Ảnh: Unsplash.com

Dạo gần đây mình hay thức dậy từ tờ mờ sớm, ra bếp bật một ấm nước sôi, rồi thủng thẳng pha một ấm trà để mang đi làm mỗi buổi sáng. Không phải tự dưng mình thích uống trà, mà nói đúng hơn là mình muốn tìm về cảm giác quen thuộc những ngày thơ ấu khi ông ngoại mình còn sống.

Hồi ấy mình còn nhỏ xíu, tầm 6-7 tuổi, mỗi lần về quê ngoại là sáng sớm đều được nghe tiếng gà gáy ngoài sân, bà ngoại thì lục đục chuẩn bị đồ để đi bán ngoài quán, còn ông ngoại thì dậy châm lửa để nấu một ấm nước sôi pha trà. Ông ngồi một góc bên chiếc bàn tròn, mở bọc ra vấn điếu thuốc rồi ngồi hút một cách chậm rãi. Trời sáng sớm còn se se lạnh, mình thường ngồi co ro nơi góc bếp để canh ấm nước sôi giúp ông, thi thoảng đẩy mấy thanh củi đã cháy hết vào sâu trong bếp lò.

Góc bếp, hơi ấm của bếp lửa, tiếng ấm nước sôi sùng sục rít lên, tiếng lách cách của ấm trà, mùi thơm của thứ trà mạn len lỏi trong không khí, mùi thuốc hăng hắc, và ông ngoại – tất cả những hình ảnh, âm thanh, mùi hương đó trong quá khứ là thứ chạm khắc vào ký ức mà mình mãi không quên được. Đến khi trưởng thành, một lần nữa mình lại muốn tái hiện lại bầu không khí đó, dù chỉ giống được 20-30% nhưng nó là thứ cảm giác quen thuộc mà mình luôn muốn tìm về để ủ ấm cõi lòng.

Nếu thử sống chậm lại một chút để nhìn lại, có thể bạn sẽ nhận ra rằng: Mọi cảm giác bạn tìm kiếm ở tuổi trưởng thành, đều là những cảm giác quen thuộc hay khuyết thiếu ở thời thơ ấu mà bạn muốn tìm về.

Như mình rất thích ánh sáng của đèn vàng hơn ánh sáng của đèn huỳnh quang trắng, khi mua đèn ngủ hay đèn đọc sách thì mình thường chọn loại đèn vàng – không chỉ đơn thuần là đèn vàng thì tạo cảm giác ấm áp và dễ chịu, mà nó còn gắn liền với một ký ức từ tuổi thơ. Lúc nhỏ ở nhà bà chị họ mình có một cây đèn bàn, cây đèn rất vi diệu hết sức khi vặn cái núm ở chân đèn là đèn là có thể chuyển từ tông màu trắng sang tông màu vàng. Do bóng đèn được phủ một lớp bóng mờ nên ánh sáng vàng tỏa ra rất dịu nhẹ như mặt trăng, chứ không phải kiểu màu vàng sáng gắt như bóng đèn dây tóc.

Hồi ấy con nít rất ít đồ chơi, và công nghệ thủa hai chục năm trước không phát triển được như bây giờ. Loại đèn bàn quen thuộc nhà nào cũng có là cây đèn bàn huỳnh quang trắng toát, nên thứ ánh sáng vàng tỏa ra từ cây đèn bàn của bà chị họ là thứ gì đó rất vi diệu đối với mình, làm mình cứ mê mẩn mãi không thôi. Đến bây giờ, mỗi buổi tối khi nằm đọc sách bên cây đèn vàng, mình như trở về cảm giác ấm áp quen thuộc ngày nào, một thứ cảm giác mà mình chỉ muốn ở yên mãi trong đó.

Mỗi mùa Tết trung thu đến, mặc dù có rất nhiều loại bánh trung thu khác nhau từ bánh ngọt tới bánh mặn với đủ thứ nhân, nhưng bất giác mình chỉ thích mỗi loại bánh trung thu rau câu và hễ cứ đến Tết trung thu là mình lại thèm ăn món này. Cảm giác này bắt nguồn từ một đoạn ký ức hồi mình còn sống ở nhà cũ, sau nhà mình là tiệm tạp hóa của một bà già bán đủ thứ quà bánh cho tụi con nít. Cứ đến mỗi dịp trung thu, bà lại đặc biệt làm món bánh trung thu rau câu, đổ trong mấy cái khuôn hình hoa lá với đủ màu sắc rất đẹp. Mỗi lần cầm cái bánh như một tác phẩm nghệ thuật trên tay, mình phải ăn nhín từng miếng cho lâu hết, vì con nít không có nhiều tiền để mua ăn cho thỏa thích, mà đẹp quá ăn thì lại tiếc.

Mỗi tối khi đi ngủ, không biết bạn có để ý tới tư thế nằm ngủ của bản thân không? Thông thường ban đầu chúng sẽ nằm ngửa rất thẳng thớm trên giường, nhưng chỉ một lát sau là ta lại cuộn mình nghiêng về một phía, và trùm chăn kín hết cả người để ủ ấm trong buổi đêm. Thứ cảm giác trong vô thức chúng ta tìm về ấy là cảm giác của bào thai khi còn nằm trong bụng mẹ, được bao bọc trong một vùng nước ối ấm áp của người mẹ, ở nơi đó có đầy đủ dưỡng chất và đứa bé không cần phải làm gì mà chỉ có tận hưởng. Có thể nói, cuộc sống của thai nhi trong bụng mẹ trước khi ra đời chính là một thiên đường mà bất kỳ người trưởng thành nào cũng muốn trở về. Và đôi khi cuộc đời quá mỏi mệt, ta lại cuộn mình như một bào thai để tìm lại cảm giác vô thức năm nào.

Ở trên mình nói vài góc về cảm giác quen thuộc, còn cảm giác khuyết thiếu là những thứ chúng ta từng khao khát, ao ước, thèm muốn khi còn là một đứa nhỏ nhưng không được đáp ứng, và đó sẽ là cảm giác chúng ta một lần nữa lại đi tìm kiếm ở tuổi trưởng thành.

Mình biết một người chị, từ nhỏ đã sớm mất bố và sống chung với mẹ, chỉ có hai mẹ con thui thủi với nhau. Người mẹ ngoài làm mẹ còn đảm nhận luôn vai trò làm bố. Từ nhỏ chị đã luôn có cảm giác tủi thân khi sống trong một gia đình không trọn vẹn, và chị luôn khao khát bóng dáng của một người bố bên cạnh mình khi nhìn gia đình đủ đầy của bạn bè. Khi lớn lên, dù chị xinh đẹp, giỏi giang và đủ điều kiện quen được những chàng trai xấp xỉ tuổi mình hay hơn chừng 5-10 tuổi để kết hôn, nhưng cuối cùng chị lại chọn quen và lấy một người hơn tới vài chục tuổi. Khi hai người đi chung với nhau thì quả thực người đàn ông đó y như bố chị. Như chị chia sẻ với mình, ở bên cạnh chồng chị có cảm giác được bao bọc, được che chở như một người cha che chở con gái – và đó là thứ cảm giác khuyết thiếu chị từng mất cả tuổi thơ để đi tìm.

Một trường hợp khác là một người anh mình quen, từ nhỏ anh luôn bị bố mẹ so sánh với con nhà hàng xóm và luôn phủ nhận những nỗ lực của anh. Rất hiếm khi anh làm một việc gì đó mà được bố mẹ khen hay động viên, và đó là cảm giác khuyết thiếu luôn đeo đuổi anh cho tới khi trưởng thành. Mãi sau này khi ra đời, anh lại luôn cố gắng chứng tỏ bản thân, bằng mọi cách và đôi khi bằng mọi giá chỉ để khiến người khác phải công nhận rằng anh giỏi, anh giàu, anh tài năng không ai sánh bằng.

Cảm giác quen thuộc hay khuyết thiếu không chỉ giới hạn trong những trải nghiệm thời thơ ấu của chúng ta trong kiếp sống này, mà nó có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm của ta trong nhiều kiếp sống trước, từ đó dẫn tới những cảm giác mà đôi lúc ta không thể truy cầu được về căn nguyên vì sao ta lại thích hay lại ghét một điều gì đó.

Trong hành trình trưởng thành của mỗi người, việc hiểu về những cảm giác chúng ta tìm kiếm trong đời và lần ngược được về nguyên do sẽ giúp ta hiểu thêm về con người nội tại của mình. Có sống chậm lại, chúng ta mới hiểu và thương mình nhiều hơn. Có hiểu và thương mình, chúng ta mới có thể hiểu và thương được những người khác mình trên đời này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.