
Trong lịch sử tiến hóa của loài người, có một bản năng tự nhiên mà ai cũng có, không cần học hỏi ở bất cứ đâu, cũng không cần văn bằng cử nhân hay bất kỳ chứng chỉ nào chứng nhận. Đó là bản năng sư phạm tự nhiên bên trong mỗi người, hay nói cách khác, là thói thích lên lớp dạy dỗ người khác, dù cho mình không phải là thầy của họ.
Người càng nhiều chữ nghĩa, học rộng biết nhiều thì bản năng sư phạm lại càng mạnh mẽ. Hễ bất cứ ai nói điều gì mà không đúng, không trúng với những gì họ đã từng đọc, từng nghe, từng biết thì họ sẽ lần giở túi khôn của ta đây và vận áo ông đồ để lên lớp giảng cho đối phương một bài cho ra ngô ra khoai, nói cho tới khi nào đối phương cạn kiệt lý lẽ và bị dồn ép tới đường cùng mới thôi. Ngay cả những người ít chữ nghĩa, chỉ hiểu biết chút xíu thôi cũng đã có thể diễu võ dương oai thì những người nhiều chữ nghĩa còn hô phong hoán vũ tới cỡ nào?
Khi đi học, đi làm hay giao tế với bất cứ ai ngoài đời, hễ khi thấy ai phạm sai lầm hay không biết, không rành một vấn đề gì đó mà chúng ta hiểu biết nhiều hơn hay tường tận hơn họ, bản năng sư phạm bên trong ta lại trỗi dậy mà ta không bao giờ tự hỏi xem đối phương có thực sự muốn nghe ta dạy họ hay không.

Cái giá của sự miễn phí
Trước đây mình từng làm công việc marketing cho một công ty chuyên tổ chức các sự kiện miễn phí vì cộng đồng. Nhiệm vụ của mình là chạy quảng cáo (hay dùng bất kỳ cách thức nào) để kéo số lượng đăng ký sự kiện đạt mức KPI. Trung bình một sự kiện thường có khoảng 100 ghế ngồi, nhưng việc chạy marketing không chỉ đơn giản là làm sao có được 100 người đăng ký tham gia sự kiện. Trên thực tế, để có được 100 người đến tham dự, con số mục tiêu mình phải chạy thường là khoảng 500 đăng ký cho một sự kiện. Đồng nghĩa là cứ 5 người đăng ký thì chỉ có 1 người đến tham dự.
Tỉ lệ này là con số trung bình mà anh sếp mình đã thống kê qua cả chục năm tổ chức sự kiện, và về sau càng có xu hướng ngày càng thấp dần. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao người đăng ký không đến tham gia một chương trình có giá trị và ý nghĩa đối với họ – dù thực tế là họ đã tìm hiểu thông tin kỹ càng về chương trình rồi mới đăng ký?
Ở đây, có một điểm mình làm rõ hơn để bạn hiểu về bối cảnh, đó là trước 1 tuần diễn ra sự kiện thì hệ thống email tự động bên mình đã có email nhắc lịch tham dự. Và trước 1 ngày diễn ra sự kiện thì thậm chí còn có SMS thông báo lại thời gian, địa điểm. Nói chung, tấm thiệp mời trên bàn, thời gian, địa điểm cũng rõ ràng mà cuối cùng tỉ lệ đến vẫn rơi rớt.

Qua quá trình làm nghề một thời gian, mình mới tìm ra được câu trả lời cho vấn đề trên. Về cơ bản là người đăng ký thiếu tính cam kết khi tham gia, bởi vì sự kiện được tổ chức hoàn toàn miễn phí. Chính vì miễn phí và phổ biến cho cộng đồng như vậy nên họ không thực sự xem trọng giá trị mà chương trình đem lại cho bản thân họ, nên tâm lý chung là đi cũng được mà không đi thì cũng không sao, ít ra họ không mất mát gì hết. Ngược lại, nếu bạn đăng ký một sự kiện trả phí, dù giá trị rất nhỏ như một chiếc vé xem phim chỉ 100K hay một sự kiện có vé từ 500K tới vài triệu, bạn không dễ gì bỏ chiếc vé đó với tâm lý đi hay không đi cũng được, mà thực tế là bạn sẽ đảm bảo việc tham dự bằng mọi cách có thể nếu không muốn bị mất tiền.
Chung quy, việc cho hay tặng một thứ gì đó hoàn toàn miễn phí thường làm món đồ đó bị giảm hay mất đi giá trị vốn có của chúng (miễn bàn tới giá trị hiện kim như tiền hay vàng, bạc, kim cương, đá quý,…). Tương tự, việc bạn thích lên lớp giảng dạy cho người khác thì kiến thức đó với bạn là thứ có giá trị, là tri thức bạn học tập và tích lũy qua thời gian mới có được, nhiều khi phải trầy trật lắm mới có. Nhưng với người nghe, nó sẽ trở nên vô nghĩa và không có giá trị nếu trong thâm tâm họ không có nhu cầu hay hứng thú tiếp nhận những gì bạn dạy.
Lẽ vậy, điều cơ bản trước khi bạn bộc phát bản năng sư phạm của mình ra là nên tìm hiểu xem đối phương có thực sự cầu thị, có quan tâm và thực lòng muốn được bạn chỉ bảo hay không? Nếu xác định rõ ràng là không, thì tốt nhất bạn nên kiềm hãm bản năng sư phạm của mình lại. Lời nói có dát bạc vàng đá quý với người không muốn nghe thì cũng như đàn gãy tai trâu. Nói chi cho tốn nước bọt?

Nỗi lòng của người bị nghe giảng
Có lần một người quen muốn mời mình tham gia ghi hình một chương trình mà anh phụ trách, đơn giản chỉ là trả lời một vài câu phỏng vấn. Mình từ chối khéo và bảo chất giọng của mình không thích hợp để lên truyền hình, với mình cũng không ăn hình lắm. Chắc anh quen với những khách mời hay tỏ ra ngại như mình nên không bỏ cuộc ngay từ lần đầu mà thuyết phục mình thêm, rằng chất giọng em không đến nào nỗi nào, ngày xưa anh cũng từng bị chê giọng dở quá chừng mà giờ vẫn làm MC được đấy thôi, rồi anh kể về quá trình anh luyện giọng như thế nào. Rồi anh giảng tiếp cho mình bài làm thế nào để bình tĩnh thoải mái trước ống kính, rằng tâm lý chung ai lên hình lần đầu cũng vậy chứ đừng quá lo sợ, nếu run thì cứ hít thở sâu bla bla…
Có một điều anh không biết rằng, mình tốt nghiệp chuyên ngành phát thanh – truyền hình, từng học qua những môn như phát thanh hay dẫn chương trình truyền hình, talkshow, phóng sự truyền hình, v.v. Mình từng thực tập và làm việc bên lĩnh vực truyền hình, từng học qua không biết bao nhiêu khóa học và đọc sách về kỹ năng luyện giọng lẫn đọc truyền cảm chỉ để khắc phục vấn đề giọng nói của bản thân. Là một người từng làm nghề, mình thừa biết rằng chất giọng của mình không phù hợp với việc thu âm và ngoại hình của mình không ăn hình như ngoài đời, nên mình không thích show những điểm yếu của mình ra ngoài. Cơ bản đây là chuyên môn của mình và mình rành sáu câu vọng cổ nên không có nhu cầu nghe ai giảng làm thế nào để luyện giọng hay làm sao để tự tin thoải mái khi lên hình, thành ra khi thấy anh bước lên bục giảng để giảng bài, mình rất khó chịu và trong lòng đã tự động từ chối tiếp nhận.

Một cô bạn mình làm kế toán, có một ông sếp cũng có bản năng sư phạm dữ dội. Công việc kế toán vốn dĩ liên quan tới số liệu chỉ cần giao tiếp ngắn gọn, rõ ràng là được, nhưng ngặt một nỗi mỗi khi bạn thắc mắc một vấn đề gì đó trong công việc là sếp lại soạn cho một bài giảng cả tiếng đồng hồ, có khi mất nguyên cả buổi làm việc chỉ để nghe sếp giảng đầu đuôi câu chuyện, rồi thêm dẫn chứng, mở rộng, liên hệ, so sánh, lật một vấn đề tới lui xuôi ngược. Bạn cảm thán sếp bạn dân kế toán mà y như hồi xưa học sư phạm Văn, bao nhiêu thủ pháp làm văn nghị luận còn rành hơn một đứa vốn học chuyên Văn là bạn.
Nhưng vấn đề là bạn đâu có hứng thú và có nhu cầu muốn nghe sếp giảng, trong khi công việc đăng đăng đê đê còn cả mớ chưa làm. Nghe nửa tiếng đã thấy lùng bùng lỗ tai rồi còn bắt nghe 3-4 tiếng đồng hồ ai mà chịu cho nổi? Nhân viên thắc mắc chỗ nào thì trả lời ngắn gọn chỗ đó là được rồi, còn không thì gửi tài liệu tham khảo cho tự nghiên cứu đi chứ ai mượn giảng. Nghe bạn kể, mình cũng cảm thán hai câu ca dao cho đúng điệu dân học Văn:
“Rượu nhạt uống mãi cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Sức mạnh bộc phát của bản năng sư phạm
Bản thân mình là người nhận thức vấn đề bản năng sư phạm từ lâu, nhưng có đôi lúc lý trí bị lấn át thì bản năng vẫn bị bộc phát một cách không kiểm soát được, mãi đến khi nói xong mới thấy mình nói quá nhiều và nói những chuyện không cần thiết phải nói khi đối phương căn bản vốn không muốn tiếp nhận. Mô thức này cũng xuất phát từ việc mình từng làm quản lý một thời gian tương đối lâu, đã quen với việc chỉ bảo nhân viên, đội nhóm cách phải làm việc như thế nào cho chuyên nghiệp hay hiệu quả, nên tới khi không còn làm quản lý nữa thì đôi khi vẫn cứ leo lên bục giảng lên lớp đồng nghiệp.
Trong môi trường công sở, đặc biệt là khi bạn làm việc với đồng nghiệp là những bạn gen Z, bạn sẽ chứng kiến những cách làm sai, tư duy hay thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp,… Mà ở cương vị một người lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, bạn thừa biết cách làm sao cho đúng và cho tốt để không gây ra bất cứ hậu quả nào về sau. Chính vì cái tâm lý đó mà nhiều người hay thích lên lớp chỉ bảo đàn em phải làm thế này thế nọ, các em làm như vậy là không đúng đâu, v.v. Nhưng thực tế kinh nghiệm của mình ghi nhận là hầu hết các bạn ấy không để tâm và không thực sự lắng nghe, chỉ là nghe rồi bỏ ngoài tai, xong rồi vẫn cứ làm theo cách các bạn ấy cho là đúng. Bởi vậy có những thứ “người già” phải để cho lớp trẻ làm sai, vấp cục đá té sấp mặt luôn cho biết đau thì mới tự rút kinh nghiệm được, chứ đừng dễ dàng chỉ hết sẵn chỗ nào có ổ voi ổ gà em ơi nhớ né ra nha em thì lớp trẻ sẽ không bao giờ học hỏi và trưởng thành được.

Có đôi lúc đang trao đổi với đồng nghiệp, đặc biệt là những người ngang tầm tuổi mình hay có khi lớn hơn mình, thì đột nhiên cuộc nói chuyện bắt đầu chuyển dần sang hướng tranh luận vì hai bên khác biệt quan điểm. Có những vấn đề bản thân mình biết mình am hiểu hơn đối phương nhiều và có đủ cơ sở lý luận, dẫn chứng để có thể bác bỏ lập luận của đối phương. Khi đó bản năng sư phạm của mình lại bắt đầu trỗi dậy để rục rịch quyết một trận sống mái coi ai hiểu biết hơn ai. Nhưng thường là mình sẽ lựa chọn dừng lại và thôi không tranh luận sâu hơn, mà cứ để cho đối phương hiểu và tin như vậy, vì mỗi người đều có cách kiến giải riêng đối với thế giới này, mình không cần áp đặt hiểu biết hay quan điểm của mình lên họ. Vấn đề này bạn đọc lại càng nên để tâm trong hai lĩnh vực là tôn giáo và chính trị, vì đây là hai phạm trù dễ dẫn tới tranh luận vô ích khi niềm tin và quan điểm của mỗi người vốn dị biệt.
Một cô em người quen của mình từng bày tỏ em muốn theo đuổi con đường sự nghiệp giống mình. Nhưng khi mình thử làm một bài kiểm tra nhỏ bằng cách hỏi em vài vấn đề chuyên môn, thì em trả lời trật bét. Em thiếu khá nhiều kiến thức cơ bản và chưa thực sự hiểu về cái nghề em đam mê, và vẫn còn khá mơ hồ, vô định trong việc biến ước mơ thành hiện thực. Đứng trước một ca như vậy, thực sự bản năng sư phạm trong mình trỗi dậy mãnh liệt, ngay lập tức mình chỉ muốn lên đồ ngay để lên bục giảng giảng cho em một bài từ góc độ của một người đã làm nghề và từng trăn trở giống như em. May thay, tiếng nói lý trí trong đầu mình kịp thời cầm cương con ngựa sư phạm đang lồng lộn: “Khoan, dừng lại khoảng 2 giây”. Ủa, bạn đâu có trực tiếp hỏi mình và nhờ mình chỉ bảo. Bạn cũng đâu có thỉnh mời mình đi cà phê hay đi ăn gì đó để chỉ giáo cho bạn. Vậy tự nhiên mình khơi khơi lên lớp giảng bài làm gì? Chắc gì đã bạn muốn nghe mình giảng?

Thời Tam quốc, Lưu Bị để chiêu mộ được nhân tài là Gia Cát Lượng phải “tam cố thảo lư” (ba lần tới lều cỏ) để thỉnh mời ông xuất sơn phò tá. Thời xưa, một người bình thường muốn bái sư học đạo có khi quỳ trước hang động hay trước cửa chùa cả tháng trời, hay phải dâng lên tài vật quý giá cúng dường, hay làm việc không công cho vị sư phụ đó nhiều năm trời thì mới được thâu nhận làm đệ tử hay được chỉ điểm một vấn đề gì đó. Kiến thức hay kinh nghiệm người ta khổ công dùi mài tích lũy hay tu luyện cả đời mới ngộ ra được đâu phải muốn lên hỏi cái thì người ta trả lời phát một dễ ăn của ngoại như vậy. Mà bởi có tinh thần cầu học như vậy thì thứ họ được truyền dạy lại mới trở nên vô giá.
Ngày nay, kiến thức hay thông tin là cứ có nhan nhản trên mạng, Google phát là ra nên rẻ như bèo. Nhưng tri thức và kinh nghiệm cá nhân là những thứ đáng giá, mà thứ đáng giá thì bạn chỉ nên chia sẻ cho những ai xứng đáng và có lòng cầu học, đừng nên truyền dạy một cách quá dễ dàng. Biết cách kiềm hãm bản năng sư phạm bên trong bạn lại thì bạn đã đạt tới một level cao hơn của sự khiêm tốn.