Trong cuốn sách Tử huyệt cảm xúc của Roy Garn, có trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Owen D. Young (1874-1962), doanh nhân, luật sư kiêm nhà ngoại giao nổi tiếng người Mỹ ở thế kỷ 20, mà khi đọc được mình rất ấn tượng:
“Người nào có khả năng đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, thấu hiểu được những suy nghĩ tâm tư của họ thì không cần phải lo lắng về bất kỳ điều gì của tương lai; vì người đó chắc chắn sẽ thành công.”
Nói đơn giản thì đây là khả năng biết nghĩ cho người khác, còn nói theo ngôn ngữ khoa học tâm lý thì đó là năng lực thấu cảm (empathy) thường được đề cập đến nhiều trong các dòng sách về tâm lý ứng dụng. Với mình, đây là một năng lực bản thân mình bẩm sinh đã có sẵn chứ không thông qua học tập hay rèn luyện, như một dạng thiên phú mà đôi khi mình cũng không hiểu vì sao mình có được, vì thực tế không phải ai cũng biết nghĩ và thấu cảm cho người khác khi họ luôn xem bản thân là ưu tiên hàng đầu.
Nhớ lúc nhỏ, khi nhà mình sống ở thành phố có điều kiện tương đối khá giả, mỗi lần về quê là mình thấy rõ được sự cách biệt giàu nghèo giữa mình và các anh chị họ hay tụi con nít cùng lứa ở dưới quê. Đơn giản nhất là chỉ cần nhìn qua cách ăn mặc, con nít thành phố thường mặc những bộ quần áo mới trắng sáng tinh tươm, đi dép mới, còn con nít dưới quê thường mặc đồ bộ, đồ cũ, cả những chiếc áo trắng đi học thường cũng nhuốm màu cháo lòng hay được truyền từ đời anh sang đời em, đi dép cũ hay có khi đi chân đất. Bản thân mình khi ý thức được điều này thì mỗi lần về quê mình đều mặc những bộ đồ cũ nhất, ít màu sắc nhất để dễ hòa nhập với bạn bè dưới quê, đôi khi tự thân những thứ gì mới mẻ tinh tươm quá cũng đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa tụi con nít. Trẻ em dưới quê cũng rất ít thú vui giải trí ngoài những trò chơi dân gian thường tụ tập chơi mỗi ngày, lẽ vậy mỗi lần về quê là mỗi lần mình lại đem truyện tranh, đồ chơi theo để chia sẻ với mấy anh chị em họ hàng của mình.

Có một kỷ niệm mà mãi đến giờ mình vẫn còn nhớ, nó như một khoảnh khắc đánh dấu ý thức của mình về năng lực thấu cảm. Hồi đó có lần đi chơi ở Sài Gòn, ba mình mua cho mình một bộ đồ chơi Lego, giá khi đó hơn cả trăm ngàn một bộ – số tiền đó cách đây gần hai mươi năm thì cũng tương đương bạc triệu bây giờ, và cũng quá sức tưởng tượng đối với những đứa con nít dưới quê khi tiền tiêu vặt năm trăm, một ngàn mỗi ngày tụi nhỏ còn không có. Mỗi lần về quê mình thường đem theo bộ đồ chơi Lego ấy để rủ cả đám bạn cùng chơi lắp ghép xây nhà. Có lần khi đang ngồi chơi trước sân nhà, một cô trong xóm đi ngang thấy thì hỏi mình: “Bộ đồ chơi này con mua bao nhiêu tiền?”. Khi đấy mình ngẩn người ra, không biết phải trả lời thế nào, vì rõ ràng là mình biết giá tiền nhưng lại không thể nói, vì con số ấy quá lớn đối với một người buôn gánh bán bưng ở quê, có khi nó bằng cả tháng trời họ làm lụng quần quật.
Và sau đó mình im lặng một hồi lâu, bởi một đứa nhỏ như mình chưa thể hình dung được khi nói ra con số ấy thì cô sẽ cảm thấy buồn tủi và tổn thương ra sao. Một món đồ chơi của một đứa con nít thành phố lại bằng tiền ăn cả tháng của một gia đình dưới quê. Và rồi cô đáp lời: “Mày xem thường tao quá ha, hỏi mà không thèm trả lời”. Nói rồi cô bỏ đi một mạch, và câu trả lời đó tới bây giờ vẫn còn khiến mình ám ảnh, khi có những chuyện dù bạn nói ra hay không nói, nó vẫn để lại một vết thương trong lòng người khác.

Khi bước ra đời và đi làm nhiều năm sau này, bản thân mình cũng không tự ý thức được mình sở hữu một khả năng như vậy, cho tới khi một anh sếp nói cho mình biết vào thời điểm mình đưa ra quyết định nghỉ việc ở một công ty đã gắn bó hơn 5 năm. Mặc dù lúc ấy mình đã báo tin xin nghỉ việc chính thức và hôm ấy cũng là buổi cuối cùng mình làm tại công ty, anh gọi riêng mình vào phòng họp và chiếu một slide PPT cho mình xem. Trong slide là nội dung về một vị trí gọi là Chief of Staff (tương đương với chức danh Chánh văn phòng ở các cơ quan chính phủ), là người chỉ dưới CEO và tương đương với giám đốc các bộ phận trong công ty, phụ trách quản lý và điều phối mọi hoạt động trong công ty bất kể vai trò chức năng. Nói đơn giản, đây là vị trí được toàn quyền can thiệp vào công việc của bất kỳ bộ phận nào, miễn là giúp bộ phận đó nói riêng và cả công ty nói chung trở nên tốt hơn và hiệu quả hơn.
Xuất phát điểm chỉ là một nhân viên marketing bình thường, sau 5 năm làm việc tại công ty mình là người nắm rõ công việc của tất cả các phòng ban khác và cũng có mối quan hệ hữu hảo với các giám đốc phòng ban, nên xét ra mình là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí mà sếp mình đã tìm kiếm bấy lâu. Nhưng rất tiếc là cuối cùng mình từ chối lời đề nghị hấp dẫn này vì đang trên con đường lựa chọn một hướng đi khác. Khi biết không thể níu kéo được mình, sếp mình – một người đàn ông – đã bật khóc, và đó cũng là lần đầu tiên mình thấy một người con trai (đã có gia đình) khóc vì mình. Anh nói: “Dù cho em không còn làm việc với công ty nữa, nhưng anh biết rằng khi em đi đến bất cứ công ty nào làm việc sau này, em vẫn sẽ làm hết mình và có tâm như thế. Anh mong họ sẽ biết trân trọng khi có được một nhân sự như em”.
Khoảnh khắc ấy cũng là lúc mình hiểu được, những gì từ tâm sẽ chạm được đến tâm, và những công sức mình bỏ ra tận hiến cho công việc cuối cùng đã được ghi nhận và đền đáp. Khi bạn làm việc với một tinh thần trách nhiệm, biết nghĩ cho sếp và đồng nghiệp, cho công ty, tâm thế làm việc của bạn sẽ rất khác với người đi làm công ăn lương chỉ đến chấm công cho đủ 8 tiếng rồi về. Và cũng chính vì biết nghĩ cho người khác, dẫu cho nghỉ việc thì mình vẫn còn giữ quan hệ tốt với một số đồng nghiệp cũ sau này, ít ra thì cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp nhất cho nhau khi nhắc nhớ về nhau, chứ không phải là những trải nghiệm tiêu cực tới mức không thèm nhìn mặt nhau nữa.

Có đôi lúc mình chợn nghĩ, đời sống công sở nếu ai cũng có khả năng biết nghĩ cho người khác thì công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng biết mấy và môi trường văn phòng sẽ là một nơi làm việc hạnh phúc, không có đấu đá, ganh ghét, tị hiềm hay đổ lỗi cho nhau. Ở một công ty mình từng làm việc, có bạn nhân sự bộ phận Hành chính tuy còn rất trẻ nhưng khá quan liêu trong cách làm việc, mà mình nghĩ có lẽ bạn học được từ những vị sếp cũ chứ đó chẳng phải là tính cách thật của bạn vì bình thường bạn vẫn rất vui vẻ, hòa đồng. Chẳng hạn một việc nhỏ là các bộ phận khác có giấy tờ, hợp đồng cần trình sếp ký thì sẽ gửi trung gian qua phòng Hành chính, và lần nào mình cũng nhỏ nhẹ đề nghị, “Em ơi khi nào sếp ký xong thì em nhắn báo giúp anh nhé”. Nhưng mười lần như một, khi sếp ký xong bạn chất giấy tờ cả đống trên bàn, không buồn báo ai tiếng nào. Phòng ban nào muốn biết thì phải tới gặp bạn để hỏi và tự lấy, chứ đừng mơ tưởng tới viễn cảnh bạn ký xong sẽ chủ động báo lại.
Nếu công việc của mình là một nhân sự hành chính như bạn, khi trình ký giấy tờ xong thì thậm chí mình sẽ đem đến tận từng người, bởi mỗi phòng ban chỉ cách nhau có vài bước chân. Đó cũng là một cơ hội trong công việc để mình đi lại vận động và giao lưu với từng cá nhân, ít ra sẽ làm đời sống công sở của mình vui vẻ và nhiều màu sắc hơn, vì thực tế bản chất công việc hành chính là ngày nào bạn cũng ngồi làm việc với mớ giấy tờ và một quy trình lặp đi lặp lại hết sức khô khan. Vậy tại sao bạn không tự làm cho công việc của mình trở nên thú vị hơn thay vì đổ lỗi cho tính chất công việc vốn là như thế?

Trong công ty xuất bản mình làm, có lần một bạn nhân sự phòng In ấn nghỉ, thành ra có một số đầu việc liên quan tới thủ tục hợp đồng với các nhà xuất bản phải chuyển giao lại cho các phòng ban khác phụ trách vì tạm thời chưa tuyển được người thay thế. Bản chất công việc này ở mỗi công ty xuất bản sẽ có cách tổ chức quy trình khác nhau, tùy vào quy mô lớn nhỏ của công ty. Xét về lý, tính chất công việc giấy tờ vốn nên chuyển về cho bộ phận Hành chính phụ trách, bởi chức năng của phòng này lẽ ra ngoài xử lý các vấn đề giấy tờ nội bộ (đối nội) thì cũng phải kiêm luôn việc xử lý giấy tờ với đối tác (đối ngoại). Ấy vậy mà, bạn Trưởng phòng Hành chính lại phản hồi với CEO rằng, phòng Hành chính có những nhiệm vụ riêng chứ không thể đi lo giấy tờ cho các phòng ban khác được, việc của phòng nào thì phòng ấy tự quản. Cuối cùng, mớ việc giấy tờ ấy lại quay về phòng Biên tập của bọn mình, dẫu cho tính chất công việc đó vốn không thuộc phạm vi trách nhiệm mà biên tập viên phải quản.
Ở đây, mình không trách cách hành xử của bạn Trưởng phòng Hành chính, vì bạn đứng trên tâm thế ưu tiên cho công việc nội bộ và muốn bảo vệ cho phòng ban của mình nên không muốn kiêm nhiệm thêm những việc trước giờ phòng bạn vốn không làm. Nếu bạn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và cả công ty, bạn sẽ không nề hà nhận thêm một việc lẽ ra thuộc chức trách của phòng ban bạn quản lý. Khi đấy thì dòng công việc sẽ chảy vào đúng chỗ, ai nấy cũng đều vui vẻ và công việc thì suôn sẻ.

Trong đợt dịch bệnh phải làm việc ở nhà mấy tháng năm ngoái, có những công việc giấy tờ thi thoảng vẫn cần phải lên công ty để trình ký. Trong team mình có vài bạn nhà gần thì thường hay lên công ty thường xuyên hơn, do vậy khi có hợp đồng cần trình ký thì mình mới nhờ một bạn in giùm hợp đồng rồi gửi phòng Hành chính trình ký giúp mình. Đối với những người có khả năng biết nghĩ cho người khác như mình, đôi khi mình hay trông đợi người khác cũng đối xử như vậy với mình, nhưng thường kì vọng này không mấy thực tế vì chuyện chỉ bảo hay hướng dẫn cho một đồng nghiệp cùng cấp cách cư xử vốn đã là một việc tế nhị và nhạy cảm. Nếu đổi vai trò mình là bạn ấy, khi ký hợp đồng xong thì mình sẽ chủ động báo lại cho người nhờ mình, thậm chí sẽ hỏi thêm người đó có cần mình scan lại hợp đồng hay gửi chuyển phát tới địa chỉ của người nhận không, nếu cần thì mình sẽ làm giúp luôn cho tiện. Khi biết đặt bản thân vào hoàn cảnh người khác, tự bạn sẽ biết bạn có thể làm gì trong phạm vi giới hạn nào để giúp đỡ họ.
Cũng trong quãng thời gian ấy, có lần mình nhờ một bé đồng nghiệp đang ở văn phòng gửi giúp mình một hợp đồng cho trợ lý của một tác giả ghé công ty mình nhận. Em nhận lời giúp mình xong, sau đó gửi cũng không báo mình tiếng nào, thành ra mình cũng không biết rốt cuộc em có gặp và gửi được hợp đồng cho đối tác chưa. Mà chưa biết thì chưa thể an tâm được, vì trách nhiệm công việc đó vốn thuộc về mình, nên thành ra phải đi hỏi lại em thì mới biết em đã gửi từ sáng rồi. Một việc rất nhỏ, việc người khác nhờ bạn làm, làm xong bạn chủ động báo lại thôi thì cả hai đều vui, chứ không thì người nhờ là mình sẽ thấp thỏm lo lắng cả ngày không biết kết quả cuối cùng ra sao.
Những hôm mình trực ở văn phòng, mình lên lấy hợp đồng đã trình ký mà thấy hợp đồng nào của các bạn trong team mình thì mình sẽ lấy giùm và báo với các bạn một tiếng, ai cần gửi chuyển phát thì mình sẽ gửi luôn một thể. Hay những hôm có sách mới về văn phòng, dù không phải sách mình biên tập thì mình vẫn chủ động báo lại cho biên tập viên ấy để bạn nắm thông tin và ghé văn phòng lấy sách mới. Có những việc hết sức nhỏ nhặt như thế, nếu ai cũng biết nghĩ cho người khác thì môi trường làm việc sẽ hòa nhã và vui biết mấy. Nếu ai cũng ích kỷ chỉ biết mỗi việc của mình, còn việc của đồng nghiệp ra sao không quan tâm thì đời sống văn phòng của các bạn ấy cũng khó có hậu về sau.

Một chị bạn của mình từng kể mình nghe một chuyện mà mình rất ấn tượng, dù đó chỉ là một chuyện nhỏ nhặt về việc bỏ rác thải sinh hoạt. Nếu có mảnh kính vỡ hay miểng chai, thường chị sẽ bọc giấy xốp lại cho cẩn thận rồi bỏ vào bọc trắng cột lại, ở ngoài dùng bút bảng đề dòng chữ “Cẩn thận kính vỡ”. Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng thể hiện được cái tâm biết lo nghĩ cho những cô lao công hay những công nhân vệ sinh thu nhặt rác. Mấy ai khi quăng một mẩu rác vào thùng rác mà có ý thức trách nhiệm được như vậy? Hay ta chỉ quăng cho tiện việc của mình, còn việc người khác có bị thương như thế nào trong lúc thu dọn tàn dư thì ta chẳng mấy quan tâm?
Từ lúc nghe câu chuyện của chị, mình cũng ý thức hơn về việc bỏ rác, nhất là khi bỏ những vật nhọn như xiên que hay tăm xỉa răng, thường mình sẽ bẻ gãy đầu nhọn hay chà xuống sàn để đầu nhọn tơi ra. Như vậy người nhặt rác có vô tình chọt mạnh tay vào cũng sẽ không bị thương. Một hành động có ý thức nhỏ đối với người khác đôi khi cũng đã là một việc thiện nguyện rồi.
Có một dạo mình coi một TV show của Trung trên một kênh YouTube của nhà đài có vietsub, có vài đoạn trong chương trình MC đọc một bài thơ tình nên dòng Hán tự sẽ hiện từng chữ một từ trên xuống theo cột dọc. Điều oái oăm là dòng vietsub lại nằm theo phương vuông góc với màn hình, tức để đọc được nội dung thì người đọc phải nghẹo cổ 90 độ thì mới đọc được. Kéo xuống phần bình luận, một số bạn cũng có cùng cảm nhận giống mình và la làng team vietsub dịch kiểu gì làm khó khán giả đến thế. Lẽ ra các bạn có thể làm giống bản gốc là cho hiện từng chữ tiếng Việt từ trên xuống, nếu các bạn biết đặt bản thân vào tâm thế của khán giả xem đài. Nhưng không, các bạn lại lựa chọn phương án làm sub đơn giản và tiện lợi nhất cho bản thân, xoay ngang và cho hiện một lần, và khi đó các bạn tiện công việc của mình nhưng lại vô tình làm người xem khó chịu.
Có thể bản chất của bạn không phải là một người vô tâm, và cũng có những chuyện trong cuộc sống mà nếu người khác không nói ra thì bạn cũng không biết lẽ ra mình nên hành xử như thế. Hi vọng qua bài viết nhỏ này, mình gieo một hạt mầm nhỏ để mỗi bạn đọc tập trưởng dưỡng khả năng biết nghĩ cho người khác và rèn luyện năng lực thấu cảm của bản thân, và xa hơn là biết nghĩ cho xã hội, cho môi trường và hệ sinh thái mà chúng ta đang sinh sống. Nếu chúng ta làm việc gì cũng biết nghĩ cho nhau thì cuộc đời này sẽ dịu dàng và tốt đẹp hơn biết bao. Xã hội khi ấy sẽ phát triển một bầu năng lượng của tình yêu thương và sự hòa ái, thứ vốn mai một và đang bị mất dần khi mỗi cá nhân đều quay về chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.