Một cô em kể với mình, trong lớp tiếng Anh em đang theo học có một bạn sinh năm 96 (nhỏ hơn em vài tuổi) nhưng giờ đã mua được nhà và xe bằng tiền tiết kiệm và đầu tư sau một quá trình tích lũy. Nhưng điều em thấy nghịch lý là ở trong lớp, bạn đó chẳng phải tuýp giỏi giang năng động gì, ngay cả chuyện dùng Goolge Docs với Drive để gửi bài tập cho cô giáo cũng không biết cách làm.

Khi tâm sự mỏng với mình, em bày tỏ sự ngưỡng mộ với người bạn đó và thấy buồn vì không biết khi nào mình mới mua được nhà, được xe như vậy.

Mình bảo, sở dĩ em thấy ngưỡng mộ bạn là vì em ra trường đã 5 năm nay, đi làm cũng “cày cuốc” cật lực dành dụm tiết kiệm nhưng mãi vẫn chưa mua được nhà, được xe, trong khi bạn chỉ đi làm 2 năm đã mua được thì em ngưỡng mộ cũng là chuyện bình thường. Bởi lẽ em đang tập trung nhìn vào hào quang quá lớn tỏa ra từ phía bạn nên mới thấy bản thân nhỏ bé đến nhường nào.

Muốn có xe thì thường phải có nhà trước, chứ ít ai mua xe khi chưa có nhà (ngoại trừ một số bạn làm Sales cao cấp cần xây dựng hình ảnh). Tâm lý đám đông đều cho rằng những người có nhà có xe là người thành đạt trong cuộc sống, nên nhiều người giàu-mới-nổi khi muốn thể hiện mình giàu thì sẽ có xu hướng khoe nhà, khoe xe trên mạng xã hội và trong mọi cơ hội có thể khoe được ở đời thực. Người giàu thật sự thì họ sẽ không bao giờ khoe nhà, khoe xe để lấy le với người khác, vì nhà hay xe với họ là một thứ tài sản bình thường như cân đường hộp sữa.

Ví như bạn mới mua một chiếc xe máy, bạn có chụp cảnh mình đứng bên cạnh chiếc xe máy đó, hay chụp cảnh mình đang lái xe máy đăng lên mạng xã hội để khoe không? Dĩ nhiên là không, vì chuyện sở hữu một chiếc xe máy đối với bạn là chuyện hết sức bình thường. Tương tự, dẫu bạn có ở trong một căn biệt thự, bạn chụp ảnh selfie thì cũng chỉ thấy được một góc nhỏ trong phòng hay trong nhà bạn (một cách vô tình chứ không cố ý), chứ không ai lại chạy ra đứng trước nhà để chụp một bức ảnh thấy được toàn căn biệt thự ở hậu cảnh, và với chiếc xe hơi mới cáu đậu ngay trước nhà. Lúc đó nó là tâm lý của những kẻ trưởng giả học làm sang, thích khoe khang và thể hiện.

Như trường hợp cô bạn học sinh năm 96 trên, có thể bạn giỏi thật, ra trường 2 năm đã mua được nhà, được xe, nhưng đó là chuyện riêng tư kể với người thân hay bạn thân, chứ sao lại đem lên lớp tiếng Anh để kể? Và khi cả lớp đều biết được câu chuyện riêng tư đó, thì hẳn là bạn không tự nhiên buột miệng mà kể ra.

Tương truyền (theo kinh điển), Đức Phật Thích Ca khi thuyết pháp từng nói với chúng tăng: “Những lời thuyết giảng của ta cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng.”

Ý của Đức Phật là những gì Ngài thuyết giảng chúng sanh chỉ là phương tiện truyền tải đạo chứ không phải là đạo, y như ví dụ Ngài ví von ở trên. Trên thế giới, có rất nhiều tôn giáo khác nhau dạy đạo lý cho nhân loại, từ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, v.v. Ngay trong bản thân Phật Giáo, cũng được chia thành nhiều tông phái khác nhau và kinh điển cũng thường hay nói là có tới 8 vạn 4 ngàn pháp môn khác nhau trên cõi ta bà này. Nói cho dễ hiểu, trên biển học vô bờ thì tôn giáo chính là chiếc thuyền (phương tiện) chở hành giả đi đến bến giác ngộ (mục đích).

Mình điểm qua một chút về Phật học, nhưng không đi sâu, mục đích là để bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa của phương tiệnmục đích trong đời người. Vì âm dương đồng nhất lý, từ quy luật siêu hình cũng có thể suy ngược lại quy luật hữu hình trong đời sống.

Cái nhà, cái xe ví như phương tiện, còn mục đích của cái nhà là để ở, của cái xe là để đi. Đa phần người thế đều chấp vào mặt hình thức, ở thì phải ở chung cư, biệt thự, nhà mặt phố, còn đi thì phải đi xe hơi đắt tiền, nhãn hiệu nổi tiếng thì mới gọi là sang giàu. Nhưng hiểu được đạo lý về phương tiện và mục đích, bạn sẽ thấy được rằng dù ở nhà thuê hay ở biệt thự thì đêm về bạn cũng chỉ ngủ trên một cái giường, chứ bạn có hai căn biệt thự, tám cái phòng và mười sáu cái giường thì bạn cũng không phân thân ra thành mười sáu người để đi ngủ hết ngần ấy giường trong nhà.

Tương tự, dù cho bạn đi xe máy, đi xe buýt hay đi xe hơi (phương tiện) thì cuối cùng bạn cũng đến được nơi cần đến (mục đích), mà đôi khi đi xe máy ở một thành phố đất chật người đông lại còn nhanh hơn đi xe hơi.

Gần đây mình xem một clip trên Youtube, có một bạn diễn viên/MC nổi tiếng mới mua chiếc xe hơi Mercedes giá 5 tỷ, và đây là chiếc xe thứ hai bạn mua trong vòng nửa năm (bên cạnh mấy căn nhà khác). Trong clip bạn có chia sẻ, đại ý chiếc trước bạn dùng để lái đi làm hằng ngày, còn chiếc này sang hơn bạn dùng để đi tiệc, đám cưới, sự kiện,… Thông qua chia sẻ của bạn, có thể hiểu chiếc xe đối với bạn không chỉ là một phương tiện để đi, mà còn là để thể hiện đẳng cấp (mục đích).

Nếu bạn giàu và có nhiều tiền để mua không chỉ một mà nhiều chiếc xe (hay căn hộ), đó là điều đáng mừng, khi đó bạn có quyền xài tiền theo cách của bạn để thể hiện mục đích nào bạn muốn. Nhưng nhiều người, vì muốn thể hiện đẳng cấp của bản thân và cho người khác biết mình giàu (mục đích) nên lựa chọn phương tiện là mua xe sang hay mua căn hộ, trong khi khả năng của bản thân chưa đạt đến mức đó nên phải vay nợ ngân hàng để mua rồi trả góp dần dần.

Đợt Covid vừa rồi, hàng loạt ngân hàng thanh lý siêu xe, xe sang ồ ạt với đủ nhãn hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn so với giá thị trường rất nhiều. Nó minh chứng cho một việc, có rất nhiều người vay nợ ngân hàng để mua xe và khi tài chính gặp khó khăn trong mùa dịch thì họ không còn đủ khả năng chi trả và bị ngân hàng siết xe (hoặc siết nhà). Một số người vay tiền mua xe theo diện kinh doanh dịch vụ vận tải, số khác mua vì mục đích thể hiện đẳng cấp của bản thân.

Khi bạn không có tiền để mua một căn chung cư, bạn vẫn đủ khả năng để thuê một căn phòng trong chung cư để ở ghép, hay thuê một phòng trọ và trang hoàng lại như một căn chung cư. Khi bạn không có tiền mua xe hơi, bạn vẫn có thể book Grab car và ngồi xe hơi của người khác lái. Vâng, người ta sắm được một chiếc xe hơi, và họ bây giờ phải làm tài xế riêng của bạn.

Còn khi bạn muốn sở hữu một căn nhà, một chiếc xe trong khi khả năng tài chính của bản thân chưa đạt đến ngưỡng đó, đồng nghĩa bạn phải chấp nhận rủi ro với các gói cho vay từ ngân hàng hay các dịch vụ tài chính. Vì không ai nói trước được tương lai nếu bạn không đủ tự tin vào khả năng của bản thân hay không đủ bản lĩnh sống, cho nên hãy cân nhắc thật kỹ lựa chọn này.

Chung quy, quan trọng là cái đích bạn muốn đến là đâu, chứ không phải phương tiện bạn đi là gì. Ai ngộ được đạo lý này thì sẽ sống một đời nhẹ nhàng, không quá bám chấp vào hình thức hay phương tiện.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải