Ảnh: www.tris.co.nz

Thử tưởng tượng bạn có lịch đi khám răng ở phòng khám nha khoa, hay bạn đang đi làm đẹp ở một spa thẩm mỹ. Trong lúc nằm đó, nhìn lên trần nhà, đột nhiên bạn thấy có một mảnh trần bị mất, để lộ ra một lỗ hổng tối đen. Thế là, suốt buổi điều trị hôm đó, điểm tập trung của bạn luôn luôn là mảnh trần bị mất trên trần nhà.

Hội chứng mảnh trần bị mất (The Missing Tile Syndrome) là một thuật ngữ của Dennis Prager, một người dẫn chương trình radio và là tác giả người Mỹ, nói về những sự khuyết thiếu hay sự không hoàn hảo trong cuộc đời mà đa số chúng ta thường tập trung vào. Là con người, chúng ta thường có xu hướng tập trung vào những thứ ta không có trong đời hơn là những thứ ta đã có. Hội chứng này cũng tương tự như việc chúng ta tập trung vào một điểm đen trên tờ giấy trắng, thay vì phần trắng còn lại của tờ giấy.

Chẳng hạn, nếu bạn là ông chú bị hói đầu, thì khi bước vào một căn phòng, thứ bạn luôn chú ý vào là những cái đầu đầy tóc của người khác. Hay nếu bạn là một cô nàng có đôi chân không hoàn hảo, khi đi một bữa tiệc, bạn sẽ luôn nhìn vào những đôi chân hoàn hảo của các chị em phụ nữ khác. Hay nếu bạn là một phụ nữ hiếm muộn, dù hai vợ chồng nỗ lực nhiều lần mà vẫn chưa có thai, thì ở bất cứ đám đông nào trên đường, thứ bạn luôn để tâm là những phụ nữ mang thai xung quanh bạn.

Thông qua sự hoàn hảo của người khác, chúng ta sẽ thấy được sự khuyết thiếu của chính mình. Nếu chưa biết về hội chứng mảnh trần bị mất, đa số chúng ta thường sẽ để tâm trong vô thức mà không hề hay biết. Hiểu về hội chứng này rồi, bạn sẽ lý giải được vì sao mình lại chú tâm tới sự hoàn hảo nơi người khác nhiều như vậy. Khi chúng ta thiếu thứ gì, thì ta sẽ mãi chỉ chăm chăm nhìn vào thứ đó nơi người khác.

Ảnh: Unsplash

Như mình lúc trước có một kiểu tóc rất ghê, do tính chất đầu hoai xoáy và tóc mình rất cứng nên cắt kiểu nào thì tóc cũng dựng đứng lên và chĩa ra hai bên y như hình tam giác ngược. Chất tóc của mình nếu gặp thợ hớt tóc giỏi thì cũng cắt ra một cái đầu coi được, nhưng gặp mấy anh thợ trẻ mới vào nghề thì kết quả là ra một cái đầu nhìn chỉ muốn khóc. Hồi nhỏ mình không ý thức việc này, tới khi học cấp hai rồi cấp ba hay bị bạn bè lấy ra trêu chọc thì mình mới biết đó là “khuyết điểm” của bản thân. Cho nên mỗi lần mình cắt tóc xong thì chỉ muốn… đội quần lên đầu đi học, hay ước gì được nghỉ học luôn mấy tuần cho tóc dài ra để đỡ xí hổ với bạn bè.

Và từ đó mình luôn có một chấp niệm về một mái tóc đẹp nơi những cậu trai khác, từ những đứa bạn cùng lớp tới những đứa học sinh khác trong trường, cho tới những nam diễn viên trên màn ảnh nhỏ. Mỗi lần coi phim hay đi đâu, thứ mình luôn nhìn vào là mái tóc suôn mềm, vào nếp thẳng tắp của những cậu trai xung quanh. Sau đó thì nhân duyên đưa đẩy, mình gặp được một anh thợ hớt tóc giỏi nên được anh tư vấn một kiểu tóc phù hợp. Kể từ thời điểm đó, cuộc đời mình như lật sang trang mới và chấp niệm về mái tóc năm nào cũng biến đi mất biệt. Phải công nhận kể từ khi tóc mình trở nên đẹp không kém gì diễn viên trên màn ảnh, thì từ đó về sau mình chẳng bao giờ để ý tới mái tóc của những cậu trai khác nữa.

Ảnh: Unsplash

Nhưng cuộc đời là một chuỗi kiếm tìm sự không hoàn hảo nơi bản thân mình. Khi bạn đã hoàn hảo được điểm này, thì bạn sẽ luôn nhìn thấy những điểm không hoàn hảo khác của bản thân rồi lại bắt đầu đi tìm kiếm nó ở nơi những người khác. Như mình sau khi dẹp bỏ được chấp niệm về tóc tai thì lại chuyển sang chấp niệm về da mặt, sau khi biết skincare chăm sóc da mặt đẹp hơn thì mình lại chuyển sang chấp niệm về cân nặng, sau khi giảm cân như ý thì mình lại chuyển sang chấp niệm về chiều cao v.v.

Nói chung, chuỗi kiếm tìm sự không hoàn hảo này sẽ mãi không kết thúc, mà chỉ mắc kẹt lại ở một điểm không hoàn hảo nào đó mà bạn không thể giải quyết được, theo kiểu vô phương cứu chữa (dù cho có nhiều tiền cỡ nào). Đó cũng là lý do vì sao có nhiều diễn viên rất đẹp, ai nhìn vào cũng thấy đẹp xuất sắc rồi, nhưng họ luôn nhìn thấy sự không hoàn hảo của bản thân và phải đi sửa thêm chỗ này chỗ nọ, sửa sao cho vừa lòng hả dạ mới thôi. Diễn viên hài Lê Giang là một ví dụ điển hình, hay diễn viên Phi Thanh Vân từng nổi tiếng với làn da nâu cũng trải qua những cuộc dao kéo và tẩy da từ nâu thành trắng để thỏa mãn hình tượng hoàn hảo cô muốn hướng tới. Có người sửa xong thì đẹp lên thật, nhưng cũng có người sửa xong thì nhan sắc đi xa tuốt luốt, khán giả nhìn không ra.

Hồi mình học cấp ba, cô bạn cùng bàn từng hỏi mình có đi tẩy trắng răng không sao răng trắng quá vậy. Thời đó “tẩy trắng răng” là gì mình còn không biết, bạn nhận xét răng mình trắng không thua gì chị Trúc bán sách trong phim “Bỗng dưng muốn khóc” do Tăng Thanh Hà đóng (lúc đó thì mình không biết chị Hà có tẩy răng hay không). Nghe mình bảo răng mình tự nhiên thế, cô bạn nói đùa rằng chắc chỉ có con nhà giàu răng mới trắng vậy. Sau này nhớ lại chuyện cũ, mình mới chợt nhớ à thì ra bạn có một hàm răng xỉn vàng.

Hồi mình học đại học, đi học tiếng Anh ngồi gần một bạn nam, trong một lần nói chuyện bạn khen mình có hàm răng đều đẹp vậy (mình chỉ đều tự nhiên hàm trên thôi và không niềng răng). Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình nghe một người khen răng mình đều, và ồ thì ra hàm răng của bạn ấy hóa ra không đều gì mấy.

Một điều thú vị từ hội chứng mảnh trần bị mất là, khi bạn tiếp nhận lời khen từ người khác, có khi đó cũng chính là điểm không hoàn hảo ở nơi người đó. Điều này không chỉ đúng với những lời khen về hình thể mà còn về những đặc điểm khác. Ví như khi bạn khen (hay công nhận) một người là giỏi giang và giàu có, phần nhiều trong thâm tâm bạn đang tự thấy rằng mình kém giỏi giang, kém giàu có (hoặc nói thẳng ra là nghèo) hơn họ. Bởi lẽ khi bạn đủ giỏi và đủ giàu, thì thường bạn chẳng bận tâm đến điểm này nơi người khác, mà lúc đó bạn sẽ đi tìm kiếm những điểm không hoàn hảo khác của mình.

Ảnh: Unsplash

Nếu mảnh trần nhà bị mất, người ta có thể lắp lại mảnh trần khác một cách dễ dàng. Nhưng cuộc đời không dễ dàng đến thế, có những điểm chưa hoàn hảo mà bạn có thể tìm cách sửa được cho hoàn hảo; và cũng có những điểm không hoàn hảo mãi mãi sẽ không có cách nào để sửa được. Như bạn chỉ cao một mét bảy, bạn không thể nào có cặp giò của người cao mét chín. Như bố mẹ bạn ly thân lúc bạn còn nhỏ, bạn không thể nào có được một gia đình trọn vẹn như những đứa trẻ khác.

Khi đắm chìm trong sự không hoàn hảo của bản thân, hay của cuộc đời mình, bạn sẽ luôn sống với hai cuộc đời song song: cuộc đời bạn đang có, đang phải có và một cuộc đời bạn không thể có, mãi mãi không thể có được. Ở cuộc đời bạn đang có, bạn luôn ao ước chân mình dài hơn, mặt mình đẹp hơn, người mình thon hơn, nhà mình giàu hơn,… Đó chính là phiên bản hoàn hảo của bạn, người đang sống trong cuộc đời bạn không thể có. Và đời chỉ là bể khổ khi ta cứ mãi đắm chìm trong chuỗi kiếm tìm sự không hoàn hảo của bản thân, để thấy cái gì mình cũng không được, không bằng người khác, rồi đổ lỗi ông Trời sao quá bất công, kẻ ăn không hết còn người lần không ra.

Như chia sẻ của Dennis Prager, khi đã hiểu về hội chứng mảnh trần bị mất, mỗi chúng ta luôn có hai lựa chọn:

  • Tiếp tục nhìn vào mảnh trần bị mất – điểm không hoàn hảo của mình.
  • Hay nhìn vào phần còn lại của trần nhà – những điểm hoàn hảo/điểm tốt mình đang sở hữu.

Con người sinh ra vốn không bao giờ được hoàn hảo, vì nếu hoàn hảo chúng ta sẽ không còn biết quý những gì mình đang có, và cũng không biết cố gắng hoàn thiện bản thân. Tạo hóa không tạo ra một sinh vật nào hoàn hảo về mọi mặt. Chúng ta, nếu không có những khiếm khuyết về hình thể thì cũng có những khiếm khuyết về tính cách hay tâm hồn (từ những điểm không hoàn hảo trong đời sống mà tuổi thơ chúng ta từng trải qua). Chính vì sự không hoàn hảo đó, mà chúng ta thường tự làm khổ chính mình hay làm khổ lẫn nhau.

Cuối cùng thì, để sống một đời nhẹ nhàng, con người phải học cách chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân. Điểm không hoàn hảo nào sửa được thì cứ sửa, còn sửa không được thì nên học cách chấp nhận, thỏa mãn, biết đủ là đủ, biết vừa là vừa.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.