“Con hỏi ước mơ của mẹ thế nàoĐã quá lâu chẳng còn ai hỏi mẹ như thếSuýt chút nữa mẹ cũng quên mình từng thế nàoCũng có ước mơ mơ được sống cuộc đời riêng mình”

Trong chương trình The Masked Singer Việt Nam, ca sĩ Thảo Trang từng trình bày ca khúc Ước mơ của mẹ rất cảm động, khiến cả MC Ngô Kiến Huy và giám khảo Trấn Thành đều rơi nước mắt. Lời ca khúc cũng như nói thay nỗi lòng của ca sĩ Thảo Trang nói riêng hay những người mẹ nói chung, những người lựa chọn gác lại ước mơ riêng của mình để chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và con cái, để rồi “mẹ cũng quên dần quên ước mơ của mẹ là gì, mẹ vẫn đang bận lo làm sao có một bữa cơm no…”

Thế nhưng, không phải bậc cha mẹ nào cũng cam tâm tình nguyện gác lại những ước mơ, hoài bão và kỳ vọng của riêng mình. Có những bậc phụ huynh tuy hi sinh đời bố mẹ để củng cố đời con, nhưng lại trao gửi và đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái, khi mong rằng chúng sẽ thực hiện thay cho ước mơ dang dở của mình. Và những đau khổ và bất hạnh của những đứa con cũng bắt đầu từ đây…

Sống để làm cha mẹ vui lòng

Lúc trước có một quãng thời gian mình từng học tiếng Anh 4 năm ở một trung tâm, chung lớp với một em học sinh cấp hai cho đến khi em lên cấp ba và thi đậu vào một trường chuyên nổi tiếng của TP.HCM. Ngay từ lúc học cấp hai, mẹ em đã định hướng nghề nghiệp cho em trở thành bác sĩ, vì vậy áp lực trong chuyện học hành của em hết sức nặng nề. Mỗi ngày sau giờ tan trường, mẹ em lại tất tả chở em đến trung tâm học thêm hoặc trung tâm tiếng Anh, ngày nào cũng như ngày nấy không ngơi nghỉ. Có lần ngồi nói chuyện với nhau, mình hỏi em có thực sự thích và mong muốn trở thành bác sĩ không? Em bảo với mình rằng em không thích, thiên hướng của em thiên về nghệ thuật nhiều hơn, nhưng em là con một trong nhà và cha mẹ dành rất nhiều tình cảm cho em nên em không thể phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ.

Sau này thân hơn với em, mình mới nghe em kể mẹ em có một chấp niệm rất lớn với nghề bác sĩ, vì lúc trước mẹ cũng từng thi trường Y nhưng không đậu, thành ra tới đời em thì mẹ vẫn mong muốn trong gia đình có một người làm bác sĩ. Sau đó mấy năm, mình đã hết học ở trung tâm đó nhưng vẫn còn kết bạn với em trên Facebook và thấy em thi đậu vào Đại học Y dược, hoàn thành đúng tâm nguyện mà mẹ em luôn mong đợi. Trong thâm tâm, mình không biết em có thực sự hạnh phúc với lựa chọn nghề nghiệp của mình hay không, mà thi thoảng vẫn thấy em hay than thở trên mạng về áp lực học hành và thi cử bên trường Y. Đôi lúc mình thấy tiếc, giá như với những thiên hướng nghệ thuật sẵn có, em được đặt vào đúng chỗ thì có thể đã tỏa sáng và vui vẻ hơn rất nhiều.

Ảnh: Unsplash

Một cô bạn khác của mình đang làm nhân viên văn phòng ổn định tại một công ty, tuy nhiên ba mẹ bạn lại mong muốn bạn có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh vì có người quen của ba mẹ ở quê có mở trung tâm dạy tiếng Anh. Nếu bạn học ra có bằng thì có thể được đảm bảo một suất công việc chắc chắn tại trung tâm đó. Thế là vì chiều lòng ba mẹ, bạn cũng đăng ký học văn bằng 2 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, mất thời gian học khoảng 3 năm để lấy được tấm bằng cử nhân. Khi mình hỏi bạn có thích trở thành giáo viên tiếng Anh không, bạn trả lời rằng bạn không muốn vì tính cách của bạn hướng nội, chỉ thích làm những công việc nào ít tiếp xúc với con người và không thích nói quá nhiều. Mình mới hỏi: Vậy bạn có thấy việc dành 3 năm ra để học lấy một cái bằng rồi đi làm một công việc mà bản thân mình không muốn thì có đáng hay không? Rốt cuộc chỉ là vì muốn làm vui lòng mẹ cha thôi hay sao? Bạn im lặng và không trả lời được câu hỏi của mình.

Có không ít những bậc cha mẹ mang trong mình những vết thương lòng trong quá khứ khi họ là một kẻ thất bại (mẹ cậu em ở trên thi trượt Đại học Y Dược) hay từng bị người khác xem thường (mẹ cô bạn ở trên làm công nhân), để rồi họ đặt hết kỳ vọng của mình vào con cái, giao cho con nhiệm vụ bất khả thi là hoàn thành những điều mà đời cha đời mẹ chưa làm được để đem lại cho cha mẹ niềm tự hào. Kết quả là đứa con phải gánh một áp lực thành công rất lớn để làm cho cha mẹ hài lòng, nó sẽ tự tước đi những ước mơ và hoài bão riêng của bản thân để thay cha mẹ thực hiện tham vọng của họ. Nếu chẳng may chính đứa con cũng một lần nữa vấp ngã và thất bại, không thực hiện được ước mơ của cha mẹ thì họ sẽ trở nên thất vọng, than thở, chê trách con cái. Và ở bản thân đứa con, nó cũng có sự ức chế rất lớn khi phải làm một công việc trái đam mê hay không sống đúng với thiên hướng tính cách tự nhiên của mình.

Mình từng xem một đoạn clip bên Trung Quốc ghi lại cảnh một bé gái vì bị bố gây quá nhiều áp lực trong chuyện học hành mà bật khóc nức nở và bộc bạch:

Con cũng là trẻ con, không thể có chuyện trẻ con nhà người khác là trẻ con, còn con lại phải làm người lớn được. Ngày nào bố cũng gây cho con rất nhiều áp lực, yêu cầu con phải như thế này, như thế kia, bắt con phải học giỏi, sau này trở thành người này người kia, vậy bản thân bố đã làm được chưa ạ? Và bố cũng biết là rất khó để làm được những điều mình mong muốn, phải không ạ?

Con chỉ muốn hỏi bố một câu hỏi thôi, bố trả lời con được không? Con có chỗ nào chưa phải với bố, hay con có chỗ nào không tốt, bố có thể thoải mái nói ra để con sửa đổi. Nhưng con cũng có thời gian tự do cho bản thân chứ, chẳng lẽ con không thể có sự tự do đó ư? Con không thể lúc nào cũng chỉ biết học như vậy thôi. Con làm xong bài tập rồi, con cũng làm xong hết việc của mình rồi, vậy chẳng lẽ con chơi một chút cũng là sai sao? Bố nói con không được chơi quá lâu, nhưng 9 giờ tối là con đã đi ngủ rồi, con đâu có chơi đến tận đêm khuya đâu?

Ngày nào con cũng thể hiện rất tốt, bố còn muốn con phải như thế nào nữa ạ? Nếu bố cứ yêu cầu nhiều như thế, đến robot cũng không chạy theo kịp, con có mọc thêm 8 cái tay cũng không đáp ứng được hết. Bố thử chịu những áp lực mà con đang phải chịu đi ạ?

Con chỉ muốn nói với bố một câu cuối cùng thôi, đó là hãy biết trân trọng tuổi thơ của con mình.
(Nguồn: Weibo Việt Nam)

Ảnh: sauconsource

Một trường hợp mình từng xem trong một phóng sự của VTV cũng khá thú vị, một chị nọ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại giỏi và được cha mẹ kỳ vọng chị về làm việc cho công ty của anh trai hoặc đi làm cho một công ty nước ngoài. Thế nhưng khi tốt nghiệp, chị lại lựa chọn đi theo con đường khởi nghiệp để theo đuổi đam mê với loài hoa hồng cổ bằng việc gầy dựng một vườn hồng của chính mình. Lựa chọn này khiến cho cha mẹ của chị rất thất vọng, bố chị bảo rằng cha mẹ đã vất vả cả đời nuôi mấy anh em chị ăn học để làm ông này bà kia chứ không phải để quay lại làm nông như thế. Bố chị còn so sánh chị với bạn bè: “Mày xem bạn bè mày đấy, người ta cũng ăn học như mày mà người ta ngồi văn phòng hưởng máy lạnh, còn mày suốt ngày lấm lem bùn đất. Sao mày không biết chọn một công việc tử tế mà làm vậy con?”. Những lời nói cứ liên tục lặp lại như thế như cứa vào tim chị, khiến cho tình cảm gia đình ngày càng rạn nứt.

Sau vài năm khởi nghiệp kinh doanh, cuối cùng chị cũng đạt được những thành tựu của riêng mình khi gầy dựng được một vườn hồng rất lớn với thu nhập rất khủng. Khi đưa bố mẹ đi tham quan cơ ngơi của mình, cả hai khá sốc khi biết công việc làm ăn kinh doanh của con phát triển lớn như vậy, về nhà thì bố mẹ chị rất tự hào đi khoe khắp làng khắp xóm về con mình. Một câu chuyện hết sức điển hình ở Việt Nam, khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lên con để rồi thất vọng tràn trề khi thấy con mình không đi theo lộ trình mà mình mong muốn. Ấy vậy mà khi con đạt được thành công vang dội, bước lên bục vinh quang rực rỡ thì cha mẹ đột nhiên quay ngoắt thay đổi thái độ 180 độ. Dĩ nhiên trong trường hợp này, may mắn là chị này đạt được thành công, bởi nếu chị thất bại thì chẳng có ngày cha mẹ thay đổi thái độ với chị. Giá như ngay từ đầu, cha mẹ luôn là hậu phương vững chắc luôn tin tưởng và ủng hộ ước mơ của con cái, cho dù chúng lựa chọn con đường nào để đi, thì có khi con cái đã không khốn khổ đến thế mà đã đạt được đến nấc thành công sớm hơn.

Con cái có phải tài sản của cha mẹ?

Có lần về quê đi mua bún riêu ở một tiệm quen mình đã ăn hơn 15 năm, từ lúc con của hai cô chú chủ tiệm còn nhỏ xíu cho tới bây giờ nó đã là sinh viên năm ba đại học, mình mới được hai cô chú kéo lại để tâm sự mỏng chuyện thằng con. Nguyên nhân là đứa con của cô chú học ngành công nghệ thông tin ở một trường đại học cũng nổi tiếng ở Sài Gòn, năm nào cũng đạt được danh hiệu sinh viên xuất sắc, ở trong lớp nó được thầy cô đánh giá cao và được bạn bè rất xem trọng. Tuy mới là sinh viên thôi nhưng đã đi làm kiếm ra tiền, biết làm ăn kinh doanh rồi đầu tư này nọ, mua sắm cho cô chú đủ món đồ công nghệ. Có một cậu con trai quý tử tài năng như thế thì lẽ ra bậc cha mẹ như cô chú phải thấy mừng vui, ấy vậy mà tự hào thì có tự hào đó, nhưng cô chú lại thấy phiền lòng khi không bao giờ thấy nó gọi điện về hỏi han hay nói chuyện với cha mẹ. Hồi nhỏ nó đâu có vậy, mà lớn lên thì lại ngày càng xa cách và không còn quan tâm tới cha mẹ nhiều nữa.

Có không ít bậc cha mẹ ở Việt Nam, ngay cả khi con cái mình đã trưởng thành thì vẫn có tâm lý xem con như vật sở hữu của mình, hay nói văn vẻ hơn là xem con như món tài sản của mình, luôn muốn kiểm soát mọi chuyện trong đời sống của con cái. Mỗi khi con cái làm điều gì đó khiến cha mẹ phật ý, họ thường vin vào chuyện cha mẹ rứt ruột sinh ra con mà con cái không biết báo hiếu mẹ cha. Như trong câu chuyện về My, nhân vật trong series Trò Chuyện Với Người Hướng Nội của mình, mẹ em bắt em nói dối về việc căn chung cư vợ chồng em đang ở là do cả hai tự bỏ tiền ra mua được, thay vì nói thật rằng đó chỉ là căn hộ do hai em thuê mà thôi. Khi em phản ứng gay gắt thì mẹ em lại mắng em té tát rằng: “Tao đẻ ra mày, nuôi mày rồi cho mày ăn học bao nhiêu năm, có một chuyện nhỏ xíu mà mày cũng không làm tao tự hào được. Đồ cái thứ con cái bất hiếu”.

Ảnh: Birdy Official

Nói về chữ hiếu, chỉ có ở thế giới của con người, người ta mới tròng chữ hiếu như cái gánh nặng ngàn cân lên đầu con cái. Trong tự nhiên, con chim hay con thú khi sanh con ra, nó phải có bổn phận là đi tìm thức ăn nuôi cho con lớn, đến khi nào con non trưởng thành thì có thể tự tách khỏi cha mẹ để sống cuộc đời riêng của nó. Bản thân con chim hay con thú cũng rứt ruột đẻ ra con, nhưng nó không bao giờ đòi hỏi con cái khi trưởng thành phải đi kiếm ăn nuôi ngược lại cha mẹ nó. Đó là quy luật muôn đời của tự nhiên. Trong thế giới loài người, chỉ ở các quốc gia phương Đông bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Nho giáo thì chữ hiếu mới được tôn lên làm đầu để thờ như một đức hạnh cần có của con người. Nhưng ở các quốc gia phương Tây từ bao đời nay, con cái đến 18 tuổi đã tự dọn ra khỏi ra sống tự lập và không còn phụ thuộc vào cha mẹ. Con cái khi trưởng thành có đời sống riêng của con cái thì cha mẹ cũng có đời sống riêng của cha mẹ.

Về quan điểm này, Tiến sĩ giáo dục Bùi Trân Phượng có một chia sẻ mà mình rất tâm đắc:

Tất cả muôn loài vạn vật đều sinh ra con. Có loài vật nào đòi nợ con nó như loài người không? Tại sao mình cứ phải đòi nợ vì cái chuyện mình sinh ra con? Con vật nào trên đời này mà không do mẹ nó sinh ra. Nhưng rồi thì sao? Đó là lẽ sinh tồn của vạn vật, mà mình sinh ra con chứ mình đã đào tạo được một con người đâu mà kể ơn với nó. Sinh ra con chỉ là sinh ra một sinh vật, còn sinh vật đó có lớn lên thành người hay không là còn bao nhiêu chuyện khác. Đừng quên rằng con tuy là con mình, nhưng nó vẫn là một CON NGƯỜI. Bản thân nó là một con người bình đẳng với mình, độc lập, tự do ngoài mình, và mình không có quyền năng hay năng lực phi phàm nào để làm chủ cuộc đời của nó.

Ví như trong trường hợp gia đình của cô chú bán bún riêu kể trên, việc con trai của cô chú ít quan tâm hỏi han tới cô chú chỉ là hiện tượng trên bề mặt, còn về bản chất sâu hơn thì cô chú phải quán xét lại cách thức giáo dục và nuôi dạy con cái của mình trong quá khứ như thế nào. Tính cách của con ngoài phần thiên tính bẩm sinh thì phần lớn do môi trường giáo dục từ gia đình ảnh hưởng rất nhiều. Có không ít bậc cha mẹ lúc con còn nhỏ thì bận bịu lo chuyện làm ăn kinh doanh, thường xuyên bỏ mặc và ít quan tâm tới con cái, lâu lâu chỉ hỏi con chuyện học hành bài vở thế nào, họ không dành thời gian trò chuyện, lắng nghe và tâm sự với con trong suốt quãng thời gian thơ ấu của con. Nếu như đó không phải là một nền nếp hay thói quen trong gia đình, vậy sao cha mẹ lại đòi hỏi ngược lại rằng khi lớn lên con sẽ quan tâm, lo lắng và hỏi thăm cha mẹ thường xuyên?

Ngay cả khi lúc nhỏ cha mẹ có quan tâm và thường xuyên trò chuyện với con thì khi lớn lên chuyện con có những mối bận tâm riêng trong đời sống cũng là điều hết sức bình thường. Thật lạ lùng khi những gia đình có con cái kém tài, không làm cha mẹ vẻ vang thì cha mẹ lại thất vọng, buồn phiền về con, trong khi những gia đình có con cái tài năng, làm cha mẹ tự hào thì cha mẹ lại… kiếm chuyện khác để phiền não. Thay vì sống cuộc đời của riêng mình và tận hưởng niềm vui của tuổi trung niên về già, nhiều bậc cha mẹ vẫn cứ thích quản cuộc đời của con rồi tới của cháu, như thể đứa con là một vật sở hữu của cha mẹ – mày có chạy tới đằng trời cũng không thoát được khỏi cha mẹ đâu con. Trong bộ phim Nhà bà nữ của đạo diễn Trấn Thành, nhân vật Nhi vì ức chế với người mẹ luôn muốn cô phải sống theo sự an bài sắp đặt của mẹ nên đã phải thốt lên trong nước mắt rằng: “Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn là thành công trong ước mơ của mẹ”.

Ảnh: Phim “Nhà bà Nữ”

Vai trò của cha mẹ và con cái

Trong chuyện nuôi dạy con cái, vai trò của cha mẹ chỉ nên “là cánh chim cho con bay thật xa” – cha mẹ tạo cho con cái những điều kiện vừa tầm trong khả năng của mình để con có thể bay được tới đâu thì bay tùy theo sức của con, và cha mẹ cũng đừng làm việc bán mạng vì con để rồi sau này phải kể lể công cán cha mẹ đã vất vả như thế nào nuôi dưỡng con. Bởi lẽ trước khi ra đời, cha mẹ đâu có hỏi con mình rằng nó có muốn được sinh ra hay không, và bản thân đứa con lúc nhỏ đâu có đòi hỏi cha mẹ phải làm việc bán mạng để nuôi nấng mình. Khi bạn không cho phép con cái được quyền lựa chọn, sau này bạn không nên quay lại trách con vì những lựa chọn do chính bản thân bạn đưa ra.

Ở góc độ của con cái, nếu bạn rơi vào những trường hợp kể trên, xin hãy trao trả lại gánh nặng và nhiệm vụ bất khả thi đó về cho cha mẹ của mình. Bởi lẽ chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và sống thay cho ước mơ của cha mẹ hay sống để làm vui lòng cha mẹ, bất chấp đó không phải là cuộc sống mình mong muốn, quả thực là một lối sống hết sức sai lầm. Nếu cha mẹ vui lòng mà trong lòng mình không vui thì liệu có ích gì? Không phải đứa con nào cũng là thiên tài bẩm sinh hay tốt số tốt mệnh để có thể làm nên thành công vẻ vang cho cha mẹ tự hào. Thay vì tự hào vì những thành công vật chất hay địa vị xã hội của con mình, cha mẹ nên tự hào vì mình đã nuôi nấng nên một con người tử tế. Thói thường ở Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ hay có sở thích khoe con như thể khoe một món trang sức mình sở hữu, rằng chiếc nhẫn hột xoàn của ai to hơn hay ai đeo vàng nhiều hơn. Khi bản thân cha mẹ không có gì tự hào để khoe về chính năng lực và thành tựu của chính mình, con cái như là tấm khiên phòng vệ để các bậc cha mẹ hơn thua với nhau. Chi vậy?

Ảnh: Ugaoo

Khi người ta gieo một cái hạt, trồng một cái cây, dù cho có để tâm chăm bón vun trồng thế nào thì không ai có thể kiểm soát được chuyện cái cây liệu có cho quả hay không, và nếu có thì liệu quả đó có ngọt hay nhạt thếch. Nếu tiếc công vun trồng chăm bón thì thà rằng ngay từ đầu đừng gieo hạt trồng cây. Mọi chuyện trên đời chung quy đều nên thuận theo lẽ tự nhiên. Trồng đậu được đậu, trồng cà được cà. Việc của mình là gieo trồng, còn cà có ra cà, đậu có ra đậu hay không là chuyện của hột giống, của cái cây hay của ông Trời, mình không có kiểm soát được. Và chính vì không kiểm soát được, vậy nên hãy bình thản làm cha mẹ, bình thản làm con cái, đừng tạo áp lực hay gánh nặng cho nhau.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.