Ảnh: Unplash

Hồi còn con nít, mỗi mùa hè về quê ngoại các anh họ thường rủ mình băng rừng đi tắm sông. Con nít dưới quê đa số đều biết bơi từ rất sớm, còn mình dù nhìn các anh bơi rồi bắt chước đủ kiểu cũng không tài nào bơi được cho ra hồn. Kết quả là, mỗi lần đi tắm sông thì các anh họ và tụi bạn đều bơi dưới sông, còn mình thì nằm chèo queo ôm thân cây chuối nổi lềnh bềnh trên sông.

Đến thời sinh viên vào Sài Gòn học đại học, nhiều bạn bè nghe bảo quê mình ở thành phố biển Phan Thiết thì thường hỏi mình có biết bơi không. Nghe xong mình chỉ biết cười trừ, vì mang tiếng dân xứ biển, nhà sát bên bờ biển mà không biết bơi thì cũng thật kỳ khôi. Thật ra hồi nhỏ mình đi tắm biển hoài với ba, ba mình thì bơi rất giỏi, ấy vậy mà mình không học được chút kỹ năng bơi lội nào từ ba. Còn nhớ lần tập bơi cuối cùng lúc nhỏ, ba mình cũng ít có ác khi kéo mình ra giữa biển rồi thả tay ra để mình tự bơi. Kết quả là, mình bị sặc nước biển và từ đấy bái bai luôn chuyện học bơi, đi tắm biển chỉ dám tắm gần bờ hoặc thuê phao. Bơi ở sông còn chưa xong thì bơi ở biển còn khó hơn gấp mấy lần.

Hơn 15 năm sau đó kể từ lần học bơi cuối cùng, mình mới chính thức đăng ký một lớp học bơi bài bản ở một nhà văn hóa, lớp đầu tiên mình học là lớp bơi ếch. Khóa học kéo dài 10 buổi, học vào cuối tuần. Các buổi đầu tiên thầy hướng dẫn học thở dưới nước, xong rồi chuyển sang đeo phao vào hai cánh tay và hai chân để tập nổi trên nước, rồi mới học đập tay và đạp chân, sau đó là kết hợp hai động tác này lại để bơi, và cuối cùng là xử lý tình huống khi bị chuột rút hay đuối sức giữa đường bơi như thế nào. Nói chung kiến thức được dạy rất bài bản và hệ thống từ cơ bản đến nâng cao, nên một người xứ biển hơn 23 tuổi đầu chưa biết bơi như mình ở thời điểm đó thì học tới 2/3 khóa đã bơi được. Tới lúc mình bơi được thành thục, thật sự mình còn không tin vào chính bản thân rằng có ngày mình lại bơi được.

Hồi còn học cấp hai, môn thể dục kinh hoàng nhất đối với mình chính là chạy bền. Giữa trời chiều nắng gắt, thầy giáo thể dục bắt cả lớp chạy 5-6 vòng sân. Tới bây giờ khi hồi tưởng lại, mình vẫn còn nhớ cảm giác khuôn mặt mình nóng bừng, mồ hôi nhễ nhại, vừa chạy từng bước vừa thở phì phò như trái bóng bị xì hết hơi, nhiều lúc mình có cảm tưởng chỉ cần chạy thêm một chút nữa thôi là mình sẽ lăn đùng ra xỉu vì đã quá choáng váng mặt mày. Mà không phải mình béo phì hay mập ú gì cho cam, lúc đó mình ốm nhách, chỉ mỗi tội bình thường lười tập thể dục và không thích tập thể dục nên “KPI” thầy áp dụng cho cả lớp là quá sức đối với mình. Việc này cũng giống như bạn bắt một mèo lười phải chạy đua trên cùng một sân với tụi hổ báo cáo chồn, hỏi sao nó chạy lại cho được?

Ảnh: Unplash

Đến thời điểm hiện tại, khi phong trào chạy bộ rộ lên khắp nơi, nhất là sau một mùa Covid thì người người nhà nhà chạy bộ và tham gia các giải chạy, mình cũng không tài nào chạy bộ được dù chỉ là một vòng công viên (khoảng 1km). Dù sau hơn ba tháng tập… đi bộ miệt mài, đến một ngày nọ mình nổi hứng chạy bộ thử cho biết mùi, và một lần nữa mình lại flashback quay về cảm giác mệt ná thở mệt muốn xỉu up xỉu down thời cấp hai. Thế là mình quyết định bỏ cuộc, từ nay chỉ đi bộ cho lành, không dại dột chạy bộ nữa làm gì, thể trạng của mình không hợp với chạy bộ đâu.

Ấy vậy mà nhân duyên lại đưa đẩy để mình biên tập một cuốn sách về chạy bộ có tựa Chạy trong chánh niệm. Tác giả cuốn này là một runner chuyên nghiệp và cũng là phóng viên thể thao, nội dung cuốn sách thì chia sẻ rất nhiều về việc ứng dụng chánh niệm vào chạy bộ để vượt qua những đau đớn thể xác và cảm xúc tiêu cực trong quá trình chạy bộ, cùng rất nhiều bí quyết hấp dẫn khác cho runner.

Nghe chuyên gia phân tích thì mình mới phát hiện rằng trước giờ mình chạy sai be bét khi chỉ biết cắm đầu chạy và thở hồng hộc chứ chẳng biết cách hít thở đúng. Học đi đôi với hành, tới buổi chiều khi đi tập ở công viên, mình cũng ứng dụng theo các bài tập điều hòa hơi thở và nhịp chạy trong cuốn sách, và ố là la, mình có thể chạy được… nửa vòng công viên mà không thấy mệt. Ở đây mình chỉ mới tập thử trong vài ngày, dự là nếu tập luyện nhiều hơn thì sức bền của mình sẽ được nâng cao hơn và có thể chạy bộ được tốt hơn.

Chỉ mới trước đó vài ngày thôi, cũng với khoảng cách tương tự nhưng mình chạy xong là muốn lăn đùng ra xỉu ngay tại chỗ chứ không phải tươi rói khỏe re như bây giờ. Hai trạng thái khác nhau một trời một vực, chỉ nhờ mình biết áp dụng đúng phương pháp hít thở sao cho hiệu quả trong lúc chạy – điều mà thầy giáo thể dục cấp hai trong suốt mấy năm trời không bao giờ dạy cho bọn mình. Thầy chỉ đứng đó thổi còi và bắt tụi học sinh phải cắm đầu chạy cho đủ số vòng, ai chạy không được thì điểm thấp ráng chịu.

Ảnh: Unsplash

Hồi mình mới chuyển sang làm ở công ty mới, trụ sở công ty nằm trong một căn nhà hẻm và cửa ra vào là một ổ khóa hết sức phức tạp mà mình chưa thấy bao giờ – mở không chỉ đã khó mà đóng cửa lại còn khó hơn gấp bội phần. Trước giờ đi làm ở các tòa nhà mình chỉ quen quẹt vân tay hoặc quẹt thẻ là cửa tự động mở, hoặc đơn giản hơn là xài chìa khóa rồi mở ổ khóa là xong, ấy vậy mà ở công ty này thì chiếc chìa khóa mình được phát dường như vô tác dụng vì vặn kiểu gì cũng không thể mở khóa được.

Hành trình mở khóa của mình gian truân tới nỗi phải trải qua bốn cửa ải. Lần đầu tiên mình mở khóa không được, thế là phải bấm chuông cửa nhờ một bạn ra mở cửa giùm, và bạn đó thấy mình bị kẹt ở ngoài thì chỉ đi ra mở cửa cho mình rồi đi vào. Lần thứ hai mình cũng bị kẹt, một bạn khác đi ra mở cửa và chỉ cho mình cách mở khóa từ bên ngoài sao cho đúng. Tới lần thứ ba, buổi sáng mình mở cửa được nhưng tới chiều đi về lại không biết cách đóng cửa, đành phải nhờ chị đồng nghiệp cứu bồ, và chị đứng thao tác cho mình xem để mình bắt chước theo. Nhưng tới lần thứ tư, mình thao tác y chang cách chị đồng nghiệp đã chỉ nhưng cũng không thể nào mở hay đóng cửa được thì lúc này sếp của mình mới ra tay hướng dẫn.

Và phong cách chỉ dẫn của sếp mình hoàn toàn khác ba người trước. Đầu tiên, chị nói cho mình biết cơ chế hoạt động của cái ổ khóa này là nó có tới tận 4 lớp: lớp tra chìa khóa vào, lớp thò tay vào kéo chốt, lớp vặn cái vòng tròn trên ổ khóa, lớp kéo thanh trượt – và hỡi ôi bạn phải làm theo đúng trình tự này thì mới mở được cái ổ khóa. Tiếp theo, chị thị phạm trực tiếp cho mình xem cả hai tình huống mở từ bên ngoài và đóng từ bên trong như thế nào. Sau đó, chị để mình làm thử theo hướng dẫn của chị. Cuối cùng, chị nói thêm một số sự cố thường hay gặp phải khi mở cửa để mình phòng hờ. Kết quả là, kể từ thời khắc đó, mình mở cửa hết sức dễ dàng mà không cần nhờ quyền trợ giúp từ ai nữa.

Ở câu chuyện trên, thật sự cũng có lúc mình hoang mang nhẹ, không lẽ một chuyện đơn giản như mở khóa cửa thôi, qua 2-3 người chỉ mà mình vẫn không mở cửa được. Như vậy có phải do năng lực mình quá kém? Tương tự như vậy, có phải do mình quá chậm tiêu nên không thể nào học bơi được? Hay do thể trạng mình quá yếu nên không thể nào chạy bộ được?

Ảnh: Unsplash

Trước giờ khi gặp những tình huống như vậy, mình thường hay nghĩ vấn đề xuất phát từ bản thân mình, do mình chậm mình yếu mình kém nên không thể làm được như người ta. Nhưng khi trải qua nhiều tình huống tương tự các câu chuyện kể trên, mình mới ngộ ra một điểm rằng: Mấu chốt vấn đề không phải nằm ở mình mà ở cách dạy của người khác. Thực tế là, không phải ai cũng có khả năng sư phạm để chỉ dạy cho bạn một điều gì đó, ngay cả khi họ làm điều đó rất thành thục. Cụ thể là các anh họ hay ba mình không thể dạy mình cách bơi, thầy giáo thể dục của mình không thể dạy mình cách chạy, và các đồng nghiệp của mình không thể dạy mình cách mở một cái ổ khóa.

Từ kinh nghiệm của mình cho thấy, nếu bạn muốn học một điều gì đó thành thục thì cần hai trụ cột quan trọng sau đây:

  1. Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ: Trước hết bạn phải hiểu được nguyên lý của vấn đề mình muốn học và cơ chế của nó từ gốc rễ (như chuyện học bơi, học chạy, mở cửa,…) thì sau đó mới nói được tới chuyện thực hành. Không phải ai cũng có được thiên phú là hành xong rồi mới ngộ ra được nguyên lý. Việc người khác bắt bạn nhảy xuống nước bơi đi hay ra sân chạy vài vòng đi cũng giống như học từ trên ngọn cây thay vì học từ gốc rễ.
  2. Tìm cho mình một người thầy giỏi: Người thầy giỏi không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn cần phải có khả năng sư phạm để truyền đạt cả nguyên lý lẫn hướng dẫn bạn cách thức thực hành sao cho đúng. Người thầy giỏi cũng chỉ ra cho bạn biết trước những ổ gà ổ voi trên đường học để chuẩn bị cho bạn trước tâm lý đối diện với chúng trong thực tế.

Hệ quy chiếu này rất quan trọng đối với mình và như tấm “kính chiếu yêu” giúp mình soi rọi được bản chất thật-giả khó phân của những điều mình muốn học hay những vị thầy nhan nhản bên ngoài. Chẳng hạn như, nếu bạn muốn tham gia vào thị trường crypto hay chứng khoán và bạn không có đủ hai trụ cột trên – bạn chẳng hiểu gì về nguyên lý hoạt động của thị trường và/hoặc bạn cũng chẳng có người thầy giỏi nào chỉ dẫn bạn – thì tốt nhất đừng nên dại dột tham gia vào để không bị tiền mất tật mang.

Trụ cột số (1) thì dễ hiểu, nhưng trụ cột số (2) thì bạn cũng cần cẩn trọng đừng để cái mác hào nhoáng của một số vị thầy giả danh đánh lừa. Ví dụ, nếu bạn muốn học về khởi nghiệp kinh doanh, tốt nhất bạn nên tìm một người thầy nào đã từng khởi nghiệp thành công, sở hữu một (hoặc nhiều) công ty đang kinh doanh phát đạt trên thị trường, thay vì đi tìm một ông thầy chỉ chuyên mở trung tâm đào tạo khởi nghiệp và khởi nghiệp từ chính trung tâm đó. Tương tự, các khóa học làm giàu mà người dạy chẳng phải chủ một doanh nghiệp đúng nghĩa, họ làm giàu từ chính việc dạy làm giàu là một cái bẫy mà nhiều người nhẹ dạ cả tin rất dễ bị lừa.

Hồi mới xảy ra đại dịch Covid-19, mình từng nghe nói đến một khóa học của một vị diễn giả nọ có học phí lên tới 20 triệu để dạy học viên cách sống sót và vượt qua đại dịch để tiến tới tương lai. Vị diễn giả này rất tâm lý khi đánh vào nỗi sợ của đám đông về một tương lai bất định, họ phải bỏ tiền ra học để đi tìm lối thoát tươi sáng ấy. Một người bạn của mình sau khi trở về từ khóa học này mới cảm thán rằng, học nghe thì hay ho đấy nhưng rốt cuộc cũng là lý thuyết suông vì tất cả chỉ là dự đoán dự báo chứ có áp dụng được vào thực tế chút nào đâu. Ở thời điểm hiện tại, nếu những người đăng ký khóa học ấy thử ngồi lại suy nghĩ, liệu hiện tại họ sống sót qua đại dịch là nhờ vào sự bảo vệ của chính phủ và sự nỗ lực của bản thân họ, hay là nhờ những gì học được từ vị diễn giả kia?

Vấn đề nằm ở chỗ, đại dịch là thứ chính phủ tất cả các nước trên thế giới còn đang đau đầu, vắc-xin chữa bệnh thời điểm đó còn chưa có, chẳng ai đoán định được điều gì cụ thể về tương lai. Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2007-2008, sau hơn 10 năm nhìn lại, chính các chuyên gia kinh tế trên toàn cầu cũng chẳng hiểu được vì sao lúc ấy lại xảy ra khủng hoảng, vì chẳng có một dấu hiệu nào báo trước. Vậy thì bạn lấy cơ sở nào về mặt nguyên lý để tin vào giải pháp của một vị “chuyên gia giấy” – chỉ ngồi tự research, tự đúc kết rồi đem rao bán mớ lý thuyết giả định ấy? Đó cũng chính là rủi ro khi bạn lầm lạc học với những vị thầy không làm nghề, chính bản thân họ không có những trải nghiệm thực tế nhưng khả năng sư phạm thì lại rất giỏi.

Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ một công cụ tư duy để giúp bạn đọc có được sự minh triết, sáng suốt hơn khi chúng ta đối diện với những vấn đề thường gặp ở đời. Đôi khi chúng ta tự dán nhãn yếu kém cho chính mình chỉ vì ta gặp phải những người thầy dở. Và khi không học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ thì mọi thứ ta học được chỉ là mớ kiến thức phù du trên bề mặt, thiếu căn cơ và không bền vững để tạo lập một nền tảng vững chãi cho chính mình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. hi Thanh Linh,
    Tình cờ mình đọc được bài viết này, cũng rất thích chủ đề Mindfulness in Running, bạn có thể chia sẻ về cuốn sách này nhiều hơn được không? Và sắp tới khi nào xuất bản ạ?

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.