“Tình trạng đau ốm chẳng qua là cách cơ thể tự chữa lành chính nó. Bệnh cảm hoặc cúm là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chiến đấu với các mầm bệnh. Khi cháu bị đau bụng, cơ thể báo hiệu rằng cháu đã ăn phải thứ gì hoặc làm điều gì tổn hại đến nó. Hay cơn đau lưng thường là cách cơ thể nhắc nhở cháu rằng các cơ đang bị căng và cần được nghỉ ngơi.” (Adam Jackson)
Mấy hôm trước không hiểu sao dạ dày của mình bị đau nhói và khó chịu, cảm giác giống triệu chứng của bệnh đau dạ dày lúc trước từng bị nên có một chút sợ hãi. Nhưng ngẫm lại thì không có lý do gì để đau dạ dày khi chuyện ăn uống vẫn điều độ, tâm trạng cũng điều hòa chứ không có chuyện gì để stress. Sáng ngủ dậy, mình pha một ly nước ấm với chút tinh bột nghệ và mật ong uống để tráng ruột, sau hôm đó thì mọi sự lại trở về bình thường.
Trong võ đạo, bụng là phần quan trọng nhất của cơ thể khi tập nội công hay khí công. Học khí công, vận khí cũng phải xuống đan điền (rốn) hay vận lực trong nội công cũng phải từ bụng mà ra. Tâm bình thì khí hòa, bụng tốt thì cơ thể cũng khỏe mạnh, bụng yếu chỉ do 2 yếu tố: bệnh từ miệng mà vào (do ăn uống) và bệnh từ tâm (do hao tâm tổn trí) mà ra.
2018 là một năm mình đạt được nhiều lợi ích về sức khỏe khi bắt đầu tập luyện võ thuật, học nội công kết hợp khí công. Ngoài những buổi đến lớp học, còn lại đa số mình tự tập ở nhà, duy trì được hầu như đều đặn mỗi ngày. Kết quả là trong suốt một năm 2018 tự nhiên các “căn bệnh thường thức” năm nào cũng đến đột nhiên không từ mà biệt, từ những bệnh vặt như cảm cúm, sổ mũi, ho tới sốt cũng biệt tăm biệt tích không thấy ghé thăm. Có mấy bận trời mưa gió đi đường không bận áo mưa, cứ tưởng về cảm lạnh rồi mà cuối cùng vẫn bình thường.
So với thời kì tập gym thì mình nhận thấy tập võ thâu được nhiều lợi ích hơn. Tập gym chỉ có về mặt hình thức là body đẹp ra nhanh hơn, nhưng trái gió trở trời bệnh đến thì cứ đến, giống như tốt nước sơn mà không tốt gỗ. Tập võ thì body sẽ khó đẹp nhanh nhưng được cái săn chắc hơn, dù có tăng cân thì vẫn không nhận ra tăng cân, xương cốt lại chắc khỏe hơn và lại thiên về tốt gỗ bên trong.
Dòng năng lượng của cơ thể mình ví như một dòng suối, đỉnh cao của việc tập luyện là có những ngày năng lượng tràn đầy lan tỏa khắp cơ thể, có thể ngồi từ sáng tới khuya mà vẫn tỉnh táo như sáo (không cần cafein như trà hay cafe), dù có thức khuya quá thì sáng dậy sớm vẫn cảm được dòng năng lượng đó tuôn trào ào ạt, không có cảm giác mệt mỏi trong người.
Sông có khúc, người cũng có lúc, để duy trì được trạng thái năng lượng tràn đầy không phải là chuyện dễ dàng có thể kiểm soát được. Dòng năng lượng đó sẽ bị tiêu hao nếu ban ngày dụng sức quá nhiều trong công việc, hay dụng tâm quá nhiều để suy nghĩ, nên có những ngày khi đi làm về cơ thể đã mệt mỏi rã rời nhưng vẫn còn ráng ngồi máy tính, học bài hay xem phim thì năng lượng tiêu hao tứ tán. Nếu lặp đi lặp lại nhiều ngày liên tiếp, cơ thể sẽ gửi thông điệp lên não bộ để đình công và đòi quyền nghỉ ngơi.
Hôm nay ở nhà đọc quyển “10 ‘Bật Mí’ Về Sức Khỏe” của Adam Jackson (tác giả quyển sách nổi tiếng “Mặt Phải) có một ý nói mình thấy nói rất thấm: “Ta không thể có được sức khỏe nếu không cho tâm trí và cơ thể mình được nghỉ ngơi.”
Muốn có được một sức khỏe tốt, phải biết học cách lắng nghe cơ thể – lắng nghe những dấu hiệu từ bên trong cơ thể của chính mình. Những cơn đau nhẹ, những lúc tâm trí mỏi mệt, những khi cảm giác thấy yêu yếu mền mệt trong người đều là dấu hiệu cảnh báo thân chủ cần phải nghỉ ngơi và bảo dưỡng lại cơ thể mình. Đến máy móc hay robot cũng cần có lúc phải bảo trì huống hồ chi là con người.
Một quyển sách hay là quyển sách đọc đúng thời điểm. Hổm rày khi thấy cơ thể không khỏe mình chọn đọc “10 ‘Bật Mí’ Về Sức Khỏe” và cảm thấy đọc tới đâu thấm tới đó. Vốn là người thích đọc về chủ đề sức khỏe, dinh dưỡng và dưỡng sinh, mình đọc qua cũng tầm gần 20 đầu sách liên quan từ Đông tới Tây về các phương pháp ăn uống, dinh dưỡng và lối sống khác nhau nhưng phải công nhận quyển này thâu tóm hết đủ 10 bí mật lớn nhất về sức khỏe. Ai ngại đọc nhiều mà vẫn muốn tìm hiểu về chủ đề sống khỏe thì chỉ cần đọc quyển này là xem như không cần đọc các quyển khác.
Để sống khỏe không chỉ dừng lại ở 2 chuyện ăn uống và tập thể dục thể thao, sống khỏe còn là cả hành trình của thân và tâm, và trong hành trình đó, ta phải học cách lắng nghe cơ thể mình để giải mã thông điệp mà tiểu vũ trụ bên trong ta đang nhắn nhủ.