Sống cùng thế giới phim ảnh trong một thời gian dài, mình nhận ra rằng có những bộ phim xuất hiện một cách rất ngẫu nhiên trong đời mình và vào rất đúng thời điểm, như một thông điệp mà vũ trụ muốn nhắn gửi đến mình. Trong một dịp lang thang trên mạng tìm phim để xem, vô tình mình bắt gặp poster phim Kỳ hồn về đề tài cờ vây và quyết định chọn xem bộ này vì lâu rồi chưa xem một bộ phim nào về các môn thể thao trí tuệ sau bộ phim The Queen’s Gambit (thật trùng hợp khi cả hai bộ phim về cờ này đều lên sóng vào năm 2020).

Khi mới xem tập đầu của Kỳ hồn, mình thấy ngờ ngợ vì tình tiết phim quen quen, đến khi tìm kiếm thông tin về phim mình mới biết hóa ra đây là bộ phim Trung Quốc chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Hikaru no Go (Hikaru – Kỳ thủ cờ vây) của Nhật Bản xuất bản năm 1998.

Hoài niệm về “Hikaru – Kỳ thủ cờ vây”

Sở dĩ mình có ấn tượng như vậy bởi mình từng đọc qua bộ truyện “Hikaru – Kỳ thủ cờ vây” hồi nhỏ, vào khoảng năm lớp 2, bằng ngay tầm tuổi của nhân vật chính Thời Quang trong phim. Mình còn nhớ như in quãng thời gian học tiểu học đó, mình còn là một cậu nhóc mê đọc truyện tranh, lóc cóc đạp chiếc xe đạp mini tận mấy cây số đến cửa hàng cho thuê truyện tranh ở xóm nhà đứa bạn học cùng lớp. Hồi đó muốn thuê truyện tranh phải đóng phí đặt cọc, nhưng nhờ đứa bạn “bảo kê” theo diện người quen mà mình không phải đóng phí.

Đến bây giờ, sau hơn 20 năm, mình vẫn còn nhớ bộ truyện “Hikaru – Kỳ thủ cờ vây” nằm ở dãy kệ nào và căn tiệm đó ra sao. Đây cũng là một trong những bộ truyện đầu tiên mình thuê và đọc mê mẩn, dù với trí óc non nớt của một cậu nhóc học sinh lớp 2 thì hầu như khá mù mờ về cờ vây. Thú thực là, sau ngần ấy năm trôi qua, mình không còn nhớ gì về nội dung và tình tiết, mà chỉ nhớ mang máng về cốt truyện và vài nhân vật chính. Sau cùng, cái đọng lại trong mình qua thời gian là những cảm xúc về bộ truyện ấy, đó là thứ cảm xúc hồn nhiên, tinh khôi và nguyên vẹn của một đứa trẻ khi lần đầu được tiếp xúc với một kiệt tác truyện tranh nổi tiếng.

Chính vì không có trí nhớ quá sâu đậm như thế, đó cũng là điều may mắn khi mình xem phim Kỳ hồn ở độ tuổi trưởng thành, bởi mình không quá chấp niệm vào nguyên tác như một số fan của bộ truyện này. Mình chỉ đơn giản là đón nhận bộ phim từ góc độ của một người đam mê phim ảnh.

Linh hồn trong bàn cờ vây

Nhân vật Thời Quang lúc nhỏ

Bối cảnh của bộ phim Kỳ hồn diễn ra vào năm 1997, thời điểm Hongkong được trao trả về Trung Quốc nên không gian phim cũng rất hoài niệm về một thời đã qua. Nhân vật chính Thời Quang là một cậu nhóc học sinh tiểu học 8 tuổi, rất đam mê chơi ô tô mô hình. Trong một lần lên căn gác xép của ông ngoại để lục lọi xem có món đồ nào đáng giá có thể bán kiếm tiền mua đồ chơi không, Thời Quang phát hiện một chiếc bàn cờ vây cũ, trên một ô cờ còn có dấu vết của một giọt nước mắt. Khi chạm vào giọt nước ấy, Thời Quang vô tình hóa giải phong ấn cho Chử Doanh – một kỳ thủ đệ nhất từng sống dưới thời Nam Lương và là người dạy cờ cho vua Lương Vũ Đế.

Nhân vật kỳ thủ Chử Doanh

Trong một trấn đấu cờ, Chử Doanh bị kẻ tiểu nhân vu oan giá họa và sau đó vì oan ức nên đã tự vẫn. Linh hồn của Chử Doanh không thể siêu thoát được mà bị phong ấn vào trong bàn cờ, khi gặp được người hữu duyên thì mới giải được phong ấn thoát ra ngoài. Với niềm đam mê chơi cờ mãnh liệt, Chử Doanh luôn tìm kiếm nước cờ thần thánh – nước đi có thể xoay chuyển cục diện trên bàn cờ một cách ngoạn mục, mà nếu tìm được thì linh hồn anh mới có thể rời khỏi thế gian được. Trong vài trăm năm sau khi mất, Chử Doanh từng có duyên gặp Tiểu Bạch Long – kỳ thủ Bạch Tử Cù nổi tiếng sau này – nhưng tiếc là khi chưa tìm được nước cờ thần thánh thì Tiểu Bạch Long đã mất sớm.

Một phân cảnh dễ thương trong phim, y như bộ hoạt hình “Hàng xóm của tôi là Totoro”

Trải qua đến hơn một ngàn năm sau, Chử Doanh mới được Thời Quang giải thoát khỏi bàn cờ và mối nhân duyên của cả hai bắt đầu từ đây. Nhờ sự chỉ dẫn của Chử Doanh, Thời Quang từ một cậu nhóc không biết gì về cờ vây có thể thắng nhiều trận cờ liên tiếp và đoạt giải nhất cuộc thi cờ vây ở tuổi nhi đồng, được báo chí tung hô là thần đồng cờ vây. Vốn nghĩ cờ vây là bộ môn chán ngắt chỉ dành cho người già như ông ngoại mình, Thời Quang nghĩ rằng chỉ cần cho Chử Doanh đấu một trận cờ với quán quân thế giới Du Hiểu Dương thì anh sẽ tìm ra được nước cờ thần thánh.

Ai ngờ rằng khi biết sự thật một kỳ thủ có thể phải mất cả đời mới tìm được nước cờ thần thánh đó, Thời Quang tức giận cho rằng Chử Doanh đã lừa gạt mình và tuyên bố không bao giờ chơi cờ vây nữa, cũng như yêu cầu Chử Doanh đừng xuất hiện trước mặt cậu nữa. Kể từ thời điểm đó, Chử Doanh hoàn toàn biến mất và không còn xuất hiện trong đời sống của Thời Quang.

Chu du trong thế giới cờ vây

Phần tóm lược trên chỉ là khúc dạo đầu của bộ phim Kỳ hồn, khi nhân vật chính của bộ phim còn nhỏ tuổi và trẻ trâu. Diễn biến chính của phim sau đó diễn ra ở giai đoạn 6 năm sau, khi Thời Quang là một cậu thiếu niên cuối cấp hai (lúc này do diễn viên Hồ Tiên Hú đóng). Trong 6 năm liền, Thời Quang không còn đụng vào bàn cờ vây, nhưng vì cái mác thần đồng cờ vây mà cậu bị một đàn anh khóa trên thách đấu, ai thua cuộc sẽ bị ném xuống hồ nước. Kết cục không nằm ngoài dự đoán, Thời Quang thua cuộc và tự nhảy xuống nước, nhưng đó cũng là thời khắc cậu gặp lại được Chử Doanh để rẽ sang một chương mới của cuộc đời mình.

Nhân vật Thời Quang sau 6 năm

Từ một cậu nhóc học sinh bình thường, học hành tàng tàng, nhưng nhờ Chử Doanh mà Thời Quang bắt đầu bén rễ lại với môn cờ vây và dần yêu thích nó lúc nào không hay. Đối với người chơi cờ vây, mục tiêu lớn nhất của họ là trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp và được phân hạng. Kỳ thủ ở đây không chỉ là một danh hiệu mà còn là một sự nghiệp. Trở thành kỳ thủ và đầu quân vào một câu lạc bộ nào đó là một nghề nghiệp chỉ dành cho người có năng khiếu và được trả lương, khi đi thi đấu các giải thưởng lớn thì còn được tiền thưởng. Khi sớm xác định được đam mê lớn nhất đời mình, Thời Quang lựa chọn dừng lại việc học ở trường và bước vào con đường trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, mà bước đầu tiên là theo học ở viện cờ Dịch Giang Hồ và tham gia thi đấu phân hạng.

Nhân vật Du Lượng – đối thủ của Thời Quang

Song hành với hành trình của nhân vật chính Thời Quang là đối thủ của cậu – Du Lượng (diễn viên Hách Phú Thân đóng), con trai của quán quân cờ vây thế giới Du Hiểu Dương. Trái ngược hoàn toàn với Thời Quang, Du Lượng là một thần đồng cờ vây có năng khiếu từ nhỏ có tính khí như một ông cụ non. Gia đình Du Lượng là chủ sở hữu của hội quán Vấn Đạo Hắc Bạch, lúc nhỏ ngày nào cậu nhóc cũng ngồi bày cờ ở hội quán và hướng dẫn cờ cho những bác lớn tuổi. Khi Thời Quang 8 tuổi hồn nhiên bước vào hội quán thách đấu với Du Lượng và làm cho cậu nhóc bại trận hoàn toàn, đó là cú sốc to lớn đầu đời của Du Lượng bởi Thời Quang chỉ mới học chơi cờ vây… 1 ngày. Du Lượng hoàn toàn không biết rằng đằng sau Thời Quang còn có linh hồn của Chử Doanh chỉ điểm từng nước cờ.

Cặp kỳ phùng địch thủ Thời Quang vs Du Lượng

Sau màn tái đấu, Du Lượng tiếp tục thua tập hai và uất ức tới mức bỏ đi sang Hàn Quốc tập luyện 6 năm ròng rã chỉ để chờ một cơ hội quay trở lại thách đấu với Thời Quang. Hai cậu nhóc Thời Quang và Du Lượng có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau – một bên thì năng động, hoạt bát, còn một bên thì trầm ổn, điềm tĩnh. Đôi oan gia ngõ hẹp này mỗi lần gặp nhau là sát phạt nhau tơi tả. Thứ Du Lượng thực sự theo đuổi là hình bóng của Chử Doanh (nhưng cậu lại lầm tưởng đó là năng lực thực sự của Thời Quang), chính áp lực này cũng khiến cho Thời Quang luôn phải nỗ lực không ngừng để bắt kịp khả năng chơi cờ của Du Lượng. Cả hai giống như mặt trăng và mặt trời luôn không ngừng chạy đua với nhau.

Những dư âm từ bộ phim “Kỳ hồn”

Với mình, một bộ phim hay là bộ phim có thể đưa mình vào trạng thái “flow” (dòng chảy), để mình hoàn toàn chìm đắm trong thế giới của phim mà quên mất đi thực tại. Không phải bộ phim nào cũng có khả năng đưa mình vào trạng thái như thế, và Kỳ hồn là một bộ phim hiếm hoi cuốn mình đi vào từng tập phim theo hành trình của nhân vật Thời Quang. Nguyên tác của bộ truyện “Hikaru – Kỳ thủ cờ vây” đã quá xuất sắc nên kịch bản của phim cũng có sức nặng rất lớn, mặc dù phim chuyển thể có thay đổi một số tình tiết cho phù hợp với văn hóa cờ vây của Trung Quốc. Một câu chuyện hay và được kể một cách tài tình quả thực có thể phá bỏ bất cứ thành trì vững vàng vào để chạm vào được trái tim của khán giả.

Có cơ duyên xem Kỳ hồn với mình là một sự may mắn, bởi bộ phim mở ra cho mình một thế giới của những điều đẹp đẽ và đáng trân quý, đồng thời cũng đầy ắp giá trị nhân văn sâu sắc.

Đó là một thế giới cờ vây nơi những thiếu niên có thể sống với đam mê chơi cờ mãnh liệt. Cờ vây với họ là lẽ sống, là chân ái của cuộc đời. Một bàn cờ chỉ với hai quân trắng – đen nhưng có thể thâu tóm cả càn khôn vũ trụ với hàng vạn nước đi và biến số không thể ngờ tới được. Hãy nhớ rằng cờ vây là bộ môn trí tuệ duy nhất từng được Google cho trí tuệ nhân tạo Alpha Go thi đấu với kỳ thủ cửu đẳng Lee Sedol của Hàn Quốc. Nhân vật Thẩm Nhất Lãng trong phim có một cảm thán rất hay rằng, trong những năm tháng vô định của tuổi thiếu niên, cậu cảm thấy bản thân rất may mắn khi biết tới cờ vây và nuôi dưỡng đam mê với nó tới hiện tại. Có mấy ai trong chúng ta sớm phát hiện ra một đam mê nào đó thời niên thiếu và dám can đảm nó theo đuổi tới cùng?

Mẹ là ánh sáng của Thời Quang

Đó là tình mẫu tử ấm áp được bộc lộ qua những chi tiết gần gũi đời thường của hai mẹ con Thời Quang. Thời Quang là một cậu bé sống trong gia đình đơn thân, từ nhỏ đã thiếu vắng bóng dáng của người bố. Giống như bao phụ huynh khác, khi biết Thời Quang đam mê cờ vây và muốn trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, mẹ cậu hết sức lo lắng và tìm cách cấm cản cậu đủ đường, bởi vì đó là một con đường hết sức chông gai và khó khăn. Không có bậc cha mẹ nào muốn con cái của mình sau này phải khổ. Nhưng trước đam mê mãnh liệt của Thời Quang, mẹ cậu đã có sự chấp nhận, bao dung và thấu hiểu để tiếp bước ước mơ cho con trai.

Sự quan tâm tinh tế của mẹ Thời Quang trong phim ở nhiều tình huống làm mình thực sự rất cảm động. Ngay cả khi Thời Quang yếu đuối nhất và quyết định từ bỏ việc chơi cờ vây, mẹ cậu không mắng nhiếc hay trách móc con vì đã không chịu nghe lời mẹ ngay từ đầu, mà vẫn âm thầm ủng hộ mọi quyết định của cậu.

Đó là tình bạn sâu sắc, nghĩa khí giữa Thời Quang và bộ tam Ngô Địch, Cốc Vũ, Giang Tuyết Minh trong câu lạc bộ cờ vây của trường, cũng như tình bạn với nhóm anh em Hồng Hà, Thẩm Nhất Lãng ở ký túc xá của viện cờ Dịch Giang Hồ.

Một Ngô Địch đam mê chơi cờ từ thuở bé nhưng phải gác lại đam mê khi nhận ra mình không thể đi được đường dài với bộ môn này. Một Cốc Vũ luôn ghen tị nhưng cũng rất nể phục Thời Quang, bởi cậu có đam mê rất lớn với cờ vây nhưng năng lực có hạn. Một Giang Tuyết Minh là bạn thanh mai trúc mã luôn đồng hành và thầm lặng thích Thời Quang. Một Hà Gia Gia chấp niệm với việc bị thua cờ lúc nhỏ mà từ bỏ cờ vây.

Một Hồng Hà – Hồng thiếu hiệp hài hước, rộng lượng và rất hào hiệp với bạn bè, người đam mê với cờ vây nhưng lại gặp rào cản từ gia đình. Một Thẩm Nhất Lãng có thực tài nhưng lại lận đận đường thi cử nên thi cờ vây bao nhiêu năm vẫn chưa được phân hạng. Một Bạch Tiêu Tiêu can đảm theo đuổi tình yêu và mạnh mẽ bắt đầu lại con đường khác khi đã quá tuổi phân hạng. Mỗi nhân vật trong phim đều có một câu chuyện riêng như một mảnh ghép nhỏ làm cho bức tranh của bộ phim thêm đa sắc màu.

Đó là mối tâm giao gắn kết đặc biệt giữa Thời Quang và linh hồn của Chử Doanh. Chử Doanh vừa là thầy mà cũng là bạn của Thời Quang, bởi mọi tâm tư, suy nghĩ thầm kín của cậu đều bị anh đọc thấu. Cuộc sống của Thời Quang nhờ có Chử Doanh mà mới trở nên phong phú và vui vẻ đến như vậy. Tuy cậu nhóc luôn suốt ngày càm ràm chuyện Chử Doanh cứ lải nhải suốt bên tai mình nhưng khi Chử Doanh hoàn toàn biến mất, Thời Quang lại trở nên suy sụp tới mức mất ăn mất ngủ như người vô thần và từ bỏ luôn cả việc chơi cờ.

Hai phân cảnh trái ngược rất xúc động trong phim

Cuộc vui nào cũng có lúc chia ly, Thời Quang cứ ngỡ Chử Doanh sẽ luôn đồng hành chơi cờ cùng mình tới cuối đời, nhưng không ngờ được rằng Chử Doanh lại rời đi quá sớm. Sự sụp đổ của Thời Quang khiến cho mình càng thấm thía đạo lý “có không giữ, mất đừng tìm”. Khi chúng ta không biết trân trọng những người thương yêu quanh mình, đến khi họ ra đi, ta sẽ sống phần đời còn lại trong sự dằn vặt và đau khổ. Không có Chử Doanh, Thời Quang không còn tìm thấy chút niềm vui nào trong việc chơi cờ nữa.

Đó là ý nghĩa của sự đối đầu và cân bằng trong mối quan hệ kỳ phùng địch thủ giữa Thời Quang và Du Lượng. Với người chơi cờ vây chuyên nghiệp như Du Lượng, cậu sớm nhận ra rằng hành trình của người chơi cờ vây rất đơn độc, nhưng cha cậu đã khai sáng cho cậu rằng cờ vây là bộ môn luôn cần thế đối trọng của hai người – giống như bàn cờ phải luôn có quân trắng và quân đen.

Ngay từ nhỏ, Du Lượng đã luôn rất cô đơn và thiếu vắng sự quan tâm từ người cha là kỳ thủ nổi tiếng, chính việc theo đuổi hình bóng của Chử Doanh nơi Thời Quang đã cho cậu một mục tiêu, một niềm hứng thú và cuối cùng là một người bạn tâm giao đồng hành. Bề ngoài hai cậu nhóc này luôn đấu khẩu với nhau như nước với lửa, nhưng bên trong lại âm thầm quan tâm tới đối phương. Chín năm luôn đối đầu và theo dõi hành trình của nhau từng bước một khiến cho cả hai hiểu nhau tới từng đường tơ kẽ tóc. Đó cũng là tiền đề để cả hai có thể chơi cờ đôi sau này và trở thành một cặp kỳ thủ bất khả chiến bại giành cúp quốc tế.

Cảm ơn bộ phim Kỳ hồn vì đã xuất hiện ở giai đoạn này trong cuộc đời mình, để mình được khóc, được cười và được sống trọn vẹn trong thế giới của cờ vây, cũng như được hoài niệm lại một đoạn ký ức đẹp của tuổi thơ. Bộ phim này là tác phẩm đầu tay của hai diễn viên chính đóng vai Thời Quang và Du Lượng, lúc mới ra mắt phim được khán giả chấm điểm và đánh giá rất cao. Mặc dù ở thời điểm phát sóng, dàn diễn viên trong phim đều thuộc dạng non trẻ và chưa có tên tuổi, nhưng nét diễn chân thật và hồn nhiên, đúng lứa tuổi của các bạn trong phim đã đem lại sự tự nhiên rất lớn cho Kỳ hồn. Quả nhạc phim mỗi pha ra sân đấu cờ cũng rất ấn tượng và màu phim lẫn hiệu ứng hình ảnh trong phim rất gợi nhớ về những năm đầu thập niên 2000.

Một bộ phim đáng xem và cũng rất đáng nhớ dù tác phẩm gốc đã ra đời cách đây hơn 20 năm.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx