Sẽ có nhiều khoảnh khắc trong đời, đột nhiên bạn nhớ ra một ý tưởng nào đó bạn từng đọc, một khái niệm nào đó bạn từng học, một câu chuyện nào đó bạn từng nghe,… Chỉ với vài từ khóa nhớ được mang máng đó, bạn lên search trên Google, nhưng không phải lúc nào Google cũng cho ra kết quả mà bạn đang tìm kiếm.

Rất nhiều thứ bạn từng đọc, từng học, từng nghe trong đời, lúc mới tiếp nhận thì bạn cảm thấy rất hay vào thời điểm đó, nhưng nếu không có bất kỳ hình thức lưu trữ nào, chúng rồi cũng sẽ bị lãng quên như cát chảy xuống kẽ tay khi bạn không dùng tới nhiều.

Cơ chế lưu trữ thông tin của não bộ

Năm mình thi đại học, vốn là dân khối C nên ba môn chính mình ôn thi là Văn – Sử – Địa. Thời điểm đó mình khá may mắn khi cả ba môn này mình đều được học luyện thi với ba người thầy thuộc top đầu của tỉnh nhà. Thầy giáo dạy Văn thì chuyên ra đề thi Văn và chấm thi các giải Văn của tỉnh, thầy giáo dạy Địa cũng tương tự và còn xuất bản sách hướng dẫn ôn thi Địa, còn thầy dạy Sử là một thạc sĩ khoa Lịch sử và từng chạy ở trường THPT chuyên Năng khiếu (TP.HCM) mới về tỉnh nhà.

Thời kỳ sĩ tử khối C bọn mình ôn thi đại học lúc ấy, bây giờ nhắc lại vẫn thấy khó tin. Như mình có thể đọc làu làu bất kỳ trích đoạn văn chương hay thơ ca nào của tất cả tác phẩm trong chương trình THPT và cả sách tham khảo nâng cao. Chỉ cần đọc số liệu một năm bất kỳ, mình có thể nói cho bạn biết năm đó diễn ra sự kiện gì trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trước và sau đó còn có những sự kiện gì. Hay chỉ cần đưa mình một tờ giấy A4, mình có thể vẽ lại được bản đồ Việt Nam kèm theo các phân vùng kinh tế, nông nghiệp, khoáng sản,… và đọc được vanh vách tên của 63 tỉnh thành từ Bắc chí Nam.

Nhưng chỉ một năm sau đó, khi mình đã vào đại học, những kiến thức trên cũng trôi theo sông theo bể, vì chuyên ngành của mình ở đại học không dùng đến kiến thức Văn – Sử – Địa của cấp ba. Nếu hỏi lại một thông tin cũ đã từng học, thú thật là mình chẳng nhớ được tẹo nào, và cũng chẳng thể nào… mở não bộ ra như mở máy tính để search lại một tập tin cũ theo từ khóa.

Có thể bạn nghĩ do mình học vẹt nên chóng nhớ rồi cũng chóng quên. Thực tế không phải vậy, bọn mình đều là dân chuyên khối C, và được học với những người thầy giỏi hàng đầu của tỉnh với phương pháp luyện thi đặc biệt là phải hiểu trước rồi mới làm được.

Sau này tìm hiểu về khoa học não bộ, mình mới biết não bộ của chúng ta vốn dĩ không lưu trữ mọi thông tin bạn nạp vào (input) – dù có chủ đích hay không chủ đích dưới dạng tập tin như trong các folder của máy tính, để bạn có thể truy cập và tìm kiếm theo ý muốn bất cứ lúc nào. Nếu lưu trữ theo cách đó, não bộ sẽ chịu một gánh nặng thông tin cực kỳ lớn bởi mọi thông tin mà bạn tiếp nhận hằng ngày qua các giác quan đều được lưu trữ lại, và phần nhiều số đó là các thông tin vô ích. Như bạn đâu cần nhớ chuyện ngày này tuần trước buổi sáng bạn bước xuống giường bằng chân trái hay chân phải trước, hay buổi tối hôm đó bạn đã ăn món gì.

Cơ chế của não bộ chỉ lưu trữ những gì nổi bật, khác thường, bất ngờ, có ý nghĩa với bản thân bạn hoặc những gì bạn cố ý ghi nhớ – và thường các thông tin được ghi nhớ sâu đậm đều liên quan đến các yếu tố cảm xúc. Chẳng hạn, bạn có thể nhớ được chuyện 6 năm trước bạn từng đi xem phim Big Hero 6 với một người bạn và bộ phim rất vui nhộn, nhưng bạn chẳng tài nào nhớ được cốt truyện hay lời thoại của nhân vật trong phim như thế nào. Thứ bạn nhớ được chỉ là dữ kiện bạn từng đi xem phim với người bạn đó, và bộ phim đó vui. Nếu tới bây giờ bạn còn nhớ được khá nhiều chi tiết trong bộ phim đó, thì trí nhớ dài hạn của bạn thuộc vào số hiếm có khả năng ghi nhớ phi thường.

Hiểu về bộ não thứ nhất

Bộ não thứ nhất chính là bộ não sinh lý của bạn, đang ngự trị trên đầu và tiếp nhận những thông tin mắt bạn đang ghi nhận khi đọc những dòng này. Bộ não tự nhiên của con người rất phi thường, nếu chúng ta biết cách phát huy tối đa sức mạnh bộ não của mình. Nhưng làm cách nào để phát huy vẫn là chuyện nằm trong vòng bí mật và nếu có được “bật mí” thì không phải ai cũng thực hành theo được, cho nên bộ não thứ nhất này vẫn còn rất giới hạn và gây cản trở chúng ta trong việc ghi nhớ và lưu trữ thông tin.

Ngành khoa học máy tính vốn bắt nguồn từ sự nghiên cứu và mô phỏng theo cơ chế hoạt động của não bộ. Chẳng hạn, RAM (Random Access Memory) máy tính là một nơi để tạm lưu trữ dữ liệu và lệnh thực thi của hệ điều hành cũng như các ứng dụng trước khi ghi chúng lên ổ cứng để kết thúc phiên làm việc. Trong ngành khoa học não bộ, hoạt động của RAM tương ứng với trí nhớ ngắn hạn của con người, dùng để tạm lưu trữ các thông tin cần thiết khi chúng ta đang tiếp nhận và xử lý. Ví dụ như ghi nhớ số điện thoại khi người khác đọc cho ta lưu lại, hay như khi bạn đang đọc tới dòng này thì bạn sẽ vẫn còn nhớ được đại ý của những đoạn trên mình đã viết.

Trí nhớ dài hạn thì lại tương ứng với ổ cứng của máy tính, là nơi lưu trữ mọi thông tin và ký ức của bạn trong cuộc đời, không chỉ trong kiếp sống này mà còn trong nhiều tiền kiếp. Giống như máy tính, khi muốn tìm kiếm một tập tin, bạn chỉ cần nhập một vài từ khóa lên thanh tìm kiếm. Tuy nhiên, ngay cả ở trên máy tính, bạn cũng không thể nào tìm được một tập tin nếu ngay từ đầu bạn không đặt tên chúng theo một cấu trúc nhất định. Thư viện thông tin và ký ức của não bộ thì rộng lớn hơn nhiều, nên chuyện tìm được một thông tin cũ với một vài từ khóa không phải là dễ dàng.

Vấn đề đặt ra là, khi chúng ta đã hiểu về cơ chế lưu trữ của não bộ và tính chất của bộ não thứ nhất, làm thế nào để việc đọc, học, nghe hay tiếp nhận thông tin (có chủ đích) trở nên hiệu quả hơn? Câu trả lời nằm ở bộ não thứ hai.

Phương pháp tạo lập bộ não thứ hai

Khái niệm “bộ não thứ hai” mình nghe lần đầu từ một người thầy của mình – cố Giáo sư Lê Tôn Hiến của trường ngoại ngữ Kinh Luân. Thầy kể, mỗi lần đọc sách hay nghe được một ý tưởng hay, thầy thường chép lại vào một mẩu giấy nhỏ và bỏ vào một cái hộp. Thầy xem cái hộp đó như “bộ não thứ hai” của mình, dùng để nhắc nhớ bản thân về những điều hay đã đọc, đã học. Và mỗi ngày, thầy sẽ lấy các mẩu giấy ra xem lại khi rảnh rỗi, đến khi nào ý tưởng đó thật sự nằm trong đầu mình, thầy sẽ bỏ mẩu giấy đó đi.

Cố Giáo sư Lê Tôn Hiến.

Khi tìm hiểu về kỹ năng tự học của nhiều học giả thời trước như các cụ Nguyễn Hiến Lê, cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, mình khá choáng ngợp với số lượng tài liệu khổng lồ các cụ đã đọc qua trong đời để viết nên những cuốn sách bất hủ để đời. Các cụ không chỉ đọc mà còn gạn lọc, ghi chép lại để lưu trữ một cách có hệ thống trong một quyển sổ riêng. Mỗi quyển sổ lại được phân theo đề mục, chủ đề, tác giả, v.v. một cách rất bài bản để có thể tiện tra cứu lại khi cần. Có thể nói các quyển sổ lưu trữ thông tin này của các cụ không khác gì một… thư viện bách khoa tổng hợp thu nhỏ.

Phương pháp lưu trữ theo lối truyền thống như trên đến bây giờ vẫn còn khá nhiều người áp dụng, đặc biệt là dân viết lách chuyên nghiệp như phóng viên, nhà báo, nhà văn, copywriter,… Tuy nhiên, trong các lĩnh vực, ngành nghề khác, đa số mọi người đều không có thói quen lưu trữ kiểu này.

Từ câu chuyện của thầy mình cùng các vị tiền bối, mình nghĩ ra phương pháp tạo lập bộ não thứ hai cho riêng mình, nhưng dĩ nhiên hiện đại hơn ở chỗ số hóa thông tin lên mạng thay vì ghi chép bằng tay. Phương pháp này có thể tóm gọn trong mấy bước như sau:

  • B1: Dùng Google Docs để tạo một file Docs về một chủ đề lớn bạn muốn học hỏi và phát triển trong kiếp sống này. VD: Marketing, Kỹ năng sống, Tâm linh, Kinh tế – tài chính, Học tiếng Anh…
  • B2: Trong mỗi file Docs, ở mỗi chủ đề lớn bạn sẽ chia thành nhiều chủ đề con và dùng tính năng Heading của Docs để tạo lập danh mục cho dễ nhìn.
  • B3: Khi đọc, học và tiếp nhận bất kỳ thông tin nào thấy hay và bạn nghĩ tương lai sẽ cần dùng tới hay cần tham khảo lại, đánh máy lại thông tin đó để lưu trữ vào chủ đề con tương ứng trên file Docs.
Một file Docs tập hợp các cuốn sách mình đã đọc theo chủ đề.

Một số lưu ý quan trọng:

  • Bạn nên tập hợp các file Docs vào chung một folder trên Google Drive để dễ quản lý. Tối đa chỉ nên có 5 file Docs chủ đề lớn để tránh lan man (tập trung vào chiều sâu mỗi lĩnh vực bạn quan tâm thay vì chiều rộng).
  • Tận dụng tính năng format của Docs để tạo Heading (Title, H1, H2,…) kết hợp bôi đậm, tô màu chữ,… để file lưu trữ trở nên sống động và dễ nhìn hơn (nếu rảnh).
  • Chỉ dùng Google Docs, không dùng Word offline để lưu trữ (có mất máy tính cũng chẳng sợ).
  • Không nhất thiết phải đánh máy lại ngay thời điểm bạn tiếp nhận thông tin, mà có thể dành ra một khoảng thời gian rảnh trong ngày hay trong tuần để thực hiện việc này.
  • Nếu lười đánh máy thì có thể chụp ảnh lại (với sách, tài liệu) để lưu trữ.

Điểm gây cản trở lớn nhất của phương pháp tạo lập bộ não thứ hai là việc đánh máy lại thông tin từ các tài liệu bạn đã đọc, học. Việc đánh máy này tương đối tốn công sức và thời gian, và rất dễ gây nản lòng chiến sĩ. Nhưng tin mình đi, khi đánh máy lại thì khả năng ghi nhớ thông tin của bạn sâu hơn rất nhiều, và bạn sẽ được dịp suy ngẫm lại thông tin đó ở một chiều kích sâu sắc hơn – như thể bạn là tác giả và đang viết ra ý tưởng của chính mình vậy.

Khi áp dụng phương pháp tạo lập bộ não thứ hai, lợi ích bạn có được là:

  • Có thể tra cứu lại bất kỳ thông tin nào bạn đã lưu trữ, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu (miễn là có mạng Internet, mà viễn cảnh không có mạng bây giờ hiếm lắm) chỉ với một vài từ khóa. Search phát là ra ngay và luôn.
  • Có thể connecting the dots (kết nối các điểm liên kết) để thấy được một bức tranh rộng lớn hơn của kiến thức, hay brainstorm (động não) được nhiều ý tưởng mới mẻ hơn. Bởi vì khi bạn search một từ khóa, bạn sẽ ra được vô số kết quả trong thư viện thông tin của bộ não thứ hai.
  • Hệ thống hóa kiến thức và số hóa thông tin theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Trên thế giới có tám chục vạn bồ chữ, biết đâu bạn là người nắm giữ được một trong số những bồ chữ đó.
  • Trở thành một người học sâu hiểu rộng và minh triết hơn trong kiếp sống này.

Kiến thức được chắt lọc và lưu trữ một cách hệ thống sẽ là chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của sự tự tin và viên mãn trong đời sống. Bởi lẽ, bộ não thứ nhất của bạn còn rất nhiều hạn chế và bạn không thể lưu trữ cả thế giới, nhưng bộ não thứ hai thì có thể.

Mỗi khi rảnh rỗi, bạn có thể đi dạo một vòng trong thư viện thông tin của bộ não thứ hai, mà ở đó, bạn chỉ có toàn thông tin chất như nước cất và như rượu vang được ủ lâu năm. Cảm giác đó, phải đến khi tạo lập và sở hữu một bộ não thứ hai thì bạn mới hiểu nó ép phê như thế nào.

Ở thành phố hơn 8 triệu người như TP.HCM hay Hà Nội, hay một đất nước hơn 95 triệu người như Việt Nam, không có nhiều người rảnh rỗi để làm chuyện “dở hơi” trên. Nhưng kể từ lúc đọc xong bài viết này, nếu bạn rảnh và thử áp dụng phương pháp bộ não thứ hai này, mình tin bạn sẽ sống một đời sâu sắc hơn trước đây rất nhiều.

Cập nhật 2023: Ở thời điểm hiện tại, mình đã chuyển sang dùng Notion để hệ thống và lưu trữ thông tin.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.