Nhớ mùa dịch Covid năm ngoái, mình gap year ở Sài Gòn nên có một quãng thời gian tự túc nấu ăn ở nhà. Mùa hè cũng là lúc vào mùa bơ, mấy sạp trái cây bán đầy bơ mà giá lại rất rẻ, thế là cứ cách vài ngày mình lại mua vài kí bơ để dành ăn sáng. Mỗi buổi sáng một trái bơ, có khi ăn không, có khi ăn với bánh mì sandwich, nghe rất healthy.

Sau gần một tháng ăn bơ buổi sáng như thế, đột ngột mình bị đau bụng vào một buổi trưa nọ. Kiểu đau quặn thắt cồn cào, triệu chứng thường gặp mỗi lần đau dạ dày. Trước đó năm nào mình cũng từng trải qua một đợt đau dạ dày, thường là vào cuối năm khi khối lượng và áp lực công việc ngày càng nhiều. Nhưng quái lạ ở chỗ, dạo ấy mình ăn uống đủ bữa và đúng giờ, với nghỉ việc gap year rồi thì tâm trạng cực kỳ thoải mái chứ chẳng có gì để stress. Chưa kể, đó là thời điểm giữa năm chứ chẳng phải cuối năm, vậy thì nguyên nhân cơn đau của mình là do đâu?

Khi bạn bị đau bụng, hiển nhiên là bạn sẽ rà soát lại những món mình đã ăn trong mấy ngày qua, và xem trước đó bạn có ăn món gì khác thường (mà bình thường bạn không bao giờ ăn hoặc ít ăn) để xác định nguyên nhân. Và đáp án như bạn có thể đoán được, do mình ăn bơ quá nhiều nên cơ thể phản ứng lại với lượng bơ mình liên tục nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hóa ra với những thứ tưởng chừng là rất tốt, có lợi cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều cũng có thể gây hại, nhất là với những người có tiền sử đau dạ dày và đường tiêu hóa yếu như mình – theo thông tin y khoa mình đọc được về việc ăn bơ.

Sau đó mình dẹp luôn chuyện ăn sáng bằng bơ và trở về ăn bánh mì và các món quen thuộc khác buổi sáng. Bẵng đi một năm sau đó, là năm nay, mình đi cafe với một nhóm bạn cũ và gọi một ly sinh tố bơ. Chỉ là sinh tố bơ mà thôi, và từng có thời gian trước đây mình uống mỗi ngày một ly sinh tố bơ tới quen mặt cô bán hàng gần nhà. Ấy vậy mà tối về đến nhà, sau khi tắm rửa xong, mình bắt đầu bị đau bụng. Cơn đau quằn quại cồn cào khắp cả gan ruột, và triệu chứng hoàn toàn giống cơn đau do ăn bơ nhiều năm ngoái. Tối hôm đó mình nằm chịu trận đến sáng thì bụng mới bớt đau, nhưng vẫn còn âm ỉ cả ngày hôm sau.

Ảnh: Unsplash

Rồi tới ba tháng sau đó, là thời điển hiện tại, trong mùa dịch work from home, mình được anh chủ nhà cho một trái bơ lớn. Đợi khi bơ chín mình làm thành một ly bơ dầm, và sau khi ăn xong thì đến đây chắc bạn đoán được hậu quả, mình bị đau bụng suốt cả buổi chiều hôm đó. Cơn đau kéo dài cho đến tối, và vì lần này là cả một trái bơ lớn chứ chẳng phải một ly sinh tố như ngoài tiệm, nên mức độ đau của mình có phần nặng hơn, đau tới mức phát khóc và rã rời cơ thể. Tối hôm đó, mình phải chạy vào nhà vệ sinh nôn ra hết những gì đã ăn, thì bụng mình mới từ từ dịu lại và cơn đau bớt dần. Sang hôm sau, cơ thể mình trở lại trạng thái bình thường, như chưa hề có cuộc tái ngộ trái bơ.

Qua trải nghiệm này, có một điểm mình nhận ra rằng, cơ thể chúng ta có khả năng lưu dấu lại nỗi đau. Nếu như bạn từng ăn bơ quá nhiều như mình đến mức bị đau bụng, trái bơ là tác nhân kích thích và cơ thể mình lưu dấu được ký ức đau đớn ấy mỗi khi ăn bơ. Cho nên đến lần sau, dù là cách một năm hay vài tháng, chỉ một mẩu bơ nhỏ thôi cũng đủ kích hoạt “hồi ức” đau thương ấy, và cơn đau sẽ lại ùa về.

Một người bạn của mình cũng chia sẻ một trải nghiệm tương tự. Bạn từng thích ăn bò nướng mỡ chài, cho đến một hôm tới tháng nên bụng dạ có vấn đề, ăn xong bạn ói ra hết những gì vừa ăn. Sau trải nghiệm đó bạn ớn và cạch luôn món này, mỗi lần chạy xe ngang đường Tôn Đức Thắng có mấy hàng bò nướng mỡ chài nổi tiếng Sài thành, bạn toàn vọt ga cho lẹ để khỏi ngửi mùi khói từ lò nướng của quán bay ra, vì hít cái mùi hay nhìn cái biển hiệu thôi là cơ thể của bạn đã báo động SOS rồi.

Nhớ ngày bé, hẳn bạn hay mình đều có những món chúng ta chẳng thể nuốt trôi được, dù bị cha mẹ hay cô giáo trường mầm non ép ăn cỡ nào. Như mình là mỡ heo và da gà da vịt các thể loại, chỉ cần nhìn thôi mình đã thấy rợn da lợn nổi da gà, và cố ăn một xíu thì lại thấy nhờn nhợn khó chịu trong người rồi. Thành thử mỗi lần bị ép ăn giờ cơm thời mẫu giáo, mình đều chừa mấy món mình không ăn được cuối cùng, để sau đó ngậm trong miệng rồi len lén đi vào nhà vệ sinh nhả xuống bồn cầu hết. Nếu lý giải ở góc độ tâm linh, mình cho rằng đó từng là những món ăn mà chúng ta từng không thích trong quá khứ kiếp, và cũng từng gây ra cho chúng ta một cơn đau nào đó tới mức ám ảnh về mặt tâm lý. Cơ thể con người là một trạm lưu giữ những ký ức và trải nghiệm từ vô số kiếp sống, dù qua mỗi lần tái sinh đều có cổng chặn xóa sạch, nhưng phần tàng thức thì vẫn còn lưu giữ lại rất nhiều dấu vết của các ký ức ấy.

Ở lần ăn bơ thứ ba, khi mình được chủ nhà cho trái bơ, thực ra mình có nhớ tới hai trải nghiệm đau bụng trước đó nhưng lại khá xem nhẹ, không nghĩ rằng tới lần thứ ba rồi mà vẫn lại đau như thế. Ở đây mình đã ý thức được cái nhân khi còn trong trứng nước, nhưng lại không sợ cái nhân đó, đến khi nhân trổ ra quả thành cơn đau thì mới biết sợ.

Ảnh: Unsplash

Trong nhà Phật có câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Trong mindset của Bồ tát thì Ngài sợ cái nhân hơn và tìm cách ngăn chặn cái nhân xấu ngay từ đầu, còn chúng sinh thì phải đợi đến khi xảy ra hậu quả mới biết sợ, nên trước đó không hề kiểm soát những hành động, lời nói, tư tưởng sai trái của mình. Người ta đâu vì sợ điếu thuốc mà không hút, đâu vì sợ chai bia mà không uống, đâu vì sợ đêm dài mà không thức. Mãi khi nhân đã chín muồi, hút thuốc lâu năm thì trổ lao phổi, uống rượu nhiều thì trổ hư gan, thức khuya nhiều thì tổn hại sức khỏe. Lúc đó, khi cái quả đã chín rục trên cành, khi trải qua cơn đau đớn tột cùng của kiếp nhân sinh thì mới thấm thía giá như ngày ấy mình đừng gieo trồng cái nhân.

Ở tuổi xấp xỉ U30, một cô bạn của mình than thở, dạo này trong người cứ mệt mỏi, uể oải không muốn làm gì, làm gì cũng không có tinh thần. Hỏi ra thì do làm việc ở nhà, ban ngày ngủ nhiều nên tối thức khuya, thức khuya quá rồi ngủ tới trưa hôm sau mới dậy thành ra cơ thể ngày càng suy kiệt. Một số bạn trẻ ở chốn văn phòng mình gặp cũng vậy, vì thức khuya quá nên sáng đi làm thì buồn ngủ và mệt mỏi, mà mệt thì nạp cà phê hay trà sữa vào người cho tỉnh, rồi vì uống nhiều quá thừa caffein nên tới tối lại thức khuya tiếp. Một vòng lặp lẩn quẩn không có hồi kết. Và ở đây, ngay cả khi người ta đã trải nghiệm cái quả – hậu quả của thức khuya và lạm dụng caffein, thì họ vẫn không thể dứt ra khỏi vòng lặp ấy, mà cái đích là trạng thái sức khỏe trong tương lai đi xuống như thế nào là điều mà họ đều đoán định được.

Nếu ai cũng thấm nhuần mindset của Bồ tát, lo nghĩ và biết sợ cho từng cái nhân mình sắp sửa lựa chọn gieo – và ngưng lại không gieo nhân xấu nữa – thì cuộc sống của chúng ta sẽ bớt đi nhiều phần hối tiếc và giá như. Học cách sợ nhân cũng là giảm thiểu những quả xấu trổ ra trong cuộc đời.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Tâm thức cũng có thể lưu dấu những nỗi đau tinh thần. Và khi cơn đau dồn dập xuất hiện với những ám ảnh, những lần tỉnh giấc nửa đêm và những trận khóc rát cả mắt, liên tục nhiều ngày thì lúc đó chính bản thân nhận ra, không thể né tránh nguyên nhân, mà nó cần được chữa lành.

    Cám ơn bài viết của Chơn Linh, đã giúp mình gợi mở được vấn đề của riêng mình.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.