Ảnh: Annie Spratt

Hồi trước đọc sách cổ học tinh hoa, có một câu mình rất tâm đắc mà phải chép lại vào sổ tay để dành: “Trí tuệ giống như mắt của con người, nhìn xa toàn bộ nhưng không nhìn thấy lông mi của mình”. Một người tài giỏi thông minh có thể nhìn xa trông rộng, nhưng anh ta sẽ không bao giờ nhìn thấy được hàng lông mi của chính mình – trừ khi soi mặt mình trong gương. Trong thực tế, không phải ai cũng có ý thức soi mình trong gương như thế, phần lớn đều khá tự cao ngạo mạn với hiểu biết của bản thân và luôn cho là mình đúng, nhất là những người đọc sâu hiểu rộng hay các chuyên gia.

Những người tự cho mình giỏi thường thấy bản thân vượt trội hơn người và khó chấp nhận mình sai, nên cũng thường dễ sập cái bẫy của trí thông minh hay lọt hố chuyên gia. Hiểu biết về lý thuyết Cửa sổ Johari sẽ giúp chúng ta hiểu mình, hiểu người và sống khiêm tốn hơn.

Hiểu mình, hiểu người với Cửa sổ Johari

Cửa sổ Johari là một khung tham chiếu giúp chúng ta nâng cao nhận thức về bản thân cũng như hiểu biết của chúng ta về người khác. Lý thuyết này do hai nhà tâm lý học Joseph Luft và Harrington Ingham khởi xướng vào năm 1955, cái tên “Cửa sổ Johari” cũng được ghép từ tên của hai ông. Giống như hình ảnh một chiếc cửa sổ điển hình, Cửa sổ Johari là một mô hình có bốn góc phần tư, trong đó người sử dụng có thể xác định những gì họ biết về bản thân và những gì người khác biết về họ.

Bốn góc phần tư đó bao gồm:

  • Vùng mở: Điều bạn biết về bản thân và người khác cũng biết.
  • Vùng mù: Điều bạn không biết về bản thân, nhưng người khác lại biết.
  • Vùng ẩn: Điều bạn biết về bản thân, nhưng người khác lại không biết.
  • Vùng chưa biết: Điều về bản thân bạn mà bạn và người khác đều không biết.

Điều bạn biết về bản thân ở đây có thể là bất cứ thứ gì như thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm, hành vi, động lực, giá trị sống và cách bạn sống,… Vùng mở là vùng bạn sẵn lòng chia sẻ với người khác một cách thoải mái và hầu hết những người quen của bạn đều dễ dàng thấy được những điểm này, trong khi vùng ẩn là những bí mật hay tâm sự riêng tư mà bạn thường lựa chọn giấu đi chứ không chia sẻ với nhiều người. Vùng mù chính là “hàng lông mi” trên con mắt mà chúng ta thường không tự thấy được, đó cũng thường là những hành vi hay cách hành xử một cách vô thức mà chúng ta ít khi nhận ra cho đến ai đó nói cho chúng ta biết. Và vùng chưa biết là tầng vô thức sâu hơn mà cả chúng ta và người khác đều rất khó nhận ra nếu không có quá trình cùng nhau phản tư và khám phá tìm hiểu.

Ảnh: Adeolu Eletu

Mô hình Cửa sổ Johari thường được dùng khá phổ biến trong lĩnh vực phát triển bản thân hay trong các chương trình đào tạo ở doanh nghiệp để giúp tăng cường sự hiểu biết giữa các đồng nghiệp với nhau và tránh được những điểm mù trong quá trình làm việc chốn công sở. Khi khám phá bản thân qua Cửa sổ Johari, có một số điểm bạn cần lưu ý như sau:

  • Quá trình mở rộng cửa sổ theo chiều dọc (từ vùng mở tới vùng ẩn) được gọi là “tiết lộ”, theo đó bạn tiết lộ những điều bí mật hay riêng tư của mình cho người khác biết. Khi ranh giới này càng được mở rộng, đồng nghĩa với việc bạn tiết lộ càng nhiều thông tin cá nhân của mình cho người khác, thì sẽ vừa có mặt lợi lẫn mặt hại. Lợi ích là bạn mở lòng mình hơn, đối phương thấu hiểu bạn hơn và cả hai sẽ xây dựng được lòng tin với nhau. Mặt hại là khi bạn vội vàng tiết lộ quá nhiều về bản thân, đối phương nắm được những điểm yếu của bạn thì có thể quay lại phản bội bạn vào một ngày nào đó hay họ mất đi sự tôn trọng dành cho bạn.
  • Quá trình mở rộng cửa sổ theo chiều ngang (từ vùng mở tới vùng mù) được gọi là “phản hồi”, theo đó bạn đưa ra nhận xét hay góp ý cho người khác khi bạn thấy được những điều mà đối phương không thấy. Trong bối cảnh mà văn hóa phản hồi được khuyến khích như môi trường làm việc phương Tây, bạn có thể thoải mái và cởi mở đưa ra phản hồi cho bạn bè hay đồng nghiệp. Nhưng trong bối cảnh Á Đông như Việt Nam, việc đưa ra phản hồi một cách thẳng thừng cho người khác là điều khá nhạy cảm, có thể động chạm tự ái của họ và làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai bên. Do vậy, bạn cần có kỹ năng phản hồi khéo léo và đọc vị được cảm xúc của đối phương.
  • Quá trình mở rộng cửa sổ theo chiều chéo (từ vùng mở tới vùng chưa biết) được gọi là “khai vấn mối quan hệ”, đây cũng là một trong những lĩnh vực của Coaching (khai vấn) để giúp thân chủ tìm thấy sự hài lòng và viên mãn trong các mối quan hệ cá nhân. Thông thường, vùng chưa biết là những tầng ẩn sâu bên trong mà cả bạn và người ngoài đều không biết, nhưng các chuyên gia khai vấn sẽ có những kỹ thuật để khai thác góc khuất nội tâm này để giúp bạn hiểu thêm về chính mình và hướng tới những mối quan hệ bạn mong muốn có được trong cuộc sống.
Ảnh: insurethebox.com

Nhận thức về điểm mù – vùng quan trọng nhất

Hồi mới chuyển sang làm biên tập viên sách, mình rất lấy làm khó hiểu với quy định của công ty về việc một cuốn sách phải trải qua hai vòng biên tập. Cho những bạn chưa biết thì biên tập viên là người đọc lại bản dịch của dịch giả, kiểm tra xem bản dịch có nhầm lẫn hay sai sót chỗ nào không, và trau chuốt lại bản thảo về mặt câu chữ cho mượt mà, thuần Việt hơn. Thông thường trên bìa sách chỉ đề tên tác giả và dịch giả, còn tên biên tập viên thường nằm ở trang bản quyền bên trong bìa lót, thậm chí ở một số công ty còn không được đề tên. Chính vì vai trò của biên tập viên khá mờ nhạt – hầu như độc giả không hề biết tới sự tồn tại của họ – đã vậy lại còn đứng tên chung với biên tập viên khác nên ban đầu mình không thoải mái lắm với chuyện này.

Nhưng qua trải nghiệm vài ba năm trong nghề, mình mới nhận ra lợi ích của quy trình biên tập sách hai vòng này mà trước kia vì suy nghĩ hạn hẹp và cái tôi còn lớn mà mình chưa thấy được. Đó là càng có sự tham gia của nhiều người thì cuốn sách càng được hoàn thiện về mặt nội dung và giảm thiểu được sai sót tới mức tối đa, nhờ tận dụng sức mạnh của trí tuệ tập thể. Dù cho khi lựa chọn người dịch cho một cuốn sách, bao giờ công ty xuất bản cũng chọn người có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp nhất với đề tài của cuốn sách, nhưng trong quá trình dịch thuật từ Anh sang Việt (hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác) thì khó tránh khỏi sai sót hay nhầm lẫn trong hiểu văn bản gốc, vì từ ngữ có rất nhiều tầng nghĩa và cách hiểu khác nhau.

Khi biên tập 1 cho một cuốn sách, có những cuốn mình làm rất kỹ, đọc đi đọc lại và bắt được khá nhiều lỗi mà người dịch để sót. Những tưởng rằng với con mắt “vạch lá tìm sâu” của mình thì khó có lỗi nào lọt được, nhưng khi chuyển qua khâu biên tập 2, biên tập viên 2 vẫn bắt được khá nhiều lỗi mình để sót. Sau khâu biên tập là đến khâu dò morasse, tức một biên tập viên khác sẽ phụ trách việc đọc bản in thử như một độc giả thông thường để dò lỗi chính tả, lỗi đánh máy, đến lúc này thì vẫn có một số lỗi mà hai biên tập viên 1 và 2 để sót. Vì sao lại như vậy?

Ảnh: Taras Chernus

Vấn đề này rơi vào vùng mù hay điểm mù của một biên tập viên, bởi lẽ mỗi người sẽ có chuyên môn, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định, nhưng họ không thể nào biết được tất cả mọi thứ. Ví dụ như khi mình biên tập một cuốn sách về chủ đề sinh hóa của cơ thể người, mình sẽ không có đủ kiến thức về sinh học để nhận diện những lỗi dịch liên quan đến phạm trù này. Nhưng một chị biên tập viên khác vốn từng học ngành Công nghệ sinh học trước đây thì lại dễ dàng bắt ra những lỗi đó. Điểm mù này là điều hết sức tai hại nhưng không phải ai cũng nhận thức được về nó, bởi lẽ nếu mình quá tự tin vào bản thân thì bản biên tập chỉ một vòng của mình sẽ để sót khá nhiều lỗi về chuyên môn sinh học.

Một trường hợp khác cũng đặc biệt không kém, có lần mình biên tập một cuốn sách về chủ đề tài chính – kế toán, dịch giả là một người từng học thạc sĩ về mảng này ở nước ngoài và hiện đang làm việc trong lĩnh vực kế toán. Vì cuốn sách nặng về kiến thức chuyên môn nên bên mình cũng gửi cho một giảng viên đại học đang là trưởng khoa tài chính – ngân hàng để nhờ hiệu đính. Đến khi biên tập, mình phát hiện cả người dịch lẫn người hiệu đính đều để sót một số lỗi thú vị. Chẳng hạn như việc nhầm nhọt Peter Drucker – một nhà tư vấn quản trị nổi tiếng và được coi là cha đẻ của ngành kinh doanh hiện đại – thành một chuyên viên kế toán quản trị, đơn giản chỉ vì cái tên của vị này rơi vào điểm mù kiến thức của họ, trong khi đó do mình từng làm khá nhiều sách kinh doanh và quản trị nên nhìn một phát là bắt được ngay lỗi này.

Ảnh: Sander Sammy

Và ngay chính trong lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia, họ vẫn gặp phải sai sót và sập bẫy như thường. Cũng trong cuốn sách tài chính – kế toán kể trên, từ người dịch, người hiệu đính, biên tập viên cho đến người đọc morasse (cuốn này do có chuyên gia hiệu đính nên bên mình chỉ biên tập một vòng) – tổng cộng có đến 8 con mắt săm soi từng lỗi trong sách – nhưng khi nó được chuyển sang cho chị trưởng phòng Biên tập xem lại, chị ấy vẫn bắt ra được một số điểm sai sót về chính chuyên môn tài chính – kế toán, bởi lẽ chị có kinh nghiệm mười mấy năm trong nghề và đã từng làm kha khá những cuốn sách thuộc dòng này. Đây cũng là một góc nhìn rất hay ho, bởi ngay cả chính hai chuyên gia với trình độ học vấn cao và có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính – kế toán vẫn có những điểm mù trong chính lĩnh vực của họ.

Qua những chia sẻ trên, bạn đọc cũng phần nào hiểu thêm về góc khuất hậu trường trong nghề xuất bản để hiểu lý do vì sao có một số cuốn sách mà độc giả vẫn có thể bắt được lỗi dịch hay lỗi đánh máy. Dẫu trải qua nhiều công đoạn và qua gần chục con mắt của nhiều người tham gia, nhưng một chục con mắt đó sẽ không thể so được với hàng trăm, hàng ngàn con mắt của độc giả, và mỗi độc giả sẽ có những thế mạnh chuyên môn riêng để có thể thấy được những điều mà đội ngũ thực hiện không thấy được. Có hiểu về Cửa sổ Johari và khái niệm điểm mù, chúng ta mới có sự thông cảm cho những sai sót khó tránh được của người khác và học hạnh khiêm tốn hơn, bởi ai cũng sẽ có những lúc sai sót như thế. Không chỉ giới hạn trong phạm vi lĩnh vực xuất bản, tất cả các phạm vi khác trong công việc và đời sống của chúng ta cũng có thể được nhìn qua lăng kính của Cửa sổ Johari.

Ảnh: Amel Majanovic

***

Trong bốn khung của Cửa sổ Johari, sở dĩ mình gọi điểm mù là vùng quan trọng nhất là vì đây là nguyên nhân gốc rễ khiến một số người trở nên tự tin ngạo mạn về hiểu biết hay năng lực của bản thân, trong khi họ không nhận thức được những điểm mù của mình để biết là sẽ luôn có những thứ mà họ không biết. Như nhà khai quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin có một phát ngôn rất sâu sắc về điều này:

Tôi nhận thấy việc thừa nhận thẳng thắn về sự thiếu kiến thức không chỉ là cách nhanh nhất để giải quyết một vấn đề, mà còn là cách dễ dàng nhất để thu thập thông tin, bởi vậy đây là cách mà tôi chọn. Đối với những người được cho là biết hết mọi thứ và thế là họ cố gắng tìm cách giải thích mọi thứ, họ thường thiếu hiểu biết về rất nhiều điều mà những người khác hoàn toàn có khả năng và rất sẵn lòng giảng giải cho họ, chỉ cần họ bớt tự lừa dối bản thân đi một chút.

Những người tự cho mình giỏi thường cũng là những người hiểu biết ít nhất, bởi vì những người thật sự giỏi sẽ biết rõ chỗ nào mình giỏi và chỗ nào mình còn thiếu sót. Người giỏi thật sự sẽ biết phản tư và quán xét lại chính mình để thấy rằng biển học là vô bờ, những thứ họ biết chỉ là hạt cát hay giọt nước so với những thứ họ không biết, và chính vì vậy họ luôn có thái độ cầu thị hay khiêm tốn học hỏi để mở mang kiến thức.

Một khi bạn biết kiềm cái miệng mình lại để bớt thể hiện, bạn sẽ lắng nghe được nhiều hơn. Một khi bạn biết hạ cái tôi mình xuống để cầu thị học hỏi, bạn sẽ được người khác chia sẻ nhiều hơn. Rèn luyện về hạnh khiêm tốn, hiểu rằng con người “nhân vô thập toàn” và “núi cao thì có núi cao hơn”, đó là những chiếc chìa khóa giúp bạn đi sâu đi xa hơn trong cuộc đời này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.