Có những ngày, bạn thức dậy với một tâm trạng phấn khởi, thân thể cảm thấy rất nhẹ nhàng, còn đầu óc thì nhẹ tênh, làm việc gì cũng suôn sẻ và gọn ghẽ. Mọi thứ như được sắp đặt và an bài sẵn một cách có trật tự đâu vào đó.

Nhưng cũng có những ngày, bạn thức dậy với một tinh thần uể oải, cảm giác cơ thể suy nhược, còn tâm trí thì nặng nề, chỉ muốn nằm ngủ thêm vài tiếng nữa. Tới khi làm việc, đụng chuyện nọ xọ chuyện kia, quên trước quên sau, mọi thứ rối tung cả lên.

Có phải do chất lượng giấc ngủ tối hôm trước quy định trạng thái của bạn sáng hôm sau? Ngủ đủ 8 tiếng thì sáng dậy minh mẫn, còn ngủ chỉ 4 tiếng thì sáng dậy “ngu người” liệu có đúng?

Trước khi khám phá ra được bản chất của “dòng tuệ mẫn”, mình phải loay hoay trong khoảng 2 năm trước để học cách lắng nghe cơ thể và tìm hiểu lý do cho luận đề đã đặt ở đầu bài. Tại sao có những lúc cơ thể và tâm trí mình cảm thấy luôn tràn đầy năng lượng, nhưng cũng có những lúc lại mệt mỏi tới kiệt quệ, dù nếp sinh hoạt ở giữa hai trạng thái ấy không khác biệt quá nhiều.

Mình có khoảng 2 năm tập gym, 1 năm học võ, và cũng ngộ ra một điều rằng: tập thể dục thì sẽ sản sinh ra năng lượng cho cơ thể, nhưng không đồng nghĩa tâm trí sẽ có được năng lượng tinh thần. Bởi lẽ có những quãng đi tập, đi học rất đều đặn, người thì khỏe (không bệnh vặt) nhưng năng lượng tinh thần vẫn thất thường như mưa nắng.

Hiểu về dòng tuệ mẫn

“Tuệ mẫn” là một từ ghép Hán Việt, thường hay được dùng nhiều trong đạo Phật, chiết tự ra để giải nghĩa trong phạm trù của bài viết thì sẽ có nghĩa như sau:

  • Tuệ: sự thông tuệ, khôn sáng, sáng trí, mẫn tiệp
  • Mẫn: sự nhanh nhẹn, sáng suốt, minh mẫn

Dòng tuệ mẫn mình dùng ở đây chỉ sự thông tuệ và minh mẫn trong tâm trí, và được biểu hiện qua 2 phương diện:

Tuệ mẫn = năng lượng + sự tập trung

Khái niệm năng lượng mình đề cập ở đây không phải dạng năng lượng vật lý có được do cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, cũng không phải dạng năng lượng do các hormone trong cơ thể sản sinh ra khi tập thể dục, mà là năng lượng tinh thần.

Bên cạnh phần thể xác, mỗi người đều có phần linh hồn cùng một trường năng lượng tự nhiên của cơ thể. Năng lượng đó từ sức mạnh của tinh thần mà phát ra, còn được gọi là aura (hào quang). Những người có dòng năng lượng mạnh là người toát ra nhiều hào quang, như chúng ta hay thấy hình ảnh các vị Phật, Bồ tát hay Chúa thường tỏa ra một vầng hào quang rất rực rỡ.

Như Barbara Brennan, một nhà vật lý học từng phục vụ cho NASA và sau đó sáng lập một viện nghiên cứu riêng điều trị về năng lượng ngay từ nhỏ đã có một khả năng đặc biệt là có thể nhìn thấy trường năng lượng của những người xung quanh. Thậm chí khi bị bịt mắt chạy trong rừng, bà vẫn cảm nhận được năng lượng của cây cối để né tránh cây mà không bị va vào cây cối xung quanh.

Những ai có được sự hiểu biết, minh triết và trí tuệ, có khả năng nhận thức cao về bản thân và thế giới xung quanh thì aura tỏa ra càng rõ rệt. Người khác có thể không nhìn thấy, nhưng bản thân những người đó sẽ cảm nhận được sự hiện hữu của trường năng lượng vô hình đó bên trong mình.

Nhưng năng lượng tinh thần, muốn chuyển hóa thành dòng tuệ mẫn thì phải có sự kết hợp với khả năng tập trung sâu (đã chia sẻ ở tập 1). Hay nói cách khác, tập trung là phương tiện dẫn độ để chuyển hóa năng lượng tinh thần thành dòng tuệ mẫn. Bởi lẽ năng lượng cũng như pin điện thoại, lúc mới được sạc đầy thì tràn trề, nhưng xài nhiều thì sẽ hết và cần có thời gian để sạc lại.

Bạn không thể nào sạc đầy pin 100% khi vừa sạc vừa chơi game vừa coi phim vừa lướt Facebook trên điện thoại, chuyển từ tab này đến tab khác liên tục. Và việc tập trung sâu vào một chuyện, một vấn đề hay vào khoảnh khắc hiện tại là cơ chế để sạc lại năng lượng tinh thần cho tâm trí.

Công thức để tạo ra dòng tuệ mẫn

Có một quãng thời gian, mình thức khuya tới 1-2 giờ sáng để luyện phim bộ trong suốt 1 tuần liền, lúc đấy ngủ chỉ được tầm 4 tiếng. Nhưng sáng hôm sau dậy vẫn cảm thấy năng lượng tràn đầy.

Nhưng cũng có khi mới 10g đã đi ngủ sớm (vì tâm trí biểu tình không cho hoạt động), nhưng sáng dậy vẫn thấy uể oải mệt nhoài trong người, cảm giác phải ngủ thêm vài tiếng nữa mới đủ.

Chu kỳ đối lập trên lặp đi lặp lại nhiều lần là nguyên nhân để mình đi tìm hiểu và giải mã cơ chế hoạt động của cơ thể để từ đó tìm ra công thức tạo ra dòng tuệ mẫn:

Dòng tuệ mẫn = sự viên mãn trong tâm trí

Nếu ví dòng tuệ mẫn trong tâm trí như một dòng suối thì dòng suối này sẽ bị cản trở bởi những “cục đá” sau:

  • Gặp vấn đề vướng mắc trong công việc hoặc cuộc sống
  • Không hoàn thành mục tiêu bản thân đã định ra
  • Không hài lòng với bản thân hay cuộc sống hiện tại
  • Phát sinh những cảm xúc tiêu cực: cáu giận, ghen tị, buồn bã, hối tiếc, tủi thân, thù ghét, lo lắng, báo thù

Khi gặp một nan đề (vấn đề nan giải) trong công việc và cuộc sống, chúng ta bị mắc kẹt trong đó, loay hoay tìm cách giải quyết hoài mà chưa tìm được lối ra. Khi chúng ta tự đặt ra cho mình một kế hoạch, một mục tiêu trong ngày, nhưng cuối cùng không hoàn thành được thì tự cảm thấy áy náy, day dứt với chính mình.

Khi không hài lòng với bản thân hay cuộc sống hiện tại, chúng ta cảm thấy đời mình thật bế tắc và cùng quẫn. Khi phát sinh những cảm xúc tiêu cực, tâm trạng bản thân không tốt, năng lượng tinh thần và sự tập trung cũng bị triệt tiêu cạn kiệt về mức âm.

Mắc kẹt, không hoàn thành, không hài lòng, bế tắc hay tiêu cực chính là những cục đá tảng cản trở dòng tuệ mẫn của bạn. Dòng tuệ mẫn chỉ được kích hoạt và khai thông khi bạn liên tiếp đạt được nhiều sự viên mãn trong tâm trí. “Viên mãn” là một từ Phật giáo chỉ sự thành tựu, tròn đầy, mãn nguyện, hài lòng, vừa ý, xứng tâm, hoàn tất, tốt đẹp.

Ví dụ, bạn xử lý được một nhiệm vụ khó khăn trong công việc và thấy được kết quả rõ ràng, bạn có được sự viên mãn (1). Về đến nhà, bạn hoàn tất bài tập thể dục buổi tối và có được sự viên mãn (2). Ăn tối và tắm rửa xong, bạn tự học tiếng Anh và giải một số đề thi IELTS, bạn có được sự viên mãn (3). Một người bạn nhắn tin tâm sự chuyện nan giải trong cuộc sống, bạn trò chuyện và giúp người bạn giải tỏa được áp lực, bạn có được sự viên mãn (4). Trước khi đi ngủ, bạn hoàn tất 15 phút ngồi thiền trong tĩnh tại, bạn có được sự viên mãn (5), sau đó đọc tiếp vài chương của quyển sách bạn có được sự viên mãn (6).

Viên mãn (1) + viên mãn (2) + viên mãn (3) + viên mãn (4) + viên mãn (5) + viên mãn (6) = dòng tuệ mẫn chảy tràn trong cơ thể và tâm trí bạn. Viên mãn càng nhiều, dòng tuệ mẫn càng được duy trì liên tục.

Sáng hôm sau khi ngủ dậy, bạn tỉnh dậy với một tinh thần sảng khoái, một tâm thức tỉnh táo, nhìn mọi sự thấy nhẹ nhàng và sáng rõ, lòng thấy bình an và cảm nhận một dòng năng lượng tràn trề trong cơ thể. Nếu tiếp tục duy trì và tích lũy viên mãn trong ngày hôm đó, bạn sẽ kết thúc một ngày và bắt đầu ngày mới trong dòng tuệ mẫn. Ngay cả khi bạn có thức khuya và ngủ không đủ giấc, nhưng thân và tâm đã tích lũy đủ viên mãn cho dòng tuệ mẫn thì sáng hôm sau tỉnh dậy bạn thấy được năng lượng tràn đầy.

Nhưng khi xuất hiện những mắc kẹt, không hoàn thành, không hài lòng, bế tắc hay tiêu cực chen ngang, dòng tuệ mẫn của bạn sẽ bị đứt quãng, và từ từ cạn kiệt dần khiến cơ thể và tâm trí trở về mức pin dưới 50%.

Đó chính là chu trình vận hành của dòng tuệ mẫn.

Thật sự mà nói, để duy trì được trạng thái liên tục của dòng tuệ mẫn không phải chuyện dễ dàng. Giống như tình trạng của một dòng suối nhỏ, mùa mưa thì suối chảy róc rách, nhưng gặp khô hạn thì nước cũng cạn kiệt dần. Dòng tuệ mẫn sẽ có lúc lên lúc xuống lúc đầy lúc vơi, vì cuộc sống đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng thập toàn thập mỹ viên mãn như ý nguyện của mình.

Nhưng hiểu được cơ chế của dòng tuệ mẫn, bạn sẽ biết cách tích lũy thêm nhiều sự viên mãn thông qua những thành tựu nhỏ mỗi ngày, để bản thân không chỉ ngày ngày tiến lên mà thân và tâm cũng được bình an, thư thái, an vui mà sống giữa dòng đời.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.