Hồi cuối tháng 8, mình nhận một cộng tác viên (CTV) bàn giao từ một bạn trong team đã nghỉ, khi đó chị CTV này vừa mới dịch xong một cuốn sách và nhân sự cũ đã lập đề xuất thanh toán nhuận bút cho chị. Sau đó phía bộ phận Kế toán báo lại đã chi trả nhuận bút và gửi mình thông tin ủy nhiệm chi, thông thường nếu là CTV của mình thì mình sẽ chủ động báo lại họ qua Facebook hay Zalo cho nhanh để xác nhận rằng bạn ấy đã nhận được nhuận bút. Nhưng lần đó, vì không kết bạn với CTV này mà chỉ có kênh giao tiếp qua email là chính, mình mới tự nhủ thôi chắc không cần báo vì chuyển khoản vô cùng ngân hàng thì chắc chắn phải nhận được rồi.

Tuy nhiên, ở thời điểm tự nhủ đó, trong lòng mình vẫn có chút gì đó lấn cấn, một cảm giác không an tâm gợn dậy nhưng rồi mình cũng nhanh chóng bỏ qua và tập trung vào những công việc khác. Bẵng đi một thời gian, tới tận 3 tháng sau đó, chị CTV ấy mới email lại hỏi thăm mình về tiến độ biên tập sách như thế nào và có dặn khi nào sách in thì chị lấy 30 cuốn sách tặng, trừ thẳng vào nhuận bút cho chị. Nghe đến câu này mình mới giật mình nhẹ, như vậy là tới giờ chị ấy vẫn chưa nhận được nhuận bút, và đến khi mình hỏi lại thì y như rằng thông tin chi nhánh ngân hàng bị sai.

Có điều khi hỏi lại phía Kế toán, bên Kế toán báo rằng do chuyển cùng hệ thống ngân hàng nên bên mình chỉ nhập số tài khoản chứ không cần nhập thông tin chi nhánh, và tên chi nhánh đó là hệ thống tự động hiển thị chứ không phải sai thông tin. Sau khi chuyển tiền thì hệ thống không hoàn trả lại, tức chắc chắn phía CTV đã nhận được tiền rồi. Nhưng sau đó mình nhờ chị CTV kiểm tra lại trên app, chị báo rằng đã tra soát tài khoản nhưng không thấy có khoản tiền nhuận bút nào được chuyển vào trong thời điểm đó. Cuối cùng sau một hồi rà qua soát lại đủ cách, thực tế là tiền đã được chuyển vào đúng tài khoản ngày hôm đó, và vấn đề là app của Vietcombank không hiển thị thông báo nên chị ấy cũng không biết là đã nhận được tiền.

Chỉ một chuyện nhỏ xíu, nhưng làm mình mất cả buổi trời giữa hai phía CTV và Kế toán để xử lý. Quay trở lại thời điểm lấn cấn ban đầu, giá như mình báo chị ấy kiểm tra tài khoản vào thời điểm đó thì sẽ thấy ngay lập tức số tiền được chuyển vào và mọi việc xong xuôi ngay tại đó, không dây dưa kéo dài cho đến tận 3 tháng sau như thế (phía CTV thì cứ đinh ninh công ty mình vẫn chưa thanh toán cho chị).

Một lần khác, mình chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM), vừa đứng đợi đoàn tàu chạy ngang qua xong thì xe mình đột ngột tắt máy, và sau lưng là lũ lượt xe hơi, xe máy ào ào chạy lên làm mình hú hồn chim én trong khi đang đứng ngay giữa đại lộ. Kết quả là mới sáng sớm, mình phải dắt bộ đi một đoạn dài tìm chỗ sửa xe và bác thợ ven đường chỉ sửa tạm chứ chiều về vẫn phải chạy ra tiệm lớn thay bình xăng con. Vụ xe bị tắt máy sáng hôm đó không phải là lần đầu mình gặp, cũng không phải chiếc xe dở chứng đột nhiên tắt máy, mà trước đó vài tuần xe đã có dấu hiệu bị hụt xăng chạy cà giựt vài lần trên đường, nhưng mình vẫn ỷ y cho rằng chưa có gì nghiêm trọng nên không cần phải đến tiệm sửa xe làm gì.

Ảnh: Unsplash

Trong một dòng chảy, thứ gợn lên ở trên bề mặt người ta gọi là gợn sóng. Gợn sóng ở mặt hồ thì chỉ lăn tăn, gợn sóng ở mặt biển thì dữ dội hơn nhiều. Thứ gợn sóng dữ dội thì ai cũng thấy được rõ rành rành, nhưng gợn sóng lăn tăn – những dấu hiệu rất nhỏ thì không phải ai cũng thấy được. Cái gợn sóng lăn tăn đó mình gọi là trực giác hay linh cảm, một khả năng hết sức vi tế mà phải đủ tĩnh tâm, đủ bình lặng thì bạn mới cảm nhận được những cái gợn sóng nhỏ xảy đến trong đời mình. Và đó là khả năng mà chúng ta ngày nay gần như đã đánh mất trong một thế giới quá xáo động và ồn ào, lúc nào cũng gấp gáp và hết sức vội vàng.

Như trong dòng chảy công việc của một biên tập viên sách, có nhiều gợn sóng lăn tăn nổi lên trên bản thảo mà ai tinh tế thì mới thấy được. Có người thấy được cái gợn nhưng không biết xử lý như thế nào với cái gợn đó vì chưa có đủ năng lực chuyên môn hay kinh nghiệm, có người thì lại xử lý được nhẹ tênh. Càng biên tập nhiều cuốn sách, đi qua nhiều cái gợn như thế trong bản thảo, trực giác của người biên tập lại càng nhạy hơn. Như mình và chị đồng nghiệp vẫn hay nói đùa, có nhiều chỗ tụi mình thấy lợn cợn, nổi cộm lên nhưng không biết sửa sao nên cho qua, và đó thường là những chỗ mà sếp mình, cũng là tổng biên tập, khi đọc tới sẽ bắt lại được hết. Chị tổng biên tập là người đã làm sách hơn 30 năm tuổi nghề.

Hồi mới làm việc với chị những ngày đầu, qua một số bản thảo mình làm, chị bảo rằng mình vốn là người có phần bản năng (hay trực giác) rất nhạy, nhưng vì mình đã học, đã đọc, đã tích lũy quá nhiều kiến thức nên để những thứ đó như lớp vỏ bọc che mất cái bản năng nhạy bén vốn có. Nhận xét này của chị khiến mình từng trăn trở suốt một thời gian dài, vì đúng rằng mình là kiểu người đã tò mò muốn học muốn biết cái gì thì sẽ đi tới tận cùng của cái đó. Chẳng hạn như chuyện học ngôn ngữ, người khác nếu muốn nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ chỉ cần đọc dăm ba cuốn sách về tiếng Việt, còn mình thì mua tất-tần-tật tất cả những cuốn sách về ngôn ngữ có mặt trên thị trường, cũng như tất cả những ebook về ngôn ngữ để đọc. Chính quá trình hấp thu, bồi đắp đó khiến mình tiếp nhận rất nhiều luồng tư tưởng, quan điểm và góc nhìn khác nhau từ các chuyên gia, tác giả, và xem đó như một hệ quy chiếu tổng hợp để soi rọi lại những gì mình tiếp nhận.

Chẳng hạn, khi đọc một câu văn thông thường trong bản thảo, người bình thường chỉ đơn giản là cảm nhận nó ở góc độ thưởng thức nội dung, riêng mình thì khác. Bộ lọc trong não mình tự động chạy chương trình phân tích để biết câu đó thuộc loại câu đơn hay câu phức, thành phần câu bao gồm bao nhiêu vế, sử dụng thủ pháp tu từ nào. Tương tự, đọc một câu tiếng Anh cũng vậy, não mình cũng sẽ tự chạy để cho ra câu đó sử dụng điểm ngữ pháp nào, cấu trúc câu ra sao. Chính vì một bộ não quá lý trí và chứa đựng nhiều kiến thức như thế, điểm mạnh của mình là khả năng hệ thống và xử lý khối lượng thông tin cực lớn. Khi sửa bản in một cuốn sách 300-400 trang, mình có thể ghi nhớ được từ đó ở chương đó đang viết thường, nhưng qua vài chương sau đó lại viết hoa (lỗi không đồng bộ quy chuẩn), hay có chỗ chương này viết số, chương khác thì lại viết chữ, hay cùng một thuật ngữ nhưng lại dùng hai từ khác nhau ở đầu và cuối sách v.v.

Ngược lại, điểm yếu nằm ở chỗ bộ não mình như một củ hành tây, bị bao bọc bởi quá nhiều lớp tri thức, mà phần trực giác nằm ở lõi lại bị bỏ quên. Đôi lúc khi trải qua một tình huống, thay vì lắng nghe trực giác thì mình lại khởi động chương trình phân tích, và bộ não lại chạy ra hàng loạt thông tin với một cơ số option để mình lựa chọn, và những lựa chọn đó thường trật bét hay quá khác biệt so với nghe theo trực giác.

Ảnh: Unsplash

Có khá nhiều lần mình không nghe theo trực giác mà bỏ qua những gợn sóng lăn tăn trong đời, rồi chính những cái gợn nhỏ đó sau này lại nổi cộm lên thành một vấn đề khiến mình phải đối mặt, trăm lần như một. Có nhiều chuyện trên đời, không tự nhiên hay đột ngột mà xảy đến. Tất cả đều có những dấu hiệu cảnh báo trước, chỉ là chúng nhỏ như những gợn sóng lăn tăn nên ta khó nhận ra, hoặc ta nhận ra mà lại bỏ qua.

Cuộc sống của một người, thuận lợi trôi chảy hay gập ghềnh mắc kẹt, đều tùy thuộc vào mức độ nhận biết những gợn sóng nổi lên trong đời và lựa chọn của họ khi đối diện với những gợn sóng đó ngay từ đầu. Sóng nhỏ để càng lâu thì sẽ dần tích thành sóng lớn, vấn đề nhỏ ngày một ngày hai không giải quyết thì sẽ đổ bể thành chuyện lớn hơn sau này.

Bạn cứ thử suy ngẫm lại những biến cố to lớn trong đời bạn từng trải qua xem có đúng vậy không, không có chuyện lớn nào đột nhiên ập đến bất thình lình, ngay cả với những tai nạn bất ngờ thì sâu trong bạn dường như cũng đã có linh cảm mách bảo trước. Ví như một cơn đau răng khôn, bạn không đùng một phát ngủ dậy rồi tự nhiên bị đau răng, mà cơn đau đã bắt đầu âm ỉ lăn tăn nhiều ngày nhiều tuần trước đó. Một cơn đau dạ dày cũng vậy, nó không đến cái ào như nước thượng nguồn xả lũ, mà bắt đầu từ những cơn xót ruột mà bạn vô tâm với cơ thể mình nên đã bỏ qua.

Diễn viên Kim Xuân và Ngọc Trinh ôn lại kỷ niệm lúc đóng phim “Mùi ngò gai”.

Gần đây xem show “Vang bóng một thời”, mình mới được nghe diễn viên Ngọc Trinh, đóng vai Vy trong bộ phim “Mùi ngò gai” ngày trước, kể lại chuyện hậu trường thời đóng phim cách đây mười mấy năm. Vai diễn đó là vai diễn để đời của chị, lần đầu tiên được làm việc với một ekip sản xuất lớn như vậy đến từ Hàn Quốc và sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, vừa quay phim vừa viết kịch bản và quay tiếp. Khi đó chị đối diện với những lời bình phẩm về ngoại hình, lo sợ mình lên phim bị mập nên không dám ăn mà bỏ bữa. Với tiến độ công việc cực nhọc, khác xa với những lần diễn kịch hay đi phim trong nước, sau vài tháng quay phim chị bắt đầu cảm nhận những dấu hiệu lạ trong người. Đầu tiên là những cơn xót ruột, sau đó là đau bụng, rồi không ăn uống được mà nôn thốc nôn tháo.

Nếu biết lắng nghe cơ thể hay trực giác của mình ngay lúc đầu, chị có thể nhanh chóng đi khám, lấy thuốc dạ dày uống và sớm phục hồi được tình trạng. Nhưng thực tế thì ngược lại, vì tuổi trẻ còn cứng đầu và nghĩ mình sức trâu lì đòn, chị đã ngó lơ suốt mấy tháng trời sau đó, cuối cùng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Vị bác sĩ sau khi nội soi dạ dày nói một câu với vẻ nghiêm trọng: “Bây giờ em chỉ có hai lựa chọn, một là mai em về đoàn phim quay tiếp như chưa có gì xảy ra, hai là em nằm ở bệnh viện điều trị ba tháng. Cái dạ dày em bị nặng lắm rồi đó!”. Lời bác sĩ như sét đánh ngang tai, khiến diễn viên Ngọc Trinh sốc nặng, sau đó phải quyết định từ bỏ mọi chuyện để ưu tiên cho sức khỏe của mình. Đó cũng là lý do vì sao chị không thể tiếp tục tham gia tiếp phần 3 của “Mùi ngò gai”, và diễn viên Hồng Ánh thế vai sau đó. Quãng thời gian nằm viện điều trị cũng là quãng chị rơi vào trầm cảm nặng nề, có lúc muốn buông xuôi hết mọi thứ.

Một trận đau nặng phải nhập viện 3 tháng điều trị bắt nguồn từ một cơn xót ruột nhỏ xíu. Và đã có bao nhiêu cái gợn sóng nhỏ lăn tăn trong đời mà bạn đã bỏ qua như thế, để rồi sau đó phải nhận lãnh lấy hậu quả thật lớn?

Học cách lắng nghe trực giác, đó là điều mình vẫn đang luyện tập mỗi ngày. Trên cả sự tinh tế, đó là sự vi tế vậy.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.