập đoàn lớn trước đây. Tuy nhiên, Young Yi lại được phân vào Tổ Tài Nguyên – một tổ vốn trọng nam khinh nữ và chẳng ai thèm công nhận năng lực của cô. Thời gian đầu Young Yi đến công ty chỉ để chạy vặt, từ in ấn photo tài liệu, pha cà phê cho các sếp, đi lấy giày cho tổ trưởng, dọn thùng rác cho tổ phó. Chính vì quá toàn năng và giỏi giang mà Young Yi lại càng bị các sếp nam ghét.

Nhân vật Baek Ki

Giống như Young Yi, Baek Ki cũng là một anh chàng tài năng, biết nhiều ngoại ngữ và có cả một bồ kỹ năng lận lưng. Có thể nói Baek Ki là hình mẫu nhân viên lý tưởng mà sếp nào cũng muốn tuyển cậu vào vì có tầm nhìn xa trông rộng và làm việc chu đáo, tỉ mỉ, có thể biết trước sếp mình cần gì mà chuẩn bị sẵn sàng cho sếp. Éo le thay, sếp của Baek Ki ở Tổ Thép lại là một người lãnh cảm, cũng không công nhận năng lực của cậu mà chỉ cho cậu đến văn phòng ngồi chơi xơi nước, quan sát cách mọi người làm việc. Nếu như ba người bạn kia ai nấy đều được tham gia vào các dự án chính thức, Baek Ki chỉ được làm những chuyện vặt vãnh như nhập liệu Excel hay vẽ sơ đồ dữ liệu.

Nhân vật Seok Jun (trái)

Seok Jun là chàng trai hài hước nhất trong hội, nhà cậu ba đời làm công nhân đúng nghĩa nên cậu rất rành rọt chuyện ở nhà máy và ở xưởng. Trong bốn người thì Seok Jun là người có tính linh hoạt nhất, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh và cũng cực kỳ thảo mai với các sếp. Oái ăm ở chỗ, sếp của Seok Jun lại là một tên sociopath (rối loạn nhân cách chống đối xã hội) chính hiệu, luôn tìm cách hành hạ cậu tới cùng với những pha dở khóc dở cười.

Xét cho cùng, Geu Rae tính ra là người may mắn nhất ở khoản được làm việc với sếp tốt và có tâm, luôn tạo điều kiện cho cậu học hỏi và phát triển trong công việc. Cho nên chẳng mấy chốc, Geu Rae lần lượt được tham gia vào các dự án lớn, là nhân viên mới đầu tiên được thuyết trình dự án trước mặt hội đồng quản trị và còn được Chủ tịch tập đoàn khen ngợi, được Giám đốc mời tới văn phòng chơi cờ. Những điều này khiến cho Baek Ki có phần bực bội và ghen tị, vì xuất phát điểm và năng lực của Geu Rae thấp đến thế, nhưng tại sao mọi thứ tốt đẹp cậu ta luôn được hưởng? Đây cũng là một tình huống thú vị về triết lý “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, khi những người thông minh tài giỏi như Young Yi, Baek Ki, Seok Jun chưa chắc đã gặp được thuận lợi may mắn trong công việc như Geu Rae.

Thời gian trong văn phòng như con vụ luôn xoay tít, nó nhanh tới mức khiến người ta không còn nhận thức về thời gian. Sáng sớm đến văn phòng, nhoáng một cái đã tới chiều tan làm. Mới đầu tuần check-in vào văn phòng, vèo một cái đã tới cuối tuần. Có những người dành cả thanh xuân để làm việc, cũng có những người dành nửa đời người để làm việc cho một công ty như giám đốc Kim hay tổ trưởng Oh. Hai năm với Geu Rae cũng trôi qua chỉ trong nháy mắt, mà như bốn cô cậu cảm thán, mới ngày nào còn vào thực tập mà nay công ty đã bắt đầu nhận lứa thực tập sinh mới rồi.

Cái ngày mà Geu Rae không mấy trông mong cuối cùng rồi cũng đến. Sau 2 năm làm việc với bao nhiêu nỗ lực cống hiến, liệu Geu Rae có được công ty giữ lại và trở thành nhân viên biên chế, hay cậu sẽ bị kết thúc hợp đồng và dừng công việc ở đó? Đối với Geu Rae, cậu rất trân quý quãng thời gian cuối cùng này, khi mỗi ngày làm việc xong đều đi một vòng văn phòng để ghi dấu từng cảnh vật, từng con người nơi đây. Mỗi khi ra về, cậu đều chạm tay vào phần cột của tòa nhà trước sảnh công ty và nhìn lại văn phòng đầy nuối tiếc. Những ngày đi làm bình thường của Geu Rae rồi cũng sẽ có lúc kết thúc – cảm giác này hẳn những nhân viên văn phòng trong mùa dịch Covid làm việc ở nhà sẽ cảm nhận được rất rõ, khi đôi lúc chúng ta bỗng dưng lại thấy nhớ lúc mình còn làm việc ở văn phòng.

Cái kết mình xin phép không tiết lộ, mà để bạn đọc tìm xem phim để đón xem kết quả. Những ai đã và đang làm văn phòng, sống trong không khí công sở, hẳn là khi xem Misaeng: Incomplete Life ít nhiều đều thấy bản thân mình trong đó. Ban đầu mình không trông đợi gì ở bộ phim đâu, nhưng có ai ngờ đồng hành cùng 20 tập phim, mới nhận về được nhiều bài học ý nghĩa và thấm thía đến thế.

Một phân cảnh dễ thương trong phim

Bộ phim kết lại bằng triết lý về con đường và những lựa chọn ta đưa ra trong đời sẽ dẫn ta đến những ngả đường khác nhau, với một bản thơ vô cùng sâu sắc:

“Con đường chia hai ngả giữa rừng thu
Tiếc thay chẳng thể cùng lúc rẽ cả hai
Là khách lãng du, tôi đứng mãi đó
Trông thật xa đến cuối ngả đường
Một ngả trải dài vào lòng đất
Rồi ngả kia cũng nhìn thật xa
Trông phiêu lưu và bắt mắt biết bao
Những mảng rêu xanh như muốn gọi mời
Mặc dù cả hai con đường nằm đấy
Có vết mòn nằm ở cả hai đường
Và hai con đường trong buổi sớm mai
Lá phủ đầy, chưa có bàn chân bước
Đành đi ngả đầu tiên vào dịp tới
Dù lý trí vẫn biết là sau này
Quay trở lại, chắc gì còn có dịp
Tôi sẽ kể chuyện này trong tiếng nấc
Rằng đâu đó rất nhiều năm về trước
Hai ngả đường chia lối ở trong rừng
Tôi chọn con đường có ít bước chân
Và điều đó đã thay đổi tất cả.”
(Bài thơ “The road not taken”, Robert Frost, bản dịch của Netflix)

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx